VAI TRÒ GIỚI-Gender Roles

 

                                                    Nguồn hình ảnh: GiadinhNet


Vai trò giới luôn là một chủ đề quan trọng trong các nghiên cứu về giới và bình đẳng giới, về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đặc biệt phân công lao động trong gia đình. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, vai trò giới không chỉ được xác định qua các yếu tố sinh học, mà còn qua các yếu tố kinh tế, văn hóa, lịch sử, và xã hội. Việt Nam bị ảnh hướng sâu sắc tư tưởng Nho Giáo, Khổng Tử trong giai đoạn gần 1000 năm và tiếp tục bị tác động ngấm ngầm một cách mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là thiết chế gia đình về vị trí, vai trò bất bình đẳng của nam và nữ giới. Mặc dù vai trò giới đang có nhiều thay đổi tích cực, nhưng vẫn còn những định kiến về vai trò giới. Khi đề cập đến vai trò giới, tác giả tự hỏi trong mỗi chúng ta ai cũng có 24 giờ mỗi ngày. Vậy chúng ta tổ chức thời gian ra sao?  Bao nhiêu giờ chúng ta đi làm? Bao nhiều giờ chúng ta đi lại? Ở nhà chúng ta làm những công việc cụ thể gì?  Ai làm công việc nhà là chủ yếu? Ai làm công việc “sinh đẻ”? Ai làm công việc chăm sóc con cái, nuôi dưỡng các thành viên trong gia đình là chủ yếu? Ai là người làm ra tiền nhiều? Chúng ta có nghĩ những công việc trên sẽ được phân công theo giới tính nam hay giới nữ không? Tại sao chúng ta lại có sự phân công lao động như vậy không? Để làm rõ phần nào những câu hỏi trên, chúng tôi mời các bạn cùng khám phá về chủ đề vai trò giới.

 

Vai trò giới là gì?

 

Vai trò giới là tập hợp các hành vi ứng xử mà xã hội mong đợi ở nam và nữ liên quan đến những đặc điểm giới tính và năng lực mà xã hội coi là thuộc về nam giới hoặc thuộc về nữ giới (trẻ em trai hoặc trẻ em gái) trong một xã hội hoặc một nền văn hóa cụ thể nào đó. Hay nói cách khác, vai trò giới là những công việc, nhiệm vụ, vị trí mà nam và nữ thực hiện hay đảm nhiệm hàng ngày (Thái Thị Ngọc Dư, 2012).

 

Có mấy loại vai trò giới?

Theo Thái Thị Ngọc Dư, 2012, vai trò giới được quyết định bởi các yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội. Nữ giới và nam giới nói chung có 3 vai trò giới như sau:

  • Vai trò sản xuất hay còn gọi là hoạt động sản xuất hay vai trò xã hội
  • Vai trò tái sản xuất hay còn goi là hoạt động tái sản xuất hay vai trò gia đình
  • Vai trò cộng đồng hay còn gọi là hoạt động cộng đồng.

 

Thứ nhất, vai trò sản xuất là các hoạt động làm ra sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ để tiêu dùng và trao đổi thương mại. Đây là những hoạt động tạo ra thu nhập, tiền, được trả công. Cả phụ nữ và nam giới đều có thể tham gia vào các hoạt động sản xuất, tuy nhiên do những định kiến trong xã hội nên mức độ tham gia của họ không như nhau và giá trị công việc họ làm cũng không được nhìn nhận như nhau. Xã hội coi trọng và đánh giá cao vai trò sản xuất này và được tính vào GPD hàng năm của quốc gia. Một số ví dụ về vai trò sản xuất như: hoạt động kinh doanh, hoạt động sản xuất nhỏ, công việc đồng áng, buôn bán nhỏ, làm công nhân viên chức, làm thợ hồ, làm người giúp việc nhà, làm nhân viên văn phòng và những công việc được trả lương khác (Thái Thị Ngọc Dư, 2012).

 

Theo Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO) năm 2015, khoảng 73% nữ giới Việt Nam tham gia vào vai trò sản xuất, so với nam giới là 82%. Như vậy, nam và nữ đều tham gia thực hiện vai trò sản xuất. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lao động nữ chiếm gần 50% lực lượng lao động, nhưng chất lượng việc làm của họ vẫn chưa ổn định và bền vững. Theo báo cáo "Tiền lương Toàn cầu 2024 - 2025" vừa được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố vào ngày 28/11/2024 vừa qua, bất bình đẳng tiền lương đang là vấn đề cấp bách, đặc biệt ở các quốc gia có thu nhập thấp. Thực tế, phụ nữ, cùng với người lao động trong nền kinh tế phi chính thức, thường xuyên bị trả lương thấp hơn so với nam giới. Tại Việt Nam, thu nhập bình quân của nữ giới chỉ bằng khoảng 80% so với nam giới, một phần do gánh nặng việc nhà khiến họ khó có thể tham gia đầy đủ vào thị trường lao động.

 

Thứ hai, vai trò tái sản xuất hay còn gọi là công việc gia đình là những công việc nhà, các hoạt động sinh đẻ, chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ, hoạt động giúp tái sinh nòi giống và nuôi dưỡng nguồn nhân lực và sức lao động hàng ngày cho mọi người. Công việc nhà là những công việc tỉ mỉ, tỏn mỏn, không tên, mất thời gian và làm suốt ngày nhưng không hết việc bao gồm: đi chợ-siêu thị, đi mua sắm, chuẩn bị đồ ăn, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp sạch sẽ, giặt giũ quần áo, gấp quần áo, thay drap gường gối, cho con đi học, chuẩn bị đồ ăn cho con đi học, tắm rửa cho con cái, dạy bảo con cái, duy trì không khí ấm cúng của gia đình, chăm sóc cho mọi người, chăm sóc người ốm đau, sửa điện, sửa ống nước và rất nhiều việc linh tinh, nho nhỏ khác nữa.

 

Bên cạnh đó, việc sinh đẻ là của nữ giới, là thiên chức của nữ giới bao gồm mang thai, sinh con và cho con bú bằng sữa mẹ. Đối với việc nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ con cái cũng thường do nữ giới đảm nhận, mặc dù đây là việc chung của mọi người trong gia đình. Những hoạt động này là thiết yếu đối với cuộc sống con người, đảm bảo sự phát triển bền vững của dân số và lực lượng lao động; tiêu tốn nhiều thời gian nhưng không tạo ra thu nhập và thường ít được đánh giá đúng.


Câu hỏi cần bàn ở đây là những công việc gia đình này từ xưa đến nay ai làm nhiều hơn và thường xuyên hơn? Nữ giới thường làm những công việc này, dù nam giới có tham gia nhưng vẫn còn chưa nhiều. Trước khi hiểu sâu rộng về trả lời này, chúng ta cần quan sát rộng ở tầm quốc tế, quốc gia, và gia đình nói chung và gia đình của chính bạn nói riêng và tác động của công việc gia đình tới tình trạng an sinh hạnh phúc của mọi người. Chúng ta cần suy nghĩ câu hỏi một cách thấu đáo, đa chiều, công bằng, và tiến bộ để có một bức tranh chung xem trong các gia đình, ai làm công việc nhà là chủ yếu? Ai làm công việc sinh đẻ và ai chủ yếu chăm sóc con cái? Nếu nam giới làm việc nhà thì họ làm những việc gì trong gia đình? Nam giới có chăm sóc và nuôi dưỡng con cái hàng ngày không? Tại sao công việc nhà rất quan trọng, nhưng thường ít coi trọng, ít được đánh giá cao và quan niệm việc nhà là việc của nữ giới và trẻ em gái. Tai sao công việc nhà không được các nhà kinh tế đưa vào chỉ số GDP của quốc gia?

 

Hơn nữa, các nghiên cứu đều cho thấy, vấn đề bất bình đẳng giới trong sự phân công lao động trong gia đình giữa nam và nữ, giữa người vợ và người chồng vẫn đang tồn tại ở các gia đình Việt Nam. Bởi từ trước đến nay, mọi người đều nhìn nhận việc tề gia nội trợ là công việc gắn liền với người phụ nữ, đó là nghĩa vụ, là trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình. Chính cách nhìn nhận này đã làm cho nỗi vất vả của nhiều người phụ nữ tăng lên, trong khi người phụ nữ hiện đại cũng phải tham gia công việc ngoài xã hội như nam giới. UN Women cho biết phụ nữ dành gấp 2,5 lần thời gian cho công việc chăm sóc không lương so với nam giới, tương đương 75% khối lượng công việc và ước tính khoảng 13% GDP toàn cầu. Tại Việt Nam, năm 2019, 19,4% lao động nữ không được trả lương cho công việc gia đình, gấp đôi so với nam giới (9,2%). Con số này cho thấy rõ ràng sự mất cân bằng trong việc phân công lao động giữa hai giới. Phân công lao động nội trợ có lẽ là một trong những lĩnh vực bất bình đẳng nhất giữa nam và nữ ở Việt Nam. Vì thế, thậm chí người phụ nữ có nhiều khả năng độc lập kinh tế và quyền ra quyết định nhiều hơn thì họ vẫn có ít thời gian nghỉ ngơi hơn bởi những vai trò truyền thống về giới vẫn chưa thay đổi được bao nhiêu.

 

Ngày nay người ta đều có thể nói công việc nhà không phải do giới tính qui định và không phải là việc riêng của phụ nữ. Công việc nhà là trách nhiệm của cả nam và nữ giới trong gia đình và của tất cả mọi người. Ví dụ: nhiều nam giới, đặc biệt người trẻ, có khả năng chăm sóc con rất tốt và cũng là người khéo tay, tỉ mỉ, và có năng lực nấu ăn và nội trợ giỏi. Ngày nay có rất nhiều “vua đầu bếp” là nam giới và là những nam giới thêu thùa, cắm hoa rất tài giỏi. Tuy nhiên, những nghiên cứu về vai trò giới đều chỉ ra rằng nam giới có tham gia vào công việc nhà, nhưng còn rất ít và rất hạn chế. Nam giới thường chỉ đảm nhận những việc được coi là nam tính, quan trọng, và xảy ra không thường xuyên như: xây dựng, sửa chữa điện nước, trang trí nhà cửa trong nhà. Hơn nữa, do quan niệm sai lệch “việc nhà là việc của đàn bà con gái” nên xã hội không trông chờ nam giới phải có trách nhiệm làm các công việc nhà, trách nhiệm chăm sóc người thân, người bệnh, hay nấu nướng. Nhiều nam giới cho rằng mình “phụ giúp” nữ giới mà thôi và với tư duy suy nghĩ như vậy là quan niệm sai lầm.

 

Một thực tế dù không còn phù hợp với xã hội hiện tại nhưng vẫn tồn tại trong tư duy, suy nghĩ và hành vi là đối với nam giới, khi cần tập trung cho công tác, học tập, họ có thể tạm quên công việc nội trợ, chăm sóc con cái…Nhưng nữ chỉ có 2 sự lựa chọn: 1. Nữ giới phải giảm bớt thời gian nghỉ ngơi để làm tròn công việc chuyên môn và học tập; 2. Họ phải tự hạn chế nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng. Đáng tiếc rằng nhiều nữ giới đã phải chọn # 2 là hạn chế nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng. Dù đây là quan niệm sai lầm, không còn phù hợp với xã hội hiện đại ngày này, nhưng nhiều người vẫn cảm thấy e ngại trước áp lực ngầm của dư luận của xã hội, mặc dù môi trường kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội đang biến đổi nhanh chóng. Hơn nữa, ngày nay nữ giới cũng phải tham gia thị trường lao động và cả nam nữ đều chịu những áp lực từ công việc xã hội, gia đình, kinh tế, cảm xúc, tinh thần, nhưng nữ giới vẫn chủ yếu đảm nhận “vai trò kép” hay vai trò hai đảm, nghĩa là xã hội vẫn mong đợi phụ nữ “đảm việc nước, đảm việc nhà” (Lê Thị Quý, 2009; Lê Thị Mai, 2013, Thái Thị Ngọc Dư, 2012).

 

Thứ ba, vai trò cộng đồng là các công việc thực hiện ngoài cộng đồng, các sự kiện xã hội nhằm phục vụ chung cho mọi người. Ví dụ: tham gia lễ hội, giỗ, các hoạt động văn hóa, họp xóm, làm vệ sinh đường làng ngõ xóm, thăm người ốm, thăm hỏi động viên gia đình bị nạn trong thảm họa, thiên tai; nấu ăn hoặc bố trí nhà tạm trú cho những gia đình bị mất nhà ở; huy động cộng đồng đòng góp lương thực, thực phẩm cứu trợ người bị nạn. Công việc cộng đồng có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển văn hóa tinh thần của cộng đồng. Có lúc nó đòi hỏi sự tham gia tình nguyện, tiêu tốn thời gian, không được trả công. Trên thực tế, cả nam và nữ đều có khả năng tham gia vào cả ba loại vai trò trên. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, nam giới vẫn đảm nhận vai trò lãnh đạo trong các hoạt động cộng đồng, người lại, nữ giới đóng vai trò thừa hành là chủ yếu. Gánh nặng công việc gia đình của nữ giới hạn chế sự tham gia một cách tích cực và thường xuyên vào các hoạt động cộng đồng. Kết quả là, đàn ông có nhiều thời gian và cơ hội hơn để đảm nhận vai trò cộng đồng và rất ít khi tham gia vào các hoạt động tái sản xuất. 


Cuối cùng, bài viết vừa trình bày ngắn gọn về vai trò giới, cụ thể phân công lao động theo ba vai trò-vai trò sản xuất, vai trò tái sản xuất, và vai trò cộng đồng. Các vai trò giới này vừa chịu tác động của yếu tố tự nhiên (như tuổi tác, giới tính và các đặc điểm sinh học) vừa chịu tác động của yếu tố xã hội (tập quán, văn hóa, tôn giáo, sự kì vọng của xã hội về vai trò của mỗi giới). Do vậy, việc thực hiện các vai trò giới cũng bị ảnh hưởng bởi các định kiến giới. Sự phân công lao động theo kiểu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” là tư tưởng rập khuôn vê giới đã có từ hàng ngàn năm và gây một cảm giác về sự hợp lý và bất biến. Chúng ta học ba vai trò giới qua quan sát hàng ngày một cách vô thức và thấm vào tâm can, máu thịt, hành vi của chúng ta một các ngẫu nhiên. Như vậy, hiểu rõ về ba vai trò giới giúp chúng ta làm rõ và nhận diện ra rằng định kiến giới và phân biệt đối xử về giới trong phân công lao động sẽ tác động đến quyết định lựa chọn việc làm của chúng ta. Đồng thời, chúng ta tìm ra các giải pháp đa dạng để loại trừ định kiến giới về ba vai trò giới vì ba vai trò giới đều có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi cá nhân. Nếu mỗi chúng ta thay đổi suy nghĩ và thay đổi định kiến giới, và thay đổi các giá trị cũ không còn phù hợp thì chúng ta có thể xóa bỏ khoảng cách về giới, về vai trò giới để đem lại bình đẳng giới giữa nam và nữ và mang lại hạnh phúc cho từng người, từng gia đình và sự phát triển bền vững của toàn xã hội.

Doãn Thi Ngọc –GV BMGDKP- Trường Đại Học Hoa Sen

 

Nguồn tài liệu tổng hợp

  1. Giới và Kinh tế http://www.undp.org/content/dam/vietnam/docs/Publications/1%20Gioi%20va%20Kinh%20te.pdf
  2. Making it count http://careclimatechange.org/wp-content/uploads/2015/09/Making-It-Count-VN.pdf
  3. Bình đẳng giới trong thực tiễn tuyển dụng và thăng tiến tại Việt Nam (ILO, 2015)
  4. http://www.austin-institute.org/research/modern-family-division-of-labor-perception-and-reality/
  5. https://www.molisa.gov.vn/baiviet/220407?tintucID=220407
  6. Khi “rửa bát quét nhà” còn là một biểu tượng - https://gendertalkviet.blogspot.com/2024/12/khi-rua-bat-quet-nha-con-la-mot-bieu.html
  7. Gánh nặng việc nhà không được trả lương vẫn là một rào cản lớn ngăn phụ nữ đạt được bình đẳng kinh tế thực sự https://gendertalkviet.blogspot.com/2024/12/ganh-nang-viec-nha-dan-en-bat-binh-ang.html
  8. Bình đẳng giới – cơ hội và thách thức trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - https://gendertalkviet.blogspot.com/2025/01/binh-ang-gioi-co-hoi-va-thach-thuc.html
  9. Lê Thị Mai. (2013). Xung đột vai trò công việc-gia đình ở nữ doanh nhân thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí khoa học xã hội số 3 (175).
  10. Lê Thị Quý (2009). Xã hội học giới. NXB Giáo dục VN, Hà Nội.
  11. TỔNG QUAN VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI 2021 - https://gendertalkviet.blogspot.com/2024/04/tong-quan-binh-ang-gioi-2021.html
  12. Thái Thị Ngọc Dư. (2012). Giới và phát triển. ĐH Mở TP. HCM.
  13. Vai trò giới thật sự là gì? -https://vnyouthally.org/vai-tro-gioi-that-su-la-gi/
  14. Trích nguồn hình ảnh: GiadinhNET