Campuchia Đấu Tranh để Ngăn Chặn các Cuộc Tấn Công Bạo Lực Axít
GAS-Những nỗi đau về thể chất và cảm xúc do bạo lực axít gây ra cho các nạn nhân kéo dài suốt cuộc đời và nhiều người trong số họ đã chờ đợi nhiều năm những kẻ tấn công sẽ phải đối mặt với công lý. Tuy nhiên, ở Campuchia, chấm dứt tình trạng bạo lực axít vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Rith Sovann 24 tuổi bắt đầu buổi sáng tháng Giêng giống như những ngày thường nhật khác.
Cô làm những công việc buổi sáng theo thói quen như: chuẩn bị bữa sáng và chuẩn bị đi làm. Sau khi rời khỏi nhà, một người phụ nữ là một đồng nghiệp từ nhà máy may tiến gần cô. Nhưng những gì xảy ra tiếp theo đó thay đổi cuộc sống của Rith Sovann mãi mãi.
Sovann nhớ lại, "Cô ấy muốn nói chuyện với tôi”. Tôi nói, “Chúng ta đâu có chuyện gì để nói”. Vì thế mà cô ấy hét vào mặt tôi: "Mày sẽ thấy kết quả cuối cùng. Tôi nhìn lên và cô ta đã tạt axít vào tôi ."
Vụ tạt axít đã qua vài tháng rồi. Chất lỏng cháy da này đã để lại những vết sẹo trên cơ thể và một nửa khuôn mặt của Sovann. Sovann được điều trị vết thương tại một trang trại yên tĩnh bên ngoài thủ đô Phnom Penh, Cămpuchia.
Đó là một nơi trú ẩn cho những người như cô - những người đàn ông và phụ nữ đã sống sót và suy nhược do bị tạt axít. Ngoài những tổn thương thể chất, họ còn bị những sang chấn khác giày vò.
Sovann nói, "Tôi không bao giờ muốn đi ra ngoài. Tôi không thể đối diện với mọi người với bộ dạng như thế này. Trước khi bị tấn công, tôi không sợ khi mọi người nhìn tôi, nhưng bây giờ khi họ nhìn tôi, họ nhìn tôi như thể tôi là người kỳ lạ." Để lại một vết thương suốt đời
Các chấn thương cảm xúc chỉ là một phần khủng khiếp của những gì mà tội phạm axít gây ra.
Ziad Samman, quản lý dự án thuộc tổ chức Từ Thiện Những Nan Nhân Bị Tạt Axít ở Campuchia (Cambodian Acid Survivors Charity - CASC) nói "Tạt axít không nhằm giết chết nạn nhân. Không nhiều người bị chết do tạt axít. Nhưng đó là ý định của những kể tấn công là để lại những vết sẹo, những nỗi đau hằn lên suốt cuộc đời còn lại đối với nạn nhân."
Tạt axít là một hiện tượng toàn cầu. Các nước như Ấn Độ và Pakistan đang đấu tranh để ngăn chặn loại bạo lực này. Trong thập kỷ qua ở Bangladesh mỗi năm có hơn 100 người là nạn nhân của những vụ tạt axít. Ở những nước này, phần lớn các mục tiêu là phụ nữ và tạt axít thường được coi là một trong loại bạo lực trên cơ sở giới .
Nhưng ở Campuchia , các vụ tạt axít không nhất thiết như vậy. Trong số hơn 300 trường hợp CASC đã ghi nhận từ những năm 1980 đến nay, số ca bị tạt axít gồm cả nam và nữ với tỷ lệ tương đương nhau.
Samman nói, “Rất khó tách bạch vấn đề này. Phần nhiều là do thiếu một giải pháp giải quyết xung đột. Thông thường, người ta không nhất thiết phải giải quyết xung đột hay vấn đề của họ cho đến khi mọi thứ lên đến đỉnh điểm và rồi họ hành động ngay."
Trừng trị thẳng tay
Mặc dù động cơ đằng sau các cuộc tấn công axít có thể đa dạng, nhưng một vấn đề quan trọng khích thích loại bạo lực này là chất axít được bày bán rộng rãi với giá rất rẻ. Những người ủng hộ các nạn nhân bị tạt axít muốn chất lỏng nguy hiểm này được quản lý và quy định một cách chặt chẽ .
Những nhà chức trách đã có những động thái nhằm ngăn chặn bạo lực này. Trong những năm gần đây, tòa án đã thường xuyên truy tố thủ phạm.
Và năm ngoái, chính phủ Campuchia đã thông qua một luật mới, đặc biệt nhắm vào mục tiêu bạo lực axít. Đạo luật này quy định hình phạt cao, bao gồm cả án tù dài đối với những kẻ bị kết án. Nhưng chính quyền vẫn chưa tuyên truyền rộng rãi về những qui định nghiêm ngặt đối với việc bán axít.
Những người ủng hộ cho rằng các cuộc tấn công axít sẽ vẫn tiếp tục nếu không phổ biến công tác tuyên truyền sớm.
Bảy năm trước, vợ của Som Bunnarith đã tạt axít vào anh ta và khiến anh gần như bị mù. Anh Bunnarith nói rằng anh không thể trở lại làm công việc cũ của một nhân viên bán hàng nước giải khát.
Nhưng một cố vấn viên đồng đẳng tại CASC nói anh Bunnarith đang cố gắng giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ như anh.
Tiến về phía trước
Bunnarith cho biết anh đã làm hòa với vợ. Điều quan trọng nhất với anh bây giờ là tạo dựng một tương lai tốt đẹp cho ba đứa con của mình.
Anh nói, "Chuyện đó là quá khứ rồi. Bây giờ, tôi chỉ nghĩ cố gắng làm việc chăm chỉ và kiếm tiền nuôi gia đình. Tôi không muốn con cái tôi bị bỏ quên và không được ăn học đàng hoàng. Vì vậy, mặc dù tôi bị mù, nhưng tôi tiếp tục cố gắng để con tôi có thể ăn học đàng hoàng. Đó là cách tôi tiến về phía trước.”
Tuy nhiên, đối với những người sống sót khác, nỗi đau vẫn còn đó, nó như mới xảy ra ngày hôm qua và việc tiến về phía trước là một quá trình dường như quá lâu dài đối với họ.
Rith Sovann cảm thấy lo sợ khi mỗi lần cô nghĩ tới việc bị tạt axít. Sovann nói, “Kẻ tấn công tôi là đồng nghiệp của tôi và cũng là bạn gái cũ của bạn trai tôi. Họ từng hẹn hò, yêu nhau một thời gian dài. Cô đồng nghiệp này nghĩ nếu cô ấy không thể chiếm hữu anh ta thì không ai khác có thể có được anh ta.”
Trường hợp của cô Sovann vẫn đang được hệ thống tòa án của Campuchia thụ lý và đang theo dõi. Nhưng người phụ nữ tạt axít lên mặt cô vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Cô Sovann nói cô sống trong lo sợ vì kẻ gây tội vẫn tự do và có lẽ cô có thể bị tạt axít thêm một lần nữa. "
Người dịch: Doãn Thi Ngọc-Giới và Xã Hội (GAS-HSU) 2014
Không có nhận xét nào: