Lạm Dụng Khai Thác Nước Ngầm Có Thể Đầu Độc Hàng Triệu Người
GAS-HÀ NỘI, ngày 12 tháng 9 năm 2013 ( IRIN ) – Trong một cuộc nghiên cứu mới của tạp chí khoa học Nature, các nhà khoa học đã cảnh báo rằng hàng triệu người dân ở Nam và Đông Nam Á có thể có nguy cơ bị ngộ độc chất thạch tín cao khi mà sử dụng quá độ nguồn nước giếng khoan khiến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm tiến gần hơn tới tầng nước ngầm sạch.
Cuộc nghiên cứu kéo dài hơn một thập kỷ tại thủ đô Hà Nội, Việt Nam, do các chuyên gia từ Thụy Sĩ, Mỹ, và Việt Nam thực hiện nhằm tìm hiểu sự thay đổi của dòng chảy tầng nước ngầm. Hà Nội đang phát triển nhanh thì nhu cầu về nước cũng tăng lên. Việc khoan giếng để đáp ứng nhu cầu nước cho đô thị tăng gấp đôi từ năm 2000 đến năm 2010, khoảng 240 triệu gallon (1 Galon Mỹ = 3.785 lit) mỗi ngày. Trong thành phố, nước được lọc và xử lý, nhưng ở khu vực ngoại ô, cách Hà Nội chỉ một vài cây số, gần sông Hồng, nhiều hộ gia đình sử dụng nước giếng chưa được xử lý.
Trong quá khứ, mực nước cao hơn trong tầng nước ngầm (lớp dưới lòng đất đá chứa nước, cát hay bùn) có nghĩa là nước giếng nói chung là an toàn. Nhưng khi nguồn nước ngầm bị sử dụng và khoan giếng nhiều hơn, nước có chất thạch tín ngày càng xâm nhập vào tầng nước ngầm sạch trước đây.
Chất thạch tín, một trong những chất vô cơ gây ô nhiễm phổ biến nhất được tìm thấy trong nước uống trên toàn thế giới, có thể rất độc hại đối với con người. Thậm chí với hàm lượng thạch tín thấp có thể gây tổn hại sức khỏe nếu dùng trong thời gian dài. Chất này có liên quan đến bệnh ung thư da, phổi, bàng quang, và thận.
Tại một số địa bàn ở Việt Nam kết quả nghiên cứu cho thấy hàm lượng thạch tín cao hơn gấp 50 lần so với giới hạn được khuyến cáo là 10 micrograms thạch tín trên mỗi lít.
Nghiên cứu này tập trung vào ngôi làng Vạn Phúc ở ngoại ô Hà Nội, nơi mà người dân có đào giếng. Michael Berg, đồng tác giả, một nhà địa hóa học Viện khoa học công nghệ thủy sản liên bang Thụy Sĩ cho biết mặc dù mẫu nghiên cứu thì nhỏ nhưng quá trình thực hiện tương tự được tiến hành ở những nơi khác, ở các thành phố lớn ở châu Á nơi có khoan giếng và bơm nước ngầm.
Ông Berg nói, “Các quá trình nghiên cứu về bản chất nên thực hiện như nhau dù ở bất cứ nơi đâu”, hơn nữa, những thay đổi trong chất lượng nước dễ dàng nghiên cứu hơn trong ngôi làng Vạn Phúc này, bởi vì lưu lượng nước ngầm chỉ có theo một hướng chảy về Hà Nội.
Ông giải thích thêm, "Chúng tôi biết chính xác nơi nước ngầm chảy vào và chúng tôi xác định chính xác nơi nước bị ô nhiễm này hiện đang xâm nhập vào nước trước đây không bị ô nhiễm".
Chất thạch tín len lỏi vào nguồn nước ngầm
Theo cuộc nghiên cứu này, từ 4 đến 6 thập kỷ qua, nước từ tầng nước ngầm bị ô nhiễm đã lan rộng hơn 2 km về phía trung tâm thành phố. Tuy nhiên , nước bị nhiễm chất thạch tín di chuyển với tốc độ chậm hơn, chỉ khoảng 120m .
Ông Benjamin Bostick, đồng tác giả, thuộc Đài Quan Sát Trái đất Lamont-Doherty của Đại học Columbia cho biết, “Về mặt nào đó, đây không phải là sự kiện đáng báo động. Nước di chuyển nhưng chất thạch tín không di chuyển nhanh như nước".
Ông Alexander Van Geen, tác giả chính, một nhà địa hóa học thuộc Đài Quan Sát, nói với IRIN từ New York rằng, “xét về mặt thời gian có lẽ phải mất nhiều thập kỷ nữa các nhà quản lý nước mới cố gắng và giải quyết vấn đề này. Nhưng tôi nghĩ với mức độ hàm lượng thạch tín như hiện nay cũng đủ gặp rắc rối rồi. Điều này cần phải được giải quyết ngay. Chúng ta không thể ngồi yên và chờ đợi những điều xảy ra rồi mới giải quyết. Ông nói, “hành động ngay là rất cần thiết."
Giải pháp
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước ngầm, chính quyền địa phương ở Vạn Phúc cần phải lập và xây dựng một cơ sở xử lý nước bên cạnh các trạm y tế địa phương để phục vụ khoảng 1.000 hộ gia đình.
Ông Berg nói đây là một giải pháp tốt và lâu dài và kêu gọi chính quyền địa phương tập trung đầu tư vào hệ thống xử lý nước có khả năng phục vụ lên đến 10.000 người.
Cư dân ở vùng ngoại ô của Hà Nội hiện đang dựa vào giếng khoan và sử dụng những miếng lọc, cát sạch để xử lý nước ô nhiễm chứ chưa có hệ thống lọc trung tâm.
Ông Berg nói, "Thách thức chính là thiết lập một mạng lưới phân phối nước. Người ta phải đặt ống dẫn và hệ thống đường ống này không dễ đặt và khá tốn kém".
Ông Van Green nhận xét, “Xây dựng hệ thống cấp nước sẽ khó khăn hơn đối với một quốc gia như Bangladesh, nơi người dân có trình độ giáo dục chính quy thấp và người trong làng có trình độ quản lý yếu kém”.
Ở Bangladesh, chính phủ đã qui định mức độ chấp nhận chất thạch tín trong nước, cao hơn so với giới hạn quốc tế 5 lần. Trong số khoảng 8,6 triệu giếng nước, có 4,7 triệu đã được thử nghiệm, theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), trong đó có 1,4 triệu giếng đã bị ô nhiễm .
UNICEF ước tính khoảng 20 triệu người ở Bangladesh đang uống nước từ các giếng với mức độ hàm lượng thạch tín cao hơn mức của chính phủ đã phê duyệt.
Ông Van Green nhận định, “Bước đầu tiên, nên kiểm tra tất cả các giếng là tốt nhất. Nhưng điều này không thể thực hiện hết ở những khu vực Nam và Đông Nam Á, và chúng tôi đang cố gắng nghĩ ra một cách tiếp cận bán thương mại cho vấn đề này."
Ông Van Geen và các nhà nghiên cứu ở Ấn Độ gần đây đã thử nghiệm sự sẵn sàng của các hộ gia đình nông thôn ở bang Bihar, Ấn Độ và hộ gia đình sẽ phải trả tiền để kiểm tra hàm lượng thạch tín trong nước. Trong số 1,800 hộ gia đình được cung cấp dịch vụ thử nghiệm thì gần 1.200 hộ đồng ý trả một khoản phí để kiểm tra giếng khoan của họ.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hai phần ba số hộ gia đình sẵn sàng trả 20 rupee ( 0,31 USD) cho thời gian thử nghiệm và phí đi lại, nhưng không phải là chi trả tổng chi phí thực tế của thử nghiệm, lên đến 2.37 đô la Mỹ, một khoảng cách sẽ cần phải được trợ cấp trong một chiến dịch thử nghiệm.
Ông Van Green nói, “Giải pháp này và các giải pháp khác cần được triển khai”. "Những gì chúng tôi đã làm ở Việt Nam là rất quan trọng để làm cho mọi người hiểu rằng nếu chúng ta có một cái giếng khoan với nguồn nước sạch và giếng này không dễ bị nhiễm trong một sớm một chiều. Vì vậy, chính sách 10 năm (khoảng thời gian nghiên cứu) nên được áp dụng cho các nước khác, chứ không phải là “vung tay quá trán” rồi nói rằng "Tôi không thấy một giải pháp nào cho vấn đề ô nhiễm nguồn nước ngầm cả hoặc tự đề ra những giải pháp trên trời.”
Người dịch: Doãn Thi Ngọc GAS HSU
Không có nhận xét nào: