Khi sự tự tin bị bào mòn: bí ẩn sự ra đi của phụ nữ trong ngành STEM

Mặc dù tỷ lệ phụ nữ trong STEM đã tăng lên trong vài thập kỷ qua, khoảng cách giới vẫn rất đáng kể khi phụ nữ chỉ chiếm khoảng 28% lực lượng lao động STEM trên toàn cầu.

Một nghiên cứu mới đây trên tạp chí Social Forces cho thấy việc bị từ chối trong quá trình tìm việc khiến phụ nữ giảm sự kiên trì theo đuổi lĩnh vực nghề nghiệp mà nam giới chiếm ưu thế, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin (CNTT) và lập trình máy tính.

Theo giáo sư Tiantian Yang thuộc Trường Wharton, tác giả nghiên cứu, sự từ chối không chỉ khiến phụ nữ giảm dần việc nộp đơn xin việc trong lĩnh vực công nghệ mà còn có xu hướng tìm việc ở những ngành nghề khác hoặc thậm chí ngừng tìm kiếm hoàn toàn.

Xu hướng này đang góp phần vào hiện tượng “lỗ hổng” trong các ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học), nơi phụ nữ và các nhóm thiểu số tham gia vào những ngành nghề này nhưng rồi rời bỏ khi tham vọng của họ bị dập tắt bởi những trải nghiệm về phân biệt đối xử, sự cô lập hay thiếu cơ hội phát triển.

Khi sự tự tin bị bào mòn: bí ẩn sự ra đi của phụ nữ trong ngành STEM

Chúng tôi thường thấy nhiều bạn gái trẻ lựa chọn theo đuổi các chuyên ngành STEM, nhưng sau đó lại đổi hướng sang lĩnh vực khác khi gặp phải trải nghiệm tiêu cực”, giáo sư Yang nhận định. "Điều này góp phần làm giảm số lượng phụ nữ trong STEM theo thời gian. Việc duy trì trong các lĩnh vực này là thách thức đối với nhiều phụ nữ, không chỉ vì cơ hội hạn chế mà còn vì nhận thức về bản thânKỳ vọng về giới tính cũng có thể khiến việc kiên trì tìm việc trở nên đặc biệt khó khăn sau khi đối mặt với những lời từ chối lặp đi lặp lại”.

Là một người nghiên cứu về bất bình đẳng chủng tộc và giới tính trong lực lượng lao động, giáo sư Tiantian Yang cho biết định kiến rằng nam giới có năng lực vượt trội về toán học và công nghệ vẫn phổ biến tại nhiều nền văn hóa, bất chấp bằng chứng khoa học cho thấy không tồn tại sự khác biệt bẩm sinh về năng lực. Những niềm tin này len lỏi vào cơ cấu tổ chức, tác động trực tiếp đến các quyết định tuyển dụng, thăng tiến và cuối cùng là cách phụ nữ nhìn nhận giá trị của chính mình.

"Phụ nữ nhận thức được những thành kiến của nam giới trong các lĩnh vực đó thông qua kinh nghiệm của bản thân hoặc nghe từ người khác", bà nói. "Sự nhận thức đó khiến họ có nhiều khả năng thay đổi chiến lược tìm việc khi bị từ chối".

Hệ lụy tâm lý từ những lần bị từ chối

Để tìm hiểu sâu hơn, nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 700.000 đơn ứng tuyển cho hơn 200.000 vị trí công việc hợp đồng do hơn 70.000 nhà tuyển dụng đăng tải trên một nền tảng trực tuyến trong vòng 12 năm, từ năm 2000 đến cuối năm 2012.

Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ bị từ chối hợp đồng trong các lĩnh vực CNTT và lập trình ít có xu hướng tiếp tục nộp đơn hơn so với nam giới trong tình huống tương tự. Trong khi ở những công việc như viết lách và dịch thuật, vốn được coi là “công việc nữ tính”, lại không phát hiện sự khác biệt đáng kể về hành vi giữa nam và nữ.

"Về cơ bản, không có ảnh hưởng nào lên hành vi ứng tuyển đối với các công việc được xem là dành cho nữ. Tôi nghĩ lý do có thể là nam giới có xu hướng tự tin hơn vào khả năng giới tính và có xu hướng quyết đoán hơn trong việc theo đuổi sự nghiệp, yêu cầu mức lương cao hơn và thăng tiến", bà cho biết.

Theo giáo sư, điều này phần nào xuất phát từ sự tự tin vốn được bồi đắp từ nhỏ. Nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng các bé trai thường đánh giá cao năng lực của mình, còn các bé gái lại hay tự hạ thấp bản thân, ngay cả khi kết quả thực tế của họ ngang bằng.

Khi sự tự tin bị bào mòn: bí ẩn sự ra đi của phụ nữ trong ngành STEM

Yang và các cộng sự nhấn mạnh rằng, dù việc bị từ chối là trải nghiệm phổ biến trong quá trình tìm việc, rất ít người dám công khai chia sẻ. Điều này giống như mạng xã hội, nơi mọi người chỉ kể về những điều tốt đẹp.

“Trên thực tế, sự từ chối có thể làm nản lòng sâu sắc và thay đổi hoàn toàn cách phụ nữ tiếp cận cơ hội nghề nghiệp. Đây là yếu tố không thể xem nhẹ nếu muốn giải quyết bất bình đẳng giới”.

Mặc dù nghiên cứu tập trung vào CNTT và lập trình máy tính, kết quả có thể khái quát hóa cho bất kỳ lĩnh vực nào do nam giới thống trị.  

Ví dụ như một nghiên cứu năm 2017 từng chỉ ra rằng các nữ giám đốc điều hành có nhiều khả năng phỏng vấn lại với công ty từng từ chối họ trong quá khứ, trong khi nam giới không bị ảnh hưởng nhiều. Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng phụ nữ trong các lĩnh vực do nam giới thống trị lo ngại về sự phân biệt đối xử hơn là năng lực của chính họ.

"Điểm mấu chốt là chừng nào các chuẩn mực giới tính còn tồn tại, chúng sẽ định hình cả hai phía của thị trường lao động – các quyết định tuyển dụng của nhà tuyển dụng và hành vi của người tìm việc. Những chuẩn mực này không chỉ ảnh hưởng đến cách các ứng viên được nhìn nhận; chúng còn định hình cách các cá nhân điều hướng quá trình tìm việc", bà Yang nói.

Giải pháp thu hẹp khoảng cách

Theo giáo sư Yang, cả nhà tuyển dụng và người tìm việc đều có vai trò trong việc giữ chân phụ nữ ở lại STEM. Về phía doanh nghiệp, một trong những bước đi quan trọng nhất là tăng cường sự minh bạch trong tuyển dụng. Điều này bao gồm việc công bố rõ ràng tiêu chí đánh giá, mô tả chính xác yêu cầu công việc, chủ động rà soát và giảm thiểu các định kiến vô thức.

Khi sự tự tin bị bào mòn: bí ẩn sự ra đi của phụ nữ trong ngành STEM

Bên cạnh đó, việc chia sẻ thông tin như số lượng ứng viên cạnh tranh cho mỗi vị trí cũng giúp ứng viên nhìn nhận sự từ chối một cách khách quan, thay vì quy mọi nguyên nhân về phía bản thân.

“Nhiều phụ nữ cảm thấy nản lòng hơn khi họ không rõ lý do bị từ chối”, bà Yang cho biết. "Họ có thể tự hỏi liệu nhà tuyển dụng có thích một ứng viên nam hơn không, hoặc họ nghi ngờ khả năng của chính mình. Một chút thông tin khách quan có thể giúp giảm bớt sự nghi ngờ đó".

Việc xây dựng quy trình tuyển dụng công bằng và rõ ràng không chỉ mang lại lợi ích cho phụ nữ mà còn khuyến khích nhiều người từ các nhóm thiểu số mạnh dạn ứng tuyển.

Đồng thời, phụ nữ - đặc biệt là những người mới bắt đầu sự nghiệp, cần chủ động chống lại những định kiến văn hóa về năng lực của họ. Mặc dù tự tin thôi có thể không đủ để vượt qua thành kiến, nhưng nó có thể củng cố quyết tâm của phụ nữ để kiên trì và khẳng định vị trí của họ trong các lĩnh vực do nam giới thống trị.

"Điều quan trọng là phụ nữ phải phản đối định kiến cho rằng họ kém cỏi hơn", giáo sư Yang cho biết. "Hãy tin tưởng vào bằng chứng về hiệu suất và kỹ năng của chính bạn. Đừng để sự từ chối khiến bạn nghĩ rằng mình không thuộc về nơi đó".

TM (theo wharton) LINK : https://phunumoi.net.vn/khi-su-tu-tin-bi-bao-mon-bi-an-su-ra-di-cua-phu-nu-trong-nganh-stem-d328180.html