Quấy Rối Tình Dục Tại Nơi Làm Việc
GAS-Ngày 24 tháng 12 năm 2013, Hội đồng Doanh nhân Nữ phối hợp với phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo về “Sách hướng dẫn và bài học điển hình của các Doanh nghiệp về phòng chống quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc".
Bà Nguyễn Thi Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, cho rằng một môi trường làm việc sạch là môi trường không có quấy rối tình dục, không có phân biệt đối xử, không có bóc lột, không có bạo hành, và không có lao động trẻ em. Nếu một môi trường có QRTD sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đối với doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp có mối quan hệ quốc tế. Hơn nữa, tình trạng QRTD sẽ làm cho doanh nghiệp mất rất nhiều thứ như: không có khả năng tập trung lao động , môi trường lao động không ổn định, nguy cơ mất lao động vì người bị QRTD không chịu nổi nên họ xin nghỉ việc, mất thời gian và kinh phí tổ chức -đào tạo lao động mới, và theo đuổi các vụ kiện tụng nếu sự việc trầm trọng. Tất cả những điều này ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp và làm ảnh hưởng tới năng suất lao động, cùng với nhiều hệ quả khác.
QRTD tưởng như xa vời nhưng nó rất gần gũi và xảy ra quanh chúng ta.
Bộ luật Lao Động Việt Nam sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2012 đã có 4 điều khoản quy định liên quan đến quấy rối tình dục tại nơi làm việc (1):
• Điều 8: "Nghiêm cấm quấy rối tình dục tại nơi làm việc"
• Điều 37: "Người lao động bị quấy rối tình dục có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”
• Điều 182: “Người lao động giúp việc gia đình có nghĩa vụ tố cáo nếu người sử dụng lao động có hành vi quấy rối tình dục”
• Điều 183: “Nghiêm cấm người sử dụng lao động giúp việc gia đình quấy rối tình dục với lao động là người giúp việc gia đình”.
Dù đã có những điều khoản trong luật nhưng chúng ta chưa có một khái niệm QRTD một cách chính thống nên chúng ta phải áp dụng những khái niệm từ quốc tế. Một số doanh nghiệp đã đưa quy định cấm quấy rối tình dục vào nội quy lao động và thỏa ước lao động tập thể, hoặc chính sách nội bộ của công ty với sự giúp đỡ của chương trình thí điểm do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện.
Khái niệm QRTD tại nơi làm việc
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc, theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), là hành vi mang bản chất tình dục hay liên quan đến tình dục, bằng lời nói, không bằng lời nói, hoặc bằng thể xác làm ảnh hưởng đến nhân phẩm của phụ nữ và nam giới. Hành vi đó không hợp lý, không được người nhận mong muốn và xúc phạm người nhận.
QRTD gồm hai loại hình (hai kiểu): nhằm “đánh đổi” về quyền lợi giữa người quấy rối và người bị quấy rối; hoặc nhằm “tạo môi trường làm việc kinh khủng” cho người bị quấy rối.
• Quấy rối tình dục “đánh đổi”: Người QRTD – bằng quyền lực của mình buộc người bị quấy rối phải quan hệ tình dục, hoặc quan hệ tình cảm, yêu đương để đổi lấy việc được tuyển dụng, cất nhắc hay bổ nhiệm lên vị trí cao hơn, có công việc và lương bổng tốt hơn. Ngược lại, nếu người bị quấy rối từ chối lời đề nghị hoặc gợi ý đó, người đó sẽ bị đe dọa giảm lương, giáng chức, thậm chí đuổi việc.
• QRTD “tạo môi trường làm việc kinh khủng”: Người QRTD cố tình can thiệp một cách vô lý vào công việc hoặc hiệu quả công việc của người bị quấy rối; hoặc “đẩy” người ta vào môi trường làm việc kinh khủng như bị đe dọa, bị đối xử mất lịch sự hay thậm chí là thô lỗ, dâm dục tại nơi làm việc, làm cho “nạn nhân” cảm thấy khó chịu, lo lắng và sợ hãi khi làm cùng với những người như thế.
Các hình thức thể hiện QRTD tại nơi làm việc
• QRTD bằng lời nói: Ví dụ, đồng nghiệp hay nói chuyện đùa tục tĩu về tình dục. Điều này làm cho những người xung quanh khó chịu và xấu hổ. Dù đã có người lên tiếng đề nghị không nói chuyện đó nữa nhưng họ vẫn tiếp tục và cho rằng chỉ “đùa cho vui”.
Thêm vào đó, QRTD bằng lời gồm những lời tán tỉnh, trêu ghẹo người khác tại nơi làm việc, bằng các từ ngữ nhạy cảm về tình dục hoặc liên quan đến tình dục; nhận xét bình phẩm về cơ thể của người khác làm cho người nghe khó chịu, ví dụ: “ngực đẹp quá””mông rất mẩy, mắn phải biết”.
• QRTD không bằng lời nói:
Hình ảnh: treo ảnh phụ nữ hay nam giới hở hang, khêu gợi hay các hình ảnh gợi dục khác ở chỗ làm việc hoặc trên màn hình máy tính, nhưng đạp vào mắt người xung quanh làm cho họ khó chịu hay xấu hổ.
Tâm lý: gửi tin nhắn, thư điện tử cho đồng nghiệp để gợi ý gạ gẫm quan hệ tình cảm hoặc tình dục dẫn đến sự ức chế và áp lực về mặt tâm lý.
Hành vi khác: nhìn chằm chằm vào cơ thể của người khác làm họ cảm thấy khó chịu, xấu hổ hoặc sợ hãi. Gửi phim/ảnh gợi dục, khiêu dâm, các câu chuyện mang bản chất tình dục tới một hoặc nhiều người làm cho họ cảm thấy xấu hổ, xúc phạm
• QRTD bằng thể xác: Một trong những biểu hiện QRTD bằng thể xác là: đồng nghiệp thường vỗ vai, đụng chạm, sờ mó, thậm chí bất ngờ ôm đồng nghiệp. Mặc dù người bị quấy rối đã thể hiện sự không đồng tình như: nhăn mặt, đứng tránh xa và thậm chí là từ chối thẳng thắn, nhưng đối tượng kia vẫn không dừng các hành vi quấy rối và làm cho những người trong công ty rất khó chịu, sợ sệt và luôn đề phòng anh ta/cô ta. Những hành động khác như: nắm tay, bắt tay, quàng vai, áp sát, ôm hôn … mà không được sự đồng tình của người khác và làm cho họ khó chịu. Mức độ cao nhất của QRTD bằng thể xác là cưỡng ép quan hệ tình dục và hiếp dâm.
Cách xác định hành vi QRTD
Khi xác định một hành vi có phải là QRTD hay không, phải dựa vào cảm nhận của người bị quấy rối, cụ thể là người đó:
• Đồng ý/chấp nhận hay không đồng ý với hành động mà người kia thực hiện với mình?
• Thấy hành vi trêu đùa đó phù hợp với mình/hay thái quá?
• Những điều này đã được các nước khác công nhận và có thể áp dụng tại tất cả các nơi làm việc.
“Hành vi không được mong muốn” – là bất cứ hành vi nào mà người bị quấy rối không đề nghị, không hưởng ứng mà thậm chí cảm thấy khó chịu, xấu hổ và bị xúc phạm.
Người quấy rối và người bị quấy rối có thể suy nghĩ khác nhau về cùng một hành động.
Khi bị buộc tội, người quấy rối thường bao biện rằng, “người kia cho phép tôi làm như vậy” hoặc “tôi không cố tình, chỉ đùa thôi”. Trong những trường hợp như vậy, tại các nước khác, tòa án đều quyết định: người bị quấy rối là người được quyền xác định “hành vi có đó được mong muốn hay không?”
Lý lẽ của người quấy rối không phải là yếu tố quyết định.
Đối tượng quấy rối tình dục ở nơi làm việc:
Người QRTD có thề là: cấp trên (nam/nữ) với cấp dưới; đồng nghiệp nam nữ quấy rối nhau; nhân viên quấy rối cán bộ quản lý, và nhân viên (nam nữ) quấy rối đối tác/khách hàng và ngược lại.
Cuối cùng, khoảng trống của Việt Nam về QRTD nơi làm việc
Ở Việt Nam, QRTD đã được đề cập trực tiếp và gián tiếp trong bốn bộ luật như Hiến Pháp, Bộ Luật Lao Động, Luật Bình Đẳng Giới, Luật Hình Sư. Tuy nhiên, chúng ta còn có khá nhiều khoảng trống gồm: chưa có định nghĩa chính thức về QRTD; nghĩa vụ và trách nhiệm phòng ngừa QRTD; thủ tục khiếu nại & tố cáo về QRTD; Biện pháp khắc phục & trừng phạt; số liệu về QRTD chưa có; và nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, những người ở vị trí thấp và yếu thế hơn.
Doãn Thi Ngọc-GAS HSU
(1)Tài liệu tham khảo: Hướng dẫn thực hiện phòng chống QRTD nơi làm việc do VCCI & ILO phát hành.
Không có nhận xét nào: