Lịch Sử và Văn Hóa Miền Nam Nước Việt
GAS-Ngày 02 tháng 10 năm 2013, TS. Nguyễn Thị Hậu, nhà khảo cổ học đã có buổi nói chuyện với gần 100 sinh viên, nhân viên, giảng viên, cùng thân hữu của trường Đại học Hoa Sen về đề tài “Lịch Sử và Văn Hóa Miền Nam Nước Việt”. Người tham dự đã chia sẻ cảm xúc về những thông tin trình bày của TS. Hậu rất mới lạ và hấp dẫn. Nhờ bài nói chuyện của bà mà họ được mở mang tầm nhìn và hiểu biết thêm về bề dày lịch sử-văn hóa Nam bộ.
TS. Hậu quê ở miền Tây nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Từ năm 1975, bà cùng gia đình trở về Sài Gòn để đi học, đi làm, rồi lập gia đình. TS. Hậu chia sẻ rằng bà rất yêu thích khảo cổ và theo khảo cổ từ hồi còn rất trẻ dù ngành này không được chú trọng hay được quan tâm nhiều như bây giờ. Bà giải thích bà rất tâm đắc vế những phát hiện độc đáo và ý nghĩa của văn hóa Óc Eo và văn hóa Đồng Nai vì hai nền văn hóa này có mối liên hệ rất đa dạng, phong phú với các nền văn hóa cùng thời ở Đông Nam Á. Nhờ sự phát hiện này mà chúng ta có dịp hiểu sâu hơn về lịch sử và văn hóa Nam bộ.
Hàng ngàn cổ vật làm bằng các chất liệu như vàng, bạc, đồng thiếc, chì, đá gỗ …và hàng ngàn mảnh hiện vật từ các giai đoạn lịch sử khác nhau như giai đoạn cuối đồ đá, kim khí…đã và đang được trưng bày và bảo quản tại các bảo tàng như Bảo tàng Lịch Sử Việt Nam, bảo tàng Địa Chất v.v.
Người tham dự được xem hình ảnh các cổ vật, nhưng TS.Hậu khuyến khích mọi người đến bảo tàng để tận mắt chứng kiến những hiện vật quí và nổi bật này, đặc biệt là các loại đồ trang sức, tượng thờ, đồ gốm được làm rất đa dạng và tinh xảo. Đồ trang sức bằng đá ngọc, mã não, thạch anh, thủy tinh với nhiều màu sắc, nhiều kích cỡ, hình dáng rất bắt mắt. Kỹ thuật sản suất thủy tinh, vàng, và sản phẩm mã não được tiếp thu từ Ấn Độ còn những kỹ thuật sản xuất đồ thiếc xuất phát từ Mã Lai. Các cổ vật này rất có giá trị và là nguồn tài liệu chủ yếu giúp cho các nhà văn hóa nghiên cứu về nhiều mặt đời sống cư dân văn hóa Óc Eo.
Theo TS. Hậu, Sài Gòn được coi là vùng đất mới, khoảng 300 tuổi, hay nói cách khác đây là thành phố trè. Hiện nay, Sài Gòn có thể coi là đại diện cho toàn bộ Nam bộ về lối sống, tính cách, ngôn ngữ, ẩm thực v.v. giữ vị thế địa lý trung tâm, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và giao lưu kinh tế-văn hóa của vùng đất Nam bộ qua các giai đoạn lịch sử lâu dài. Tuy nhiên, những phát hiện khảo cổ cho thấy thành phố này từng là một “cảng thị cổ” từ khoảng đầu công nguyên.
Nam bộ được chia thành hai khu vực: Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, đặc điểm văn hóa vật chất khảo cổ trong thời tiền sử và kéo dài đến trước thế kỷ 17 cho thấy giữa hai vùng này còn có sự khác biệt nhất định.
TS. Hậu cho rằng đối với văn hóa khảo cổ thì phải luôn bám vào điều kiện tự nhiên vì đây là môi trường đầu tiên mà con người sinh sống và có ảnh hưởng lớn tới lối sống và ứng xử con người. Con người có thể tận dụng đặc điểm tự nhiên để phát triển kinh tế xã hội, ví dụ: Đồng bằng Sông Cửu Long thường có phù sa; vì vậy, người ta không thể đắp đê như đồng bằng Sông Hồng để ngăn lũ được. Người dân phải sống cùng với mùa nước nổi và tận dụng phù sa để làm giàu, để sinh sống, và để ứng xử phù hợp với môi trường.
TS. Hậu cũng nhấn mạnh đến thành tựu quan trọng của khảo cổ học là phát hiện ra nền văn hóa Đồng Nai có niên đại cách đây khoảng 4000 năm , tương đương với văn hóa Đông Sơn ở lưu vực Sông Hồng hay văn hóa Sa Huỳnh ở ven biển miền Trung. Những nền văn hóa này rất đáng tự hào và gắn liền với những thuật ngữ “4000 năm văn hiến” của dân tộc Việt Nam. Sau công nguyên, bắt đầu từ thế kỷ I, văn hóa Đồng Nai đã góp phần hình thành nền văn minh rực rỡ ở Đồng bằng Sông Cứu Long, đó chính là nền văn minh Phù Nam. Đặc trưng của Đồng bằng Sông Cửu Long là văn hóa Óc Eo tồn tại từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII và vùng đất Sài Gòn ở vào phía Bắc của khu vực trung tâm. Dấu tích của văn hóa Óc Eo ở khu vực Cần Giờ là sự hiện diện của một hệ thống hàng chục di tích khảo cổ niên đại thế kỷ IV-VI là nơi cư trú và sản xuất nhiều loại gạch và chai gốm. Qua các di tích và di vật khảo cổ học, các nhà nghiên cứu phát hiện ra cư dân văn hóa Óc Eo cư trú trên những tiểu vùng sinh thái khác nhau nên có những đặc điểm khác nhau về lối sống sinh hoạt. Đó là vùng tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, ven biển Tây Nam, Hạ lưu song Tiền, Đông Nam Bộ và khu vực rừng ngập mặn ven biển Đông Nam Bộ.
Doãn Thi Ngọc-GAS HSU
Tài liệu tham khảo:
1. Bài thuyết trình tại trường Đại học Hoa Sen, ngày 2 tháng 10 năm 2013
2. http://newvietart.com/NGUYENTHIHAU_saigon.html
Không có nhận xét nào: