THẮC MẮC VỀ TÍNH THIẾU HIẾU KỲ VỀ NỮ QUYỀN

 

Hiếu kỳ là một việc rất tốn năng lượng. Vì vậy, hiếu kỳ là một hình thái khác với ‘tình trạng duy trì năng lượng’ và nó khiến những ý tưởng nhất định trở nên rất lôi cuốn. Chúng ta hãy lấy một tính từ mang tính định hướng để làm ví dụ: từ ‘tự nhiên’ (‘natural’). Nếu một người xem một cái gì đó là ‘tự nhiên’ – như điều ‘tự nhiên’ là các vị tướng là đàn ông, và những công nhân may mặc là phụ nữ - thì suy nghĩ như vậy sẽ giúp tiết kiệm năng lượng cho trí não của người đó. Dù gì thì tất cả những cái chúng ta cho là tự nhiên lại không phải được chúng ta tạo ra với đầy đủ hiểu biết về chúng. Chúng ta không phải quyết định gì cả. Và kết quả là: chúng ta có thể tưởng tượng là mình chẳng có gì cần tìm hiểu. Chúng ta có thể chỉ cần thấy thông cảm với những người phụ nữ làm việc trong những công xưởng nhỏ, mà không cần tìm hiểu xem tại sao họ lại ở những nơi đó hay họ nghĩ gì về vị trí của mình ở đó.   


Từ ‘truyền thống’ (‘traditional’) cũng có cùng một mục đích sai lầm là nhằm tiết kiệm năng lượng. Nếu một điều gì đó được xem là ‘truyền thống’ – được truyền theo đường cha truyền con nối - thì nó sẽ được quấn vào một tấm chăn để bảo vệ nó miễn nhiễm khỏi đủ thứ các câu hỏi phiền phức.


Một người em họ của ‘truyền thống’ là từ ‘luôn luôn’ (‘always’). Bây giờ, tín hiệu cảnh giác cứ được bật sáng trong đầu tôi mỗi khi tôi nghe ai đó sử dụng từ ‘luôn luôn’. Rất thường xuyên từ này được dùng để cắt ngắn một cuộc tranh cãi khó chịu. ‘Người Mỹ thích dùng súng’, ‘Phụ nữ thường xem những phụ nữ khác như là đối thủ’. Biến dạng của từ ‘luôn luôn’ là ‘cũ nhất’ – như trong lời tuyên bố hùng hồn ‘Mại dâm là nghề xưa nhất’. Cứ như mại dâm là một nghề không có giới hạn về thời gian, không có lịch sử. Cứ như việc hình thành bản năng giới tính của những người phụ nữ làm nghề này là để phục vụ cho mua bán và cho chức năng đàn ông (masculinized functions) đã ‘luôn luôn’ tồn tại và ở mọi nơi. Ơn trời, những người hâm mộ của từ ‘luôn luôn’ ngụ ý rằng chúng ta không phải đầu tư lượng năng lượng hiếm hoi của mình vào tìm hiểu một đề tài như vậy. Phew.


Trong suốt 8 năm tôi dùng để viết ra những bài nghị luận được in trong quyển sách này, bài cuối cùng đã được viết trong thời gian Mỹ tiếp tục cuộc chiếm đóng ở Iraq – tôi đã trở nên càng ngày càng tò mò về sự hiếu kỳ và không hiếu kỳ. Một ví dụ là đã lâu rồi tôi hoàn toàn thấy ổn khi sử dụng (và nghĩ đến) một cụm từ là ‘lao động rẻ mạc’ (‘cheap labor’). Thật ra, tôi còn cho là việc dùng cụm từ đó tạo cho mình có cái dáng vẻ của một người có tư duy phê bình, một người có năng lượng trí tuệ (intellectual energy) đối với tôi và cả trước mặt những người khác. Nhưng chỉ đến khi các đồng nghiệp theo thuyết nam nữ bình quyền nhắc tôi chú ý, thì tôi mới bắt đầu đổi ngược cụm từ này lại, thành ‘lao động bị làm cho rẻ mạc’ (‘labor made cheap’), và nhận ra rằng tôi đã thực sự lười biếng suy nghĩ đến mức nào. Bây giờ mỗi khi tôi viết cụm từ ‘lao động bị  làm cho rẻ mạc’ lên bảng, trong khán phòng mọi người sẽ kêu lên ‘Bị ai làm cho rẻ mạc?’, ‘Bằng cách nào?’ Họ đang tán rộng nội dung cần tìm hiểu ra. Họ yêu cầu tôi, yêu cầu tất cả chúng ta, phải tiêu thêm nhiều năng lượng trí tuệ.


Thời điểm mà một người bắt đầu băn khoăn về một điều gì đó cũng chính là lúc thích hợp để suy nghĩ cái gì đã khiến mình không hề băn khoăn về điều này trước đó. Có rất nhiều cấu trúc quyền lực – ngay trong gia đình, trong tổ chức, trong xã hội, trong những quan hệ quốc tế - phụ thuộc vào cái sự thiếu tò mò dai dẳng của chúng ta. ‘Tự nhiên’, ‘truyền thống’, ‘luôn luôn’, mỗi từ là một cái trụ văn hóa để chống đỡ những cấu trúc quyền lực quốc tế, quốc gia, cộng đồng, gia đình, cho chúng sự hợp lệ, sự vĩnh tồn, sự không thể thay thế được. Bất kỳ sự sắp xếp quyền lực nào mà được cho là hợp pháp, vĩnh tồn, không thể thay thế được đều được phòng thủ khá kỹ. Vì vậy chúng ta cần dừng lại và xem xét kỹ lưỡng cái sự thiếu tò mò của mình. Chúng ta cũng cần đặt câu hỏi về sự thiếu hiếu kỳ của những người khác – không phải để thấy tự mãn với bản thân, mà để có thể hòa hợp với những người không thấy có vấn đề gì ở bất kỳ cấu trúc quyền lực nào.


Tại sao chúng ta lại thấy dễ chịu đến thế nếu không phải thắc mắc về quá trình sản xuất ra một đôi giày thể thao? Có gì rất hợp lý về chuyện chúng ta không cần thắc mắc về ảnh hưởng mà một khu căn cứ quân sự gây đến cho đời sống người dân ở đó? Tôi đã đi đến một suy nghĩ là việc tránh cho chúng ta không thắc mắc chắc là để phục vụ cho một mục đích chính trị của một người nào đó.  Tôi cũng tin rằng tôi đã giữ cho tôi không phải hiếu kỳ. Trạng thái không hiếu kỳ là trạng thái dễ chịu một cách nguy hiểm nếu nó được khoác lên sự hợp lý (reasonableness) và tính hiệu quả về trí tuệ. ‘Chúng ta không cần điều tra mọi thứ!’


Có gì đặc biệt về việc phát triển tính hiếu kỳ của nữ quyền (feminist curiosity)? Một trong những điểm khởi nguồn của chủ nghĩa nữ quyền (feminism) là xem xét cuộc sống của phụ nữ một cách nghiêm túc. ‘Nghiêm túc’ có nghĩa là lắng nghe một cách cẩn thận, đào sâu, phát triển sự chú ý, và luôn sẵn sàng ngạc nhiên. Chú ý đến phụ nữ - tất cả các tầng lớp phụ nữ, sống ở những thời đại và những nơi khác hẳn nhau – không đồng nghĩa với việc anh hùng hóa họ. Đương nhiên có nhiều phụ nữ xứng đáng được khen ngợi, kính nể, nhưng có nhiều phụ nữ khác mà chúng ta cần chú ý lại  đang đồng hành cùng bạo lực hay trong sự đàn áp của kẻ khác. Tuy nhiên, sự hiếu kỳ nữ quyền (feminist curiosity) xem tất cả phụ nữ là đối tượng đáng được quan tâm, được đặc biệt chú ý. Vì bằng cách này, chúng ta sẽ có thể làm sáng tỏ những hoạt động chính trị om sòm và tinh vi của cả nam giới và nữ giới.


‘Vợ lính’, ‘lính dưới tuổi thành niên’ ‘giám đốc công xưởng’, ‘công nhân công xưởng’, ‘ người cứu trợ nhân đạo’, ‘nạn nhân của nạn cưỡng hiếp’ , ‘những nhà hoạt động vì hòa bình’, ‘lãnh đạo quân sự’, ‘chính quyền chiếm đóng’. Những cụm từ thông thường không mang màu sắc giới này là nhằm để che giấu đi những hoạt động chính trị của nam giới và nữ giới. Chúng đã đập tan câu hỏi hiếu kỳ của chúng ta như là: những người đàn ông và phụ nữ này ở đâu, ai đem họ đến những nơi đó, ai được lợi từ việc những người phụ nữ phải ở đó chứ không phải một nơi khác, những người phụ nữ nghĩ gì về vị trí của họ và họ nghĩ gì trong tương quan với những người đàn ông và những người phụ nữ khác. Mỗi lần chúng ta bỏ qua từng câu hỏi như vậy, chúng ta có thể không chú ý đến chế độ phụ quyền. Nó sẽ trượt sướt qua chúng ta như một cái xe chở dầu trong một đêm đầy sương mù. Sương mù chính là sự thiếu tò mò. Nhưng nếu chúng ta không thấy được chế độ phụ quyền mặc dù nó chính là cấu trúc quyền lực chủ yếu, thì cách chúng ta giải thích về hoạt động của thế giới này sẽ không còn đáng tin cậy nữa.


Chế độ phụ quyền là một hệ thống cấu trúc và tư tưởng, cho phép đặc quyền dành cho nam giới được tồn tại mãi. Tất cả mọi loại hệ thống xã hội và tổ chức đều có thể theo phụ quyền. Toàn bộ các nền văn hóa đều có thể trở thành phụ quyền. Đây chính là một thực tế đã gợi cảm hứng cho các phong trào nữ quyền hoạt động theo phạm vi quốc gia, huy động nguồn lực từ nhiều cấp độ cùng một lúc. Gia đình, chính quyền thành phố, quân sự, ngân hàng, cảnh sát là những nơi trong cuộc sống bình thường thường nghiêng về những giá trị, cấu trúc, và hoạt động mang tính phụ quyền. Một số lớn bệnh viện, trường học, xí nghiệp, những người làm luật, những đảng phái chính trị, những viện bảo tàng, báo chí, công ty kịch nghệ, mạng lưới truyền hình, tổ chức tôn giáo, tập đoàn, và tòa án đều phát triển cách nhìn và hành xử với các nhân viên và thân chủ của họ, và với thế giới xung quanh xuất phát từ quan điểm là: nam giới xứng đáng được tưởng thưởng, được thăng tiến, ngưỡng mộ, được noi gương theo, được ưu tiên và được tăng lương. Khuynh hướng phụ quyền cũng có thể được tìm thấy trong những phong trào đòi hòa bình, công bằng, cũng như trong văn phòng của các tạp chí cấp tiến, những tổ chức khai sáng, và những tổ chức phi chính phủ toàn cầu –tất cả đều có thể, và đã theo chế độ phụ quyền.


Hệ thống phụ quyền đáng lưu ý ở chỗ nó cho giới nữ ra rìa. Vì miễn là một xã hội hay một nhóm nào đó theo chế độ phụ quyền, thì ở đó người ta sẽ rất dễ dàng và chẳng có gì để tranh cãi khi đối xử không tôn trọng, lơ đi, giảm tầm quan trọng, hay la mắng những gì thuộc về giới nữ. Đó là lý do tại sao sự hiếu kỳ nữ quyền không chỉ hướng về những buổi thảo luận chính thức, công khai và những ứng xử của nhân viên trong các nhóm, tổ chức, mà cả trong những cuộc nói chuyện thông thường, không chính thức hay riêng tư, trong những lời đùa, những cử chỉ, những tập tục. Điều tra viên theo chế độ nữ quyền luôn luôn đến buổi họp trước khi nó bắt đầu để nghe những chuyện phiếm trước cuộc họp và hiếu kỳ đi theo những cuộc họp-sau-cuộc họp trên các dãy hành lang hay trong quán rượu nào đó.


Không có chế độ phụ quyền nào chỉ bao gồm đàn ông và chỉ thuộc về nam giới. Hoàn toàn không có. Chế độ phụ quyền đã kéo dài từ rất lâu, được áp dụng ở nhiều trường hợp, chính xác là vì chế độ đó làm cho nhiều người phụ nữ không chú ý thấy được vị trí ngoài rìa của mình, mà thay vào đó còn cảm thấy được an toàn, được bảo vệ, được có giá trị.  Chế độ phụ quyền trong quân sự, trong công đoàn lao động, những phong trào giành độc lập, những đảng phái chính trị, trong các bang hay trong tất cả những tổ chức quốc tế dành đặc quyền cho nam giới, nhưng để thực hiện được điều này, họ cần có ý kiến phức tạp về nữ tính và sự chấp thuận, đồng tình từ giới nữ. Để duy trì sự phân tầng giới tính, tôi lấy ví dụ những công ty luật theo chế độ phụ quyền không chỉ cần những thư ký và những nhân viên vệ sinh nữ, mà họ cũng cần cả những cộng sự nữ và phụ tá luật nữ. Những nền quân sự theo phụ quyền cần có những người vợ lính, và những người hành nghề mại dâm. Những tập đoàn theo chế độ phụ quyền cần có những nhân viên văn phòng và những công nhân nữ. Mọi người được ấn vào hay được lùa vào đóng vai trò của giới nữ đều phải đóng vai trò đó để làm cho những người nam giới có vẻ (đối với họ và cả với mọi người khác) là thông thái nhất, trí tuệ nhất, hợp lý nhất, vững vàng nhất, cứng đầu nhất.


