Báo cáo nghiên cứu: "Quan Điểm của Sinh Viên Trường Đại Học Hoa Sen về Giới"



GAS-Ngày 29 tháng 11 năm 2013, Viện Nghiên Cứu & Phát Triển, thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo về bình đẳng giới. Bà Doãn Thi Ngọc, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Giới và Xã hội (GAS), trường Đại học Hoa Sen đã thay mặt nhóm nghiên cứu báo cáo đề tài “Tìm hiểu quan điểm của sinh viên (SV) trường ĐH Hoa Sen về giới trong gia đình và nơi học tập” 

Nội dung báo cáo tập trung vào những điểm chính sau: Lý do nghiên cứu đề tài 
 • Từ giữa năm 2010, trường ĐH Hoa Sen đã đưa môn giới và phát triển vào giảng dạy trong chương trình Giáo dục tổng quát như là một trong những môn học tự chọn dành cho những sinh viên các chuyên ngành từ năm thứ nhất đến năm thứ tư. 
 • Trung tâm nghiên cứu Giới và Xã hội (GAS) được thành lập và bắt đầu tổ chức những hoạt động công tác bình đẳng giới thông qua Điểm tin hai tuần mỗi tháng & Bản tin ba tháng một lần nhằm góp phần phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức về giới cho cộng đồng trong nước và quốc tế. 
 • Để sinh viên Hoa Sen cùng đồng hành với nhà trường trên con đường hoạt động cho bình đẳng giới, GAS cần thiết phải nhận diện được những suy nghĩ, những mối quan tâm của SV về chiều kích giới trong các mối quan hệ gia đình và nhà trường. 
 • Việc đánh giá đúng hiện tình nhận thức, suy nghĩ và mong muốn của SV Hoa Sen sẽ là căn cứ giúp cho GAS xây dựng kế hoạch, nội dung và hình thức hoạt động phù hợp với mức độ nhận thức và mong muốn của cộng đồng. 

Mục đích nghiên cứu Tìm hiểu suy nghĩ, nhận xét của SV ĐH Hoa Sen về vị trí, vai trò của nam giới và nữ giới trong bối cảnh gia đình và học tập. 

Phương pháp nghiên cứu Cuộc nghiên cứu này được thực hiện từ tháng 12 năm 2011 đến tháng 12 năm 2012, sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính với kỹ thuật thu thập dữ liệu là phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm tiêu điểm. Nhóm nghiên cứu đã dựa vào sơ đồ “Kiến thức, thái đô, thực hành (KAP) để khảo sát một cách đinh tính mối liên hệ và tác động qua lại giữa các yếu tố này. Nhằm bảo đảm tính ẩn danh của khách thể, mỗi khách thể trong mẫu mang một ký hiệu riêng. Đối tượng nghiên cứu Tổng dân số mẫu là 62 khách thể, trong đó 22 khách thể được phỏng vấn sâu cá nhân (6 nam sinh và 16 nữ đang theo học ở trường ĐH Hoa Sen và có 4 nhóm tiêu điểm (mỗi nhóm 10 khách thể (5 nam 5 nữ)), trong đó 2 nhóm cư trú tại thành phố Hồ Chí Minh và 2 nhóm từ các tỉnh thành trong cả nước. Các khách thể học giới chiếm 50% và 50% còn lại chưa học giới. 

Kết quả nghiên cứu:
  •  Nhận thức về vị trí vai trò giới trong gia đình Nhận thức về những biểu hiện tính cách, vị trí vai trò giới của người cha và người mẹ John J. Macionis (1987) cho rằng “Gia đình là môi trường xã hội hóa đầu tiên của con người (dẫn lại theo Lê Thị Quí, 2009, trang 124-5). Khách thể học, quan sát, cảm nhận, bắt chước, thực hành từ hình ảnh người cha trong gia đình như:là trụ cột, gia trưởng, bạo hành, thiếu tôn trọng vợ con, có quyền quyết định những việc quan trọng, tính tình mạnh mẽ, cứng rắn. Người cha chủ yếu đảm nhận một vai trò sản xuất, còn những vai trò khác chỉ là phụ. Ngược lại, các khách thể nói hình ảnh người mẹ là dịu dàng, mềm mại, tần tảo, hi sinh, chăm sóc, và là chỗ dựa tinh thần cho chồng con. Người mẹ cùng một lúc đảm nhận cả ba vai trò: sản xuất, tái sản xuất, và hoạt động cộng đồng, trong đó hoạt động tái sản xuất rất phổ biến đối với các bà mẹ đi làm và không đi làm ngoài xã hội.
  • Nhận thức về quan hệ giới trong gia đình Sự khác biệt của cha mẹ về giới tính, tính cách, vị thế, vai trò giới có ảnh hưởng sâu sắc tới phương pháp giáo dục của họ với các khách thể. Qua đó, các khách thể được dạy “con gái phỏng theo mẹ, con trai phỏng theo cha”. Ví dụ, người mẹ giáo dục con gái về những khuôn mẫu mình đã được dạy để làm người phụ nữ “tốt” như: làm việc nhà, học nấu ăn, quan tâm chăm sóc cho những người xung quanh. Ngược lại, người cha khuyến khích con trai tư tưởng thống trị gia đình và xã hội như: đàn ông phải mạnh mẽ, lãnh đạo, làm việc nặng nhọc, đi chơi, nghịch ngợm, quậy phá (Lê Thị Quí, 2009). 
  • Nhận thức về cách dạy những biểu hiện nữ tính & nam tính trong gia đính Từ nhỏ, các khách thể được dạy dỗ, đối xử tùy theo trẻ trai hay trẻ gái thông qua sự khác biệt về trò chơi, ăn mặc, vị trí, vai trò, tính cách, màu sắc, thậm chí cả dinh dưỡng và tình cảm (Lê Thị Quí, 2009). Chính vì vậy, các khách thể luôn được dạy dỗ từng ngày, từng giờ và phải điều chỉnh hành vi, tâm lý, nhận thức phù hợp với mong đợi của gia đình vả môi trường xung quanh. Các khách thể nữ nói, “em cần phải cư xử, hành động theo nữ tính: dịu dàng hơn, nhẹ nhàng hơn, muốn được đẹp, làm nũng để được yêu thương, ăn nói nhỏ nhẹ nếu không sẽ bị chê con gái gì mà nói to, nghịch ngợm như con trai.” Khác với nữ khách thể, các khách thể nam khi biết mình là con trai thì thấy thoải mái hơn, đi chơi khuya, nghịch ngợm hơn. Các nam khách thể nói cha mẹ và những người xung quanh thường dạy dỗ các em như: “Con trai phải mạnh mẽ, năng động, tự lập. Con trai gì mà nhút nhát. Con trai sao lại chơi búp bê. Con trai là rất quan trọng trong gia đình vì có thể nối dõi tông đường. Con trai phải cố gắng học tập cho giỏi để sau này còn lo cho gia đình, làm trụ cột trong gia đình. 
  • Nhận thức về tâm lý thích con trai trong gia đình Cha mẹ trong gia đình thường thiên vị và ưu ái hơn cho con trai trong công việc nhà, việc học tập, chọn trường, đáp ứng những đòi hỏi vật chất như mua xe, mua điện thoại hay laptop. Trong gia đình, cha mẹ quan niệm con gái không nhất thiết học nhiều, học cao, trong khi đó sẵn sàng chọn trường tốt, đóng học phí cao cho con trai. Kết quả nghiên cứu cho thấy 4/22 trường hợp, gia đình đối xử công bằng, yêu thương cả với con trai và con gái, tạo mọi điều kiện để phát triển tốt. Những khách thể này nhận định, “gia đình không phân biệt trai gái nên khi gia đình sinh hai con gái là dừng. Ba mẹ nói con nào cũng là con.” Các khách thể còn chia sẻ rằng họ thấy tự tin và hạnh phúc khi cha mẹ không chê con gái và cho các em học cao. 
  • Nhận thức về phân công lao động theo giới trong gia đình Kết quả phân tích (17/22 ca phỏng vấn) về phân công lao động trong gia đình cho thấy người mẹ, người chị, người em gái trong gia đình luôn là “nội tướng”, đặc biệt là hình ảnh người mẹ với những công việc nhà như: nấu nướng, dọn dẹp, giặt giũ, chăm sóc các thành viên v.v… được xuất hiện thường xuyên và nổi bật trong quan sát hàng ngày của các khách thể. 2. Nhận thức về vị trí vai trò giới trong nhà trường 
  • Nhận thức về mối quan hệ giới ở mẫu giáo, cấp 1, cấp 2 Kết quả phân tích giống với kết quả nghiên cứu về “Khảo sát chiều kích giới trong sách giáo khoa” của TS. Trần Hữu Quang vào năm 2010, ví dụ như về tính cách, vai trò giới, lựa chọn nghề nghiệp theo giới tính. Ở mẫu giáo và cấp 1, 2, khách thể được dạy dỗ theo mô hình giới rập khuôn như cách dạy dỗ của cha mẹ. “Ở cấp 1 em được thầy cô dạy con trai phải mạnh mẽ, hoạt bát, năng động,không được chơi trò chơi của con gái...không được khóc nhè. Con gái thì được dạy dịu dàng ngay cả khi giận dữ, không được chơi đá banh, các trò chơi bạo lực.” (Nam SV) 
  • Nhận thức về mối quan hệ giới trong trường phổ thông Khách thể nữ nhận định những hiện tượng phân biệt đối xử ở trường phổ thông như: khi chấm bài thầy cô thường khó và nghiêm khắc với nữ nếu họ viết cẩu thả, bôi, xóa, nhưng thầy cô chấp nhận khuyết điểm này của nam. Về năng lực, giáo viên thường cho rằng nam giỏi toán hơn nữ, nữ có năng khiếu về văn hơn nam. Khách thể cho rằng cả thầy cô đều tin tưởng nam sinh hơn trong những việc cần trí tuệ và giao cho nữ những công việc tỉ mỉ, chi tiết, hoặc gần gũi với công việc nội trợ. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp thầy cô không phân biệt nam, nữ, mà chú ý đến những học sinh học giỏi. Về ăn mặc, thầy cô cũng mong đợi nữ phải ăn mặc kín đáo, thướt tha, mặc áo dài, nhưng nam giới lôi thôi, luộn thuộn cũng vẫn được chấp nhận. 
  • Nhận thức về mối quan hệ giới trong môi trướng đại học Khi học ở trường ĐH Hoa Sen, các khách thể nhận xét rằng mối quan hệ giới đã thay đổi ở cấp bậc học này. Đa phần các khách thể cho rằng ở Hoa Sen, nam nữ hòa đồng, thầy cô cũng hiếm phân biệt con trai, con gái. 
 Doãn Thi Ngọc-GAS HSU 
 Nhóm nghiên cứu gồm: Thái Thị Ngọc Dư Doãn Thi Ngọc Nguyễn Thị Nhận Phan Trịnh Hoàng Dạ Thi 
 Tài liệu tham khảo
John J. Macionis. (1987). Sociology. Prentic Hall: Toronto, Canada 
Lê Thị Quí. (2009). Xã hội học giới. NXB Giáo Dục Việt Nam GDVN 
Trần Hữu Quang. (2012). Khảo sát chiều kích giới trong sách giáo khoa của nền giáo dục phổ thông ở Việt Nam. 
Tuyển tập Giới và xã hội, Nhà xuất bản Thời Đại. tr.36 – 56.

Không có nhận xét nào: