TỔNG QUAN VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI 2021

 


Chỉ một vài quốc gia tạo nên sự chuyển đổi kinh tế, công nghiệp và xã hội như Việt Nam đã làm được trong thế hệ trước. Con số quốc gia làm được điều này một cách hòa bình và công bằng đáng kể thì lại càng ít hơn. Chính phủ Việt Nam đã sớm ký các cam kết quốc tế về bình đẳng giới, và các cam kết này đã dẫn đến việc xây dựng khung pháp lý về bình đẳng giới được công nhận rộng rãi về tính toàn diện. Hiện nay, có thể quan sát thấy những cam kết trước đây về bình đẳng giới đạt được trong giáo dục trung học, khoảng cách được thu hẹp trong tham gia của lực lượng lao động cũng như sự ưu tiên và cải thiện cơ hội sống sót liên quan đến thai sản của bà mẹ. Đáng chú ý, Việt Nam cũng đã ban hành Luật Bình đẳng giới cũng như Luật riêng về phòng, chống bạo lực và các quy định hiện rõ ràng về bình đẳng giới trong lĩnh vực việc làm - tất cả đều đã tồn tại từ hơn một thập kỷ qua. 


Trong 20 năm qua, đánh giá quốc gia về giới đã được thực hiện 5 năm một lần ở Việt Nam. Các nỗ lực đa ngành này nhằm cung cấp bức tranh tổng thể về tiến bộ đạt được trong lĩnh vực bình đẳng giới dựa trên các chỉ số kinh tế - xã hội chính, đồng thời đưa ra các phân tích và khuyến nghị để giải quyết các rào cản đối với sự tiến bộ và thu hẹp khoảng cách giới. Mỗi báo cáo đều đã xác định các vấn đề về giới hoặc những sự bất bình đẳng trên mọi lĩnh vực được xem xét - từ quản trị, lao động, nông nghiệp, kinh doanh, giao thông vận tải và kết nối, phát triển đô thị, đời sống gia đình, bảo trợ xã hội, di cư và biến đổi khí hậu. Rõ ràng bình đẳng giới không phải là vấn đề bên lề , mà là cốt yếu đối với chất lượng, sự lâu dài và những tiến bộ thu được từ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.


Báo cáo này cũng đã nêu bật thêm hai chủ đề. Thứ nhất, báo cáo nhấn mạnh sự xâm nhập của các chuẩn mực văn hóa - xã hội và vai trò quyết định của chúng trong cản trở thực hiện bình đẳng giới trên tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Thứ hai, báo cáo cũng chỉ ra rằng hoàn cảnh và bản dạng đa dạng của các cá nhân và cộng đồng - bao gồm tuổi tác, tình trạng khuyết tật, dân tộc, tính dục, tình trạng kinh tế xã hội và nơi cư trú – là các yếu tố hình thành nên thành tựu và sự bất lợi trên cơ sở giới. Các chủ đề này cùng nhau đại diện cho nỗ lực hàng đầu tiến tới tiến bộ về bình đẳng giới trong thập kỷ tới.


Báo cáo Tổng quan về bình đẳng giới ở Việt Nam (CGEP) này cũng được ra đời đúng lúc nhằm cung cấp thông tin ban đầu cho Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (CLQG) lần thứ 2 của Việt Nam cho giai đoạn 2021-2030 và là báo cáo tạm thời về tiến độ thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam, với trọng tâm là vấn đề bình đẳng.


Báo cáo này bắt đầu thực hiện vào năm 2020 khi đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên toàn cầu. Hiện vẫn chưa thể biết rõ khi nào và bằng cách nào các quốc gia sẽ thoát ra khỏi sự kìm kẹp của đại dịch này. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian một năm, đại dịch toàn cầu COVID-19 đã gây ra những thiệt hại nặng nề về giới. Tại Việt Nam, sự tham gia lực lượng lao động của phụ nữ đã giảm dần do chiếm ưu thế trong các lĩnh vực du lịch, bán lẻ, khách sạn và công nghiệp nhẹ - tất cả đều là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động tiêu cực của đại dịch. Tình trạng bạo lực gia đình trở nên trầm trọng hơn qua số lượng các cuộc gọi đến đường dây nóng và dịch vụ gia tăng so với giai đoạn 2019. Việc đóng cửa trường học kéo dài, tăng cường cảnh giác về sức khỏe cộng đồng và nhu cầu chăm sóc của hộ gia đình cũng đã khiến công việc chăm sóc không được trả công của phụ nữ trong gia đình và tại cộng đồng nhân lên.


Trong bối cảnh này, CGEP giờ đây cũng sẽ đóng vai trò là nội dung tham chiếu cho thực trạng bình đẳng giới trong một năm đại dịch. Tuy nhiên, các khuyến nghị về thúc đẩy bình đẳng giới cũng được coi là các chiến lược hỗ trợ phục hồi kinh tế xã hội của Việt Nam. Chúng tôi hy vọng tình hình sẽ được cải thiện từ thời điểm này trở đi.

ĐỌC TIẾP TOÀN BÀI NGHIÊN CỨU TẠI LINK NÀY  https://vietnam.un.org/vi/153151-t%E1%BB%95ng-quan-v%E1%BB%81-b%C3%ACnh-%C4%91%E1%BA%B3ng-gi%E1%BB%9Bi-%E1%BB%9F-vi%E1%BB%87t-nam-n%C4%83m-2021