Lăng Kính Giới Trong Ngôn Ngữ

 


Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp quan trọng nhất đối với con người. Ngôn ngữ không chỉ phản ánh thực tế của xã hội, mà còn có chức năng khác nhau để củng cố và duy trì sự tồn tại xã hội. Thực vậy, ngôn ngữ phản ánh những quan điểm giới và cũng có thể góp phần thay đổi nhận thức của con người về giới theo không gian và thời gian (Nguyễn, 2004, p.25).


Các nhà nữ quyền và các nhà ngôn ngữ xã hội đã quan tâm về mối quan hệ khác biệt giữa nam và nữ trong việc sử dụng ngôn ngữ, tập trung nghiên cứu về vai trò văn hóa gán cho giới trong ngôn ngữ, và cố gắng giải thích ngôn ngữ đã được áp dụng và duy trì thái độ định kiến về giới nói chung và phụ nữ nói riêng rasao. Vì vậy, mục tiêu của bài viết này tập trung tìm hiểu những điểm như: (1) những cách tiếp cận giới trong ngôn ngữ học xã hội, (2) một số vấn đề phản ánh mối quan hệ giữa giới và ngôn ngữ, (3) một số định kiến về giới thể hiện trong ngôn ngữ, và (4) kế hoạch hóa ngôn ngữ và giới để góp phần tạo sự bình đẳng về giới.


1. Những cách tiếp cận giới trong ngôn ngữ học xã hội


Từ những năm 1960, các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ xã hội và nữ quyền (như: Camerron, 1995; Eckert, 1989; Holmes & Meyerrhoff, 1999; Labov, 1994, 2001; Lakoff, 1975; Tannen, 1990; Trugill, 1972; Zimmerman & West, 1975) đã khai thác chiều kích giới trong ngôn ngữ. Những công trình nghiên cứu đầu tiên đã giúp phân biệt những biến (variable) về giới tính và giới. Trên thực tế, nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ học xã hội sử dụng chiều kích giới tính và giới thay thế cho nhau, nhưng điều quan trọng cần phải hiểu rõ hai khái niệm về giới tính và khái niện về giới. 


Giới tính đề cập đến sự khác biệt giữa nam và nữ về một số đặc điểm sinh học tự nhiên, ví dụ nếu nhiễm sắc thể XX là nữ giới thì nhiễm sắc thể XY là nam giới, hay phụ nữ có thể mang thai và cho con bú bằng sữa mẹ, nhưng đàn ông thì không (dĩ nhiên, nam giới có thể cho con bú bằng sữa bình và chăm sóc con…). Một số nghiên cứu đã phản bác lại những giả định cho rằng có những đặc tính dành riêng cho nam được coi là nam tính (masculinity), hay có những đặc tính dành riêng cho nữ được coi là nữ tính (feminity). Chỉ dựa vào những quan điểm sinh học để luận giải cho những đặc điểm giới đã dẫn đến sự bất bình đẳng giữa nam và nữ trong xã hội của chúng ta. Ngoài ra, trong một thời gian dài quan niệm sai lầm giữa giới tính và giới đã dẫn đến nhiều công trình tập trung nghiên cứu ở góc độ sinh học hay những góc độ về thần kinh hay não bộ để chỉ ra sự khác biệt của nam và nữ trong ngôn ngữ mà thiếu những lý giải mang quan điểm từ những nhà ngôn ngữ học xã hội hay nữ quyền.


Giới đề cập đến những đặc điểm, vị trí, vai trò của nam và nữ giới trong các mối quan hệ xã hội. Những thuộc tính giới này rất đa dạng, được giáo dục và thay đổi thông qua quá trình xã hội hóa.  Wardhaugh (2010) cho rằng giới là một thực tế mà không ai có thể tránh được và giới là một phạm trù quan trọng được hình thành trong xã hội. Đồng tình với Wardhaugh, các nhà nghiên cứu như Cameron (2007), Coates (1986), Tannen (1998), Eckert (1989), (1990), Holmes & Meyerhoff (1999) đều coi giới là nội dung chính trong nghiên cứu ngôn ngữ học xã hội và nghiên cứu về giới trong ngôn ngữ. Nhiều nghiên cứu cho rằng các thuộc tính giới thay đổi theo thời gian, thay đổi theo từng nền văn hoá, từng bối cảnh cụ thể của một xã hội, thay đổi do các yếu tố chính trị, kinh tế, lịch sử, tôn giáo, v.v (Labov, 1994, 2001; Lakoff, 1975, Wardhaugh, 2010).


Như vậy, dựa vào khái niệm về giới và giới tính, những phương pháp tiếp cận chính sau đây về vấn đề ngôn ngữ và giới đã ra đời: (1) phương pháp tiếp cận sinh học, (2) phương pháp tiếp cận văn hóa, (3) phương pháp tiếp cận quyền lực và thống trị, và (4) phương pháp tiếp cận cấu trúc xã hội (social constructionism) nhằm giải thích vì sao có mối quan hệ giữa ngôn ngữ và giới từ những góc nhìn ngôn ngữ học xã hội và từ góc nhìn nữ quyền.


2. Một số vấn đề phản ánh mối quan hệ giữa giới và ngôn ngữ xã hội


Ngôn ngữ có phản ánh định kiến giới trong xã hội? Tôi cho là có. Từ xa xưa trong xã hội đã phân chia loài người thành giới nam và giới nữ và điều này cũng được phản ánh trong ngôn ngữ. Ngoài “những đặc điểm chung mang tính khái quát của ngôn ngữ cho cả hai giới thì người ta nhận ra rằng có một “thứ” ngôn ngữ cụ thể dành cho nam hay dành cho nữ giới. Nếu ai đó dùng ngôn ngữ vượt qua ranh giới đó thì sẽ bị quy ngay là có thiên hướng của giới khác” (Nguyễn, 2004, p.25). Đó là lý do tại sao chúng ta không thấy xuất hiện kiểu phát ngôn: “Cô ấy là người đẹp trai – She is handsome” bởi vì trong tiếng Anh “đẹp trai” chỉ được sử dụng để mô tả nam giới. Hay trong tiếng Việt chẳng hạn, những từ như “yểu điệu, thướt tha và duyên dáng” chỉ được sử dụng để mô tả vẻ đẹp của nữ giới ở tuổi thanh xuân. Tuy nhiên, những cụm từ này có một sắc thái tiêu cực nếu được sử dụng để mô tả những người đàn ông (Lakoff, 1975; Nguyễn, 1999, 2004; Spender, 1985).


Theo Holmes (1998) và Wardhaugh (2010), khi xử lí những vấn đề ngôn ngữ không thể bỏ qua các vấn đề giới và ngược lại; vì thế những nội dung quan trọng dưới đây đang được những nhà nghiên cứu ngôn ngữ học xã hội quan tâm và nghiên cứu:

  • ·        Phải chăng cách nói của nam và nữ trong xã hội khác nhau, không chỉ thuần túy khác nhau về tính chất ngôn ngữ, mà còn có sự khác nhau về văn hóa xã hội,
  • ·        Phải chăng nữ giới có khuynh hướng dùng các chức năng ngôn ngữ diễn đạt tình cảm trong giao tiếp thường xuyên hơn so với nam giới,
  • ·        Phải chăng nữ giới có khuynh hướng dùng những chức năng ngôn ngữ nhấn mạnh tình yêu thương, tinh thần đoàn kết, động viên, giúp đỡ lẫn nhau, trong khi (đặc biệt là trong bối cảnh chính thức) nam giới có khuynh hướng giao tiếp nhằm duy trì, tăng vị thế và quyền lực,
  • ·        Phải chăng nữ giới dùng ngôn ngữ lịch sự và linh hoạt hơn so với nam giới,
  • ·        Phạm trù giới và giới tính ảnh hưởng ra sao đối với nhận thức của nam và nữ trong giao tiếp.

Những vấn đề về mối quan hệ giới và ngôn ngữ trên luôn được đặt ra, đòi hỏi có những câu trả lời mang tính khoa học và thực vậy nhu cầu nghiên cứu ngôn ngữ và giới là mảnh đất đầy hứa hẹn không chỉ cho những nhà nghiên cứu ngôn ngữ, ngôn ngữ xã hội, nghiên cứu nữ quyền, mà còn dành cho nghiên cứu liên ngành (Coates, 1996; Cheshire & Trudgill, 1998; Maltz & Borker, 1982; Tannen, 1990).


3. Một số định kiến về giới thể hiện trong ngôn ngữ


Định kiến giới là một vấn đề tồn tại trong xã hội từ xa xưa đến nay và được thể hiện trong việc sử dụng ngôn ngữ với nhiều cái tên như: ngôn ngữ kỳ thị giới tính (sexist language), định kiến giới trong ngôn ngữ (gender-biased language). Theo  Nguyễn (1999, 2004), định kiến giới hay ngôn ngữ kì thị giới tính được hiểu một cách đơn giản làsự coi thường, hạ thấp vai trò của giới này so với giới kia. Theo những nhà nữ quyền, định kiến giới trong ngôn ngữ tồn tại trong mọi nền văn hóa, ví dụ, khi nói về giáo sư, bác sĩ, luật sư, nhà khoa học, phi công…thì người ta liên tưởng ngay tới đàn ông, trong khi nói về y tá, giữ trẻ, thậm chí đĩ điếm … người ta nghĩ ngay đến đàn bà (Eckert & McConnell-Ginet, 2003; Lakeoff, 1975).


Khi sử dụng các danh hiệu (title: Mr là gốc nên có Mrs) phản ánh định kiến giới rất rõ rệt, bên cạnh còn phản ánh rõ về ý tưởng và kỳ vọng về vai trò giới, về lựa chọn nghề nghiệp, và mục tiêu dành cho nam và nữ trong xã hội. Người ta dùng những từ, cụm từ sau đây cho nam giới: policeman (cảnh sát), chairman (chủ tịch), fireman (lính cứu hỏa), spokesman (phát ngôn viên), mankind (nhân loại là thế giới của đàn ông “man”), prince là gốc của princess là phụ, hero là gốc heroine là nhánh v.v… Định kiến giới xảy ra một cách phổ biến, có ý thức hay vô thức và tồn tại trong ngôn ngữ hàng ngày của chúng ta (Labov, 1994, 2001; Maltz & Borker, 1982; Nguyễn, 2004).


Trong tiếng Việt có định kiến giới trong ngôn ngữ không? Có và định kiến đối với cả nam và nữ, nhưng do sống trong một xã hội phụ quyền nên sự coi thường nữ giới trong ngôn ngữ cũng nhiều hơn. Trước hết là câu mở đầu “Thưa quý thầy cô, hay Thưa quý ông, quý bà, hay Thưa quý anh chị” đã thể hiện nội hàm trọng nam khinh nữ, thứ bậc cao thấp. Hay nói về nghề nghiệp, người ta thường thêm từ “nữ” ở đằng trước: nữ giáo sư, nữ luật sư, nữ văn sĩ, nhà khoa học nữ để ám chỉ sự hiếm hoi của nữ khi họ hiện diện trong những ngành nghề dành cho nam. Thành ngữ : “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một nam là có, mười nữ cũng như không) thể hiện sự trọng nam khinh nữ trong xã hội và tâm lý ưa thích con trai vẫn còn tồn tại dai dẳng đến tận ngày hôm nay. Đồng thời, quan niệm cổ hủ, độc tài, bất bình đằng cho rằng có con trai để lối dõi tông đường tạo thêm nhiều áp lực khác đối với người phụ nữ: bị rẻ khinh, bị mắng mỏ, bị ruồng bỏ, bị xúc phạm, bị bạo hành … và sâu xa nhất là bị tước đi mất quyền cơ bản của người phụ nữ. Khi nói ai mà liên hệ tới những cụm từ: “đồ đàn bà”, “tính đàn bà”…hàm ý chê bai người đó tỉ mỉ, nhỏ nhen, nói nhiều, tầm thường, ngu dốt. Ngoài ra, những phát ngôn như: cục súc, thô bạo, cục cằn, thô lỗ… nhằm ám chỉ đàn ông (Nguyễn, 2004).


Kế đến là câu “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng”. Vô hình chung, xã hội áp đặt quan niệm về trinh tiết cho phụ nữ, còn đàn ông  tự cho mình cái quyền được tự do quan hệ luyến ái với nhiều người và có quyền được phán xét phụ nữ khi đã mất trinh tiết. Dù với bất kỳ lý do gì thì khi bị mất trinh tiết, phụ nữ bị coi là “đồ bỏ đi” và sống trong dằn vặt đau đớn, tủi nhục khôn cùng, không lối thoát, và hạnh phúc tan vỡ. Lối suy nghĩ cổ hủ, bất bình đẳng  này  được giáo dục qua các thế hệ và đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người cả nam và nữ, thậm chí trong xã hội hiện đại vẫn có người tôn vinh những điều bất công này. Khi phụ nữ có vị trí cao, mạnh dạn, tự tin, quyết đoán, thẳng thắn, ăn nói lớn thì bị coi là “phụ nữ gì mà như đàn ông” hay bà ấy “phát xít” lắm. Khi phụ nữ có chồng là giáo sư, bác sĩ, hay giám đốc thì người ta cũng gọi người vợ là “bà giáo sư, bà bác sĩ, bà giám đốc” theo chồng. Nhưng không áp dụng ngược lại cho người chồng khi vợ họ có vị trí tương tự. Điều này cho thấy tư tưởng phụ nữ phụ thuộc chồng, ăn theo chồng thì không sao, nhưng nam giới sẽ bị định kiến, tạo ra những định kiến không cần thiết cho nam giới.


Ngôn ngữ phản ánh vị thế thấp kém của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, cả ở xã hội phương Đông và xã hội phương Tây. Trong giao tiếp người ta có khuynh hướng cho rằng nam giới là trung tâm, là chuẩn mực còn nữ giới là thứ yếu, là phụ thuộc. Điều này cho thấy ngôn ngữ chúng ta đang sử dụng chủ yếu là sản phẩm của nam giới, trong một xã hội trọng nam khinh nữ, xã hội phụ quyền, và được thể hiện rõ nét qua những giá trị, những chuẩn mực của đàn ông. Đàn ông mới là công dân quan trọng, có đạo đức, có tri thức, có quyền hành trong gia đình và ngoài xã hội, và có quyền sở hữu phụ nữ. Tuy nhiên, trong thời hiện đại, điều này không còn phù hợp nữa và khi sử dụng ngôn ngữ định kiến như vậy sẽ được coi là không văn minh và gây khó chịu cho những người có đầu óc tiến bộ (Nguyễn, 1999, 2004; O’Barr & Bowman, 1980; Spender, 1985, Tannen, 1990).


4. Những chính sách ngôn ngữ và giới góp phần tạo sự bình đẳng về giới


Những nhà nghiên cứu (Nguyễn, 1999, 2004; O’Barr & Bowman, 1980; Spender, 1985; Talbot, 1998; Tannen, 1990, 1993, 1994, 1998) cho rằng định kiến giới xảy ra mọi lúc, mọi nơi, mọi xã hội. Vì thế, điều quan trọng là tạo bình đẳng trong ngôn ngữ thông qua việc hoạch định  hóa ngôn ngữ để nam và nữ được bình đẳng trong gia đình, tại nơi làm việc và trong xã hội. Đây là lý do tại sao việc loại bỏ những định kiến giới trong ngôn ngữ đã nhanh chóng trở thành tâm điểm của những nhà nữ quyền và ngôn ngữ học xã hội với những tên gọi như: "cải cách ngôn ngữ theo hướng bình đẳng hơn cho nữ - feminist language reform", "cải cách ngôn ngữ không kỳ thị giới tính non-sexist language reform", " hoạch định hóa ngôn ngữ theo hướng bình đẳng cho nữ giới – feminist language planning”, và “Giải pháp ngôn ngữ bình đẳng cho giới nữ - feminist linguistic intervention” (Lakoff, 1975; Chesire & Trugill,1998; Wardhaugh, 2010).


Xu hướng ngày nay về hoạch định hóa ngôn ngữ theo hướng bình đẳng hơn cho nữ giới thông qua việc “cải biến” và “tạo mới” (Nguyễn, 1999, 2004). Cải biến nhằm thay đổi thói quen kì thị giới tính trong ngôn ngữ một cách có ý thức và vô thức. Điển hình cho cuộc cách mạng về giới trong ngôn ngữ là phong trào nữ quyền ở những năm 1960 và đến năm 1975, Mỹ đã cho ra đời Luật chống kỳ thị (Discrimination Act), nhờ đó đến nay trong tiếng Anh đã có sự thay đổi những từ như: bỏ từ “man” (đàn ông) và thay thế bằng “individual/person”; policeman = police officer; mankind = human beings, chairman=chairperson, fireman= firefighter. Tước hiệu như Mrs, Miss thay thế bằng Mscho cả phụ nữ chưa chồng và có chồng. Để tạo sự bình đẳng trong việc sử dụng hai đại từ “He” (anh ấy) và “She” (cô ấy), một số nhà nghiên cứu đề nghị thay thế bằng đại từ "We” (chúng tôi). Cùng với việc cải biên là sự xuất hiện một số từ mới: “stateman/statewoman =stateperson, sportman/sportwoman = sportperson, or congressman/congresswoman =congressperson (Lakoff, 1975; Nguyễn, 2004; Talbot, 1998).


Ngày nay Việt Nam cũng ủng hộ quan điểm bình đẳng giới trong ngôn ngữ nên khi mở đầu câu chào thì vị trí nam nữ được đổi như sau (mặc dù điều này không dễ dàng): “Thưa quý chị, quý anh; Thưa quý bà, quý ông; Thưa quý cô, quý thầy” hay “Thưa quý vị” để dùng chung cho cả nam và nữ. Đồng thời, bỏ từ “nữ” trước những cụm từ chỉ nghề nghiệp, chỉ gọi bác sĩ, giáo sư, nhà khoa học. Quan điểm bình đẳng trong ngôn ngữ này rất thuyết phục và không chỉ nhằm thay đổi thói quen về định kiến giới trong ngôn ngữ hàng ngày mà còn tiến xa hơn ở cấp độ thay đổi chính sách về ngôn ngữ.


Tóm lại, chúng ta có thể thấy mục đích của hoạch định hóa ngôn ngữ là nhằm mục tiêu đòi quyền bình đẳng cho nữ giới và giảm dần sự coi thường đối với phụ nữ trong ngôn ngữ thông qua việc loại bỏ các thói quen sử dụng ngôn ngữ mang định kiến ​​về giới. Cùng với việc thay đổi thói quen sử dụng ngôn ngữ kì thị giới tính, cách thức mới được tạo ra là tránh kì thị giới tính hay định kiến giới. Cuối cùng, sửa đổi, bổ sung, tạo mới ngôn ngữ phải được thực hiện trong cả hai hình thức nói và viết ở mọi cấp độ trong toàn xã hội. Ở môi trương giáo dục chẳng hạn, có thể tham gia công việc này bằng cách thay đổi ngôn ngữ trong chương trình giảng dạy, trong sách giáo khoa, trong đề tài nghiên cứu, tiểu luận, và luận văn. Hay ngành truyền thông cũng có trách nhiệm đấu tranh chống định kiến giới bằng cách loại bỏ những hình ảnh, ngôn ngữ phân biệt đối xử về giới (Cheshire & Trugill,1998; Nguyễn, 1999, 2004; Wardhaugh, 2010; Eckert & McConnell-Ginet, 1998).


Doãn Thi Ngọc

 

 

Tài liệu tham khảo

 

Cameron, D. (1995). Verbal hygiene. London: Routleedge.

Cameron, D. (2007). The myth of Mars and Venus. Oxford University Press. ISBN 0-19-921447-6.

Cheshire, J. and Trudgill, P. (Eds.), (1998). The sociolinguistics reader, vol. 2: Gender and discourse. London: Arnold.

Coates, J. (1986). Women, men and language: A sociolinguistic account of gender differences in language. London: Longman.

Coates, J. (1996). Women Talk: Conversation between women friends. Oxford: Blackwell.

Eckert, P. (1989). The whole woman: Sex and gender differences in variation. Language Variation and Change 1: 245-67.

Eckert, P. & McConnell-Ginet, S. (2003). Language and gender. Cambridge: Cambridge University Press.

Holmes, J. (1998). Women’s talk: The question of sociolinguistic universals. In Wardhaugh, (2010).

Holmes, J. and Meyerhoff, M. (1999). The Community of practice: Theories and methodologies in language and gender research. Language in Society, 28 (2). 173-183. doi: 10.1017/S004740459900202X

Labov, W. (1994). Principles of linguistic change, I: Internal factors. Oxford: Blackwell.

Labov, W. (2001). Principles of linguistic change, II: Social factors. Oxford: Blackwell.

Lakoff, R. (1975). Language and woman's place. New York: Harper & Row.

Maltz, D. N. and Borker, R. A. (1982). A cultural approach to male female miscommunication. In John J. Gumperz (ed.) Language and Social Identity. Cambridge: Cambridge University Press, pp. 196-216.

Nguyen, V. K. (1999). Ung xu ngon ngu trong giao tiep gia dinh nguoi Viet. Publisher: Van Hoa Thong tin.

Nguyen, V.K. (2004). Xã hội học ngôn ngữ về giới: Kỳ thị và kế hoạch hóa ngôn ngữ chống ký thị đối với nữ giới trong sử dụng ngôn ngữ. Truy cập từhttp://www.ios.org.vn/images/stories/BaiTapChi/TCXHH%202004/So2_2004_nguyenvankhang.pdf

O’Barr, W. & Bowman, A. (1980). Women’s language' or 'powerless language'. In McConnell-Ginet et al. (Eds.) Women and languages in Literature and Society. pp. 93-110. New York: Praeger.

Spender, D. (1985). Man made language. 2nd edn. London: Routledge & Kegan Pail.

Talbot, M. M. (1998). Language and Gender: an introduction. Cambridge: Polity.

Tannen, D. (1990). You Just Don't Understand: Women and Men in Conversation. New York: William Morrow.

Tannen, D. (1993). Gender and conversational interaction. New York: Oxford University Press.

Tannen, D. (1994). Gender and discourse. New York: Oxford University Press.

Tannen, D. (1998). Talk in the intimate relationship: His and hers.  Wardhaugh (2010).

Trudgill, P. (1972). Sex, covert prestige and linguistic change in the urban British English of Norwich. Language in Society, 1: 179-95.

Wardhaugh, R. (2010).  An Introduction to sociolinguistics. Oxford: Blackwell.

Zimmerman, D. and West, C. (1975). Sex roles, interruptions, and silences in conversation. In Barrie Thorne and Nancy Henley. (Eds.) Language and Sex: Difference and Dominance. Rowley, MA: Newbury House, pp. 105-29.