Phụ Nữ tại Cairo - Ai Cập Giúp Nam Giới Trở Lại Đúng Hướng
GAS-Nihal Saad Zaghloul là một phụ nữ Ai Cập chưa đến 30 tuổi. Giống như các phụ nữ trẻ khác, hàng ngày cô phải đối mặt với nguy cơ bị quấy rối tình dục trên đường phố ở thủ đô Cairo. Nhưng rồi cuộc cách mạng tại Ai Cập cách đây vài năm đã làm cho cô thấy là người dân có thể đoàn kết lại và cô có thể tạo được một sự khác biệt.
Vì tình hình ổn định chính trị và an ninh xã hội của Ai Cập đã bị sút giảm sau cuộc cách mạng 2011 nên hiện nay khuynh hướng hiếp dâm tập thể đang gia tăng nhanh chóng. Cô Zaghloul đã cùng một người bạn thành lập ra một tổ chức với tên gọi là Basma nhằm nâng cao nhận thức về nạn quấy rối tình dục trên đường phố ở thủ đô Cairo rộng lớn với 30 triệu dân này.
Sau khi tập hợp được vài chục người tình nguyện, vào năm 2012, lần đầu tiên họ đã tỏa ra khắp các con đường quanh khu vực Công trường Tahrir và bên trong các trạm tàu điện ngầm ở khu thương mại. Cô Zaghloul đã tin tưởng sâu sắc rằng mọi sự đều phải khởi đầu bằng việc giáo dục, và cô đã bắt đầu công việc giáo dục.
Cô Zaghloul lý luận: “Hệ thống giáo dục của chúng tôi đang thất bại. Các trường học của nhà nước còn yếu kém, trong khi trường tư thì lại quá đắt tiền. Điều này đã làm cho đa số giới trẻ Ai Cập bị thất học. Và đúng là chúng tôi đã thấy nhóm thất học này trên đường phố, họ chán nản với cuộc sống và họ ngược đãi phụ nữ.”
Phụ nữ ở Ai Cập thường bị nam giới quấy rối, và cả nam lẫn nữ đều có khuynh hướng cho đó là lẽ thường tình.
Theo một khảo sát vào tháng 4/2013 của Tổ chức Liên Hiệp Quốc về Phụ nữ (U.N. Women) có 99,3% người trả lời khảo sát là phụ nữ Ai Cập nói rằng họ đã từng bị quấy rối tình dục.
Nhưng cùng với Tổ chức Basma, cô Zaghloul bắt đầu đấu tranh chống quấy rối tình dục. Bất kỳ lúc nào thấy có một cô gái bị quấy rối tình dục, cô và nhóm tình nguyện viên sẽ tiến đến những người nam giới và truyền thông nâng cao nhận thức cho họ.
Những tháng đầu tiên thật là khó khăn cho nhóm của cô. Vì cảnh sát thường chính là những người đi quấy rối tình dục, nên cảnh sát đã không coi sáng kiến của tổ chức này là quan trọng, và họ còn gây ra nhiều vấn đề rắc rối hơn, thay vì họ phải ủng hộ, giúp đỡ.
Tuy nhiên cô Zaghloul đã nhận thấy có một biến chuyển trong vài tháng nay. Lần đầu tiên cảnh sát đã ủng hộ cho sáng kiến này và tích cực tham gia vào việc ngăn ngừa quấy rối tình dục.
Có một hiện tượng chủ yếu khác nữa, đó là các nữ cảnh sát đã đi tuần tra khu vực tàu điện ngầm. Nữ đại tá Manal và chín cô đồng đội đã nhiệt tình một cách đặc biệt trong việc đảm bảo an toàn cho các trạm tàu điện ngầm.
Quấy rối tình dục là một vấn đề xảy ra hàng ngày, nhưng với dịp lễ lớn El Eid của Hồi giáo vừa qua, đã có nhiều sáng kiến của tư nhân và nhà nước để ngăn ngừa quấy rối tình dục. Khu thương mại ở Cairo vẫn luôn là nơi mà quấy rối tình dục đạt mức độ cao nhất. Và nhớ lại con số rất cao về các vụ quấy rối tình dục trong cùng thời kỳ này vào năm 2012, nhiều phụ nữ vẫn còn sợ không dám đi trên những con đường trong thành phố của chính họ.
Nạn quấy rối tình dục chỉ tạm lắng xuống vài ngày đầu của cuộc cách mạng Ai Cập năm 2011, khi các gia đình tràn ra Công trường Tahrir trong một bầu không khí vui tươi.
Nhưng trong 18 ngày cuối cùng trước khi Hosni Mubarak (1981-2011) từ chức, nạn quấy rối tình dục lại trở lại mức độ cao nhất.
Vấn đề này không có liên quan trực tiếp đến bất kỳ chiều hướng chính trị hoặc tôn giáo nào, mà nó trở thành một đặc tính của văn hóa Ai Cập vào vài thập kỷ gần đây.
Nữ đại tá Manal đã đi tuần tra khu tàu điện ngầm của Ai Cập trong hai tuần vừa qua để nâng cao nhận thức về quấy rối tình dục và tấn công tình dục đối với phụ nữ.
Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ sáng kiến của Tổ chức Basma, nữ đại tá Manal nói rằng bây giờ cảnh sát đã có nhiều quyền lực hơn và có thể chặn bắt những người quấy rối. So với những ngày đầu mới thành lập tổ chức Basma, thì nay cảnh sát đang sẵn sàng hợp tác.
Trong tuần này, cô Zaghloul và nữ đại tá Manal sẽ cùng sát cánh làm việc.
Từ thập niên 1990, phụ nữ đã có thể đi khắp thành phố bằng tàu điện ngầm trong một toa dành riêng cho hành khách nữ.
Nhưng luật lệ này thường bị vi phạm. Nam giới thường lẻn vào rất nhanh trước khi cánh cửa tàu điện đóng lại và họ nhảy vào các toa dành riêng cho nữ. Thỉnh thoảng họ vô tình bước vào các toa này, nhưng đa số là họ cố ý khi biết rằng trong toa toàn là nữ, đây sẽ là một cơ hội để nam giới hau háu nhìn phụ nữ.
“Nếu một người đàn ông bước vào toa ngay trước khi cánh cửa đóng lại, chúng ta có thể làm gì? Đôi khi phụ nữ tỏ ra giận dữ, nhưng đa số là họ sợ hãi và nhìn ra hướng khác khi người đàn ông đó đang quấy rối một nữ hành khách,” cô Zaghloul nói. “Nhưng khi một người phụ nữ lên tiếng, thì thường là tất cả phụ nữ sẽ hùa theo.
Đó là lý do tại sao chúng tôi đã bắt đầu sáng kiến này, nhằm làm cho mọi người đều lên tiếng.”
Chỉ mới cách đây một năm, một cô gái Ai Cập tên là Samira, lần đầu trong lịch sử gần đây nhất của Ai Cập, đã nộp đơn đòi xử phạt một trong những người quấy rối sau khi cô bị nhiều người đàn ông tấn công trong một buổi chống đối luật lệ quân sự. Cô gái đã thắng kiện.
“Các câu chuyện như vậy vẫn còn hiếm. Phụ nữ vẫn còn bị coi là kẻ xúi giục chứ không là nạn nhân của những hành động quấy rối này. Do đó, phụ nữ muốn giữ kín những gì xảy ra đối với họ,” cô Zaghloul cho biết.
“Hơn nữa, nếu một cô gái đến trình cảnh sát, cô thường bị quấy rối bởi chính những người cảnh sát này. Vì thế, bắt buộc phải có nữ cảnh sát phụ trách vấn đề này.”
Trong vài thập kỷ gần đây, người ta không thấy nữ cảnh sát trên đường phố Cairo, nghề cảnh sát là nghề dành riêng cho nam giới.
Trong nhiều tháng, cô Zaghloul và khoảng một chục tình nguyện viên của Tổ chức Basma đã đi tuần tra khu tàu điện ngầm đầy hành khách và các con đường đông người của Cairo.
Hôm nay, nữ đại tá Manal đang trợ giúp toàn bộ công tác này cho họ.
Người cảnh sát về đạo đức trước đây nhìn giới nhà báo với sự nghi ngờ – đặc biệt là nhà báo nước ngoài.
Kể từ khi Tổng thống Mohammed Morsi bị phế truất vào tháng 7, chế độ lâm thời đã cai trị đất nước và đưa ra chiến dịch chống giới truyền thông.
Bằng cách coi tất cả các phóng viên là gián điệp và cộng sự của Muslim Brotherhood, họ đã làm cho người Ai Cập nghi ngờ giới truyền thông, nhưng có hỏi ý kiến của Tổ chức Basma thì sẽ không bị nghi ngờ nữa.
“Cách đây 50 năm, số nữ cảnh sát cũng nhiều bằng nam cảnh sát. Nay chúng tôi đang trở lại mức cân bằng này,” nữ đại tá Manal nói. “Chỉ bằng cách này thì phụ nữ Ai Cập mới thấy an toàn trên đường phố Cairo.”
Vì luật pháp không rõ ràng, nên việc đấu tranh chống quấy rối tình dục vẫn còn khó, nhưng nữ đại tá Manal hối thúc tất cả nạn nhân của nạn tấn công tình dục phải đưa đơn tố cáo.
Không phải phụ nữ nào cũng tin là có sự tiến bộ. Cô Hend Elbalouty, 25 tuổi, đã chứng kiến chị của cô trở thành nạn nhân của hiếp dâm tập thể ở Công trường Tahrir hồi đầu năm 2013. Đơn thưa tội phạm của cô chưa bao giờ được thụ lý đúng cách.
“Chúng tôi đã có trở lại công trường đó,” cô Elbalouty nói một cách chán nản. “Một cảnh sát nói rằng anh ta không có chức năng.
Vấn đề là bây giờ phụ nữ đã có nhiều sức mạnh hơn nhưng cũng không thay đổi được tình trạng không luật pháp trong hệ thống pháp lý của Ai Cập hiện nay.”
Ông Mohamed Khamees, một hành khách ở toa dành cho nam giới, không thích sáng kiến này. “Đấu tranh chống tội phạm không phải là một nghề của phụ nữ. Ngay cả với đồng nghiệp là nam giới, các tình huống như thế thường là không thể kiểm soát được, vậy thì làm sao mà phụ nữ có thể làm nổi?”
Các tập tục và giá trị truyền thống và việc phân chia công việc đối với nam và nữ vẫn còn ăn sâu trong xã hội Ai Cập.
Nhưng cô Zaghloul vẫn lạc quan. “Cuối cùng thì cảnh sát cũng nhận trách nhiệm. Cần chờ thêm một thời gian nữa để nam giới có thể chấp nhận quyền hành của phụ nữ, và đây nhất định là một hướng đi đúng đắn nhất.”
Lê Thị Hạnh dịch - Giới và Xã Hội (GAS-HSU) 2014
Không có nhận xét nào: