Điểm sách: Bất bình đẳng giới: Lý thuyết và chính trị nữ quyền

 


Tác giả: GSTS. Judith Lorber

Điểm sách: Doãn Thi Ngọc


Cuốn sách “Bất Bình Đẳng Giới: Lý thuyết và chính trị nữ quyền” là một trong những cuốn sách hấp dẫn và có giá trị nhất của GSTS Judith Lorber. GSTS Lorber là nhà nghiên cứu quốc tế về những vấn đề giới. Bà là giáo sư đã nghỉ hưu của Trung tâm cao học nghiên cứu phụ nữ và xã hội học, trường đại học Brooklyn thuộc viện Đại Học CUNY - The City University of New York. Bà cũng là tác giả của những cuốn sách, bài báo nghiên cứu như:


·        Breaking the Bowls: Loại bỏ định kiến giới và những thay đổi nữ quyền (2005),

·        Nghịch lý về giới (1994),

·        Nữ bác sĩ: Nghề nghiệp, vị thế, và quyền lực,

·        Nhiều bài nghiên cứu về giới, về nữ cán bộ nhân viên ngành y tế và bệnh nhân nữ” (2006),

·        Giới và kiến tạo xã hội về bệnh học và các cơ quan thuộc giới: Những quan điểm nữ quyền” (2002) - đồng tác giả,

·        Nghiên cứu giới và phụ nữ (handbook),

·        Xem xét lại vấn đề giới (handbook),và

·        Quan điểm xã hội về giới (handbook) – đồng biên tập.


Ngoài ra, GSTS Lorber là chủ biên tập sáng lập ra tạp chí khoa học về “Giới và Xã Hội”, xuất bản chính thức các bài báo chuyên ngành dành cho phụ nữ trong xã hội của những nhà xã hội học.


Cuốn sách “Bất bình đẳng giới: Lý thuyết và chính trị nữ quyền” nhằm giới thiệu tới độc giả về lịch sử hình thành của ba làn sóng nữ quyền; một số quan điểm cơ bản về tính liên tục, tính gián đoạn, và tính hội tụ đối với những lý thuyết nữ quyền và chính trị nữ quyền hiện tại; các trường phái lý thuyết; những cống hiến và những hạn chế của lý thuyết nữ quyền và chính trị nữ quyền trong nghiên cứu giới và bất bình đẳng giới.


Cụ thể hơn, cuốn sách được tổ chức thành ba phần rõ ràng: Phần I: Trường phái nữ quyền đổi mới quan điểm giới (Gender reform feminisms) đề cập đến những nữ quyền luận như: nữ quyền tự do, nữ quyền Mác Xít, nữ quyền xã hội, và nữ quyền xuyên quốc gia. Đây là những lý thuyết và chính trị luận đặc sắc và nổi trội vào những năm 1970s xác định vị thế bất bình đẳng giới trong cơ cấu của trật tự xã hội giới. Các trường phái nữ quyền này lập luận rằng phụ nữ nên có giá trị tương đương như nam giới và cần được tự do sống theo tiềm năng, khả năng của họ. Họ được lựa chọn, được tự quyết, được kiểm soát nguồn lực kinh tế, phân bổ trách nhiệm gia đình với nam giới, và tự tin trên con đường phát triển. Phụ nữ muốn sự tham gia bình đẳng của cả nữ và nam giới trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Vì thế, để tiến đến bình đẳng giới thì phài loại bỏ cơ cấu bất bình đẳng hay cải tổ trật tự xã hội thông qua việc mô tả, phân tích, giải thích nguyên nhân cũng như hậu quả của tình trạng bị áp bức của phụ nữ đối với việc làm bị trả lương thấp, những công việc không được đánh giá cáo, đảm đương quá nhiều công việc nhà, chăm sóc con cái, chăm sóc những thành viên già yếu trong gia đình…và việc thiếu cơ hội bình đẳng được đi học, chăm sóc sức khỏe, và nắm quyền quyết định.


Phần II: Trường phái nữ quyền kháng giới (Gender resistance feminism). Hệ thống các quan điểm này gồm: thuyết nữ quyền cấp tiến, thuyết nữ quyền đồng tính nữ, thuyết nữ quyền văn hóa và phân tâm học, và thuyết nữ quyền lập trường, cho rằng do sự thống trị của nam giới quá mạnh đến độ đã ăn sâu vào trong máu thịt của mỗi chúng ta nên khó có thể thay đổi và khó có thể thực hiện giới một cách trung lập. Những nhóm phụ nữ yếu thế như nhóm nâng cao ý thức lương tâm, nhóm đồng tính nữ, v.v. đã sử dụng những giải pháp chính trị để chống lại trật tự xã hội về giới, nhưng họ đã thất bại, bị bỏ rơi, bị coi là “khác người”, và bị tách khỏi luồng phát triển của xã hội bởi vì hệ tư tưởng phụ quyền ăn quá sâu, bám quá chắc, và không ngừng được vun bồi qua năm tháng, qua những hình thức đa dạng khác nhau, từ truyền thông đại chúng, các sản phẩm văn hóa, giáo dục, trong cơ quan, nhà trường, cho đến ngõ ngách của từng gia đình. Các quan điểm này nhắm đến cấu trúc giới tính gia trưởng và ý thức hệ gia trưởng về giới tính và đã áp dụng những chiến dịch chống lại lạm dụng tình dục, hiếp dâm, bạo hành, loạn luân, sách báo khiêu dâm, mại dâm. Sự kháng cự của họ dù không làm biến chuyển nhiều và luôn phải đối đầu với những thế lực mạnh, nhưng tinh thần chiến đấu nhằm giải phóng và thúc đẩy chủ nghĩa nam nữ bình quyền không bao giờ nguội lạnh.


Phần III: Trường phái nữ quyền nổi loạn về giới (Gender Rebellion Feminisms). Tác giả giới thiệu một hệ thống lý thuyết gồm: nữ quyền kiến tạo xã hội (social construction feminism), nữ quyền đa sắc tộc, nữ quyền nghiên cứu nam giới, nữ quyền hậu hiện đại và thuyết lệch pha (Queer theory), và làn sóng nữ quyền thứ ba. Lập luận của phần III cho rằng trong một hệ thống xã hội phức tạp của bất bình đẳng ấy phụ nữ có thể đàn áp phụ nữ, nam giới có thể đàn áp nam giới, cùng với những yếu tố khác đan cài vào nhau như đa sắc tộc, đa chủng tộc, bản sắc, và chính trị. Để thực hiện tiềm năng chính trị và đảm bảo sự tham gia bình đẳng của từng nhóm trong xã hội, các trường phái nữ quyền cần phải giải thích rõ mình phải cần làm gì trong cơ quan, tổ chức xã hội –gia đình, công sở, nhà nước, nghệ thuật, khoa học, và tôn giáo.


Tóm lại, tác giả Lorber đã cung cấp cho độc giả một hệ thống các lý thuyết nữ quyền từ quá khứ đến hiện tại, được cập nhật và được tổ chức sắp xếp rất đơn giản và dễ hiểu theo từng phần và từng bài. Đây là một tập hợp các lý thuyết thể hiện quan điểm nhận thức và giải pháp rất khác nhau trong quá trình thúc đẩy bình đẳng giới, trong từng giai đoạn lịch sử cũng như ở các quốc gia và các khu vực khác nhau với những đặc điểm khác nhau về trình độ phát triển, mô hình chính trị, và đặc trưng văn hoá. Qúa đó độc giả nhận ra rằng do giáo dục đã tạo ra những khác biệt về vị trí, vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình và xã hội, chứ không phải là kết quả của sự khác biệt sinh học giữa nam và nữ, vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi quan điểm rập khuôn này.


 Với sự bố trí gọn gàng, chi tiết, và những phần giới thiệu của từng chương và những dấu chấm đầu hàng giúp cho bất kỳ độc giả, bất kỳ sinh viên nào, bất kỳ nhà nghiên cứu nào, hay bất kỳ giảng viên trong chuyên ngành hay ngoài ngành nào đều có thể đọc hiểu và tiếp cận nguồn tài liệu về lý thuyết nữ quyền và lý thuyết giới đa dạng và phong phú chỉ trong một cuốn sách. Chính vì thế, cuốn sách không chỉ cung cấp thông tin mà còn thể hiện cách nhìn nhận đánh giá của tác giả đối với lý thuyết nữ quyền, lý thuyết giới trong nghiên cứu được thay đổi qua những giai đoạn lịch sử với những góc nhìn khác nhau.


Chúng tôi khuyến khích độc giả tìm và đọc cuốn “Bất bình đẳng giới: Lý thuyết nữ quyền và chính trị” vì đây là tài liệu tham khảo rất bổ ích, góp phần nâng cao nhận thức, lý luận và năng lực vận dụng quan điểm giới vào nghiên cứu, lý giải những vấn đề đang đặt ra trong bối cảnh công nghiệp hoá và toàn cầu hoá hiện nay.

http://gas.hoasen.edu.vn/vi/gas-page/tua-de-bat-binh-dang-gioi-ly-thuyet-va-chinh-tri-nu-quyen#