QUYỀN CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG TÌNH DỤC
GAS-Là một người ủng hộ nữ quyền, tại sao tôi phải tha thứ cho việc lao động tình dục?
Trong khuôn khổ các phong trào nữ quyền và lý thuyết nữ quyền, có rất nhiều quan điểm khác nhau về việc lao động tình dục. Một số nhà nữ quyền không tha thứ cho việc lao động tình dục, họ tin rằng việc lao động tình dục có ẩn chứa sự bóc lột và thúc đẩy bạo hành đối với nữ giới.
Họ lý luận rằng công việc lao động tình dục hiện diện ở những mối quan hệ bất bình đẳng về quyền lực giữa nam và nữ, vì vậy lao động tình dục chỉ nhằm để áp bức nữ giới. Mô hình này thường gom công việc lao động tình dục và nạn buôn bán người làm một. Nhiều nhà nữ quyền ủng hộ cho quan điểm này đã biện hộ cho những điều luật nghiêm khắc hơn đối với việc lao động tình dục. Và dù họ có ý định hay không, họ đang quảng bá cho một quan điểm coi mọi người làm nghề lao động tình dục đều là nạn nhân và cần được giải cứu.
Họ cho rằng công việc lao động tình dục là làm xói mòn tư cách của mọi phụ nữ.
Tuy nhiên, một số nhà nữ quyền khác bác bỏ quan điểm công việc lao động tình dục có ẩn chứa sự áp bức nữ giới. Họ nhìn nhận tính phức tạp của việc kiếm sống và cho công việc lao động tình dục là một lựa chọn. Họ tuyên bố phụ nữ có khả năng thực hiện quyền của mình trong việc thương lượng với khách hàng, và đồng thời họ cũng nhìn nhận mối quan hệ bất bình đẳng về quyền lực ẩn chứa trong công việc lao động tình dục. Vì vậy, họ ủng hộ nỗ lực của những người lao động tình dục để gia tăng quyền lực về mặt cá nhân (chẳng hạn như thương lượng để được giá cao hơn và tình dục an toàn) và về mặt tập thể (chẳng hạn như tổ chức để thành lập một hiệp hội).
Những nhà nữ quyền này chỉ ra rằng ở nhiều nơi trên thế giới, công việc lao động tình dục là một chọn lựa có thể sống được và đôi khi là được ưa thích hơn đối với những phụ nữ ít được tiếp cận với việc làm và giáo dục. Những nhà nữ quyền này đấu tranh cho các quyền về việc làm của người lao động tình dục và của mọi phụ nữ gồm có việc trả lương và giờ làm việc hợp lý, mức lương như nhau cho công việc như nhau, môi trường làm việc an toàn, tự do sắp xếp, tiếp cận nơi giữ trẻ, và không bị quấy rối tình dục, không bị phân biệt đối xử và bạo hành tại nơi làm việc.
Một số nà nữ quyền cũng nêu lên vết nhơ xung quanh công việc lao động tình dục như là một ví dụ về việc xã hội không muốn nhìn nhận các quyền về tình dục và sinh sản của nữ giới, trong đó có quyền chọn người bạn tình, lựa chọn có hay không có quan hệ tình dục, và việc thụ hưởng khoái cảm tình dục.
Tương tự như ở vị trí chống việc kết hôn đồng giới hoặc giữa các chủng tộc, những nhà nữ quyền này tin rằng nhà nước không nên xen vào việc tình dục có sự đồng thuận giữa hai người trưởng thành. Hơn nữa, nhiều người có tham gia vào việc lao động tình dục lý luận rằng hình ảnh của người lao động tình dục như những nạn nhân không được bảo vệ chỉ làm vết nhơ thêm đậm nét, bỏ qua thực tại mà những người lao động tình dục đang phải đối mặt và cuối cùng điều này làm giảm quyền năng của những người lao động tình dục.
Không tính đến ý kiến về mặt bình đẳng giới, quyền lực và sự áp bức trong công việc lao động tình dục, tổ chức AJWS (American Jewish World Service) tin chắc rằng việc đấu tranh cho quyền con người của những người lao động tình dục là một công tác mà người ủng hộ nữ quyền cần phải làm. Ủng hộ quyền của người lao động tình dục – với đa số là phụ nữ và người chuyển giới – có nghĩa là biện hộ cho quyền của người lao động tình dục không bị bạo hành và không bị cảnh sát hành xử thô bạo. Điều này cũng có nghĩa là ủng hộ nữ giới tiếp cận đến việc chăm sóc sức khỏe và điều kiện làm việc an toàn. Điều này có nghĩa là công nhận tiếng nói của những người lao động tình dục, và ủng hộ quyền của mọi người có một cuộc sống có nhân phẩm, khỏe mạnh và an toàn.
Chủ nghĩa nữ quyền đòi hỏi các quyền bình đẳng của phụ nữ và chấm dứt sự áp bức, phân biệt đối xử về giới tính. Sự ủng hộ quyền của người lao động tình dục là một việc mở rộng giá trị này một cách tự nhiên.
Lịch sử của việc tổ chức các quyền của người lao động tình dục
Việc tổ chức những người lao động tình dục thành nhóm, hội đoàn có một lịch sử dài và sôi nổi. Mặc dù đa số các bài nghiên cứu và bài viết đều ghi lại phong trào đòi quyền của người lao động tình dục ở Bắc Mỹ và Châu Âu, nhưng thực ra phong trào đã bùng nổ trên khắp thế giới vào cuối thế kỷ 20, và ngày nay vẫn tiếp tục lớn mạnh hơn.
Trong khi Tổ chức AJWS chỉ mới trợ giúp cho phong trào đòi quyền của người lao động tình dục (chúng tôi bắt đầu tài trợ cho các tổ chức trợ giúp người lao động tình dục từ năm 2005), chúng tôi vẫn là một trong số ít những nhà tài trợ.
Dưới đây là bảng tóm tắt ghi các diễn biến theo thời gian của phong trào và vai trò của Tổ chức AJWS trợ giúp việc sắp xếp cho phong trào đòi quyền của người lao động tình dục:
• Những người lao động tình dục khởi đầu tổ chức thành hội đoàn ở Hoa Kỳ và Châu Âu từ thập niên 1970, và những người lao động tình dục bắt đầu được vận động và tổ chức thành hội đoàn toàn cầu từ đầu thập niên 1980.
Theo Mama Cash- một tổ chức tài trợ ở Hà Lan, phong trào này được tính từ lúc những người lao động tình dục Đức, Ý, Canada, Úc, Áo, Ecuador, Thái và Thụy Điển bắt đầu thành lập mạng lưới của riêng họ. Trong thập niên 1980, Tổ chức EMPOWER (Education Means Protection of Women Engaged in Recreation), là một tổ chức ở Thái Lan, nhận tài trợ từ tổ chức AJWS từ năm 2005, bắt đầu biện hộ cho việc hợp pháp hóa lao động tình dục.
• Vào năm 1985, Hội nghị thế giới về lao động tình dục lần đầu tiên được tổ chức tại Amsterdam, tập hợp thủ lĩnh của các phong trào lao động tình dục trên toàn thế giới. Đại biểu đến dự hội nghị đã thành lập ra một Ủy ban Quốc tế về Quyền của Người lao động tình dục (ICPR) và viết bản Hiến chương Thế giới về Quyền của Người lao động tình dục (World Charter for Prostitutes’ Rights), là một bản tuyên ngôn nêu lên các quyền con người cơ bản của người lao động tình dục gồm có quyền tự do ngôn luận, đi lại, nhập cư, làm việc, kết hôn và làm mẹ, và các vấn đề liên quan tới ý kiến công chúng, xây dựng phong trào, tiếp cận dịch vụ và điều kiện làm việc đối với người lao động tình dục.
Đây là một thời điểm dứt khoát trong phong trào quốc tế đòi quyền của người lao động tình dục, vì bản hiến chương kết nối “chiến lược để thay đổi thành một phong trào to lớn hơn về việc đòi quyền con người.”
• Vào năm 1986, có thêm nhiều người lao động tình dục tiếp tục được tập hợp lại, phát triển thành những nghiệp đoàn và mạng lưới, đặc biệt là tại Châu Mỹ La tinh và Vùng Caribbean. Các tổ chức của người lao động tình dục được thành lập ở Uruguay, Ecuador, Chile, Argentina, Peru và Cộng hòa Dominic. Cũng vào năm đó, Ủy ban ICPR tổ chức Hội nghị thế giới về lao động tình dục lần thứ hai.
Đà phát triển từ thập niên 1980 đã mở ra một không gian cho phong trào đòi quyền của người lao động tình dục được mở rộng và tăng trưởng ở những thập niên tiếp theo.
• Vào thập niên 1990, việc lao động tình dục bắt đầu liên kết với sự lan rộng của HIV/ AIDS và kết quả là bị gán nhãn là một vấn đề y tế công cộng. Mặc dù đó là vấn đề khi người ta chỉ nhìn một cách đơn giản những người lao động tình dục thông qua lăng kính này, định chế của các hội nghị quốc tế về trong thời gian này đã tạo nên những cơ hội mới để tổ chức và mở ra các cánh cửa để tài trợ nhiều hơn cho các tổ chức trợ giúp người lao động tình dục.
• Các phong trào quốc gia đòi quyền của người lao động tình dục trên khắp các nước đang phát triển cũng đạt được đà phát triển vào thập kỷ 1990. Vào năm 1990, Tổ chức Flor de Piedra (vào năm 2006, đây có thể là tổ chức đầu tiên trợ giúp người lao động tình dục được nhận tài trợ từ tổ chức AJWS tại Châu Mỹ) được thành lập ở El Salvador nhằm bảo vệ và quảng bá các quyền con người của người lao động tình dục tại San Salvador, nơi mà họ thường phải đối mặt với nạn bạo hành về giới và sự thô bạo của cảnh sát. Các tổ chức quốc gia cũng xuất hiện cùng thời gian đó trong vùng như ở Venezuela, Brazil, Chile, Mexico, Colombia và Suriname. Vào năm 1994, mạng lưới Châu Á – Thái Bình Dương của những người lao động tình dục (APNSW) (mà Tổ chức AJWS bắt đầu tài trợ từ năm 2005) được thành lập như một liên minh các tổ chức trong vùng Châu Á – Thái Bình Dương làm việc để giảm bớt tính dễ bị tổn thương của người lao động tình dục đối với những lạm dụng về quyền con người, HIV và gạt ra ngoài xã hội. Vào năm 1996, Tổ chức movimiento de mujeres Unidas (modemU) (do Tổ chức AJWS tài trợ từ năm 2011) bắt đầu tổ chức ở Công Hòa Dominic và Haiti nhằm quảng bá các quyền con người của người lao động tình dục thông qua việc biện hộ và giáo dục sức khỏe.
• Vào tháng 7/2012, có hơn 1.000 người lao động tình dục đến từ 42 quốc gia- nhiều người được nhận tài trợ từ tổ chức AJWS- cùng tập họp ở Kolkata, Ấn Độ để dự Liên hoan Tự do của người lao động tình dục. Liên hoan này được tổ chức để thay thế cho Hội nghị AIDS Quốc tế (IAC) ở Washington, D.C., mà đa số người lao động tình dục không được tham dự. Người lao động tình dục không được dự hội nghị ở Washington vì luật nhập cư của Hoa Kỳ phân biệt đối xử cấm bất kỳ người nào “đã làm mại dâm trong vòng 10 năm gần đây” không được vào Hoa Kỳ, và Liên hoan là nhằm chống đối mạnh mẽ đối với điều luật này.
Nên và không nên
- Ta nên gọi họ là người lao động tình dục, chứ đừng gọi họ là người mại dâm, vì từ “mại dâm” có nhiều hàm ý tiêu cực. Ta hãy thay đổi ngôn ngữ và công nhận lao động tình dục là một công việc lao động. Khi ta nói “Người lao động tình dục” là ta đã rõ ràng xếp công việc lao động tình dục vào một khuôn khổ rộng lớn hơn của các quyền của người lao động và của con người.
- Ta hãy luôn luôn phân biệt giữa người lao động tình dục là người trưởng thành và trẻ em bị bóc lột tình dục. Ta đừng bao giờ “vơ đữa cả nắm” đối với tình dục có sự đồng thuận giữa những người trưởng thành và sự bóc lột tình dục trẻ em, ép buộc trẻ em phải lao động trong ngành công ghiệp tình dục.
- Ta đừng cho rằng tất cả những người lao động tình dục đều là phụ nữ. Những người lao động tình dục là một nhóm dân đa dạng, họ có thể là nữ giới, nam giới, hoặc chuyển giới.
- Ta đừng gọi người lao động tình dục là nạn nhân. Vì từ “nạn nhân” cho rằng người lao động tình dục không có tiếng nói như một chủ thể. Ta cần công nhận tính phức tạp của công nghiệp tình dục và công việc lao động tình dục; những người lao động tình dục có nhiều lý do để làm nghề này.
- Ta đừng cho rằng tất cả những người lao động tình dục đều nhiễm HIV. Khi những người lao động tình dục là một trong những nhóm có nguy cơ cao nhất đối với HIV, ta đừng bao giờ coi hoặc đối xử với họ như những người đi lây truyền mầm bệnh. Ta cần phải làm cho tiếng nói của họ được mọi người lắng nghe ở bất cứ buổi thảo luận nào ở cấp đại phương hoặc toàn cầu về tính dễ bị tổn thương và sự lây truyền của HIV, vì họ rất thường bị gạt ra khỏi các cuộc đối thoại, và các ý kiến đóng góp của họ là rất cần thiết để chấm dứt đại dịch.
- Ta đừng cho rằng người lao động tình dục nào cũng có người dắt mối. Một người được nhận khoản tài trợ EMPOWER của Tổ chức AJWS đã nói: “Khi chúng tôi làm việc độc lập, chúng tôi không cần người dắt mối mà cần bạn bè và đồng nghiệp.”
- Ta hãy dung từ “ khách hàng” thay vì từ “anh John”, vì từ “John” được dùng ở một số nước trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam (chẳng hạn như ở Thái Lan) để chỉ các anh lính chiến Hoa Kỳ không bao lâu sau khi bản nhạc “A Dear John Letter” (bức thư tình gửi anh John) được phát hành. Nhiều người lao động tình dục thích dung từ “khách hàng” thay vì dùng từ mang tính hò hẹn là “John.”
- Đừng cho rằng người lao động tình dục là những cha mẹ tồi. Tính linh động của việc lao động tình dục có thể giúp những người làm cha mẹ có thể có mặt bên cạnh các con nhiều thời gian hơn so với những ngành nghề khác ở các nước đang phát triển.
Lê Thị Hạnh trích dịch -GAS HSU
Theo American Jewish World Service.
Sex Worker Rights – (Almost) Everything You Wanted to Know but Were Afraid to Ask. July 2013.
Không có nhận xét nào: