Tọa đàm: Đối tượng đề xuất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu

 


Trong thời gian qua, không chỉ có dư luận quan tâm bàn tán về việc điều chỉnh tăng độ tuổi nghỉ hưu của nữ giới, mà ngay cả trong chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII cũng đã có nội dung thảo luận rất “nóng” về vấn đề này. Mặc dù các đại biểu Quốc Hội có ý kiến đồng tình và không đồng tình với những lý do khác nhau nhưng phương án cuối cùng nghiêng về bên nào thì vẫn là điều mà cả xã hội đang mong chờ, đặc biệt là giới nữ [5, 8]. Để việc tăng tuổi hưu đảm bảo bình đẳng giới và phù hợp với chiến lược thúc đẩy vì sự tiến bộ của phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ (HLHPN) Việt Nam đã tổ chức chương trình tọa đàm “Đối tượng đề xuất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu” vào ngày 13 tháng 8 năm 2012 tại thành phố Hồ Chí Minh để lấy ý kiến từ các đại biểu để Hội có cơ sở đề xuât với Chính phủ.


Buổi tọa đàm thu hút nhiều thành phần tham dự: bà Hà Thị Thanh Vân, Ủy viên Ban Chấp hành TW Hội, Phó trưởng Ban Chính sách-Luật pháp; bà Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cùng các đại biểu đến từ các ban ngành đoàn thể HLHPN các tỉnh thành trong cả nước, và các đại biểu từ các trường đại học, và viện nghiên cứu tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nội dung thảo luận tập trung vào số năm và đối tượng điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo Khoản 3 Điều 187 Bộ Luật Lao động: “Người lao động (NLĐ) có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, NLĐ làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định tại khoản 1 điều này”[2].


Một chuyên gia chuyên nghiên cứu về Bộ Luật Lao động và Bảo hiểm xã hội (BHXH) cho biết khi đề xuất với Chính phủ, Hội cần phải có cơ sở nghiên cứu khoa học ở nhiều góc độ: chính trị, kinh tế, xã hội, y học, tâm lý… vì Luật Lao động tác động đến 50% dân số của Việt Nam. Ngoài ra, nhóm đề xuất cần phải tham khảo các nước trên thế giới. Nhiều nước phát triển như Anh, Mỹ, Canada, Thụy Điển, Ý, Úc, Singapore, Nhật, Ấn độ, Hàn Quốc… qui định tuổi hưu của nam và nữ bằng nhau. Lấy ví dụ ở Mỹ, vào năm 1935, độ tuổi về hưu là 65 tuổi, cao hơn tuổi thọ trung bình tới 3 năm. Ngày nay, người dân có thể nghỉ hưu dao động biện độ từ 62-67 tuổi, nghĩa là, tùy vào năm làm việc, sự lựa chọn và quyền tự quyết của NLĐ, tuổi hưu có thể bắt đầu từ 62 hoặc kéo dài đến 67 tuổi. Nếu NLĐ vẫn muốn cống hiến thì họ có quyền và làm việc theo ý nguyện chứ không phải xin cho hay ưu tiên. Trong tương lai, tuổi hưu ở Mỹ sẽ còn điều chỉnh cao hơn nữa vì nguy cơ mất cân đối cho Quỹ BHXH [4,5,7]. Vì vậy, già hóa dân số là thách thức của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam, sớm muộn gì Luật Lao động cũng phải điều chỉnh qui định tăng tuổi hưu cho nữ giới để giảm gánh nặng, không chỉ cho Quỹ Lương hưu, đồng thời, nữ giới có quyền tự chọn lựa thời điểm nghỉ hưu thích hợp mà còn đảm bảo sự bình đẳng về quyền lợi, trách nhiệm, cũng như cơ hội về bồi dưỡng, đào tạo, đề bạt và thăng tiến.


Các đại biểu lập luận rằng nữ giới có trình độ quản lý giỏi, có tài lãnh đạo, có trình độ khoa học-kỹ thuật-chuyên môn cao, hay công nhân lành nghề v.v mà về hưu ở độ tuổi 55 là bất bình đẳng,lãng phí nhân tài và chất xám của toàn xã hội. Để đào tạo ra những người có trình độ sâu rộng, học hàm học vị cao là rất tốn kém, rất khó khắn, và rất mất thời gian. Họ còn trẻ, còn khỏe, có kinh nghiệm, kiến thức sâu rộng, có “độ chín” trong công việc, muốn và đam mê đóng góp cho xã hội, như vậy, không nên để họ nghỉ hưu ở độ tuổi 55. Nếu chúng ta cứ giữ qui định tuổi hưu như hiện nay thì  tỉ lệ đội ngũ nữ trí thức sẽ rất thấp và không thể đáp ứng mục tiêu phát triển phụ nữ Việt Nam theo nghị quyết 11 của Bộ Chính trị. Hơn nữa, chính qui định nghỉ hưu ở tuổi 55 sẽ dẫn đến hệ lụy là mô hình phát triển nữ trí thức sẽ luôn theo hình dạng nón hay tam giác, nghĩa là phần rộng nhất của hình nón là giới nữ ở trường mầm non-tiểu học, tỉ lệ nữ ở bậc đại học ở bậc kế tiếp,  tỉ lệ số nữ tiến sĩ sẽ ở bậc thức ba, giảm xuống còn khoảng 20%, rồi tời phần đỉnh là nữ giáo sư, phó giáo sư chỉ chiếm từ 4-12%, và nữ đại biểu Quốc hội là 24% như thống kê cho thấy.


PGS-TS Trương Thị Hiền (Hiệu trưởng Trường Cán bộ TP.HCM) nói thêm: Nam nữ có tuổi hưu ngang bằng nhau mới là thước đo bình đẳng giới, là văn minh xã hội, và là quyền lao động của mỗi người. Trên thực tế, có tới 60% phụ nữ đã nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục làm việc. Ngoài ra, việc đề bạt, thăng tiến, đào tạo đều liên quan đến tuổi hưu. Về đào tạo, nếu nam 40 hay 45 tuổi vẫn có cơ hội đào tạo thạc sĩ hay học tiến sĩ, nhưng phụ nữ thì không. Về đề bạt, phụ nữ ở tuổi 52-55 không còn có cơ hội đề bạt hay thăng tiến nhưng nam giới vẫn có thêm một nhiệm kỳ nữa. Về qui định lương hưu, ba năm tăng một bậc, nhưng nếu nghỉ ở độ tuổi 55, phụ nữ sẽ thiệt thòi hơn nam giới tới 2 bậc lương. Tóm lại, tăng tuổi hưu của nữ lên 60 là bình đẳng. Nếu NLĐ muốn nghỉ sớm thì họ tự chọn và đó là quyền của NLĐ [1,6].


Một đại biểu ở tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: đối với lao động nữ làm việc ở những lãnh vực đặc thù, độc hại cần phải nghỉ sớm đã được luật nêu rõ độ tuổi từ 45 đến 50. Tuy nhiên, lao động nữ ở những khu vực hành chính sự nghiệp và khu vực có trình độ chuyên môn cao mà là công chức thì đều tăng lên 5 tuổi vì đây là quyền lợi của lao động nữ. Hơn nữa, cần có quy định “mềm” cho PN khi họ đã làm việc đủ 20 năm nhưng có nguyện vọng nghỉ hưu sớm và không bị trừ phần trăm BHXH.


Một đại biểu ở Đà Nẵng cho rằng có thể thế hệ trẻ sẽ không có đủ việc làm nếu lao động nữ chưa về hưu ở tuổi 55. Vì vậy, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng là chúng ta có nên đề xuất tuổi hưu lên 5 tuổi nữa hay không.


Những ý kiến khác phân tích rằng phụ nữ ở độ tuổi 55 có nhiều lợi thế như: kinh nghiệm dày dặn, chuyên môn kỹ thuật cao, không vướng bận gia đình nhiều nên họ có thể đóng vai trò dẫn dắt, cố vấn, và truyền nghề cho giới trẻ để còn có thế hệ tiếp bước khi tay nghề “còn non”. Hơn nữa, khi nghỉ hưu, các công chức, cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn cao hay những nhà quản lý vẫn làm việc và làm những việc khác nhau; vì vậy, không có lý do gì cho rằng họ lấy mất chỗ của giới trẻ. Việc tăng tuổi hưu cho phụ nữ bằng nam giới sẽ là cơ sở tăng tính bền vững và giảm nguy cơ mất cân đối Quỹ BHXH trong tương lai vì thời gian đóng BHXH sẽ dài và thời gian hưởng lương hưu sẽ ngắn hơn. Bên cạnh đó, việc thay đổi tuổi hưu còn là cơ sở để thay đổi một số chính sách về đào tạo, nâng lương, đề bạt, khen thưởng và góp phần thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới [1,3] .


Doãn Thi Ngọc

Nguồn tham khảo

1/ http://phunuonline.com.vn/xa-hoi/hoat-dong-hoi/de-xuat-tang-tuoi-nghi-huu-cho-lao-dong-nu/a71482.html.

2/ Trang 65 Bộ Luật lao động và Luật đất đai sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật lao động. NXB Tư pháp năm 2010.

3/ http://www.tienphong.vn/xa-hoi/578374/Tang-tuoi-huu-thoi-gian-nghi-thai-san-tpp.html

4/http://www.ssa.gov/pubs/10035.html#a0=1

5/http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/73456/tranh-luan-quyet-liet-tuoi-nghi-huu-cua-nu.html

6/http://dantri.com.vn/c20/s20-517090/de-xuat-noi-3-nam-tuoi-huu-voi-lao-dong-nu-khu-vuc-hanh-chinh.htm

7/ http://www.baomoi.com/Cac-nuoc-giau-Co-nen-tang-tuoi-nghi-huu/47/3334509.epi

8/ http://congdoan.most.gov.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=2490:quy-dinh-ve-tuoi-nghi-huu-doi-voi-lao-dong-nu-can-thong-nhat-trong-cac-van-ban-phap-luat&catid=51:cac-bai-vit-lien-quan-n-hot-ng-cong-oan&Itemid=73

http://gas.hoasen.edu.vn/vi/gas-page/toa-dam-doi-tuong-de-xuat-dieu-chinh-tuoi-nghi-huu#overlay-context=vi/gas-page/hoi-thao-policy-dialogue-gender-equality-and-womens-empowerment-lower-mekong-region-12