Bàn về năm 2013, năm gia đình Việt Nam

 


Đôi điều suy nghĩ về việc xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, dân chủ, văn minh

GS. Lê Thi


Ngày 28 tháng 6 hàng năm vẫn được Nhà nước ta coi là ngày gia đình Việt Nam. Năm 2013, lại được Thủ tướng Chính phủ ta đồng ý tôn vinh là năm gia đình Việt Nam và chỉ đạo tổ chức các hoạt động xây dựng gia đình Việt Nam. Đó là việc làm rất đúng đắn.


Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mà thành xã hội. Xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình.”


Vậy cuộc sống của gia đình Việt Nam hiện nay như thế nào?


I. Cuộc sống của gia đình Việt Nam hiện nay.


Thiết chế gia đình Việt Nam đã trải qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, cùng với những thay đổi về chính trị, kinh tế của đất nước nên ngày càng tiến bộ, đặc biệt qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân ta, với công cuộc xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.



Sự ra đời của luật Hôn nhân & Gia đình được ban hành và được xây dựng trên nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, được các quyền tự do, dân chủ, bình đẳng của người công dân Việt Nam. Đó là cơ sở vững chắc để xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, bình đẳng, dân chủ, văn minh. Đồng thời những biến động kinh tế, xã hội những năm qua cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng gia đình Việt Nam.



1/ Hiện trạng mức sống, điều kiện sống của gia đình Việt Nam hiện nay như thế nào?


Mức sống của các gia đình Việt Nam được đánh giá ở mức trung bình so với các nước trong khối ASEAN ở Đông Nam Á.

Điều kiện sống còn nhiều khó khăn đặc biệt ở nông thôn, miền núi, vùng dân tộc ít người, thiếu thốn cả về hưởng thụ vật chất và sinh hoạt tinh thần.


Hiện nay số dân từ nông thôn kéo ra thành thị tìm việc làm rất đông, gồm cả nam nữ, vì thu hoạch ruộng vườn của họ không đủ sống.


Số sinh viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học bị thất nghiệp còn nhiều. Họ không tìm được việc làm đúng chuyên môn đã được đào tạo. Nhiều người phải nhận những công việc trái ngành nghề đã học, để có thu nhập nuôi sống bản thân và hỗ trợ cho gia đình. Phổ biến họ nhận làm dịch vụ cho các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh các loại.


Vì vậy, việc bảo đảm cuộc sống ấm no cho các gia đình Việt Nam hiện đang còn là vấn đề phải phấn đấu tích cực trong những năm tới.



2/ Những hiện tượng tiêu cực đang xảy ra trong một số gia đình hiện nay đe dọa sự bình yên, hạnh phúc cho cuộc sống của các thành viên.


Sự suy đồi đạo đức và nhân cách của một số thành viên đã diễn ra trong một số gia đình hiện nay, từ việc cháu giết bà, vợ chồng chém giết nhau, anh em ruột thịt sát hại lẫn nhau để tranh giành tài sản thừa kế v..v… Những sự kiệncá biệt và đột xuất này đã được phản ánh trên báo chí, khiến chúng ta hết sức đau lòng trước những hành động dã man, vô nhân tính của một số cá nhân đối với người thân trong gia đình, xuất phát từ động cơ ích kỷ cá nhân cao độ, khi sự việc diễn ra không theo ý muốn của họ, không thỏa mãn lợi ích cá nhân của họ (lợi ích cá nhân trước mắt nhiều khi rất nhỏ mọn, vụn vặt).



Những sự kiện ấy như những hồi chuông báo động đau đớn, nhục nhã đối với nhân dân Việt Nam, xã hội Việt Nam ở thế kỷ 21 văn minh tiến bộ này! Ở đây có nhiều nguyên nhân, nhiều yếu tố đã tác động và phá hoại các giá trị tốt đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam.



- Trước hết là khoảng cách trong mức sống của các gia đình Việt Nam. Xã hội Việt Nam đang nêu cao khẩu hiệu sống công bằng, dân chủ, văn minh, mọi người dân được hưởng thụ các phúc lợi tinh thần và vật chất như nhau. Nhưng thực tế lại có những người giàu ăn không hết, kẻ nghèo lần không ra tồn tại khắp nơi, từ thành phố đến nông thôn, cùng với sự phát triển kinh tế thị trường, tự do làm giàu, tự do tiêu xài. Bởi vậy, khoảng cách trong mức sống của các gia đình là dĩ nhiên. Con cái nhà giàu sống trong nhung lụa, ăn chơi xả láng. Chúng tưởng muốn làm gì thì làm theo ý muốn của chúng. Còn con cháu nhà nghèo phải lo tiền học phí, tiền nhà trọ không đủ, nhiều khi phải bỏ dở việc học hành đi làm kiếm sống nuôi bản thân và hỗ trợ cho gia đình.



Chính khoảng cách về mức sống của các gia đình là một nguyên nhân cơ bản dễ gây ra các hành động tiêu cực từ hai phía, kẻ giàu và người nghèo, đặc biệt ở con cái họ.


- Việc rèn luyện đạo đức cho các thành viên gia đình, cũng như việc giáo dục đạo đức ở nhà trường có phần bị xem nhẹ. Trước kia, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng ứng xử cho con cháu được xem là công việc và trách nhiệm chính của các gia đình với khẩu hiệu: “Tiên học lễ, hậu học văn “.



Ngày nay, dường như các bậc cha mẹ giao phó trách nhiệm đó cho nhà trường, cho các thầy cô giáo. Họ chỉ lo làm giàu, có tiền đóng học phí và cung cấp vật chất đầy đủ cho con cái, họ tưởng như vậy là tốt nhất rồi. Còn nhà trường lại chỉ quản học sinh 8 giờ trên lớp học và căn cứ vào số điểm kiểm tra các môn học ở cuối kỳ để đánh giá chúng. Môn Đạo đức học thường bị xem nhẹ, học sinh học lấy lệ vì ít hấp dẫn đối với chúng.



Đặc biệt việc hướng dẫn kỹ năng sống hợp đạo làm con, đạo làm người thì từ cha mẹ đến nhà trường đều xem nhẹ. Gia đình nhà trường cứ để trẻ em “sống tự nhiên” theo ý chúng, không khuôn vào nề nếp, hành động theo những nguyên tắc sống tối thiểu của người con, người công dân bình thường, thì làm sao con cái họ trở thành người tốt được?



II. Vậy Nhà nước Việt Nam, cộng đồng xã hội, các gia đình cần làm gì để đạt mục tiêu xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, công bằng, dân chủ, văn minh?


1/ Trước hết cần tạo điều kiện đảm bảo cho các gia đình có việc làm, có thu nhập đủ nuôi sống các thành viên, nuôi dạy con cái nên người.


Họ có điều kiện học nghề, làm theo nghề đã được đào tạo và không thất nghiệp: làm công nhân viên chức ở các cơ quan Nhà nước hay tư nhân, tự kinh doanh hay làm nghề tự do, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, hay có đất đai để sản xuất nông nghiệp ở nông thôn.


2/ Cung cấp các kiến thức cần thiết cho các bậc cha mẹ để họ biết cách nuôi dạy con cái, để chúng trở thành học sinh giỏi, người công dân tốt sống hữu ích sau này.


Nam nữ lấy nhau thành đôi vợ chồng, sinh con cái, đó là điều diễn ra theo quy luật sinh tồn tự nhiên. Nhưng không phải cặp vợ chồng nào cũng biết nuôi dạy con cái nên người. Vì vậy cần cung cấp cho họ những kiến thức cần thiết về vấn đề này. Các bậc cha mẹ, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ cần học tập các kiến thức tối thiểu về xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái, vì lợi ích của chính bản thân họ và vì tương lai của con cái.



3/ Cần đặc biệt chú ý cung cấp các kiến thức về cách tổ chức đời sống hàng ngày của gia đình có nề nếp, khoa học.


Ví như sự phân công giữa vợ và chồng từ lao động kiếm sống đến việc làm nội trợ gia đình, nuôi dạy con cái, tổ chức bữa ăn, sinh hoạt giải trí v..v… Tổ chức đời sống gia đình có nề nếp giúp cho vợ chồng sống hòa thuận, gắn bó với nhau, cha mẹ con cái thương yêu nhau. Các cháu được dạy dỗ biết vâng lời cha mẹ, biết đến công lao của ông bà, dòng họ để phụng dưỡng họ, thờ cúng tổ tiên, ăn ở hòa thuận với họ hàng, hàng xóm láng giềng v..v…


4/ Thực hiện nguyên tắc bình đẳng trong gia đình, từ phân công lao động kiếm sống giữa vợ chồng – đóng góp công sức hay tiền bạc cho gia đình đến việc nuôi dạy con cái, chăm sóc cha mẹ già bên nội, bên ngoại.


Vợ chồng hỗ trợ lẫn nhau, được đánh giá công bằng về công sức, từ việc đảm bảo thu nhập nuôi các thành viên đến việc chăm sóc con cái, làm nội trợ gia đình.


Gia đình cần đối xử bình đẳng giữa con trai và con gái, khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh con vì chỉ thích sinh con trai nên đã nạo bỏ phá thai khi biết mình sẽ sinh con gái v..v…


5/ Vận động các gia đình tích cực đóng góp cho công việc xã hội, ở xóm làng, phố phường đến tỉnh thành cả nước. Khắc phục tư tưởng ích kỷ cá nhân, chỉ biết lợi ích của gia đình mình. Chú ý chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, đóng góp công sức cho công việc chung của làng xóm, phố phường v..v…


6/ Tích cực tham gia khắc phục một số hiện tượng tiêu cực đang phá hoại sự bình yên, hạnh phúc của một số gia đình.


Ở đây có vai trò của láng giềng, hàng xóm. Họ ở gần nhau, quan tâm đến cuộc sống của nhau và kịp thời góp ý để giải tỏa các mâu thuẫn đang diễn ra giữa các thành viên của các gia đình khác. Cùng với sự can thiệp của chính quyền địa phương khi cần thiết, họ giúp đem lại sự bình yên, hòa thuận cho một số gia đình đang có những vấn đề rắc rối v..v…


7/ Nhà nước Việt Nam cần thúc đẩy việc thi hành một số chính sách hỗ trợ cho các gia đình.


- Chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các gia đình có việc làm ở các cơ sở doanh nghiệp công và tư, hay làm dịch vụ tự do v..v.., đặc biệt chú ý tạo việc làm cho sinh viên tốt nghiệp mới ra trường và lao động nữ.


- Thi hành chính sách bình đẳng giữa lao động nam và nữ trong độ tuổi về hưu. Cần nâng tuổi về hưu của lao động nữ hiện nay từ 55 tuổi lên 60 tuổi bằng lao động nam. Tất nhiên khi người lao động, cả nam và nữ có đủ sức khỏe và hoàn cảnh gia đình thuận lợi thì họ làm việc đến 60 tuổi. Còn có thể cho họ nghỉ làm khi họ tự nguyện xin về hưu sớm hơn tuổi đã quy định.

Hiện nay quá trình già hóa dân số ở nước ta đang diễn ra khá nhanh, đe dọa sự phá sản của Quỹ Hưu trí và tử tuất. Vì vậy, Nhà nước ta cần xem xét việc nâng cao tuổi về hưu của người lao động, cả nam nữ, lên 65 tuổi như một số nước phương Tây đã quy định.


- Nhà nước trung ương và chính quyền các cấp ở các địa phương cần kịp thời giúp đỡ các gia đình đang gặp khó khăn thất bát trong làm ăn, sản xuất kinh doanh v..v.. cùng với sự cộng tác của các đoàn thể quần chúng, các doanh nghiệp…

Với các gia đình nông dân chiếm số đông trong dân số nước ta, việc sửa đổi luật đất đai rất quan trọng. Cần đảm bảo giao quyền sử dụng đất cho nông dân trong 50 năm. Việc đền bù đất đai bị thu hồi cần được thỏa đáng khi Nhà nước, các doanh nghiệp cần sử dụng đất đai của họ để mở mang thành phố, đô thị hay xây dựng các nhà máy, xí nghiệp v..v… Nông dân phải đóng các loại thuế phù hợp với thu nhập của họ hàng năm và có những giảm thiểu cần thiết khi họ gặp thiên tai, thất bát mùa màng…


- Nhà nước cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ cho các gia đình sinh con một bề là con gái, theo đúng chính sách dân số, để khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính nam nữ khi sinh con ở các gia đình Việt Nam hiện nay.


Tỷ lệ giới tính khi sinh của các gia đình Việt Nam hiện nay là 113 bé trai trên 100 bé gái. Nguyên nhân từ việc các thành tựu y học hiện đại cho phép người phụ nữ đang mang thai biết được mình sẽ sinh con trai hay con gái. Do tư tưởng trọng nam khinh nữ còn tồn tại ở nước ta đến ngày nay nên đã diễn ra việc nạo phá thai ở nhiều phụ nữ với sự thúc đẩy và thỏa thuận của người chồng, họ hy vọng lần mang thai sau sẽ sinh con trai.


Đến năm 2030, dự kiến Việt Nam sẽ thiếu 4 triệu cô dâu và sẽ phát sinh nhiều hệ lụy từ việc thiếu phụ nữ cho việc hôn nhân, lập gia đình ở nước ta. Vì vậy Nhà nước cần có chính sách ưu tiên giúp đỡ các gia đình sinh con một bề là con gái theo đúng chính sách dân số.


- Chính quyền các cấp cần tích cực chống nạn bạo lực đã và đang diễn ra ở một số gia đình, thường là bạo lực của người chồng đối với người vợ, của cha mẹ đối với con cái. Đặc biệt cần xóa bỏ và ngăn chặn tất cả các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, do tư tưởng trọng nam khinh nữ đang còn tồn tại trong xã hội ta hiện nay.


8/ Vấn đề cơ bản là Nhà nước, các đoàn thể quần chúng cần nâng cao ý thức của toàn dân (nam nữ, già trẻ) về vị trí vai trò của gia đình. Đó là yếu tố cơ bản, nền móng của xã hội ta.


Vì vậy cuộc sống của gia đình xấu hay tốt không phải việc riêng của họ. Các gia đình có ấm no hạnh phúc, dân chủ công bằng thì xã hội Việt Nam mới phát triển được giàu đẹp, văn minh, vững chắc theo kịp bước tiến của nhân loại ở thế kỷ 21 này.


Chính quyền các cấp xã phường khi làm giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho các cặp nam nữ thì cần nhắc nhở họ việc xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, văn minh. Đây không chỉ là việc riêng của đôi vợ chồng mà hệ lụy của vấn đề này có liên quan đến tương lai phát triển của đất nước, trong đó có trách nhiệm của họ.


Trong nội dung giáo dục ở các trường học các cấp, cần xem trọng việc giáo dục về vị trí, vai trò của gia đình, cơ sở nền móng cho sự vững mạnh của đất nước ta. Mọi thành viên của gia đình từ trẻ em đến người già, trai và gái có trách nhiệm làm tròn nghĩa vụ của mình trong gia đình, đúng với luật pháp và quyền hạn công dân mà Nhà nước ta đã ban hành. Như vậy, đồng thời với việc xây dựng hạnh phúc cho bản thân, họ đã làm tròn trách nhiệm người công dân Việt Nam, ích nước lợi nhà.



Tóm lại, nhân năm 2013, năm gia đình Việt Nam, chúng tôi có một số suy nghĩ bước đầu nêu lên để cùng các bạn đọc trao đổi ý kiến về vấn đề xây dựng tốt gia đình Việt Nam hiện nay. Đây là việc rất cần thiết và cấp bách đối với nhân dân ta đòi hỏi mỗi người chúng ta cùng góp sức tháo gỡ các trở ngại để tiến đến một tương lai tốt đẹp hơn.


Ở Việt Nam từ xưa đến nay, gia đình vẫn giữ một vị trí cực kỳ quan trọng. Đó là một trong ba mắt xích để hiểu sâu sắc đất nước, con người, lịch sử Việt Nam. Gia đình (nhà) – làng – nước, sự găn bó mật thiết giữa ba yếu tố này là nét đặc thù của quá trình phát triển con người, dân tộc, đất nước Việt Nam.


Với dân số hiện nay gần 90 triệu người, các gia đình Việt Nam ấm no hạnh phúc đó là nền móng vững chắc cho việc xây dựng nước Việt Nam độc lập, tự do, ấm no hạnh phúc, công bằng dân chủ văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới!


Tháng 3 năm 2013


Chú thích: Một số số liệu sử dụng trong bài viết này được trích dẫn từ báo Phụ Nữ Việt Nam ngày 1/3/2013.

http://gas.hoasen.edu.vn/vi/gas-page/ban-ve-nam-2013-nam-gia-dinh-viet-nam