Trụ cột mới của kinh tế gia đình: Cập nhật số liệu năm 2010

 


Năm 2009, Trung tâm Tiến Bộ Hoa Kỳ (Center for American Progress) đã xuất bản Bản báo cáo Shriver: Quốc gia của Phụ nữ Làm thay đổi Mọi sự (The Shriver Report: A Woman’s Nation Changes Everything), trong đó có một chương mang tiêu đề “Trụ cột Mới của Kinh tế Gia đình” (“The New Breadwinners”). Bản báo cáo mô tả cách thức phong trào phụ nữ đã hành động từ lúc phụ nữ vượt ra khỏi gia đình và gia nhập vào lực lượng lao động có lương, điều này đã làm thay đổi mọi sự về cách sống và làm việc của các gia đình ngày nay. Trong khi kết quả của sự biến đổi rất ấn tượng đó là cuộc sống của chúng ta đã thay đổi, các thể chế xung quanh chúng ta lại chưa thể bắt kịp sự thay đổi này. Trong bài viết “Trụ cột Mới của Kinh tế Gia đình”, Heather Boushey, một nhà kinh tế học cao cấp của Trung tâm Tiến bộ Hoa Kỳ (CAP) đã chứng minh phụ nữ đã đạt được những thành công ra sao và đến nay có vẻ trở thành người có trách nhiệm lo kinh tế cho bản thân phụ nữ  và cho cả gia đình dù phụ nữ vẫn còn phải đi thêm một chặng đường dài nữa.



Trong bản tóm tắt này, chúng tôi cập nhật các số liệu từ “Trụ cột Mới của Kinh tế Gia đình” nhằm phản ánh số liệu mới nhất hiện có dựa vào thu nhập gia đình, chủng tộc, tuổi tác, và tình trạng làm mẹ của phụ nữ, đồng thời cũng cho thấy các xu hướng được xác định từ bài viết vào năm 2009 đã tăng trưởng lớn mạnh hơn ra sao vào những năm kế tiếp theo.



Ta thấy rằng có nhiều người vợ hơn, và nói chung là phụ nữ, đang là trụ cột kinh tế gia đình nhiều hơn trước đây – và hiện nay không phải là thời điểm quan trọng hơn để đảm bảo phụ nữ làm việc được hưởng mức lương tương xứng. Một phụ nữ điển hình hưởng bình quân là 77 xu so với nam giới được hưởng một đô-la. Ta không khó khăn gì khi phải tưởng tượng rằng nếu mức chênh lệch về lương do giới được xóa bỏ, thì sẽ có thêm nhiều phụ nữ hơn trở thành trụ cột kinh tế gia đình và gia đình ta sẽ khấm khá hơn nhiều.



Sự gia tăng chung về mọi mặt ở khía cạnh phụ nữ là trụ cột kinh tế gia đình và  tác động đối với  xã hội 


Vào tháng 7/2009, ngay sau khi Ban  nghiên cứu Kinh tế Quốc gia cho biết, về lý thuyết,  sự  suy thoái kinh tế  đã chấm dứt, phụ nữ chiếm phân nửa (49,9%) trong tổng số người lao động trên bảng lương của Hoa Kỳ, đây là lần đầu tiên trong lịch sử quốc gia này. Trong khi đó  một phần của vấn đề này chắc chắn là do nam giới bị mất những công việc có lương thấp, ngay cả hiện nay ở giữa tình trạng được gọi là “Sự phục hồi trong công việc làm của nam giới ”, thì phụ nữ vẫn chiếm khoảng phân nửa bảng lương của Hoa Kỳ (Theo số liệu tháng 2/2012 vẫn chiếm tới 49,3%).


Một vài nhóm phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ da màu, nhập cư, và thu nhập thấp, luôn luôn có mức độ tham gia cao trong lực lượng lao động. Nhưng vào năm 1969, phụ nữ chỉ chiếm 1/3 lực lượng lao động (35,3%). Sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động đã tăng cao một phần do sự lựa chọn cá nhân và một phần do kinh tế, nhưng bất kể yếu tố động cơ, đây là một điều chắc chắn, khó có thể thay đổi. Phân tích sau đây cho thấy tiền công của phụ nữ đã chiếm một phần lớn chưa từng có trước đây trong ngân sách gia đình, tạo ra một bước tiến ở diện rộng chưa từng có từ lực lượng lao động.


Kết quả của sự biến đổi này, ngày nay hầu hết trẻ em lớn lên trong gia đình mà không có người chăm sóc toàn thời gian  ở nhà. Vào năm 2010, trong số các gia đình có trẻ em, có gần phân nửa (44,8%) số hộ này có cả hai cha mẹ đều là người có việc làm và có một phần tư (26,1%) số hộ này có cha hoặc mẹ làm chủ hộ. Kết quả là có chưa tới một phần ba (28,7%) số trẻ ngày nay có một cha hoặc mẹ ở nhà và không đi làm, so với hơn một phân nửa (52,6%) vào năm 1975, chỉ cách đây một thế hệ.


Suy thoái kinh tế dẫn tới mất việc làm ở nam giới nhiều hơn, điều này có nghĩa là có nhiều gia đình có người cha thất nghiệp và người mẹ đi làm để nuôi gia đình. Vào năm 2010, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, nạn thất nghiệp xảy ra với người chồng nhiều hơn so với người vợ.


Vì số nam giới thất nghiệp nhiều hơn,  theo xu hướng lâu dài, vào năm 2010 ở gần hai phần ba (63,9%) số gia đình có trẻ em, thì phụ nữ là người trụ cột kinh tế hoặc người đồng trụ cột kinh tế (Hình 1).


Trong khi tỷ lệ tổng quát này không thay đổi nhiều kể từ đỉnh cao kinh tế gần đây nhất vào năm 2007 (khi các tỷ lệ đứng ở 62,8%), điều này che dấu một xu hướng gây ấn tượng nhiều hơn. Tỷ lệ người mẹ là người đồng trụ cột kinh tế - tức là người vợ có việc làm- đã mang về nhà ít nhất 25% tổng thu nhập gia đình nhưng còn ít hơn của người chồng- hiện nay đã  giảm từ 24,4% vào năm 2007 xuống 22,5% vào năm 2010. Đồng thời tỷ lệ phụ nữ là người trụ cột kinh tế - tức là người vợ có việc làm hưởng lương ngang bằng hoặc cao hơn chồng và phụ nữ đơn thân là người duy nhất mang thu nhập về cho gia đình – đã tăng từ 38,4% vào năm 2007 lên 41,4% vào năm 2010.


Ở phần còn lại của bài tóm tắt này, chúng tôi đào sâu hơn vào các con số và xem xu hướng này như thế nào khi phân tích chia số liệu ra về mặt thu nhập gia đình, chủng tộc, tuổi tác và tình trạng làm mẹ.


Thu nhập gia đình 


Tỷ lệ người vợ có việc làm và có thu nhập ngang bằng hoặc cao hơn người chồng đã tăng lên ở tất cả các nhóm thu nhập (Hình 2). Ta thấy ở nhóm thu nhập cao nhất chiếm 20%  tổng số các gia đình (kể cả các loại gia đình có kết hôn hay không kết hôn), có 1/3 (33,5%) phụ nữ có việc làm là người trụ cột kinh tế, tỷ lệ này đã tăng lên từ chưa tới 1/3 vào năm 2007 (31,6%) và chỉ có 1/8 (12,6%) vào năm 1967.


Tỷ lệ người vợ là trụ cột kinh tế phổ biến hơn ở các nhóm thu nhập thấp hơn. Ở nhóm có thu nhập thấp nhất chiếm 20%  tổng số các gia đình, có 7/10 (69,7%) phụ nữ có việc làm có thu nhập ngang bằng hoặc cao hơn chồng. Và ở nhóm có thu nhập trung bình, có khoảng phân nửa  (45,3%) phụ nữ có việc làm là người trụ cột kinh tế, tỷ lệ này đã tăng từ 4/10 (39,1%) vào năm  2007 và chỉ có 15,2% vào năm 1967.

 

Chủng tộc và sắc tộc

Tỷ lệ người vợ có thu nhập ngang bằng hoặc cao hơn chồng cũng tăng lên ở mọi nhóm chủng tộc và sắc tộc, với mức thu nhập tương tự ở tất cả các nhóm (Hình 3).  Ở các gia đình Mỹ gốc Phi châu, có hơn phân nửa (53,3%) người vợ có việc làm và có thu nhập ngang bằng hoặc cao hơn chồng vào năm 2010, tỷ lệ này đã tăng từ 45,7% vào năm 2007, và đánh dấu gia tăng ngoạn mục từ 28,7% phụ nữ có việc làm vào năm 1975.


Và có khoảng 4/10 phụ nữ có việc làm là người trụ cột kinh tế vào năm 2010 đối với cả hai chủng tộc da trắng (41%) và gốc Tây Ban Nha (40,1%) ở tổng số các gia đình. Tỷ lệ này đã tăng gấp đôi so với năm 1975.



Tuổi tác


Ở mọi độ tuổi, phụ nữ có việc làm dường như có thu nhập ngang bằng hoặc cao hơn chồng mặc dù tỷ lệ này tăng theo số tuổi của phụ nữ (Hình 4). Vào năm 2010 có hơn 1/3 (36,8%) phụ nữ có việc làm dưới 30 tuổi là người trụ cột kinh tế, tỷ lệ này đã tăng từ 31,9% vào năm 2007 và chỉ có 14,8% vào năm 1967.


Phụ nữ có việc làm trong độ tuổi 30 đến 44 cũng có khoảng tỷ lệ tương tự về người trụ cột kinh tế như những phụ nữ ở nhóm tuổi trẻ hơn (37%) vào năm 2010, tỷ lệ này đã tăng từ 31,7% vào năm 2007 và chỉ có khoảng 1/10 (11,9%) vào năm 1967. Và cũng có khoảng 4/10 phụ nữ có việc làm trong độ tuổi từ 45 đến 60 có thu nhập ngang bằng hoặc cao hơn chồng, tỷ lệ này đã tăng một chút từ 2007 (39,7%) mặc dù có hơn 24,1 % phụ nữ là người trụ cột kinh tế vào năm 1967.


Tình trạng làm mẹ 


Cuối cùng, có khoảng 1/3 trong tổng số phụ nữ có việc làm thì có thu nhập ngang bằng hoặc cao hơn chồng, bất kể tuổi của người mẹ hoặc tuổi của các con. Và tỷ lệ này đã tăng hơn ba lần kề từ năm 1967 (Hình 5). Vào năm 2010, có 36,5% phụ nữ có việc làm trong độ tuổi từ 30 đến 44 là người trụ cột kinh tế trong gia đình, so với 30,2% vào năm 2007 và chỉ có 10 % vào năm 1967. Tỷ lệ bà mẹ có việc làm ở nhóm tuổi trẻ hơn cũng tăng tương tự vào năm 2010 (32,1%)  so với  27,4% vào năm 2007 và 8,4% vào năm 1967.


Kiểu tỷ lệ như thế này tiếp tục là sự thật bất kể tuổi của các con. Có hơn 1/3 số bà mẹ có việc làm có con ở độ tuổi vị thành niên và là người trụ cột kinh tế gia đình, bất kể các con ở độ tuổi dưới 18 (35%) hoặc dưới 6 tuổi (35,4%). Mức tăng này nhất quán kể từ năm 2007, khi có 30 % các bà mẹ là người trụ cột kinh tế, trong đó có 29,7 % các bà mẹ có việc làm có con dưới 6 tuổi. Một lần nữa ta thấy có sự gia tăng mạnh mẽ từ năm 1967, khi tỷ lệ lần lượt là 11,5 % và 9,3 %.


Kết luận 

 

Vào năm 2010, ở Hoa Kỳ có nhiều phụ nữ là người trụ cột kinh tế hơn bất kỳ năm nào khác kể từ khi người ta bắt đầu thu thập số liệu. Điều này một phần do tỷ lệ phụ nữ có việc làm được ghi nhận, nam giới tiếp tục chiếm tỷ lệ thất nghiệp cao, và tiền công của nam giới đang giảm đi. Và bất kể sự đóng góp kinh tế của phụ nữ cho gia đình đã gia tăng chưa từng có, sự chênh lệch về tiền công do giới tính vẫn còn tồn tại và sự biểu thị duy nhất cho thấy mức chênh lệch này đang bắt đầu thu hẹp lại là do nam giới đang bị giảm sút mức thu nhập thực tế so với phụ nữ.  

 

Việc xóa bỏ mức chênh lệch tiền công do mọi người đang gặp khó khăn trong việc làm rất khác với việc xóa bỏ mức chênh lệch tiền công vì mục đích bình đẳng giới. Vì các con số này cho ta thấy rõ hơn, và ủng hộ bình đẳng thật sự trong tiền lương, điều này là quan trọng đối với phụ nữ và gia đình. 

 

By Sarah Jane Glynn

Người dịch Lê Thị Hạnh

 

Sarah Jane Glynn là một nhà phân tích chính sách cùng với đội ngũ Kinh tế Chính sách tại Trung tâm Sự tiến bộ của Hoa Kỳ.

Center for American Progress. 

 (Nguồn:http://www.americanprogress.org/issues/labor/report/2012/04/16/11377/the...)