Nhân Học Trong Bối Cảnh Toàn Cầu Hóa

 


Ngày 26 tháng 4 năm 2013, Khoa Nhân Học thuộc Trường Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn (ĐHKHXH & NV) đã tổ chức Tọa đàm: “Nhân học trong bối cảnh toàn cầu hóa”. Buổi tọa đàm thu hút sự hiện diện của nhiều nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài, các giảng viên và sinh viên của nhiều trường đại học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Chủ tọa gồm Nhà giáo Nhân dân-GSTS. Ngô Văn Lệ, GSTS Lương Văn Hy, và TS Nguyễn Thanh Hà. Mười hai tham luận được báo cáo gồm


·        Tương quan giữa nghiên cứu Nhân học với Việt Nam học ở Việt Nam

·        Đóng góp của Nhân học cho phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa

·        Đào tạo và nghiên cứu Nhân học Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa

·        Khoa nhân học trên đường hội nhập quốc tế: thành tựu và thách thức

·        Toàn cầu hóa tạo những tiền đề mới cho Nhân học hiện đại

·        Ethno một hướng tiếp cận của Nhân học dưới góc độ toàn cầu hóa

·        Ethnomusicology – Lịch sử, nhân vật và tính chất liên ngành

·        Xu hướng phát triển Nhân học du lịch trong bối cảnh hiện nay

·        Một số ứng dụng điển hình của Nhân học trong hoạt động kinh tế Tp. Hồ Chí Minh

·        Người Việt Nam quốc tế: Có hay không?

·        Thiết lập quan hệ hợp tác trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học

·        Học Nhân học để làm gì trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay


Theo GS. Lệ, nhân học là một ngành khoa học về bản chất con người, xã hội con người và quá khứ con người [1]. Nhân học là một ngành khoa học có mục đích miêu tả thế nào là con người theo một nghĩa rộng nhất. Nhà nhân học không phải người duy nhất tập trung sự chú ý của mình vào con người và sản phẩm do con người tạo ra, mà biết sử dụng những khám phá của những ngành khoa học khác và kết hợp chúng thành những dữ liệu riêng để tìm hiểu xem những yếu tố sinh học, kinh tế, chính trị, xã hội, văn học-nghệ thuật, lịch sử, tôn giáo và thân tộc đã tác động con người ra sao.


GSTS. Lương Văn Hy cho rằng toàn cầu hóa đã bắt đầu từ nhiều thế kỷ trước: dòng chảy người di dân và lao động nô lệ từ Châu Âu và Châu Phi đến Châu Mỹ trong thế kỷ 17, 18, và 19, cùng với hàng hóa như đường, trà, đồ gốm từ Châu Á và Châu Mỹ đã lưu thông khá mạnh về Châu Âu trong những thế kỷ này, nhưng vài thập kỷ gần dây dòng dịch chuyển này tăng tóc khá mạnh do sự phát triển của công nghệ thông tin, kỹ thuật, phương tiện chuyên chở.


Một mặt, tiến trình toàn cầu hóa mở ra nhiều cơ hội, nhưng mặt khác, cũng đưa đến những thách thức cho tiến trình phát triển ở một quốc gia như Việt Nam. GS Hy đặt câu hỏi, vậy ngành nhân học có thể đóng góp gì cho sự phát triển của Việt Nam? Dĩ nhiên là có. Nhưng các nhà làm chính sách, giới trí thức, và xã hội Việt Nam nói chung, có lẽ chưa hình dung ra câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi trên.


Ngược lại, ở các nước phương Tây, nhiều người trong xã hội ngay cả những người không học chuyên ngành nhân học có thể có câu trả lời cho câu hỏi trên. Một minh chứng cụ thể là có 100 nhà nhân học đang làm tại Ngân hàng thế giới và ông Jim Young Kim, tiến sĩ về Nhân học làm Chủ tịch Ngân hàng thề giới và ngân hàng này cũng có tên chính thức nữa là  “Ngân hàng tái thiết và phát triển quốc tế” (International Bank for Reconstruction and Development).


GS. Hy cũng nhấn mạnh khi nói đến ngân hàng thì người Việt nghĩ ngay đến những người học về tiền tệ, kinh tế-tài chính, hay kinh doanh, nhưng trên thế giới những nhà kinh tế học chuyên về phát triển đều biết đến đóng góp của nhân học cho ngân hàng và những vấn đề phát triển. Phát triển không chỉ là tăng của cải vật chất hay tăng tổng sản phẩm quốc gia, mà còn tăng mức an sinh cho con người (human welfare). Ví dụ, nếu tăng về của cải vật chất nhưng chi phí cho sức khỏe cao do ô nhiễm môi trường thì tổng sản lượng chia theo bình quân đầu người có thể tăng gấp đôi, trong khi đó an sinh không chắc có tăng và trong trường hợp này thì phát triển có vấn đề.  Để phát triển bền vững thì phải quan tâm đến môi trường sống, y tế, và giáo dục và những người có chuyên ngành nhân học sẽ cùng chung tay đóng góp.


PGS.TS. Nguyễn Văn Tiệp bình luận chúng ta đang sống trong thời đại mà quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới. Toàn cầu hóa đã tạo cơ hội cho Việt Nam hội nhập quốc tế trên nhiều lĩnh vực với quy mô và tốc độ nhanh hơn. Toàn cầu hóa đã tạo điều kiện cho giao lưu, hội nhập quốc tế song phương và đa phương về mặt khoa học và đào tạo giữa các trường đại học, mở rộng và phá vỡ thế cô lập đóng kín trước đây. Bên cạnh đó, một nguồn nhân lực KHXH&NV quan trọng là các nhà khoa học Việt kiều có tâm huyết với đất nước nhưng chúng ta chưa có cơ chế và chính sách hợp lý để khai thác. Trong thời gian tới, cần thể chế hóa thành chính sách để tiếp nhận sự tham gia của các nhà khoa học này. Xây dựng và phát triển KHXH&NV quả còn nhiều gánh nặng, phải có những chính sách và cơ chế mới, để có thể thoát khỏi tình trạng trì trệ và lạc hậu hiện nay. Nhiệm vụ đó, chỉ với sự nỗ lực của bản thân các nhà khoa học không thể làm được. KHXH&NV đang trông chờ một cơ chế và chính sách mới trong thời gian tới [2].


Doãn Thi Ngọc 


Tài liệu tham khảo:

[1] Emily A Schultz – Robert H Lavenda, Nhân học một quan điểm về tình trạng nhân sinh, NXB Chính trị quốc gia, tr.10.

[2] http://giaoduc.edu.vn/news/chuyen-hoc-duong-672/nganh-nhan-hoc-gop-phan-...

http://gas.hoasen.edu.vn/vi/gas-page/nhan-hoc-trong-boi-canh-toan-cau-hoa