Báo cáo nghiên cứu: “Trầm Cảm Sau Sinh”
Các tham luận tạm dịch gồm:
• Trầm cảm sau sinh (TCSS) – Nghiên cứu ở Hoa Kỳ, Jamaica, và Việt Nam (Post Partum Depression),
• Hiện tại và tương lai: Tạo đàm phán kết luận bản sắc cho trẻ em gái và phụ nữ trẻ ở Campuchia,
• Hơn cả giới: Một nghiên cứu thăm dò về nam giới chuyển đổi giới tính trong công nghệ tình dục ở Phnom Penh,
• Bị mắc kẹt trong nhà chứa: Tìm hiểu các trải nghiệm của trẻ em gái bị bán vào nhà chứa ở Mumbai,
• Tình hình trẻ em mâu thuẫn với pháp luật trong quá trình thực thi luật pháp,
• Nghiên cứu về việc sử dụng ghế ngồi an toàn xe hơi cho trẻ em ở những quốc gia đang trong giai đoạn chuyển đổi,
• Bị bán sang Malaysia: Những trải nghiệm của trẻ em lao động sớm ở Campuchia,
• Sự tham gia của Phật giáo trong lãnh vực an sinh xã hội ở vùng nông thôn Việt Nam,
• Thiếu nhân viên xã hội chuyên nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em,
• Thái độ của sinh viên Indonesia ngành Công Tác Xã Hội đối với nạn nhân hiếp dâm: Một số ứng dụng dành cho giáo dục công tác xã hội,
• Một số dịch vụ tâm lý xã hội cho trẻ em và thanh niên ở Miến Điện,
• Lạm dụng tình dục trẻ em: các cuộc phỏng vấn Forensic ở Hoa Kỳ và Campuchia,
• Decolozing giáo dục Công tác Xã hội ở Hawaii
***
Bà Doãn Thi Ngọc, Trung tâm Nghiên cứu Giới và Xã hội, Trường Đại học Hoa Sen cùng bà Jill Giordano, Viện Tim Mạch Gagnon, Hoa Kỳ và GS. Paul Dương Tran từ Đại học Thompson River, Canada trình bày tham luận về "Trầm Cảm Sau Sinh".
Nhóm nghiên cứu Việt, Mỹ, Canada muốn tìm hiểu và khám phá xem khách thể có suy nghĩ và hiểu biết gì về “Trầm Cảm Sau Sinh”. Ý kiến của khách thể là rất quan trọng vì sẽ là cơ sở để xây dựng tài liệu giáo dục sức khỏe cho nam và nữ và tất cả những người có con, không có con hoặc dự định có kế hoạch mang thai trong tương lai.
Tổng quan nghiên cứu:
1. Trầm cảm sau sinh (TCSS) là gì?
TCSS là những cảm xúc mạnh mẽ hòa quyện vào nhau như phấn khích, vui sướng cho đến lo lắng và sợ hãi từ việc ra đời của một em bé. Nhưng TCSS cũng có thể dẫn đến trầm cảm nặng, đòi hỏi điều trị lâu dài và đây là điều không ai mong đợi (Mayo Clinic Web site, 2012).
Nhiều người mẹ trải qua tâm trạng buồn chán sau sinh (baby blues). Ước tính có khoảng hơn 10% phụ nữ mới sinh mắc phải tình trạng trầm uất, chán nản kéo dài được gọi là trầm cảm sau sinh (post partum depression). Trong một số trường hợp hiếm gặp thì người mẹ có thể mắc phải dạng trầm cảm nghiêm trọng, thường được gọi là chứng loạn trí sau sinh/chứng loạn thần sau sinh (post partum psychosis).
TCSS không phải do yếu đuối hay khiếm khuyết về tính cách, mà đôi khi triệu chứng xuất hiện đơn giản chỉ vì đây là một phần của việc sinh đẻ.
2. Những triệu chứng và dấu hiệu của TCSS là gì?
Như vậy, có 3 loại trầm cảm sau sinh: Trầm cảm thoáng qua (baby blues), Trầm cảm sau sinh (Postpartum depression), Trầm cảm loạn thần sau sinh (postpartum psychosis) (Mayo Clinic Web site, 2012; Stewart, Robertson, Dennis, Grace, Wallington, 2003).
Trầm cảm thoáng qua sau sinh (The baby blues) ảnh hưởng đến 70-85% người mẹ. Tình trạng này thường bắt đầu trong vòng 3 ngày sau sinh và có thể kéo dài tới 14 ngày. Đó là những cảm giác buồn bã, không vui – ở mức độ thấp. Các triệu chứng sẽ tự biến mất mà không cần điều trị.
• Tâm tính thất thường
• Lo âu
• Buồn bất chợt
• Cáu kỉnh
• Dễ rơi nước mắt, khóc, hay tủi thân
• Giảm độ tập trung
• Khó ngủ
Trầm cảm sau sinh (Postpartum Depression- PPD) là tình trạng nặng và kéo dài hơn 2 tuần so với cơn buồn thoáng qua sau sinh.
Khoảng 10% người mẹ phải đối mặt với TCSS trong vòng một vài năm sau sinh. TCSS có thể kéo dài hàng tháng đến hàng năm hoặc lâu hơn ảnh hưởng tới việc chăm sóc đứa trẻ và và sinh hoạt hàng ngày, nếu không được điều trị. PPD cần được chẩn đoán và chữa trị sớm. Những triệu chứng này gồm:
• Mất cảm giác ăn uống
• Mất ngủ
• Cáu kỉnh và giận dữ thường xuyên
• Tình trạng mệt mỏi thường xuyên
• Mất hứng thú tình dục
• Mất hứng thú trong cuộc sống
• Mặc cảm, tự ti, cảm tưởng mình không xứng đáng chăm sóc con
• Thay đổi tính tình rõ rệt từ trầm cảm sâu đậm đến phấn chấn hoan hỉ
• Không gần gũi, yêu thương con
• Tách biệt khỏi gia đình và bạn bè
• Có ý nghĩ hay hành vi tự tử hay giết hại em bé
Trầm cảm loạn thần sau sinh (Postpartum psychosis - PPP): là tình trạng rất hiếm gặp của TCSS và thường khởi phát trong vòng 4 tuần sau sinh nhưng có một vài trường hợp ở tuần thứ 2 sau sinh. Tình trạng này cần ngay lập tức được trị liệu trong bệnh viện.
Người bị trầm cảm loạn thần sau sinh suy yếu nhanh và có thể có những triệu chứng sau:
• Hoang tưởng (paranoia),
• Thay đổi tính tình rất nhanh,
• Ảo giác,
• Tuyệt vọng
• Mất khà năng kiểm soát bản thân: tự làm hại bản thân, em bé, hay người khác.
Vào năm 2005 có hơn bốn triệu trẻ được sinh ra ở Mỹ. Theo ước tính của ngành y tế, gần 15 phần trăm phụ nữ sinh con bị trầm cảm ở những cấp độ cao thấp khác nhau. Các triệu chứng đó được gọi là trầm cảm sau khi sinh (PPD). Nhóm nghiên cứu trình bày dữ liệu định tính, được thu thập ở các khách thể nam nữ từ 18 tuổi trở lên. Họ là những công dân sống ở Việt Nam, Jamaica, và Mỹ.
Mục đích nghiên cứu :
• Tìm hiểu nam và nữ, có con hoặc chưa có con hiểu biết gì về trầm cảm sau sinh,
• Tìm hiểu khách thể bằng cách nào họ có kiến thức về trầm cảm sau sinh, và
• Tìm hiểu họ làm gì với những kiến thức hiểu biết đó.
Phương pháp: Thu thập dữ liệu bằng cách sử dụng hai phương pháp: bảng câu hỏi khảo sát trực tuyến (sử dụng phần mềm Khảo sát Monkey) và phỏng vấn trực tiếp, điện thoại hoặc các cuộc gọi video. Tổng cộng có 75 khách thể ở ba quốc gia Việt Nam, Jamaica, và Mỹ tham gia trong nghiên cứu của chúng tôi.
Câu hỏi được thiết kế khác nhau dành cho nam và cho nữ.
Câu hỏi nghiên cứu:
1) Anh/chị hiểu như thế nào là TCSS?
2) Làm thế nào anh chị tiếp cận những thông tin này?
3) Khi nào/làm thế nào anh/chị bắt đầu hiểu TCSS?
4) Anh/chị làm gì với thông tin này sau khi có kiến thức về TCSS?
5) Làm thế nào anh/chị có thể giải thích TCSS cho ai đó?
6) Bạn bè, người thân và gia đình của anh/chị có hiểu biết về TCSS?
7) Anh/chị có cảm thấy người bị TCSS bị đối xử thờ ơ, thiếu quan tâm, coi thường, xa lánh, hay kỳ thị?
8) Anh/chị có biết bất kỳ phương pháp điều trị hiệu quả nào đối với chứng trầm cảm sau khi sinh?
Kết quả
Kết quả nghiên cứu cho thấy một mối quan tâm đáng báo động về việc nam nữ thiếu những kiến thức cơ bản về TCSS. Hầu hết ở cả nam và nữ đều chưa nhận thức đầy đủ được việc một người có thể bị TCSS hoặc khi TCSS xảy ra với bản thân hay người thân thì các khách thể thường không nghĩ đến việc tìm đến những nơi điều trị hay các dịch vụ hỗ trợ. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng những kiến thức chung cũng như những trải nghiệm chung về TCSS thường không thường xuyên và không nhất quán đối với những bà mẹ đã sinh một con hay nhiều con. Bên cạnh đó, nhiều khách thể trả lời rằng người thân hay những thành viên sống chung với họ có nhận thức rất hạn chế về TCSS.
Một phát hiện quan trọng là sự thờ ờ, không quan tâm, không biết, hay kỳ thị về TCSS đã làm cho nhiều bà mẹ mới sinh có cảm giác lẫn lộn giữa niềm vui và sự thất vọng. Người ta cho rằng sinh con là niềm vui sướng nhất và là một trải nghiệm tuyệt vời đối với người mẹ và gia đình. Như một nam khách thể chia sẻ sinh con là niềm hạnh phúc của người chồng hay người cha. Còn một nữ khách thể khác bộc bạch rằng, “Tôi nghĩ phụ nữ cảm thấy xấu hổ hay ngại nói khi bị TCSS."
Ý nghĩa và tính ứng dụng của nghiên cứu
Nghiên cứu này nhằm đóng góp việc nâng cao nhận thức của người dân trong các chương trình giáo dục sức khỏe về TCSS, đồng thời, những phát hiện về kiến thức liên văn hóa sẽ thúc đẩy sự hiểu biết về TCSS một cách toàn diện hơn. Nâng cao nhận thức là một trong những biện pháp phòng ngừa quan trọng nhằm làm giảm những vấn đề về tâm lý xã hội trong mối quan hệ vợ chồng, tăng tình trạng sức khỏe chung cho các bà mẹ, tăng sự đồng cảm và hỗ trợ của chồng và gia đình, nhằm phát hiện sớm TCSS và điều trị hiệu quả.
Doãn Thi Ngọc-GAS HSU
Tài liệu tham khảo
[1] http://socialwork.uw.edu/programs/global-reach/rupp/current-news
[2] http://www.cambodiadaily.com/archive/experts-examine-social-work-issues-in-cambodia-32010/
[3] http://www.infoplease.com/ipa/A0005067.html
[4] Fung, K., & Dennis, C. L. (2010) Postpartum depression among immigrant women. Current Opinion in Psychiatry, 23 (4), 342–348
[5] Post partum depression (2012). Mayo Clinic Website, retrieved from http://www.mayoclinic.com/health/postpartum-depression/DS00546
[6] Stewart, D.E., Robertson, E., Dennis, C-L., Grace, S.L., & Wallington, T. (2003). Postpartum depression: Literature review of risk factors and interventions. Retrieved from http://www.who.int/mental_health/prevention/suicide/lit_review_postpartum_depression.pdf
[7] Sankapithilu, GJ and Nagaraj, AKM and Bhat, SU and Raveesh, BN and Nagaraja, V (2010) A comparative study of frequency of postnatal depression among subjects with normal and caesarean deliveries.
[8] Teissedre F, Chabrol H. A study of the Edinburgh Postnatal Depression Scale (EPDS) on 859 mothers: detection of mothers at risk for postpartum depression. Encephale. 2004
Không có nhận xét nào: