Điểm sách: Những vấn đề thách thức: Tìm kiếm nguồn dữ liệu về phụ nữ trong lịch sử
Nguyên tác: Contesting Archives: Finding Women
in the Sources
Tác giả: Nupur Chaudhuri, Sherry J. Katz, và Mary Elizabeth Perry,
2010.
Nhà xuất bản: Urbana: Đại học Illinois.
Điểm sách: Christina Firpo
Người dịch: Doãn Thi Ngọc
Mặc
dù lịch sử về phụ nữ không phải là một lĩnh vực nghiên cứu mới, nhưng nó vẫn
còn bị bỏ ngỏ và chưa được khai thác đúng mức. Hầu hết, chúng ta có thể gặp
phải vấn đề này ngay từ việc tìm nguồn dữ liệu từ hệ thống lưu trữ. Về
mặt lịch sử, phụ nữ là đối tượng luôn bị thiệt thòi, trong khi đó hầu hết các
tài liệu in ấn đều do đàn ông viết, viết cho đàn ông, và viết về đàn ông.
Để tìm câu trả lời cho vấn đề thách thức tìm nguồn dữ liệu phụ nữ trong lịch
sử, chúng ta cần phải xem xét từ quá trình thiết lập hệ thống lưu trữ xa xưa,
vốn dĩ rất chủ quan và thường loại phụ nữ ra khỏi tàng thư. Cuốn sách “Những
vấn đề thách thức: Tìm kiếm nguồn dữ liệu về phụ nữ trong lịch sử” do Nupur
Chaudhuri, Sherry J. Katz, và Mary Elizabeth Perry sẽ cung cấp cho độc giả
những cách thức và chiến lược tìm kiếm các dữ liệu về phụ nữ trong kho
lưu trữ lịch sử. Cuốn sách là một bộ sưu tập gồm 12 bài viết, mỗi bài tái tạo
lại cuộc sống của những phụ nữ ở Hoa Kỳ, Iran, Mexico, bán đảo Iberia,
Tuy-ni-di, Ba Lan, Ấn Độ, và Mozambique ứng dụng theo lối đọc lập luận tinh
tường, tỉnh táo, và sắc bén; đồng thời, bối cảnh hóa những câu chuyện hiếm hoi
về phụ nữ, lắp ghép những mảnh thông tin rời rạc từ nhiều nguồn lại với nhau,
và từ đó hình thành nên cách xây dựng một kho lưu trữ hoàn toàn mới về phụ nữ.
Những bài viết trong cuốn sách này không chỉ giải quyết vấn đề phương pháp luận
được phổ biến trong nghiên cứu lịch sử của phụ nữ, mà còn đặt ra câu hỏi quan
trọng về vai trò lưu trữ trong việc hình thành nguồn dữ liệu in ấn về lịch sử
của phụ nữ.
Cuốn
sách “Những vấn đề thách thức: Tìm kiếm nguồn dữ liệu về phụ nữ trong lịch sử”
được chia thành ba phần. Phần đầu tiên của bộ sưu tập này cung cấp các đề xuất
cho việc xây dựng lại lịch sử phụ nữ từ một nguồn duy nhất. Mary Elizabeth
Perry, Daniel S. Haworth, Julia Clancy-Smith, và Kali Nicole Gross đã sử dụng
các phương pháp giải nén các tài liệu đơn lẻ trong khi tìm kiếm những tài liệu
lịch sử đa dạng và bao trùm hơn về phụ nữ. Ví dụ, trong bài viết “Tìm
kiếm dữ liệu về Fatima, một phụ nữ nô lệ Tây Ban Nha thời đầu hiện
đại", Perry đã kết hợp những phương pháp của nhân chủng học, khoa học
chính trị, và phê bình văn hóa để phân tích một tài liệu liên quan đến Fatima,
một người phụ nữ nô lệ Hồi giáo bị cáo buộc vì thay đổi tín ngưỡng từ Đạo Hồi
qua Thiên Chúa Giáo trong thời gian Toà Án Dị Giáo ở Tây Ban Nha (Spanish
Inquisition) [1]. Phương pháp này khám phá những điểm mạnh và những tổn thương
của Fatima, một người phụ nữ ở thế kỷ 16. Perry dùng câu chuyện của Fatima để
vẽ lên một bức tranh lớn hơn về phụ nữ, về người nô lệ, và về người Hồi giáo
trong thời gian Toà Án Dị Giáo. Giống như vậy, để mô tả những chi tiết
trong câu chuyện "Câu chuyện về trẻ em mồ côi - Orphan’s Tale” từ thế kỷ
19 ở Mexico, Daniel S. Haworth đã trích rút từ một nguồn duy nhất, một câu
chuyện chi tiết về Maria Petra Fernandez, người đã thỉnh cầu chính phủ thừa
nhận cô ta như một người lớn và cho phép cô kết hôn với người đàn ông do cô tự
lựa chọn. Haworth thu lượm những thông tin rời rạc về Petra từ những gợi ý và
hàm ý trong văn bản về các chuẩn mực giới và thái độ đối với phụ nữ thời bấy
giờ. Từ phương pháp này, Haworth thấy rằng thỉnh cầu của Petra cho thấy
một bức tranh về một chế độ gia trưởng được xác nhận chính thức và không chính
thức từ những ý tứ của văn bản [22].
Tương
tự, áp dụng cách tiếp cận dữ liệu đơn nhất khi phân tích câu chuyện về “Những
phụ nữ nhập cư ở Tunis vào thế kỷ 19”, Julia Clancy-Smith đã phác
họa lại bối cảnh của câu chuyện của Giovanna Tellini, một phụ nữ
nhập cư người Ý đã bị xét xử vì tội ăn cắp và buôn lậu, để hiểu về một lịch sử
lớn hơn về sự “di động của phụ nữ” và việc di dân đến những thành phố
cảng. Phương pháp tiếp cận của Clancy-Smith đặc biệt ấn tượng vì nó không chỉ
nêu bật những thông tin đang có trong tài liệu, mà cả những gì không được đề
cập trong dữ liệu. Bằng cách phân tích một cách độc đáo các nhân vật thông qua
các hành vi và điệu bộ của họ, Clancy-Smith đã cho độc giả thấy được địa
vị xã hội của từng nhân vật. Giống như Clancy-Smith, Kali Nicole Gross cũng tìm
thấy tiếng nói hiếm hoi của phụ nữ trong kho lưu trữ. Trong tác phẩm "Khám
phá dữ liệu về tội phạm và bạo lực trong lịch sử phụ nữ da đen đầu thế kỷ
20", Kali Nicole Gross đã phân tích vụ xét xử Henrietta Cook, một
công nhân người Mỹ gốc Phi độc thân bị buộc tội giết trẻ sơ sinh ở
Philadelphia. Bà Gross trình bày bối cảnh của câu chuyện trong lịch sử về
việc cưỡng ép nhận tội ở Philadelphia và so sánh nó với những câu chuyện khác
của các phụ nữ người Mỹ gốc Phi đã bị xét xử về tội này.
Phần
thứ hai của cuốn sách “Những vấn đề thách thức: Tìm kiếm nguồn dữ liệu về phụ
nữ trong lịch sử” cung cấp cho độc giả những gợi ý về việc lắp ghép những mảnh
dữ liệu nằm rải rác trong tàng thư. Bằng cách sử dụng nguồn dữ liệu tiếng Tây
Ban Nha và ngôn ngữ bản địa cho đề tài nghiên cứu về "Đời sống của phụ nữ
bản địa làm nghề kéo sợi và dệt vải ở vùng thuộc địa Mexico”, Lisa Sousa đã tìm
ra những dữ liệu về phụ nữ ở trong cộng đồng Aztec miền trung Mexico
(1520-1750). Thay vào đó, thách thức chính là ghép những mảnh thông tin bị phân
tán lại với nhau. Dùng những thông tin tìm thấy được trong hồ sơ tội
phạm, hồ sơ dân sự, văn bản chính thức, và hình ảnh, Sousa gắn kết chúng với
nhau và kết thành nhưng dữ liệu về việc làm của phụ nữ trong lịch sử. Sherry J.
Katz đã sử dụng một chiến lược khác đó là “researching around-tìm xung quanh”
cho công trình nghiên cứu về. "Tìm kiếm dữ liệu về những phụ nữ cấp
tiến trong thời kỳ cấp tiến ở California - Excavating Radical Women in Progressive-Era
California-". Khi tìm kiếm những thông tin về những nhà nữ quyền xã hội
cấp tiến, Katz bắt đầu bằng những bài báo được xuất bản hay những giấy tờ cá
nhân về những phụ nữ cấp tiến. Sau đó, theo một chiến lược ‘tìm xung quanh’,
Katz lục lọi những mẩu nhỏ tin tức từ những tờ báo nói về xu hướng xã hội, rồi
đi dần lên tìm những tài liệu của chính phủ, lọc ra những thông tin quan trọng
về phụ nữ xã hội chủ nghĩa cấp tiến hoặc những người liên quan đến phong trào
này.
Bên
cạnh đó, Malgorzata Fidelis và Ula Y. Taylor còn tìm cách để đối phó với những
thách thức cụ thể về định kiến lưu trữ và định kiến của tác giả. Fidelis cho
rẳng những dữ liệu về nữ công nhân cộng sản sau thế chiến thế giới thứ II ở Ba
Lan đã thể hiện một hình ảnh của phụ nữ giải phóng, nhưng hiếm khi bao gồm nhận
thức của phụ nữ về chính kinh nghiệm của họ. Trong tác phẩm "Khôi phục
tiếng nói của phụ nữ cộng sản Ba Lan," Fidelis giải thích cách mà bà đã
dùng những nguồn dữ liệu phi truyền thống như: các cuộc phỏng vấn và thư của
một tạp chí nổi tiếng dành cho phụ nữ để tìm những thông tin về phụ nữ được
giải phóng và bị khai thác, thay vì đi tìm kiếm sự phức tạp về kinh nghiệm của
phụ nữ. Trong bài viết "Tư duy lưu trữ và những bà vợ của Marcus
Garvey", Ula Y. Taylor đã kêu gọi các nhà sử học "loại bỏ tiếng nói
cá nhân và thuyết phục về chính trị" (126). Bài viết của Taylor đã
cung cấp cho độc giả những lựa chọn thay thế cho việc lấy lịch sử cá nhân làm
trung tâm và thường được trình bày trong các nghiên cứu về phụ nữ. Trong một
kết quả nghiên cứu nổi bật về phương pháp luận và về phân tích , Taylor đưa ra
một mô hình mới và rất tinh tế về nữ quyền: "thuyết nữ quyền cộng đồng”,
trong đó các hoạt động của phụ nữ gồm: những hoạt động hợp tác hỗ trợ đàn ông
và phụ nữ để nâng đỡ họ trong cộng đồng.
Những
bài đọc của các tác giả nữ quyền như: Krishnobhabini Das Nupur Chaudhuri và
Mansoureh Ettehadieh (Nezam Mafi); Elham Malekzadeh, Maryam Ameli-Rezaei, và
Janet Afary đã đề nghị phương pháp tìm kiếm dấu vết lịch sử của phụ nữ mà đã
không được các chuyên viên lưu trữ và nhà chép sử lưu trữ lại. Ví dụ,
trong bài viết "Tìm kiếm và Lưu trữ về Krishnobhabini Das’s Englande
Bangamohila-Finding and Archive in Krishnobhabini Das’s Englande
Bangamohila", Chaudhuri đã tìm thấy dấu vết vài dữ liệu về nhà nữ quyền
dân tộc Ấn Độ Krishnobhabini Das bằng cách dùng chiến lược tìm kiếm gọi là
"thay thế lưu trữ" như những tác phẩm cá nhân hay tự truyện của Das
để xây dựng một lịch sử cá nhân của Das và cùng lúc làm sáng tỏ đời sống của
phụ nữ thuộc tầng lớp trung lưu bậc trên. Trong bài viết của nhiều tác
giả về "Khám phá dữ liệu về Phụ nữ và Giới ở tàng thư Qajar của
Iran," Mansoureh Ettehadieh (Nezam Mafi), Elham Malekzadeh, Maryam
Ameli-Rezaei, và Janet Afary cung cấp cho độc giả những địa điểm mới cho việc
tìm kiếm thông tin về những người phụ nữ trong thời đại Qajar Iran (1789 -
1925). Các tác giả dẫn dắt độc giả tới những hồ sơ pháp lý, thư từ riêng, hợp
đồng, tài sản hiến tặng, di chúc, và văn bản khiếu nại mà từ đó độc giả và các
nhà nghiên cứu có thể thu thập thông tin về cuộc sống của phụ nữ ở Iran trong
thế kỷ 18 và 20.
Phần
ba của cuốn sách “Những vấn đề thách thức: Tìm kiếm nguồn dữ liệu về
phụ nữ trong lịch sử” giới thiệu các ví dụ của các sử gia đã tạo
ra toàn bộ bộ sưu tập dữ liệu mới về phụ nữ mà đã không được lưu trữ trong tàng
thư truyền thống. Trong bài viết "Tiết lộ những tình tiết mới về câu
chuyện của những phụ nữ ở Las Vegas", Joanne L. Goodwin gặp khó khăn về
tìm tư liệu những diễn viên múa trong các khu ăn chơi giải trí. Goodwin đã thu
thập tài liệu cá nhân, thông tin phỏng vấn, và các văn bản khác nói về lịch sử
của phụ nữ da màu và nữ công nhân, nhưng cả hai nhóm đối tượng này rất khác với
hình ảnh của các nữ vũ công giải trí. Tương tự như vậy, trong bài viết
"Tạo một tàng thư về nữ lao động bằng lịch sử truyền miệng tại Biera,
Mozambique", Katheleen Sheldon đã phải gặp một thách thức là tài
liệu lịch sử về phụ nữ rất hiếm. Tuy vậy, nhận ra rằng tài liệu lịch sử
luôn hiện diện quanh ta, Sheldon đã xây dựng một kho lưu trữ hoàn toàn mới về
lịch sử truyền miệng thông qua phỏng vấn những điều dưỡng, những công nhân làm
hạt điều, công nhân may, cũng như tham dự các cuộc họp chính trị để xây dựng
một kho lưu trữ lịch sử truyền miệng phong phú.
Tóm
lại, xây dựng bối cảnh của các tài liệu lưu trữ về phụ nữ là một tập hợp tài
liệu quan trọng không chỉ đối với phương pháp luận lịch sử, mà còn quan trọng
khi xem xét sử dụng những phương pháp tiếp cận mới để nghiên cứu về phụ nữ
trong tất cả các lĩnh vực nghiên cứu giới. Cuốn sách này sẽ hữu ích trong các
chuyên đề nghiên cứu ở bậc đại học và sau đại học cho cả sinh viên ngành lịch
sử và ngành giới.
[1] Spanish Inquisition: Tòa án dị giáo là toà án tôn giáo đặc biệt của giáo
hội Kitô, tồn tại trong khoảng thế kỉ 13 - 19, chuyên xét xử các phạm nhân bị
buộc tội là tà giáo, dị giáo - tức những người phản kháng Kitô giáo. Sở dĩ tòa
án này được đặt tên là Inquisition (Thẩm vấn) vì những người bị tố giác phải
qua một quy trình thẩm vấn, trong đó quan tòa đóng vai trò quyết định trong
việc chủ trì thẩm vấn. Quan tòa là người đích thân truy lùng những kẻ tình nghi
và có quyền triệu tập toàn bộ dân cư một ngôi làng. Họ có quyền áp dụng nhiều
cách thưc để lấy lời khai của kẻ tình nghi kể cả dùng nhục hình. Hai hình phạt
nặng nhất là tù chung thân kèm với tịch thu toàn bộ gia sản, và thường xuyên
hơn là đưa lên giàn hỏa thiêu.
http://gas.hoasen.edu.vn/vi/gas-page/diem-sach-christina-firpo