Một trong các nguyên nhân mà những người theo nữ quyền rất nhanh nhạy lôi chế độ phụ quyền ra như là nguyên nhân chính gây ra quá nhiều sự kiện trên thế giới – như gây ảnh hưởng quyền lực, toàn cầu hóa, hiện đại hóa – là vì những người theo nữ quyền này quan tâm đến phụ nữ. Từ việc quan tâm chú ý đến người phụ nữ sống ở nhiều nơi khác nhau, những người theo thuyết nữ quyền có thể quan sát được chế độ phụ quyền, trong khi những người bình thường khác chỉ có thể thấy được chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa quân sự, hay sự phân biệt chủng tộc hay chủ nghĩa đế quốc. Trong những chương tiếp theo, tôi sẽ nói rõ hơn về việc tôi đã càng lúc càng được thuyết phục, được nhiều người dạy là chế độ phụ quyền phải luôn được phân tích.


Chế độ phụ quyền không phải là một cái gì đó lỗi thời. Và nó cũng không cố định không thay đổi. Sự kết hợp của cấu trúc và niềm tin để tạo ưu thế cho nam giới được hiện đại hóa liên tục. Ngày nay có quá nhiều người theo nữ quyền và những người ủng hộ phụ nữ trên quốc tế đang chia sẻ thông tin, tầm nhìn, chiến lược đến nỗi kế hoạch cập nhật chế độ phụ quyền có lẽ khó đảm bảo thành công hơn trước kia. Dù vậy, mọi hiến pháp mới được soạn thảo, mọi kế hoạch kinh tế mới, mọi công ước mới được đưa ra thảo luận đều chí ít cũng cung cấp cơ hội cho những người được hưởng lợi từ việc ưu tiên nam giới, để họ trang bị cho chế độ phụ quyền một ‘dáng vẻ mới’ không thật. Chế độ phụ quyền, vì vậy, có thể theo thời thượng như việc thuê Bechtel, Lockheed, và những nhà thầu quân sự đi thực hiện nghĩa vụ chiếm đóng ở nước ngoài. Ví dụ như, khi những nhà chiến lược của chính phủ Mỹ thực hiện các bước tái thiết thời hậu chiến ở Iraq và Afghanistan, họ đã tạo cho công việc đó một hình ảnh trái ngược với chế độ chuyên trị và đế quốc lỗi thời. Trong thực tiễn, họ đã trả tiền cho một số tổ chức rất ưu tiên nam giới để thực hiện kế hoạch đế quốc. Điều được nói là mới lại sản xuất ra một sản phẩm rất quen thuộc. Chế độ phụ quyền tồn tại ở khắp nơi giống như chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa yêu nước, và sự tái thiết sau chiến tranh.


(...) Câu hỏi mà tôi nghĩ chúng ta nên đặt ra là: Bao nhiêu phần trong những gì đang diễn ra là do chế độ phụ quyền gây ra? Đôi khi, chế độ phụ quyền chỉ là một phần lý do. Đôi khi, nó lại là nguyên nhân chính. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết nếu không hỏi, không nghiêm túc điều tra cách thức như thế nào và tại sao nam giới lại được ưu đãi, và bao nhiêu phần trong những đặc quyền này là dựa vào sự kiểm soát phụ nữ và lôi kéo phụ nữ vào làm đồng minh với chế độ phụ quyền.

(...)

By GS. Cynthia Enloe (ĐH Clark, Hoa Kỳ) 

Lê Hoàng Anh Thư dịch

Bài viết này được trích từ: ENLOE, Cynthia (2004), “Introduction: Being Curious about Our Lack of Feminist Curiosity” trong The Curious Feminist, University of California Press.
http://gas.hoasen.edu.vn/vi/gas-page/vai-dong-ve-gscynthia-enloe-dai-hoc-clark-hoa-ky

Không có nhận xét nào: