Cám ơn những phụ nữ đã khai phá con đường mới
Những thế hệ phụ nữ đi trước chúng ta đã trao tặng lại cho chúng ta nhiều quyền giúp cho chúng ta được trở thành những con người như ngày hôm nay. Những phụ nữ đi trước đã thật sự giúp đỡ ta có được một đời sống tốt đẹp hơn. Cũng giống như những món quà xinh đẹp mà ta được người khác trao tặng, ta vui vẻ nhận quà nhưng lại chẳng biết được món quà ấy trị giá bao nhiêu, hoặc ta vô tâm không biết được là món quà ấy đã được đóng gói bao bì với nhiều công sức và thời gian ra sao.
Ta thường ít có ý thức về những
quyền mà ta đã được trao tặng và đôi khi ta coi như đó là những lẽ thường tình,
tự nhiên phải như vậy. Ta được đến trường học, đó là ta đang được hưởng một
quyền. Ta có chủ quyền nhà, lại là một quyền nữa. Được là một phụ nữ có học và
có chủ quyền nhà là hai quyền mà ít khi ta tự hỏi làm sao mà ngày nay ta được
hưởng.
Vào thời các bà nội ngoại của ta,
phụ nữ đã không được hưởng hai quyền này. Bà tôi sinh trưởng trong một gia đình
khá giả ở Ý, nhưng bà đã không được phép đi học các lớp trình độ cao hơn mức
cho phép đối với phụ nữ thời đó; phụ nữ chỉ được biết về nghệ thuật chăm sóc
gia đình, nội trợ và thuộc lòng những lời giáo huấn của tôn giáo. Sau đó, bà
tôi kết hôn với một ông lớn tuổi hơn bà và theo chồng đi Mỹ vì ông ấy thích
sống ở Mỹ. Bà miễn cưỡng đi theo ông với một câu thần chú đã được mẹ bà in sâu
trong lòng bà: “Thuyền theo lái, gái theo chồng”, cùng với câu châm ngôn của
cha bà: “Thiên hạ sẽ đàm tiếu về người phụ nữ đã kết hôn mà sống xa chồng”. Bà
tôi lúc ấy mới 16 tuổi và sống trong hoảng sợ.
Với số của hồi môn mang theo, ông bà
tôi đã mua một căn nhà, dù trong giấy tờ, văn tự thế chấp ghi tên ông tôi là
“Chủ nhà chính yếu”, vì phụ nữ không được quyền sở hữu tài sản nếu không có
chồng, cha, anh em trai hoặc một người thân là nam giới ký tên trong hồ sơ giấy
tờ.
Tiền bạc của bà bị người chồng phung
phí hết, vì ông thích xài sang mà lại lười lao động. Một mớ tiền khác thì bị
tiêu hao đi do ảnh hưởng của cuộc đại khủng hoảng kinh tế ở Mỹ thời bấy giờ. Bà
tôi mang thai năm lần, vì thời đó cấm việc kiểm soát sinh sản (tránh thai), hai
người con đầu của bà qua đời lúc còn sơ sinh, bà vất vả nuôi ba người con còn
lại bằng kế sinh nhai từ nghề may ở xí nghiệp may với những ngày làm việc dài
và mệt nhọc, vì bà là người Ý, không biết tiếng Anh. Bà là một người sống sót
được nhờ sự hiểu biết.
Cách thức bà trở thành người thợ may
đã là một câu chuyện vui cười của gia đình tôi. Trước đó, bà tôi chưa từng được
tuyển dụng vào xí nghiệp may. Khi người quản đốc chỉ cho bà thấy chiếc máy may
(trong đời bà chưa nhìn thấy nó bao giờ) và hỏi bà có biết sử dụng máy may
không, bà trả lời với một nụ cười để lấy lòng ông ấy: “ Cái này hơi khác chút
xíu với cái máy ở xí nghiệp may trước đây của tôi. Ông có thể hướng dẫn cho tôi
một lần xem sử dụng ra sao không?”. Thế là ông ấy hướng dẫn cho bà, bà ráng ghi
nhớ ngay và thế là bà nhận được công việc làm trong lúc bà rất túng quẫn. Sau
này, chính bà tôi là một trong những phụ nữ đòi phải có thời gian giải lao ngắn
mỗi buổi sáng và chiều như một phần của môi trường làm việc lành mạnh đối với
những phụ nữ phải làm việc 14 tiếng mỗi ngày. Người quản đốc cảm thấy rất ấn
tượng bởi sự gan dạ của bà, và đành phải đồng ý cho phụ nữ những gì họ đòi hỏi.
Ông ta cũng cảm thấy bà rất hấp dẫn nên đã bảo bà thôi chồng để kết hôn với
ông, ông có tiền và bà không phải làm gì cả. Bà tôi từ chối một cách nhã nhặn,
vì đối với bà, cuộc hôn nhân dù có tốt đẹp hay không, vẫn là một điều thiêng
liêng. Sau đó, bà gia nhập Nghiệp đoàn Nữ công nhân may Quốc tế, bà giúp cải
thiện điều kiện làm việc ở nhà máy đối với tất cả công nhân, nam và
nữ.
Rồi mẹ tôi đến tuổi các cô gái được
phép đi học, nhưng chỉ được học ở trường nữ. Bà tận hưởng lợi thế này để học kế
toán, dù suốt cuộc đời làm việc của bà hầu như bà chỉ được làm người giữ sổ
sách và thư ký. Bà đã dự nhiều buổi phỏng vấn tuyển dụng, ở đâu người ta cũng
đều nói với bà là kế toán là nghề dành cho nam giới. Cuối cùng, khi bà đã trên
50 tuổi, bà được nhận vào chức vụ kế toán bán thời gian, đó là điều mà bà luôn
cho là một chiến công lừng lẫy. Bà không màng tới việc bà phải chờ đợi rất lâu
để đạt được điều này, vì cuối cùng bà đã làm được điều mình mong muốn và như
vậy cũng đủ làm cho bà cảm thấy hài lòng.
Vào thời của mẹ tôi, nam giới đã có
thể kiểm soát sinh sản (tránh thai) một cách “bí mật”, công cụ tránh thai được
bán lén lút tại các nhà thuốc tây hoặc do những bác sĩ hiểu rõ nhu cầu phải “kế
hoạch hóa gia đình” đưa cho phụ nữ. Ở thế hệ mẹ tôi, y tế đã có những cải
thiện.
Về việc sở hữu tài sản, người phụ nữ
thông minh và có học này vẫn phải có một người “đồng ký tên” là nam giới, khi
bà làm giấy tờ văn tự thế chấp, dù bà đã trả trước một số tiền mặt khá nhiều.
Phụ nữ được coi như là những con nợ nghèo hèn, đầy rủi ro, vì về mặt sinh học,
“phụ nữ có thể mang thai và vì thế mà sẽ thất nghiệp.” Điều bất hạnh là khi phụ
nữ nộp đơn xin việc, nhà tuyển dụng có quyền hỏi: “Chị đã kết hôn chưa? Chị có
con không? Nếu có, họ có làm cho chị phân tâm khi làm việc ở đây không? Chị có
dự tính sắp tới sẽ có con không?”
Bạn hãy tưởng tượng nếu ngày nay
mình còn bị hỏi những câu này! Nhà tuyển dụng đó sẽ bị đưa ra tòa, việc kinh
doanh cũng ông ta sẽ bị giới truyền thông xã hội và báo chí “làm thịt”.
Một ghi chú nhỏ: Nhân tiện tôi cũng
phải nói rằng thế hệ mẹ tôi là nhóm phụ nữ đầu tiên mặc loại vớ quần (vớ da) ôm
sát người, thay vì mang vớ len dầy (vớ quần được bán ở thị trường vào đầu thập
niên 1960), và cũng có thể mặc quần tây để đi làm và đi học. Ở một mức độ nào
đó, họ cũng đã mở đường cho những môn thể thao đối với phụ nữ, dù rằng vào thời
đó, người ta vẫn coi nữ vận động viên như là một người “phi phụ nữ”. Thế
hệ của mẹ tôi đã vận động hành lang đối với việc bình đẳng về giáo dục cho phụ
nữ. Nhiều phụ nữ trở thành nhà hoạt động chính trị công khai để đấu tranh cho
quyền lợi của chính mình chứ không còn là một người phụ trợ của nam giới.
Còn thế hệ của tôi thì sao? Chúng ta
có vẻ như là những người được hưởng nhiều quyền nhất; mặc dù cách đây 40 năm,
đạo luật đề nghị bổ sung Nam Nữ bình quyền (Equal Rights Amendment -ERA)
đã không được phê chuẩn ngay từ đầu bởi những người có vấn đề khi phải coi nam
nữ bình đẳng như nhau. Tuy nhiên, dường như ta thấy mình đã được bình
đẳng về mọi mặt. Ta không cần dùng từ "Được cho phép" khi nói đến các
quyền của mình. Mọi sự không phải là chỉ “được cho phép” đối với ta một cách
đơn giản, ta mong đợi mình có được một số các quyền và ưu đãi nào đó. Ta có
quyền được hưởng và bạn nên tin như thế thì tốt hơn.
Chúng ta đã cho các em gái quyền
được tham gia trong trường học và các chương trình thể dục thể thao một cách
nghiêm túc như đối với các em trai và chúng ta cũng đã thấy ngành thể thao
chuyên nghiệp của phụ nữ trở nên xuất sắc hơn và sinh lợi nhiều hơn.
Ta cũng đã đấu tranh và đạt được
nhiều sự công nhận hơn đối với các phụ nữ trong quân đội. Các quyết định quan
trọng trong quân đội không phải chỉ đơn giản là “công việc của nam giới”; một
bộ óc mang tính quân sự không cần phải “phân biệt về giới”. Quyền được học đã
cho phụ nữ được quyền nộp đơn dự tuyển bất kỳ loại hình công việc gì và bất kỳ
lĩnh vực nào mà họ đã chọn. Điều này cũng đã giúp cho nam giới thấy thoải mái
hơn khi nam giới tham gia vào các lĩnh vực mà trước đây được người ta nghĩ là
“chỉ dành cho phụ nữ”. Ta đã cải thiện được việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ
, kể cả việc phụ nữ tự kiểm soát việc sinh sản và làm chủ cơ thể của mình, và
từ đó cải thiện về chăm sóc sức khỏe tiền sản. Chất lượng cuộc sống là một vấn
đề quan trọng đối với mỗi người chúng ta ở mọi lứa tuổi.
Tất cả các thế hệ phụ nữ đều có
trách nhiệm đối với thế hệ kế tiếp. Những gì ta trao lại cho thế hệ sau sẽ tác
động đến nhiều thế hệ phụ nữ kế tiếp. Ta hãy đảm bảo là ta sẽ trao lại cho phụ
nữ thế hệ sau các quyền về bình đẳng, với các điểm mạnh và chất lượng. Thế hệ
các phụ nữ trẻ hiện nay có vẻ như có khả năng để làm được như thế và hơn thế
nữa.
Nhân tiện, sau này khi bạn có dịp ký
tên vào một văn bản pháp lý xác định một chủ quyền, hoặc bước lên khán đài nhận
bằng tốt nghiệp, sau này khi bạn quản lý một văn phòng hoặc nộp đơn dự tuyển
một công việc, và khi bạn mặc quần tây đi làm, bạn hãy ngừng lại một lát và
thầm nói “cám ơn” những thế hệ phụ nữ đi trước đã đem lại những thay đổi mà
hiện nay bạn đang được hưởng. Họ đã đấu tranh gian khổ để đạt được những điều này
và họ sẽ thấy hạnh phúc khi bạn nhớ đến họ.
Author: Kristen Houghton
Người dịch: Lê Thị Hạnh
Sources and acknowledgement: The
Huffington Post
http://gas.hoasen.edu.vn/vi/gas-page/cam-nhung-phu-nu-da-khai-pha-con-duong-moi