Tập huấn: Giới và Luật Pháp về Bình Đẳng Giới
Ngày 23 tháng 8 năm 2012 vừa qua,
Giám đốc trung tâm Giới và Xã hội, TS Thái Thị Ngọc Dư đã được Phòng bình đẳng giới
thuộc Sở Lao Động-Thương Binh Xã Hội mời tập huấn cho các cán bộ, công
chức, viên chức trên địa bàn Quận 7 về “Giới và Bình Đẳng Giới”.
Đây là hoạt động ưu tiên hàng đầu trong năm thứ hai của các ban ngành đoàn thể
tại địa phương về việc triển khai Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ,
nhằm tuyên truyền và phổ biến kiến thức về bình đẳng giới năm 2012, đồng thời,
nhằm hưởng ứng các cá nhân nâng cao nhận thức thông qua tham gia cuộc thi “Tìm
hiểu chính sách, pháp luật về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015.”
Chia sẻ tại buổi tập huấn, TS Thái
Thị Ngọc Dư nhấm mạnh những điểm sau:
- Những khái niệm cơ bản về giới như giới, giới tính,
định kiến giới, vai trò rập khuôn của nam và nữ giới
- Những văn kiện quan trọng về bình đẳng giới
- Thông tin giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng
giới, và
- Những biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.
Về bản chất của khái niệm bình đẳng
giới được nêu trong luật bình đẳng giới và công ước về sự xóa bỏ mọi hình thức
phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW) được hiểu là sự tôn trọng đối với phụ
nữ, tạo điều kiện, cơ hội ngang nhau cho cả nam và nữ cùng phát triển, đáp ứng
nhu cầu cá nhân, đồng thời cùng nhau cống hiến tốt nhất cho xã hội. Trên thực
tế, giới chỉ những đặc điểm, vị trí vai trò, mối quan hệ xã hội của nam và nữ
do giáo dục mà có, trong khi đó, giới tính đề cập đến mặt sinh học, có sự khác
biệt giữa nam và nữ về chức năng sinh học (mang thai, sinh con, và cho
con bú bằng sữa mẹ). Nếu chúng ta nhận thức rõ và hiểu rõ sự liên quan, những
điểm giống và khác nhau giữa các khái niệm này thì dễ dàng đi xa hơn để tìm
hiểu những khái niệm khác như định kiến giới, phân biệt đối xử giữa nam và nữ,
và vai trò rập khuôn giới. Hơn nữa, sẽ bớt thách thức hơn đối với việc đạt được
bình đẳng giới thực sự vì sự hiểu biết các khái niệm là nền tảng để nâng cao
nhận thức giới [1 & 2].
Về mặt lịch sử, Việt Nam có bề dày
về thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ từ những năm 1930. Điều này
đã được phản ánh rõ nét trong việc ban hành và thực thi Hiến pháp và pháp luật của
Việt Nam, bao gồm Công ước CEDAW, Luật Bình Đẳng giới, Luật Lao động, Luật Hôn
Nhân và Gia đình. Các nhà nghiên cứu giới cho rằng gia đình truyền thống
Việt Nam có nhiều ưu điểm là dựa trên quan điểm “thuận vợ thuận chồng tát biển
đông cũng cạn”, đề cao sự hài hòa giữa vợ chồng và tạo điều kiện để vợ chồng
cùng phát huy năng lực và bổ sung cho nhau. Tuy nhiên, đời sống gia đình
Việt Nam cho thấy tình trạng gia đình Việt Nam hiện nay luôn tiềm ẩn nhiều mâu
thuẫn và diễn biến phức tạp dưới nhiều hình thức khác nhau như: ngoại tình, bạo
lực gia đình, ly hôn, đang có chiều hướng gia tăng. Ngày nay “vai trò
kép” đè nặng lên vai người phụ nữ hiện đại. Do vậy, không chỉ đòi hỏi người phụ
nữ nỗ lực rất lớn để cân bằng giữa gia đình và công việc ngoài xã hội, mà
còn cần sự hỗ trợ, chia sẻ, gánh vác trách nhiệm chung của người chồng để
gia đình có được cuộc sống tốt hơn, hạnh phúc, và tồn tại lâu dài. Thêm vào đó,
để đạt bình đẳng giới thực sự đòi hỏi sự quan tâm kịp thời của các ban ngành,
đoàn thề, của Đảng và Nhà nước, cụ thể là đưa những chương trình và chính sách
thiết thực về bình đẳng giới vào cuộc sống.
Về thông tin, truyền thông, giáo dục
về giới và bình đẳng giới, TS Ngọc Dư nhấn mạnh ở Việt Nam đã có các phong trào
nữ quyền, đào tạo về giới, và các dự án tăng và nâng cao năng lực cho phụ nữ.
Hội liên hiệp phụ nữ và Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ đóng
vai trò quan trọng trong việc định hướng, khuyến khích thực hiện bình đẳng giới
trong các lãnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học
và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế và gia đình. Gần đây
những thông tin trên phương tiện truyền thông về giới và bình đẳng giới ngày
càng hay hơn và càng nhiều hơn. Điều này cho thấy sự tiến bộ trong nhận thức
bình quyền, bình đẳng giữa nam và nữ trong xã hội hiện đại. Sự tiến bộ và tạo
điều kiện thuận lợi đã từng bước giúp phụ nữ tiến thân, có cơ hội học hành và
tham gia trên tất cả mọi lĩnh vực ngang bằng, thậm chì tốt hơn cả nam giới. Tuy
nhiên, ngoài mặt mạnh thì dường như vẫn còn hiện diện tính thiếu nhạy cảm giới
trong báo chí, chương trình truyền hình, quảng cáo hay sách giáo khoa. Nguyên
nhân có thề là chúng ta vẫn còn bị ảnh hưởng bởi nhưng vai trò rập khuôn, hay
quần chúng dễ dàng chấp nhận những thông điệp truyền thông mang định kiến giới.
Vì vậy, cần nâng cao tính nhạy cảm giới và nội dung bình đẳng giới trong các
thông điệp truyền thông vì nó có tầm ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ, nhận thức
của người tiếp nhận.
Ngoài các hình thức thông tin, tuyên
truyền về giới và bình đằng giới như báo, đài, TV, Internet, các đại biểu tham
dự lớp tập huấn còn đưa ra những cách thức khác gần gũi với nhiều loại đối
tượng:
- Thông qua báo cáo viên, tuyên truyền viên;
- Thông qua các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật và bình
đẳng giới;
- Thông qua sinh hoạt của các loại hình câu lạc bộ. (Ví
dụ: Câu lạc bộ đàn ông không đánh vợ)
- Lồng ghép trong hoạt động của các tổ chức, cá nhân, gia
đình và xã hội.
- Phát hành các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền.
- Thông qua các loại hình văn hóa truyền thống, văn hóa
quần chúng, sáng tác văn học, nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng;
- Đưa nội dung về giới và bình đẳng giới vào các chương
trình giáo dục trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác phù hợp với từng
cấp học và trình độ đào tạo
- Lồng ghép nội dung về giới, bình đẳng giới trong các
hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Phần cuối của buổi tập huấn tập
trung vào các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Khoản 6 điều 5 Luật bình đẳng
giới năm 2007: “Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là biện pháp nhằm bảo đảm
bình đẳng giới thực chất, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trong
trường hợp có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, điều kiện,
cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển mà việc áp
dụng các quy định như nhau giữa nam và nữ không làm giảm được sự chênh lệch này”[2].
Đồng thời đã qui định những biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới cụ thể như nâng
cao tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo ở các cấp như Quốc hội, Chính phủ, cơ quan các
cấp chính quyền. Khi xét duyệt hồ sơ học bổng sau đại học, yêu cầu phải có nữ
ứng viên cho những loại học bổng này. Những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động
nữ sẽ được miễn giảm thuế. Tiếp tục xây dựng và thực hiện chương trình ưu tiên
cho phụ nữ vay vốn, học nghề. Nâng cao hiệu quả chính sách về chăm sóc sức khỏe
sinh sản. Vận động nam giới cùng tham gia vào kế hoạch hóa gia đình. Hoạt động
chống bạo hành phụ nữ. Lồng ghép giới trong xây dựng chương trình tại các địa
phương, đơn vị. Khi xây dựng kế hoạch không được bỏ qua phụ nữ và các vấn đề
giới. Cần điều tra số liệu tách biệt giới: nam làm gì, nữ làm gì, thuận lợi và
khó khăn của nam và nữ giới, nhu cầu giới [2].
Doãn Thi Ngọc
Tài liệu tham khảo
[1] http://www.baomoi.com/Phu-nu-va-binh-%C4%91ang-gioi/139/3084484.epi
[2] Luật Bình đẳng giới, 2007. Truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2012, từ http://new.org.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=56%3Aluat...