Bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ là chìa khóa để giảm nghèo toàn cầu

 


Ngày 17/10/2006, Faustine Janjira đang chuẩn bị bữa ăn tại nhà ở Highfields - một khu ngoại ô đông dân của thủ đô Harare, nước Zimbabwe.  Janjira sống với các chị em gái và 10 đứa con cháu trong một căn nhà hai phòng. Một mình cô đang phải vật lộn để kiếm tiền nuôi sống cả gia đình. 



Tổng thống Barack Obama đã phát biểu  tại buổi Họp mặt Liên bang Tháng Giêng 2013 rằng Hoa Kỳ có thể sẽ gia nhập với các đồng minh để “xóa bỏ” nạn nghèo đói cùng cực trong “hai thập kỷ tới” bằng cách liên kết nhiều người hơn vào nền kinh tế toàn cầu và tăng quyền lực cho phụ nữ. Chấm dứt nạn nghèo đói cùng cực đòi hỏi phải tạo cơ hội cho từng cá nhân, đặc biệt là phụ nữ, để họ phát triển thông qua giáo dục, dinh dưỡng và y tế. Nhằm đạt được mục đích  này, ta cần chú trọng hơn về bình đẳng giới và tháo dỡ các rào cản ảnh hưởng không tương xứng đến phụ nữ.



Trong cuộc đấu tranh chống nghèo đói đã có một tiến bộ lớn, đặc biệt kể từ khi thông qua các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc (MDGs) vào năm 2001. Từ năm 1990 đến 2008, số người nghèo đói cùng cực trên thế giới đã giảm đi hơn 800 triệu người. Tuy nhiên vẫn còn rào cản ngăn cách họ đến với sự phồn thịnh – chẳng hạn như bất bình đẳng và phân biệt đối xử đối với nhóm yếu thế và họ bị gạt ra ngoài lề xã hộii – và các thách thức mới tiếp tục nổi lên cản trở các mục tiêu giảm nghèo.



Có khoảng 1,3 tỷ người vẫn chưa tiếp cận  được với điện, và việc thiếu các nguồn năng lượng đáng tin cậy là một chướng ngại vật tuyệt đối để thoát khỏi nạn  nghèo. Các đe dọa khác đối với tình trạng  kinh tế của cá nhân và gia đình – kể cả biến đổi khí hậu – gây nguy hiểm cho những thành quả của phát triển và đe dọa sẽ đảo ngược các thành quả này. Có   nơi có thể đo lường về tiến bộ trong  giảm nghèo nhưng sự  tiến bộ đó  chưa đồng đều: người nghèo nhất và thiệt thòi nhất đã không nhận được các lợi ích tương xứng của sự phát triển.



Trong khi tỉ lệ  nghèo đã giảm ở nhiều nước đang phát triển, với nhiều cải thiện đã tập trung ở Trung Quốc. Trên toàn thế giới, nhóm dân nông thôn, dân tộc thiểu số, người khuyết tật và phụ nữ đã không được hưởng lợi từ trào lưu kinh tế đang lên. Từ viễn cảnh toàn cầu, phụ nữ chỉ sở hữu 1% tài sản, kiếm được 10% tổng thu nhập, tuy họ sản xuất ra phân nửa số lương thực cho toàn thế giới.



Bất kỳ chương trình nghị sự nào về nghèo đói đều phải tập trung vào phụ nữ vì họ chiếm 70% số người nghèo trên thế giới. Phụ nữ chiếm 2/3 số người mù chữ trên toàn cầu và tất cả phụ nữ đều gặp phải nhiều chướng ngại  khác trong các lãnh vực  kinh tế và xã hội, kể cả mức chênh lệch về tiền lương và thực tế cho thấy rằng  phụ nữ thường phải nhận các việc làm có giá trị thấp và không ổn định. 


Vì phụ nữ chiếm đa số người nghèo trên thế giới và vì ta chưa đạt được các mục tiêu phát triển-  đặc biệt ở những nơi vẫn còn bất bình đẳng giới- việc tăng quyền lực cho phụ nữ và bình đẳng giới cần phải là trọng tâm của chương trình nghị sự của Liên Hiệp Quốc về phát triển sau năm 2015, khi các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ hết hạn. Sự hết hạn của các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và sự phát triển các Mục tiêu Phát triển Bền vững mới đang kích thích các đối thoại toàn cầu về cách thức giảm nghèo và phát triển bền vững. Bài tóm tắt này xem xét về bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ vào thời kỳ sau năm 2015 của chương trình nghị sự Liên Hiệp Quốc về phát triển.


Tại sao đặt trọng tâm vào phụ nữ?


Vai trò quan trọng của phụ nữ trong phát triển bền vững đã được nhìn nhận từ lâu. Tuyên ngôn Bắc Kinh 1995 tại Hội nghị Phụ nữ Thế giới lần thứ 4 của Liên Hiệp Quốc và Tuyên ngôn Rio 1992 đã công nhận việc tăng quyền năng cho phụ nữ là thiết yếu đối với phát triển bền vững. Tuy nhiên sự phân biệt đối xử về giới tiếp tục là yếu tố chủ chốt dẫn tới nghèo đói.


Đáp ứng các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ để giảm nghèo và bất bình đẳng giới 


Tuyên ngôn Thiên niên kỷ đã liệt kê các giá trị cơ bản: tự do, bình đẳng, đoàn kết, khoan dung, tôn trọng thiên nhiên, và chia sẻ trách nhiệm. Bản Tuyên ngôn cũng liệt kê những mục tiêu chính sau đây: hòa bình, an ninh, và giải trừ quận bị; phát triển và xóa nghèo; bảo vệ môi trường; quyền con người, dân chủ, và quản  trị tốt; bảo vệ người dễ bị tổn thương; đáp ứng các nhu cầu đặc biệt của Châu Phi; và củng cố Liên Hiệp Quốc.


Sự phân biệt đối xử về giới ở cấp toàn cầu  đã đạt được mối quan tâm sâu sắc hơn khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc xem xét chương trình nghị sự mới về giảm nghèo toàn cầu vào đầu năm 2000. Các Mục tiêu Phát triển Thiên Niên Kỷ được giới thiệu vào tháng 9/2001 sau khi do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ủy thác cho tổng thư ký soạn một lộ trình về cách thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đã được thỏa thuận vào năm 2000.


Trong khi các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đã kích thích đầu tư, cải thiện các thước  đo về bất bình đẳng, và thông báo các cách thức để đẩy mạnh sự tiến bộ, nhưng không phải là tất cả các mục tiêu đều đi đúng hướng để hoàn thành, kể cả hai Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ có liên quan đến giới bao gồm: Mục tiêu 3- nhằm thúc đầy bình đẳng giới và tăng quyền lực cho phụ nữ; và Mục tiêu 5- cam kết nỗ lực cải thiện dịch vụ an sinh về y tế  cho các bà mẹ. 



Sơ đồ về Giới trong Báo cáo các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ năm 2012 cung cấp sự cập nhật về tình trạng ở Mục tiêu 3:

  • ·        Mức chênh lệch bình quân về giáo dục tiểu học đã được xóa bỏ, tuy nhiên, bất bình đẳng vẫn còn ở cấp vùng và các trẻ gái nghèo nhất đã không được đến trường. Có tiến bộ nhỏ về bình đẳng giới ở việc giáo dục cấp hai và cấp ba kể từ những năm 1990.
  • ·        Việc làm của phụ nữ bên ngoài lãnh vực nông nghiệp tăng từ 35% đến 40% trong thời gian từ năm 1990 đến 2010, nhưng sự tham gia của phụ nữ vào thị trường lao động vẫn còn thua xa nam giới, bất kể trình độ học vấn và kỹ năng của phụ nữ. 
  • ·        Phụ nữ chiếm chưa đến 21% số ghế nghị viện trên toàn cầu. Theo báo cáo này, “Theo mức độ tham gia trong  15 năm qua, cần phải mất gần 40 năm nữa để đạt được mức bình đẳng.”


Do đó, Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 3 vẫn chưa đạt được. Một bài học rút ra từ các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ là cần phải chú trọng đến các rào cản ngầm trong việc giáo dục các thiếu nữ và tạo cơ hội cho phụ nữ. 


Bà Helen Clark, Quản trị viên của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc, đã phát biệu tại Đại học Harvard vào tháng 01/2013 như sau:  “Sự tiến bộ hướng tới Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 5 nhằm giảm thiểu tỷ lệ tử vong của các bà mẹ đã rất chậm. Ta sẽ không đạt được mục tiêu trong thời hạn quy định. Ta cũng không thể nói rằng đã hoàn thành việc tiếp cận phổ cập đối với sức khỏe sinh sản.”


Sự tiến bộ đối với Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 5 cũng không cùng nhịp bước với các xu hướng toàn cầu. Sự thông dụng của các biện pháp ngừa thai trên toàn cầu đã gia tăng từ thập kỷ 1990 nhưng sự mở rộng phổ biến của các biện pháp ngừa thai đã diễn ra chậm chạp và vẫn ở mức thấp đối với phụ nữ nghèo và ít học. Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc năm 2009 thì có phân nửa trong số 48 nước thuộc vùng Hạ -Sahara Châu Phi, nơi có đủ dữ liệu, tỷ lệ sử dụng các biện pháp ngừa thai đạt chưa tới 20%.


Việc giảm thiểu tỷ lệ trẻ vị thành niên sinh con, vẫn còn dai dẳng do nghèo và ít học, cũng có tiến triển ở mức thấp. Khoảng cách về địa lý và phồn vinh cũng tác động đến tính sẵn có của các dịch vụ chăm sóc y tế tiền sản và cho bà mẹ, chẳng hạn như phụ nữ thành thị giàu có khi sinh con thì nhận được trợ giúp của nhân viên y tế lành nghề nhiều hơn gấp ba lần so với phụ nữ nghèo nông thôn. Chỉ có 1/3 phụ nữ nông thôn ở các khu vực đang phát triển nhận được chăm sóc tiền sản một cách đầy đủ. Việc trợ cấp không đầy đủ cho kế hoạch hóa gia đình là một cản trở chính đối với sức khỏe sinh sản của phụ nữ và sức khỏe bà mẹ, dù nhu cầu đối với các dịch vụ này vẫn còn cao trong hầu hết các khu vực, đặc biệt ở vùng Hạ-Sahara Châu Phi, nơi mà 1/4 phụ nữ muốn có biện pháp ngừa thai khi quan hệ nhưng đã không tiếp cận được với các biện pháp ngừa thai này.


Bà Helen Clark, Quản trị viên của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc nêu ra  hàng loạt những yếu tố về kinh tế, văn hóa và xã hội đã cản trở việc hoàn thành Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 5, gồm có: “bất bình đẳng giới; nghèo; ít hoặc không có bảo vệ quyền con người của phụ nữ và trẻ gái; không có an ninh lương thực và dinh dưỡng kém; thiếu hạ tầng cơ sở và dịch vụ, trong đó có sự thiếu tiếp cận năng lượng hoặc phương tiện di chuyển để đến các cơ sở dịch vụ y tế.”


Nhu cầu để giải quyết các yếu tố mang tính cơ cấu này được nhấn mạnh trong báo cáo của Đội ngũ Chuyên trách Hệ thống của Liên Hiệp Quốc gửi cho tổng thư ký với nhan đề: “Hiện thực hóa Tương lai Mong đợi của Ta cho Mọi người” (Realizing the Future We Want for All). Trong báo cáo có đoạn: Chương trình nghị sự về phát triển toàn cầu cần tìm cách giải quyết và giám sát việc xóa bỏ các khoảng cách chênh lệch giới cụ thể, và đồng thời cũng cần biến đổi các yếu tố thuộc cơ cấu đang củng cố sự tồn tại bất bình đẳng giới ở diện rộng, bạo lực giới, phân biệt đối xử và các tiến bộ không đồng đều về phát triển giữa phụ nữ và nam giới, trẻ gái và trẻ trai. Việc tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ gái và bảo vệ các quyền của họ cần phải là trọng tâm trong chương trình nghị sự hậu-2105.


Buổi hội thảo chuyên đề cấp cao của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về Tính bền vững Toàn cầu, do bà Tarja Halonen- cựuTổng thống Phần Lan và ông Jacob Zuma- Tổng thống Nam Phi đồng chủ tọa, mang ý nghĩa góp ý cho các hội đồng và diễn dàn quốc tế, gồm có Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Phát triển Bền vững, hoặc Rio+20,  và Công ước Khung về Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc hoặc UNFCCC, và Chương trình nghị sự về phát triển sau năm 2015. Bà Susan Rice, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc đã được đề cử làm đại diện của Hoa Kỳ tại buổi hội thảo chuyên đề này.


Báo cáo chuyên đề năm 2012, “Người dân Kiên cường, Hành tinh Kiên cường: Một tương lai Xứng đáng để Chọn lựa” (Resilient People, Resilient Planet: A Future Worth Choosing) kết luận rằng thúc đẩy quyền con người và thúc đầy bình đẳng giới là những công tác cơ bản cho sự phát triển. Theo báo cáo này:Bất kỳ sự chuyển đổi nghiêm túc nào hướng tới phát triển bền vững đều đòi hỏi phải có bình đẳng giới. Phân nửa trí thông minh và năng lực tập thể của nhân loại là nguồn lực mà ta cần nuôi dưỡng và phát triển, vì lợi ích của nhiều thế hệ tương lai. Sự gia tăng sắp tới của mức tăng trưởng toàn cầu có thể sẽ đến từ việc tăng quyền năng về kinh tế một cách đầy đủ cho phụ nữ.


Buổi hội thảo chuyên đề kiến nghị các chính phủ bãi bỏ những đạo luật phân biệt đối xử và cải cách thể chế cũng như các hành xử văn hóa để đảm bảo phụ nữ được tiếp cận bình đẳng với việc làm, các thị trường, dịch vụ sinh sản và y tế, và tài sản.  Buổi hội thảo cũng kiến nghị phụ nữ có vai trò bình đẳng trong tiến trình ra quyết định.


Hội nghị Rio+20 vào tháng 6/2012 nhằm tái cam kết chính trị đối với phát triển bền vững và đấu tranh với các thách thức mới nổi đã được hội nghị thượng đỉnh Rio+20 đầu tiên xác định vào năm 1992. Văn bản kết quả của hội nghị Rio+20 mang nhan đề “Hiện thực hóa Tương lai Mong đợi của Ta cho Mọi người” được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào năm 2012 và nhấn mạnh nhu cầu cần phải đấu tranh chống các nguyên nhân mang tính cơ cấu của nghèo đói, bằng cách đấu tranh chống bất bình đẳng. Văn bản ghi rõ:Sự thay đổi mang tính biến đổi sẽ đòi hỏi phải công nhận và giải quyết các chênh lệch hiện có và các nguyên nhân thuộc cơ cấu, kể cả sự phân biệt đối xử và sự gạt ra ngoài lề, mà phụ nữ và trẻ gái, người khuyết tật, người cao tuổi và thành viên các nhóm sắc tộc và dân tộc thiểu số đang phải đối mặt ở mọi nơi.


Một số rào cản chính đối với tăng quyền lực cho phụ nữ, như đã phác thảo trong văn bản, là những đe dọa và hành động bạo lực đối với phụ nữ. Trong “Tương lai mà chúng ta muốn”, sự xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ gái được công nhận là một phần không thể tách rời của sự phát triển.


Việc ngăn ngừa và giảm thiểu mọi hình thức bạo lực và lạm dụng- và bảo vệ chống các biểu hiện cụ thể của bạo lực và lạm dụng, gồm có buôn bán người, hành hạ, tội ác có tổ chức, cưỡng bức trẻ em đi lính, tội phạm liên quan đến ma túy, lạm dụng tình dục và bóc lột lao động- cần phải được đặt vào trọng tâm của bất kỳ chương trình nghị sự nào đã được công nhận đầy đủ là trọng tâm của an ninh con người, như là mệnh lệnh của quyền con người và như là một phần không thể tách rời của sự phát triển.


Bà Michelle Bachelet, Giám đốc điều hành của Tổ chức Phụ nữ Liên Hiệp Quốc, nhân khi nói về bình đẳng giới và khung phát triển sau năm 2015 tại một hội nghị ở Dublin, nước Ireland, đã nói: “Không có nước nào tren thế giới mà phụ nữ và trẻ gái được sống tự do không sợ hãi về bạo lực. Không có nhà lãnh đạo nào có thể tuyên bố: Điều này không xảy ra ở sân sau nhà tôi.” Theo bà  Bachelet, có khoảng 40% - 50% phụ nữ trong báo cáo của Liên minh Châu Âu bị quấy rối tình dục khi làm việc. Ở một số nước, có đến 70% phụ nữ phải gánh chịu bạo lực trong đời, và 1/3 phụ nữ trên thế giới trải nghiệm bạo hành tình dục trong đời. Bà Bachelet đã nói: “Khi nào phụ nữ còn phải đối mặt với bạo lực và phân biệt đối xử thì có nghĩa là các nỗ lực của chúng ta nhằm xóa bỏ nghèo đói, đạt được bình đẳng, đẩy mạnh quyền con người và dân chủ đều chưa thành công.”


Con đường tiến lên


Theo Tổ chức Phụ nữ của Liên Hiệp Quốc, “Có đến 7/10 phụ nữ trên thế giới báo cáo đã trải nghiệm bạo hành về thể xác và/hoặc tình dục vào một lúc nào đó trong đời.” Các thống kê ở báo cáo của Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên Hiệp Quốcvề tình trạng của phụ nữ có nêu rằng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ gái là một hiện tượng phổ biến, bất kể mức thu nhập, giai cấp, và văn hóa.


Vì các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ sẽ hết hạn vào năm 2015, nên bây giờ Liên Hiệp Quốc bắt đầu tiến trình lượng giá các mục tiêu này và quyết định sẽ gia hạn hoặc xem xét lại các mục tiêu. Sau nhiều báo cáo đã công bố vào thời kỳ hiện nay là lúc đang hoàn thành các mục tiêu, ông  Ban Ki-moon – Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã tổ chức buổi Hội thảo chuyên đề cấp cao vào tháng 7/2012 vừa qua, liên quan đến chương trình nghị sự về phát triển toàn cầu trong giai đoạn sau năm 2015. Hội thảo này nhằm cung cấp kiến nghị về việc tiếp tục đề cương phát triển toàn cầu của Liên Hiệp Quốc. Hội thảo chuyên đề cấp cao đã được bà Ellen Johnson Sirleaf, Tổng thống Liberia và ông Susilo Bambang Yudhoyono, Tổng thống Indonesia, cùng với ông David Cameron, Thủ tướng Anh Quốc cùng chủ trì. Hội thảo có sự tham gia của 27 lãnh đạo từ các xã hội dân sự, khối tư nhân và nhà nước.


Cho đến nay, hội thảo đã được triệu tập ba lần – vào Tháng 9/2012 ở New York vào buổi khai mạc của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc; Tháng 11/2012 tại Anh Quốc; gần đây nhất là vào Tháng 01/2013 tại Monrovia, nước Liberia. Báo cáo chung cuộc của hội thảo sẽ được công bố vào cuối Tháng 5/2013 vào buổi kết thúc của hai cuộc họp nữa – một cuộc họp ở Indonesia vào cuối Tháng 3, và một cuộc họp cuối cùng tại New York ở trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc.


Thông cáo chung từ hội thảo lần 3 tại Monrovia cho biết có một thỏa thuận giữa các tham dự viên rằng chương trình nghị sự về phát triển cần phải được mở rộng ra ngoài tăng trưởng kinh tế để đặt trọng tâm vào bình đẳng, bền vững và vươn tới nhóm dân đã bị tụt hậu trong các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Thông cáo chung nhấn mạnh rằng bất kỳ chương trình nghị sự nào về phát triển toàn cầu sau thời kỳ Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đều phải có phần tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ gái, mở rộng các chương trình bảo trợ xã hội, và tiếp cận phổ cập đến các dịch vụ chăm sóc y tế - gồm cả sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Thêm vào đó, tăng trưởng phải được hòa nhập, lồng ghép vào các thể chế mạnh và một chính phủ minh bạch để bảo vệ được các quyền.  Buổi họp kế tiếp của Hội thảo chuyên đề cấp cao sẽ được tổ chức ở Bali, vào ngày 25–27/3, và sẽ chú trọng đến phương pháp thực hiện.


Người ta mong đợi nhiều từ hội thảo về việc xem xét kỹ đến các vấn đề phụ nữ. Bà Tổng thống   Sirleaf và bà Tawakkul Karman, một thành viên khác của hội thảo, là một nhà hoạt động nữ quyền, đã cùng nhận giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2011 vì công tác quảng bá các quyền của phụ nữ và hòa bình. Bà Tổng thống Sirleaf, một quán quân lâu dài đấu tranh vì các quyền của phụ nữ, là người nữ tổng thống đầu tiên được bầu cử một cách dân chủ ở Châu Phi. Còn bà Karman, người trở thành gương mặt thân quen của cuộc nổi dậy năm 2011 ở Yemen, như là một phần của các cuộc nổi dậy Mùa Xuân Ả Rập, và được biết tới như là một “bà mẹ cách mạng,” ở tiền tuyến của cuộc đấu tranh vì dân chủ tại Yemen.


Nâng mức thu nhập của một tỷ người đang sống với dưới 1,25 đô-la một ngày là một phần chính yếu của cuộc đấu tranh chống nghèo đói cùng cực. Nhưng việc giảm nghèo ở những người bị gạt ra ngoài lề nhiều nhất đòi hỏi phải dịch chuyển thoát khỏi các biện pháp truyền thống của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và đặt trọng tâm vào nguyên nhân của nghèo đói từ sự phân biệt đối xử đối với những nhóm dân bị gạt ra ngoài lề xã hội đến sự thiếu tiếp cận của người nghèo đối với các thị trường, tài sản, và việc làm. Ông John Podesta, một thành viên của Hội thảo chuyên đề cấp cao của Liên Hiệp Quốc liên quan đến chương trình nghị sự về phát triển sau năm 2015, ông cũng là người sáng lập và người chủ trì hiện nay của Trung tâm Tiến bộ Hoa Kỳ,  ông đã giải thích trong một bản tóm tắt mới đây về tăng trưởng kinh tế hòa nhập rằng: “Tăng trưởng kinh tế bền vững không đơn thuần nhằm tăng kích thước của nền kinh tế quốc gia mà nhằm tạo ra các hệ thống bền vững tôn trọng các quyền của cá nhân và cung cấp cho cá nhân các công cụ họ đang cần để nâng họ lên thoát khỏi cảnh nghèo hiện tại và mãi mãi.”


Ông Podesta đưa ra một cách tiếp cận hòa nhập đối với phát triển về kinh tế, cách tiếp cận này đấu tranh chống phân biệt đối xử, cung cấp cơ hội kinh tế, và cải thiện cơ sở hạ tầng- tiếp cận năng lượng, các quyền về tài sản, và việc làm – nhằm cho phép cá nhân và gia đình được phát đạt.  


Về ý nghĩa đặc biệt đối với phụ nữ, ông Podesta nêu lên các quyền về sinh sản và tình dục và quyền có tài sản đất đai là hai yếu tố quan trọng của sự phát triển. Chỉ có khoảng 10%-20% phụ nữ ở các nước đang phát triển có quyền về đất đai, và phụ nữ được giữ ít tài sản hơn và gặp nhiều khó khăn hơn khi đi vay tín dụng. Tuy nhiên, theo Tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc, nếu phụ nữ có cùng cách tiếp cận với đất đai, kỹ thuật, dịch vụ tài chính, giáo dục và các thị trường như nam giới, thì năng suất ở các trang trại của phụ nữ có thể tăng khoảng 20%-30%, và có thể nuôi thêm được khoảng 100 triệu - 150 triệu người- gồm trẻ em, phụ nữ và nam giới  mà nếu không thì sẽ bị đói.


Một báo cáo Diễn đàn Kinh tế Thế giới với nhan đề “Báo cáo về Khoảng cách Giới Toàn cầu năm 2011” đã nhấn  mạnh  mệnh  lệnh của công tác tăng quyền năng cho phụ nữ vì sự phồn thịnh của đất nước: Vì phụ nữ chiếm phân nửa cơ sở tiềm năng của đất nước, tính cạnh tranh của một quốc gia về dài hạn tùy thuộc quan trọng vào cách thức quốc gia đó giáo dục và sử dụng phụ nữ … nhằm tối đa hóa tính cạnh tranh và tiềm năng phát triển, mỗi quốc gia cần phát triển vì bình đẳng giới- nghĩa là cần phải cho phụ nữ những quyền, những trách nhiệm, và cơ hội như nam giới.


Hướng đến tương lai, có nhiều tiến trình khác liên chính phủ và những tiến trình cam kết của xã hội dân sự xung quanh việc chuẩn bị cho chương trình nghị sự về phát triển sau năm 2015, và cuối cùng cũng tác động đến thành quả của các suy tính thận trọng này.


Trong hội nghị Rio+20, các vị nguyên thủ thế giới thỏa thuận một tiến trình xem xét việc tạo ra một bộ các Mục tiêu Phát triển Bền vững đồng hành, bộ các mục tiêu này sẽ chú trọng đến các vùng ưu tiên để đạt được phát triển bền vững đã được ghi vào văn bản các thành quả- gồm bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ. Một Nhóm Công tác Mở của Liên Hiệp Quốc gồm 30 người đại diện chung cho 70 quốc gia thành viên đã được thành lập và sẽ tìm cách khai triển một đề xuất vì các Mục tiêu Phát triển Bền vững, “phải có sự gắn kết và lồng ghép với Chương trình nghị sự về Phát triển của Liên Hiệp Quốc sau năm 2015.”


Có nhiều tiến trình khác liên chính phủ cho thời điểm sau chương trình nghị sự về phát triển năm 2015 từ nay đến năm 2015, chẳng hạn như Hôi nghị Thế giới về Giảm thiểu Thảm họa năm 2015 và nhìn lại 20 năm Chương trình Hành động của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển năm 2014. Thêm vào đó, các lãnh đạo thế giới và xã hội dân sự sẽ tập hợp lại vào Phiên họp thứ 57 của Ủy ban Địa vị của Phụ nữ tại trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc ở New York trong hai tuần tới để thảo luận về cách thức xóa bỏ và ngăn ngừa mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ gái, đó là chủ đề ưu tiên của năm nay cùng phù hợp với Ngày Quốc tế Phụ nữ. Họ cũng sẽ đánh giá  tiến độ của các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và các vấn đề chính của bình đẳng giới cần được nêu trong chương trình nghị sự về phát triển sau năm 2015.


Bên cạnh các tiến trình này, Liên Hiệp Quốc cũng lên kế hoạch thu thập các góp ý từ nhiều thành phần có liên quan khác nhau, kể cả khối tư nhân, những tổ chức bác ái, và các công dân, để tạo thành chương trình nghị sự sau năm. Xã hội dân sự đã đáp ứng được đến mức độ này với các đề xuất chu đáo phác thảo ra các nhu cầu cần chú trọng để giải quyết các bất bình đẳng tiềm ẩn và cách thức tránh được những kết quả không công bằng. Ví dụ, tầm nhìn của Tổ chức Save the Children trong Khuôn khổ sau năm 2015 kiến nghị các mục tiêu dựa trên số không (zero-based goals) để đấu tranh chống các bất bình đẳng còn dai dẳng, và các nhóm chuyên gia cố vấn như Viện Phát triển Hải ngoại đang đưa ra các cách can thiệp tương tự nhằm đảm bảo cách can thiệp về phát triển sắp tới vươn tới được mọi người.


Nhìn một cách toàn cầu, các rào cản về văn hóa, xã hội và kinh tế vẫn còn ngăn cản phụ nữ tham gia vào phát triển kinh tế, điều này gây cản trở các nỗ lực lớn hơn để chống nghèo đói và các đường hướng tiến tới phát triển bền vững. Các tiến bộ sâu sắc hơn sẽ đòi hỏi một nỗ lực bền vững  nhằm đảm bảo phụ nữ khắp thế giới có được nhiều quyền kinh tế hơn, gồm quyền về sở hữu tài sản, và quyền về an ninh nhằm đảm bảo họ được bảo vệ khỏi bạo lực. Việc tạo lập các điều kiện này sẽ xoay quanh các tiến trình phát triển quốc tế giúp công tác tăng quyền năng cho phụ nữ và bình đẳng giới được trở thành then chốt của các nỗ lực.


By Rebecca Lefton


Người dịch Lê Thị Hạnh


Rebecca Lefton là một nhà phân tích chính sách cao cấp làm việc về chính sách khí hậu quốc tế tại Trung tâm Sự tiến bộ của Hoa Kỳ.

Bản quyền của bài nghiên cứu này thuộc tổ chức the Center for American Progress. (Nguồn:http://www.americanprogress.org/issues/poverty/news/2013/03/11/56097/gen)