Nhà văn, nữ điệp viên, Marthe Cohn trong lòng Đức Quốc Xã

 


Ngày 23 tháng 12 năm 2011, tất cả khán giả rất nóng lòng chào đón nhà văn Pháp Marthe Cohn tại Nhà Hữu Nghị - 31, Lê Duẩn, Quận 1, TPHCM. Đúng 15h, một người phụ nữ dáng dấp nhỏ nhắn, tóc bạc trắng, và nụ cười thật tươi cùng chồng bước khán phòng. Chúng tôi đoán ngay đây là nhân vật trung tâm của buổi giao lưu chiều nay.


Hạnh phúc như được trở về nhà

Bà Marthe Cohn bắt đầu câu chuyện rất sống động và đầy trìu mến. Bà nói, “Tôi đã từng ở quê hương của các bạn trong chiến tranh với vai trò y tá chăm sóc cho cả lính Pháp và lính Việt, và cả những chiến sĩ Việt Minh. Thời gian trôi qua nhanh thật, đã hơn 60 năm rồi, tôi mới có dịp trở về đất Việt.” Bà thể hiện niềm vui và hạnh phúc vì có cơ hội may mắn về Việt Nam lần thứ hai và chứng kiến đất nước Việt Nam thay da đổi thịt về mọi mặt. Kế tiếp, bà chia sẻ về cuộc hành trình dấn thân làm điệp viên trong chiến tranh thế giới lần thứ 2. Bà cười và nói một cách dí dỏm, “chắc nhìn tôi các bạn đâu có nghĩ tôi là điệp viên tình báo cho Nhà nước Pháp, vì hình ảnh các nữ điệp viên thường là các cô gái xinh đẹp, cao ráo, và rất sexy. Bề ngoài của tôi chẳng phù hợp với những hình ảnh đó.” Rồi bà nở nụ cười thật tươi và ánh mắt của bà sáng lên khi chia sẻ vẻ bề ngoài đặc  biệt của mình. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi được biết bà Marthe năm nay đã 91 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, sáng suốt, và khỏe mạnh đến như vậy.


Tham gia chiến tranh vì thù nhà nợ nước

Khi chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, gia đình Marthe Cohn buộc phải di chuyển xuống vùng Tây Nam nước Pháp, cách xa với biên giới của Đức. Bà Cohn nhớ lại cuộc di chuyển này thật khủng khiếp và luôn nơm nớp lo sợ vì sự bố ráp của quân phát xít Đức. Gia đình Bà là gốc Do Thái và nếu không có sự che chở và bảo bọc của những người Pháp thì không thể sống sót được. Bà nhấn mạnh nhiều lần về tính nhân đạo của người Pháp không có gốc Do Thái, nhờ họ mà rất nhiều người Do Thái tại Pháp không bị Đức Quốc xã giết.


Trước khi kể về bản thân và giới thiệu cuốn sách, Marthe Cohn nói về người chị gái Stephanie bằng một giọng rất xúc động và thương nhớ da diết. Stephanie đã bị bắt vào năm 1942, bị lưu đày qua hết trại giam này tới trại giam khác, rồi bị chuyển về trại tập trung Auschwitz, nơi đã ghi dấu vào lịch sử loài người về tội ác giết người Do Thái hàng loạt của phát xít Đức trong thế chiến thứ 2. Sau khi chị gái bị bắt, người cha và anh trai của Bà cũng bị bắt. Nỗi đau cứ  liên tiếp xảy đến với  gia đình nhưng tinh thần yêu nước của Marthe Cohn vẫn luôn chảy bỏng. Marthe đã chạy thoát nhờ vào giấy tở giả chứng minh bà không phải là người Do Thái và tích cực tham gia vào Tổ chức kháng chiến miền Nam Pháp hoạt động xung quanh khu vực Paris dưới quyền của Trung tá Pierre Fabien.


Nhờ giỏi tiếng Đức, tiếng Pháp và  là một y tá, Marthe Cohn được đào tạo làm điệp viên và được tạo lý lịch giả nữ y tá của quân đội Đức đang tháo chạy về hướng Đông. Bà đã thu thập được những thông tin mật về những trận phản công của Đức với các nước đồng minh từ lính Đức. Nhờ vậy, quân đồng minh đã phá được chiến tuyến Siegfried và tiến vào lãnh thổ Đức. Marthe Cohn nói khi bà được cử ra tiền tuyến chăm sóc quân nhân với vai trò là y tá, viên trung úy nhìn bà đầy vẻ nghi ngờ vì vóc dáng  quá nhỏ bé của bà. Điều này cũng không làm bà ngạc nhiên vì đi đâu họ cũng nhìn dáng vẻ và hỏi “Cô làm được gì?” Ở tiền tuyến, bà được giao nhiêm vụ của một nhân viên xã hội. Marthe đã làm rất tốt nhiệm vụ này dù không có chuyên môn. Bà đi tới các chiến hào thăm hỏi, tham vấn cho binh lính, cung cấp những nhu yếu phẩm, giúp viết thư và gủi thư về cho gia đình họ. Nhờ vậy, bà được các chiến sĩ yêu mến.


Cơ hội chỉ thực sự tới với Marthe Cohn khi bà gặp lại trung tá Fabien. Bà được tuyển ngay vào đội tình báo vì giỏi tiếng Đức và là người trực tiếp thẩm vấn tù binh Đức. Sau đó, Marthe được giao nhiệm vụ đóng giả làm người tình của một sĩ quan Đức, Hans và lặn lội ra chiến trường tìm kiếm người yêu. Marthe đã cố gằng vượt tuyến 13 lần nhưng đều thất bại. Cuối cùng, Fabien đã thay đổi chiến lược và quyết định cho bà đi qua tuyến bằng con đường Thụy Sĩ. Marthe phải vượt qua cánh rừng mênh mông, tối tăm, hiểm trở để có thể thâm nhập vào lòng địch. Trung tá Fabien đã dặn dò: "Nếu bị bắt, chắc chắn đơn vị không giúp gì được nhưng nhất định không được khai".


Con đường đi qua rừng rất hoang vắng và mất rất nhiều thời gian nằm trong bụi rậm cùng với một sĩ quan người Thụy sĩ. Người bạn đường này từng gợi ý với bà: “Cô đâu biết mình sống hay chết sau khi vượt qua biên giới. Vậy tại sao hai chúng ta không cùng vui vẻ với nhau.” Bà đã trả lời rất dõng dạc: “Không, tôi không nghĩ như vậy.” Marthe Cohn cứ nằm trong bụi rậm để tìm cơ hội đi qua. Khi nắm bắt đúng thời điểm hai tên lính Đức giao ca cho nhau, Marthe lấy hết can đảm và bình tĩnh để tiến tới gần tên lính Đức. Bà thở phào nhẹ nhõm khi giấy tờ của bà đều hợp lệ và thâm nhập bước đầu vào lòng địch thành công. Marthe nhanh chóng trà trộn vào quân đội để chăm sóc cho quân lính Đức. Với vai trò y tá, Marthe đã có rất nhiều thuận lợi trong việc khéo léo khai thác thông tin từ lính Đức khi bà chăm sóc vết thương cho họ. Những thông tin được ráp nối. Một kế hoạch phản công quy mô lớn của Đức trên mặt trận Ardennes ngày càng hiện lên rõ rệt. Thu thập tạm đủ thông tin, từ kế hoạch di chuyển, sơ đồ, vũ khí, khí tài, lực lượng, các điểm phòng thủ ở tuyến Siegfried… Marthe vượt tuyến trở lại và yêu cầu chuyển gấp các thông tin đã thu thập được về đơn vị. Nhờ thông tin tình báo này của Marthe, Bộ Tư lệnh của quân đồng minh đã phá tan các trọng điểm phòng thủ trọng yếu của địch, ồ ạt tiến vào lãnh thổ nước Đức năm 1945.


Thầm lặng và vang dội trong đời thường

Năm 1956, Marthe  Cohn theo chồng sang Mỹ. Bà được anh trai động viên viết lại hồi ký của mình để truyền lửa cho thế hệ con cháu. Năm 2000, với sự giúp đỡ của người thân và đồng nghiệp cũ, cuốn sách “Đằng sau chiến tuyến quân thù: Câu chuyện thực về điệp viên Pháp gốc Do Thái trong lòng Đức quốc xã”  (Behind Enemy Lines: The True Story of a French Jewish Spy in Nazi Germany) đã ra đời. Tác phẩm của bà đã tạo ra tiếng vang lớn và thu hút đông đảo bạn đọc trên toàn thế giới, trong đó có cả Việt Nam.


Bà cũng chia sẻ: ở Pháp muốn được cấp huân huy chương thì phải làm đơn, vì vậy sau 54 năm bà mới được nhận các huân chương, huy chương:

  • Huy chương quân nhân năm 1999
  • Huân chương Bắc đẩu bội tinh Ngũ đẳng năm 2004
  • Huân chương Danh dự năm 2006.

Từ đó đến nay bà trở thành người nổi tiếng và cuộc sống thầm lặng của bà ít nhiều bị xáo trộn. Marthe Cohn rất vui với “sự xáo trộn” vì bà được đi nhiều nơi để giao lưu với các độc giả, đặc biệt hơn cả bà  được quay trở lại Việt Nam sau hơn 65 năm. Bà nói: “Tôi thấy mình như được trở về nhà và thật hãnh diện khi được các bạn chào đón nồng nhiệt như vậy.”


Vinh dự vì được gặp và nghe Marthe Cohn chia sẻ những giông tố trong cuộc đời và sự tàn bạo của chiến tranh, tôi , một trong những khán giả, vô cùng tâm đắc và khâm phục hành động quả cảm, lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm công dân khi đất nước lâm nguy của bà. Bà chính là người truyền lửa, là nhân chứng sống lịch sử, là ngọn đuốc soi sáng cho tôi cũng như bất kỳ vị khán giả nào có duyên gặp bà. Qua câu chuyện đầy bất trắc của bà cho thấy chiến tranh không phải trò đùa, kỳ thị chủng tộc luôn hiện diện ở đâu đó trên hành tinh, sự bất bình đằng luôn hiện hữu. Vì vậy, có nên chăng, mỗi cá nhân  hãy tìm hiểu lịch sử để có thể rút ra kinh nghiệm cho chính mình,  chọn cái đẹp “chân thiện mỹ” từ những hình tượng như bà Marthe Cohn và tôn vinh những nét đẹp mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể gặp trong cuộc sống đời thường.


Doãn Thị Ngọc

http://gas.hoasen.edu.vn/vi/gas-page/nha-van-nu-diep-vien-marthe-cohn-trong-long-duc-quoc-xa