Mất Cân Bằng Giới Tính Khi Sinh
Tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) được định nghĩa là số trẻ em trai sinh ra so với 100 trẻ em gái. TSGTKS mức sinh học bình thường nằm trong khoảng 102 đến 106 trẻ em trai so với100 trẻ em gái. Ở Việt Nam, TSGTKS vẫn ở mức sinh học bình thường vào năm 2000, nhưng đã tăng lên 110,5 vào năm 2009 và lên tới 112,2 vào năm 2016. Ở một số tỉnh, con số này lên đến 117 trẻ em trai so với 100 trẻ em gái. Nhiều bằng chứng cho thấy rằng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam là do việc lựa chọn giới tính theo tâm lý ưa thích con trai. Lựa chọn giới tính thai nhi trên cơ sở giới là biểu hiện của phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái. TSGTKS đang tăng lên cho thấy cần phải thực hiện các biện pháp mang tính bền vững để tăng cường bình đẳng giới và đảm bảo sự tham gia bình đẳng của phụ nữ Việt Nam vào quá trình phát triển. Tài liệu chính sách này nhằm cung cấp các thông tin cập nhật về mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam và bối cảnh văn hoá-xã hội liên quan, đồng thời phân tích những xu hướng phát triển nhân khẩu học gần đây và đưa ra các khuyến nghị về các hướng giải quyết dựa trên các kết quả nghiên cứu. Bối cảnh: 03 yếu tố dẫn đến lựa chọn giới tính trên cơ sở giới tại Việt Nam.
Ở Việt Nam, chế độ phụ hệ/và phong tục cư trú bên nội thường dẫn đến sự phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới trong gia đình, trong đó bao gồm tâm lý ưa thích con trai. “Chế độ phụ hệ” là hệ thống gia đình trong đó sự duy trì các thế hệ sau phụ thuộc vào người nam giới, mọi người tin rằng chỉ có con trai mới có thể duy trì dòng họ. Phong tục “cư trú bên nội” là việc các cặp vợ chồng về ở cùng hoặc ở gần gia đình của người chồng, trong khi người vợ phải rời gia đình bố mẹ đẻ sau khi kết hôn. Theo chế độ phụ hệ/ phong tục cư trú bên nội, những người con trai lớn trong gia đình thường có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ khi về già, thường ở cùng nhà với cha mẹ ruột, và con trai thường thừa kế từ cha mẹ nhiều hơn so với con gái. Trái lại, trong hệ thống lưỡng hệ, con trai và con gái trong gia đình được đối xử bình đẳng hơn. Tầm quan trọng của các hệ thống quan hệ gia đình có thể được minh họa thông qua những so sánh giữa Việt Nam và các nước láng giềng Đông Nam Á. Ở Thái Lan, Campuchia và Lào, mô hình lưỡng hệ phổ biến hơn: người dân theo mô hình này cho rằng dòng họ gia đình có thể được duy trì qua con gái hoặc con trai; và bố mẹ có thể ở cùng và để lại tài sản cho cả con trai và con gái.6,7 Đặc biệt ở Thái Lan, Campuchia và Lào, TSGTKS rất gần con số 105 – đây là TSGTKS ở mức sinh học bình thường.
ĐỌC TOÀN BÀI NGHIÊN CỨU TẠI LINK NÀY: https://vietnam.unfpa.org/sites/default/files/pub-pdf/PD_SRB%20Report%202014_VIE_FINAL_printed%20in%20Mar%202017_0.pdf