Hội thảo “Khung lý thuyết sinh thái xã hội trong phân tích giới và tình dục”
Ngày 26 tháng 12 năm 2011 vừa qua,
một số giảng viên các phòng ban và Trung tâm Nghiên Cứu Giới và Xã Hội, trường
Đại học Hoa Sen đã tham dự buổi hội thảo: “Khung lý thuyết sinh thái xã hội
trong phân tích giới và tình dục” do Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số tổ
chức tại Tp Hồ Chí Minh (CCIHP). Giáo sư Michael Lim Tan là diễn giả chính của
buổi hội thảo này, ông là người rất nổi tiếng về nhân học y tế ở Philippines và
trên thế giới. Ông hiện là Hiệu trưởng trường Khoa học xã hội và triết học
thuộc Đại học tổng hợp Philippines. Ngoài cương vị giáo sư hàn lâm, GS Tan còn
là một trong các thành viên sáng lập Hiệp hội Giới, Tình dục và Sức khoẻ Đông
Nam Á và hoạt động rất tích cực trong các hoạt động của các tổ chức phi chính
phủ (NGOs). GS Tan là tác giả của nhiều cuốn sách và bài viết về các niềm tin
liên quan đến sức khoẻ của người dân bản địa, tình dục, sức khoẻ sinh sản-tình
dục và các vấn đề về chính sách y tế.
Hội thảo này tập trung vào mô hình
sinh thái xã hội của Urie Bronfenbrenner (Bronfenbrenner’s ecological theory)
như là một khung lý thuyết để khám phá sâu hơn về Giới và Tình dục, chỉ ra mối
liên hệ giữa các cấp độ cá nhân, gia đình, cộng đồng, nhà nước, và khả năng ứng
dụng thực tế vào các chương trình và chính sách. Ví dụ, các khái niệm về “cái
tôi”, “bản dạng”, “nam tính” và “nữ tính” không bao giờ chỉ giới hạn ở cấp độ
cá nhân hay trong phạm vi riêng tư, mà luôn có sự tương tác rộng hơn với các hệ
tư tưởng trong xã hội về quan hệ ruột thịt trong gia đình và vị thế công dân
trong xã hội. Nói một cách khác, bản thân của mỗi cá nhân không chỉ thuộc về cá
nhân đó, mà nó còn bị chi phối và tác động bởi các yếu tố môi trường rộng lớn
xung quanh chúng ta, đặc biệt là trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như
hiện nay.
Nội dung của buổi hội thảo tập trung
vào các cấp độ sau:
1) Hệ thống vi mô (microsystem)
2) Hệ thống trung mô (mesosystem)
3) Hệ thống ngoại vi (Exosystem)
4) Hệ thống vĩ mô (Macrosystem),
5) Hệ thống niên đại (Chronosystem).
Đối với cấp độ tâm lý học cá nhân,
tuy Bronfenbrenner không được bàn luận ở đây, nhưng cấp độ này được các nhà tâm
lý học nghiên cứu nhằm hướng tới thay đổi hành vi cá nhân. Các công trình
nghiên cứu của các nhà tâm lý học y tế ngày nay cũng đã nhận ra các yếu tố xã
hội và các quy ước xã hội như nhóm đồng đẳng, khái niệm “thân thể”... cần được
tìm hiểu sâu và đặt trong các mối quan hệ của nhiều tầng bậc trong xã hội và
được ứng dụng các khung lý thuyết khác nhau: lòng tự trọng (self-esteem), phản
ứng có điều kiện (conditioning theory), hiệu quả tự thân (self-efficacy), và vị
trí điều khiển (locus of control).
Ở cấp độ hệ thống vi mô trong mô
hình của Bronfenbrenner (1917), cá nhân không phải là một con người đơn lẻ và
thụ động, mà là một tác nhân tích cực, tương tác với gia đình, bạn bè, trường
học, hàng xóm, tổ chức tôn giáo, các dịch vụ sức khỏe…Vì vậy, các nhà nghiên
cứu cần tìm hiểu thêm về các vấn đề: mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, mối
quan hệ bạn tình/bạn đời…hay quan niệm về bạn tình/bạn đời của người làm mại
dâm, các quan niệm này tác động đến mức độ tổn thương trong bạo lực giữa bạn
tình/đời như thế nào…Theo Bronfenbrenner, các nghiên cứu về những ảnh hưởng của
văn hóa xã hội thường tập trung ứng dụng cấp độ này.
Ở cấp độ trung mô nhấn mạnh đến
những mối quan hệ giữa các thể chế trong cấp độ vi mô (thể chế gia đình có mối
quan hệ gì với thế chế nhà trường). Cần quan tâm nghiên cứu các mối quan hệ giữa
gia đình và nhà trường, giữa nhà trường và các tổ chức tôn giáo, và giữa sự
trải nghiệm trong gia đình và mối quan hệ đồng đẳng. Thí dụ, những trẻ em bị ba
mẹ từ bỏ thường không có mối quan hệ tốt với thầy cô. Tất cả những mối
liên hệ này có ý nghĩa gì đối với các chính sách, các chương trình giáo dục
giới tính, sức khỏe sinh sản, và mối liên hệ trong hệ thống. Vì thế, các nhà
phát triển học tin rằng để có một sự phân tích toàn diện về sự phát triển của
một cá nhân thì các nhà nghiên cứu cần phải quan sát hành vi của cá nhân đó
trong những bối cảnh khác nhau.
Ở cấp độ hệ thống ngoại vi liên quan
đến bối cảnh khác nằm ngoài sự kiểm soát của cá nhân (như nơi làm việc, công
viên, trung tâm giải trí) ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân và làm cho họ rất dễ
bị tổn thương. Nếu như cá nhân liên tục bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tiêu cực ở
những bối cảnh sống khác nhau thì nó sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ của họ với
gia đình. Ví dụ, những gì xảy ra ở công sở sẽ ảnh hướng đến mối quan hệ của
người phụ nữ với chồng và con. Người mẹ khi được thăng chức và phải đi công tác
thường xuyên thì có thể sẽ gây ra những bất hòa trong hôn nhân và tạo ra sự
thay đổi trong mối tương tác của các thành viên trong gia đình, đặc biệt đối
với con cái. Một ví dụ khác, giới trẻ tham gia vào thị trường lao động thường
nhận được mức lương cao và được thể hiện tính độc lập; tuy nhiên họ lại không
đạt được hiệu quả tự thân (self-efficacy), thí dụ: họ có thể dễ chán, bỏ việc
hoặc thiếu tự tin khi gặp những trở ngại trong công việc. Ở tầng bậc này, chúng
ta cần tập trung nghiên cứu vào các vấn đề: Phụ nữ trẻ và việc làm, các
hiện tượng tổn thương kép của nhóm người yếu thế (vừa là phụ nữ vừa bị khuyết
tật), phụ nữ nhập cư, vấn đề tiếp biến văn hóa đối với những nhóm người nhập cư
(như người Việt ở nước ngoài)…
Ở cấp độ vĩ mô, Bronfenbrenner
(1986,1995,2000; Bronfenbrenner & Moris, 1998) đề cập tới vấn đề văn hóa
trong môi trường sống. Những khuôn mẫu hành vi, niềm tin, và tất cả các yếu tố
văn hóa khác của một nhóm người được truyền từ đời này sang đời khác. Các nhà
nghiên cứu cần tìm hiểu hệ tư tưởng thế tục nào ảnh hưởng đến định hình giới và
tình dục, sự bất bình đẳng trong tình dục và các vấn đề liên quan tới công bằng
xã hội? Một số vấn đề mới cần khảo cứu: quan điểm hẹp hòi đối với tình dục
như chỉ có giữa hai giới nam nữ (tác giả dùng thuật ngữ “sexual nationalism”),
quyền và vị thế công dân trong tình dục, hệ tư tưởng của nhà nước, vai trò của
nhà nước trong kinh tế chính trị, tác động của truyền thông đại chúng lên giới
trẻ ngày nay…
Cuối cùng, hệ thống niên đại hay hệ
thống chu trình thời gian được hiểu là chu trình phát triển của cả cuộc đời cá
nhân qua các sự kiện, các giai đoạn chuyển tiếp cũng như bối cảnh lịch sử xã
hội, dấu ấn quan trọng mà họ đã trải qua. Ví dụ: để hiểu chu trình phát triển
của con người, chúng ta cần tìm hiểu khía cạnh sinh học của tình dục trong suốt
cuộc đời, từ nhỏ đến lớn. Chúng ta cũng cần phải xem xét lại thuyết sinh học
nhị phân về nam giới và nữ giới, và thừa nhận nhóm lưỡng giới (intersex-sự rối
loạn trong phát triển tình dục), bao gồm cả cách thức Nhà nước xử trí với nhóm
người này, các chính sách, và các chương trình.
Tóm lại, buổi hội thảo đã giúp chúng
tôi những nhà làm giáo dục được tiếp cận với một mô hình mang tính toàn diện và
với các góc nhìn rất thực tiễn từ các cấp độ để có thể ứng dụng vào các vấn đề
nghiên cứu khác nhau hay vào các lãnh vực về giới và tình dục. Nói cách khác,
mô hình sinh thái xã hội đã không chỉ cho phép chúng tôi nhìn lại những lý
thuyết khác nghiên cứu về tình dục mà còn dành những “khoảng trống” cho sự tự
chủ và hành động xã hội của cá nhân và các nhóm đối tượng cụ thể, đặc biệt là
trong thời đại thông tin như hiện nay. Đồng thời, mô hình này còn
có thể áp dụng để phân tích vai trò của lịch sử khi chúng ta tìm hiểu
nguồn gốc của con người, quyền lực, hệ tư tưởng Nho giáo và chủ nghĩa Mác với
hệ tư tưởng ngày nay.
Doãn
Thi Ngọc
Liên kết: A Social Ecological Framework for Exploring Gender,
Sexuality and Health in Vietnam