Chuyên đề: Giới Trong Nhận Thức Của Nghiên Cứu Viên Trẻ

 


Mục tiêu và hoạt động bình đẳng giới ở Việt Nam luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và coi trọng. Một trong những thành tựu nổi bật đó chính là ngày 29/11/2006  Luật Bình đẳng giới đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007[1]. Viện Nghiên Cứu Phát Triển đã triển khai hoạt động chuyên đề về bình đẳng giới vào ngày 6 tháng 7 năm 2012 để nâng cao nhận thức về giới cho cán bộ nhân viên. Báo cáo viên, TS. Thái Thị Ngọc Dư, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Giới và Xã hội trường Đại Học Hoa Sen đã được Viện Nghiên Cứu Phát Triển mời trình bày chủ đề “Giới trong nhận thức của nghiên cứu viên trẻ”.


Khoảng 40 cán bộ nghiên cứu viên trẻ đại diện từ các phòng ban như: Kinh tế, Tạp Chí, Quản lý khoa học, Văn hóa – Xã Hội, Nghiên cứu tổng hợp, và đại diện của phòng Bình đẳng giới thuộc Sở Lao Động Thương Binh và Xã Hội tới tham dự và hăng say tham gia phân tích những vấn đề thực tiễn giới.  

Buổi chuyên đề tập trung vào ba phần gồm:

  • Thuật ngữ bình đẳng giới,
  • Ba làn sóng nữ quyền, và
  • Bàn luận những vấn đề thực tiễn giới.

TS Thái Thị Ngọc Dư chia sẻ vấn đề giới hiện diện ở mọi lãnh vực với những cấp độ khác nhau; vì vậy, lồng ghép giới trong nghiên cứu đa ngành từ kinh tế, sức khỏe, đến khoa học xã hội luôn mang lại những lợi ích thiết thực cho cá nhân, tổ chức trong nghiên cứu, chương trình xã hội, và chính sách. Do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan nên nghiên cứu giới ở Việt Nam chưa sâu và bản thân bà chỉ là người đi trước các bạn trẻ nên có cơ hội nghiên cứu về giới và hôm nay có cơ hội để cùng bàn thảo với các nghiên cứu viên về những vấn đề liên quan đến giới và bình đẳng giới.Tất cả vấn đề được bàn ngày hôm nay là do chúng ta có cùng quan tâm và chí hướng tìm hiểu về giới.


Thuật ngữ bình đẳng giới


Để hiểu về giới, chúng ta hãy bắt đầu bằng thuật ngữ “bình đẳng giới”. TS Dư dẫn nhập bằng những câu hỏi khơi gợi đơn giản. Chắc có lẽ các anh chị có có quen thuộc ít nhiều về giới trong nghiên cứu. Các anh chị có quen với thuật ngữ “giới” hay “bình đẳng giới” không? Các anh chị thấy trong xã hội, trong cộng đồng có ngộ nhận hay hiểu khác nhau về bình đẳng giới không?


Có người tham dự nói họ biết sơ, có người nói xa lạ, có người đã học về giới và phát triển nhưng lâu quá nên quên nhiều. Tất cả các đại biểu đều muốn nhờ TS Dư phân tích sâu về thuật ngữ giới. Thuật ngữ “bình đẳng giới” trong luật bình đẳng giới nêu “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó” [1].


Một vị đại biểu nói bình đẳng giới trong luật thật dễ hiểu nhưng tại sao luật chỉ có đề cập đến vị trí vai trò ngang nhau của nam và nữ giới, vậy còn những người đồng tính thì được hiểu như thế nào?


Xét về góc độ dân số, khi sinh ra con người thuộc giới nam hay giới nữ và trong xã hội có những mối quan hệ giữa hai giới tính đó. Về bình diện tình dục và xu hướng tình dục, có đồng tính, lưỡng tính, chuyển đổi giới tính. Phụ nữ trong một xã hội “trọng nam khinh nữ” thường bị thiệt thòi hơn so với nam giới.  Người đồng giới và chuyển giới nói chung và phụ nữ đồng tính và chuyển giới nói riêng cũng bị kỳ thị hơn và bị hai tầng phân biệt đối xử  – là phụ nữ và là phụ nữ đồng tính. Vậy việc bình đẳng giới đặt ra ở đây không phải dựa trên giới tính, mà là đặt trọng tâm vào con người, đã là con người thì phải được thừa nhận về vị trí vai trò trong xã hội và quan trọng hơn cả quyền của con người phải được luật pháp công nhận. Vì vậy, pháp luật cần phải có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.  Theo GS Lê Thị Quý, Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ đã ghi nhận nam nữ bình quyền trên mọi phương diện. Điều đó là một sự tiến bộ lớn, tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở mức độ này, phụ nữ vẫn chưa được bình đẳng thực sự. Cũng là con người như nam giới nhưng phụ nữ lại có những đặc tính về giới tính hết sức riêng biệt do đặc trưng sinh học và đặc trưng giới do xã hội quy định chi phối. Cho nên, nếu chỉ thực hiện việc đối xử như nhau (căn cứ vào cái chung) mà không chú ý đến cái riêng để có các đối xử đặc biệt thì sẽ không có bình đẳng thực sự [2].


Ba làn sóng nữ quyền


Tìm hiểu về bình đẳng giới và phong trào nữ quyền. Có gì khác biệt giữa bình đẳng giới với các phong trào nữ quyền? Có người hiểu bình đẳng giới mang tính đòi hỏi các quyền cho phụ nữ, như vậy có đúng không?


Về phương diện lịch sử, các nhà nghiên cứu phong trào phụ nữ ở các nước phương tây đưa ra ba xu hướng gắn liền với ba Làn sóng nữ quyền. Làn sóng thứ nhất (The First Wave of Feminism ) vào cuối thế kỷ 19, làn sóng thứ 2 (The Second Wave of Feminism) từ những năm 1960 đến 1990, và làn sóng thứ 3 ( The Third Wave of Feminism ) từ thập niên1990 đến nay.


  • Làn sóng nữ quyền thứ nhất xảy ra vào sau thế kỷ thứ 19 lúc mà cuộc cách mạng công nghiệp đã phát huy tác dụng, lúc mà các nước phương Tây có trào lưu công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, đồng thời tỷ lệ sản suất về nông nghiệp giảm dần trong khi các khu công nghiệp mọc lên như nấm ở các đô thị. Sự biến chuyển về kinh tế xã hội là một lực hút đã tạo ra một làn sóng dịch chuyển lực lượng lớn lao động từ nông thôn ra thành thị để làm công nhân tại các xí nghiệp nhà máy. Nam và nữ công nhân đều chịu chế độ phúc lợi xã hội kém và chịu sự áp bức bóc lột của giới chủ. Phong trào đòi tăng lương trong công nhân bắt đầu xảy ra. Ngoài những phong trào nghiệp đoàn của nam công nhân thì dần dần xuất hiện những thủ lĩnh nữ công nhân đấu tranh đòi tăng lương, đòi trả lương như nhau khi làm cùng công việc, đòi giảm giờ làm, đòi phúc lợi xã hội về bảo hiểm, về nghỉ thai sản cho nữ giới. So với nam công nhân, nữ công nhân bị thiệt thòi hơn rất nhiều, nam và nữ cùng làm một công việc như nhau nhưng nữ công nhân bị trả lương thấp hơn. Trong thời kỳ này, phụ nữ đòi một số quyền cơ bản và thời điểm này phát sinh ra ngày 8 tháng 3.

Vào đầu thế kỷ 20, phong trào nữ quyền ở Pháp, Anh, Mỹ nhấn mạnh đòi quyền công dân cơ bản như quyền bầu cử. Cách mạng Pháp diễn ra năm 1789, từ lật đổ chế độ quân chủ sang thiết lập chế độ dân chủ, thông qua quyền bỏ phiếu, người dân có thể nói lên nguyện vọng của mình. Nam giới được quyền bầu cử nhưng lúc đó nữ giới ở Pháp thì không. Sau nhiều phong trào đấu tranh mãi tới 1944, nữ giới Pháp mới được quyền đi bầu, còn ở Mỹ, mãi tới năm 1920 phụ nữ mới được đi bầu cử. Một sự kiện quan trọng khác, nữ giới đấu tranh đòi mở rộng quyền về ngành nghề. Thời đó nữ giới không được hành nghề luật và họ đưa ra khẩu hiệu (slogan) “Nghề nghiệp không có giới tính – Career has no sex”. Nhờ phong trào đòi quyền bình đẳng như vậy mà nghề nghiệp dành cho nữ giới ngày càng được mở rộng. Xã hội dần dần được dân chủ hóa và một số quyền của nữ giới được thừa nhận. Tuy nhiên, một số quyền chưa được xã hội “chịu” hay “thừa nhận” như kế hoạch hóa gia đình hay quyền làm chủ cơ thể của mình. Do không có kế hoạch hóa gia đình nên dẫn tới hàng chuỗi hệ lụy như: có thai ngoài ý muốn dẫn tới hệ lụy  phải đi phá thai, nhưng do không được phép phá thai hợp pháp nên phụ nữ phá thai lén lút và dẫn tới những hệ lụy tiếp theo nguy hiểm tới tính mạng của người phụ nữ.


  • Làn sóng thứ 2 từ năm những năm 1960 đến 1990. Simone de Beauvoir, nữ văn sĩ Pháp hiện đại, là người có những hiểu biết sâu sắc về kiến thức đa ngành: sinh học, lịch sử, triết học, dân tộc học…Vào năm 1949, Simone de Beauvoir  cho ra đời một cuốn sách “Giới Nữ – The Second Sex” phân tích nhiều khía cạnh từ phân tâm học, xã hội học cho đến triết học về người phụ nữ. Về phương diện lý thuyết, cuốn sách này đặt nền móng về cách tiếp cận nghiên cứu phụ nữ và về giới. Vào năm 1999, nhiều viện và trung tâm nghiên cứu về phụ nữ trên toàn thế giới đã tổ chức nhiều hoạt động hội thảo về giới để kỷ niệm 50 năm ngày ra đời cuốn sách này. Điều đó cho thấy tầm ảnh hưởng của cuốn sách này là rất lớn. Tại sao cuốn sách “Giới Nữ” lại mở đường cho nghiên cứu về nam và nữ giới? Vì lần đầu tiên Simone de Beauvoir đã phân tích và phân biệt rõ khía cạnh sinh học và khía cạnh xã hội. Về mặt sinh học thì phổ biến và không thay đổi, ngược lại, vị trí vai trò, đặc điểm tính cách nghề nghiệp v.v…là  do giáo dục, do môi trường văn hóa, do xã hội gán cho. Người ta cũng gán những vị trí vai trò của nam và nữ trong xã hội và đánh đồng những đặc điểm này với đặc tính sinh học. Ví như người ta đã đồng hóa những giá trị truyền thống từ xưa đến giờ cho phụ nữ phải chăm lo cho gia đình con cái với thiên chức của phụ nữ (mang thai, sinh con, và cho con bú). Bà Simone đã có đóng góp lớn trong việc tách bạch ra những điểm này.

Theo Simone de Beauvoir, về tính cách, người ta thường thấy phụ nữ rất tỉ mỉ, không có tầm nhìn hay không có tầm nhìn chiến lược. Bà lập luận rằng, xét theo điều kiện xã hội ngày xưa, nam và nữ sống trong xã hội được “điều kiện hóa” bới cách nhìn của xã hội, đồng thời, chúng ta nhìn thấy mẹ, bà nội, bà cố, bà cố cố…hay những phụ nữ khác ngày nào cũng làm bếp. Với hoàn cảnh như vậy người phụ nữ bị “điều kiện hóa” phải tỉ mỉ, phải cẩn thận, phải có tầm nhìn ngắn. Sau này, các nhà nghiên cứu giới kế thừa cách nhìn của Simone de Beauvoir, triển khai từ ý tưởng từ cuốn sách của bà và thiết kế những tài liệu tập huấn giới dựa trên quan điểm của bà, vì vậy trong những tài liệu về giới đều nhấn mạnh bài đầu tiên về “Giới tính – Sex” và “Giới – Gender”. Các nhà nghiên cứu tìm ra khái niệm mới cho một thuật ngữ mới - “Gender – Giới”. Thuật ngữ này dịch ra tiếng Anh là tạm ổn, nhưng dịch ra tiếng Pháp thì không rõ nghĩa. Genre trong tiếng Pháp, về mặt ngữ pháp, dùng để phân biệt giống đực và giống cái, vì vậy đã xuất hiện hai trường phái ở Pháp, một bên dùng từ “Genre” để chỉ đặc điểm mối quan hệ xã hội giữa nam và nữ. Nhưng bên kia lại không dùng từ “Genre” mà thay vào bằng một thuật ngữ dài “các mối quan hệ xã hội giữa nam và nữ giới” (rapports sociaux hommes – femmes).


Nhắc lại khái niệm “Giới” là chỉ những đặc điểm xã hội của nam và nữ giới, trong khi đó “Giới tính” đề cập đến vấn đề sinh học, không thay đổi về không gian cũng như thời gian. Ví dụ, thời Bà Trưng Bà Triệu, “thiên chức” của phụ nữ là mang thai, sinh con, và cho con bú bằng sữa mẹ, tới thời nay, bà Hillary Clinton cũng thực hiện chức năng này. Oái ăm thay, do đặc điểm sinh học này mà người phụ nữ đảm nhận một vai trò khá nặng nề là mang nặng đẻ đau. Ngày xưa trong thời kỳ sinh sản, người phụ nữ dành một thời gian dài để thực hiện thiên chức làm mẹ. Đa phần các cụ sinh con đông, có thể số con lên tới mười mấy hoặc hai mươi mấy người con. Do vậy, họ bị hạn chế tham gia vào công việc sản xuất để tạo ra của cải vật chất cho xã hội, trong khi đó, nam giới đã dần chiếm lĩnh những vị trí, vai trò công việc ngoài xã hội mà và lập nên cái mà các nhà nghiên cứu gọi là xã hội “phụ quyền”. Như vậy, người phụ nữ bị gán thiên chức với những vị trí vai trò xưa trong hoàn cảnh, điều kiện xã hội như vậy.


Khác với xã hội cổ truyền, ở thời hiện đại, chúng ta có chính sách về dân số, chính sách kế hoạch hóa gia đình… nên sinh con ít, các gia đình trí thức chỉ thường sinh hai con, vì vậy, phụ nữ có nhiều thời gian hơn để tham gia theo đuổi sự nghiệp và công việc ngoài xã hội.  Các nhà nghiên cứu về giới nhấn mạnh “những đặc điểm về giới là tùy theo giáo dục của gia đình, tùy theo bối cảnh văn hóa xã hội, và thay đổi qua thời kỳ lịch sử. Những đặc điểm về tính tình, về nghề nghiệp, về vị trí vai trò trong xã hội đều có thể thay đổi – đây là những phát hiện rất quan trọng. Nếu đặc điểm về giới cũng như đặc điểm sinh học là không thay đổi thì ngành nghiên cứu về giới sẽ không tồn tại và phát triển như ngày nay. 


Tóm lại, chúng ta cần thay đổi những cấu trúc và trật tự xã hội để đảm bảo quyền bình đẳng. Ở làn sóng nữ quyền thứ hai người phụ nữ cũng đấu tranh cho quyền làm chủ bản thân, từ chỗ chỉ tập trung nghiên cứu phụ nữ sang nghiên cứu cả nam và nữ, vì rằng để đạt được bình đẳng giới thì không chỉ nữ mà cần có sự tham gia và hợp tác của nam giới. Trên thực tế, các nghiên cứu về mối quan hệ nam và nữ giới còn rất ít. Những nhà nghiên cứu chỉ tập trung vào nghiên cứu phụ nữ là chính, vì lý do trong nhiều xã hội, trong đó có cả Việt Nam, nữ giới thường chịu nhiều thiệt thòi hơn so với nam giới và sự thiệt thòi của phụ nữ cũng chưa được phân tách và nghiên cứu cho xác đáng. Cho nên, nghiên cứu về sự thiệt thòi của phụ nữ và mối quan hệ nam nữ vẫn còn là mảnh đất màu mỡ cho những nhà nghiên cứu. 

 

  • Làn sóng nữ quyền thứ 3 (The Third Wave of Feminism ) từ thập niên 1990 đến nay. Những nhà nghiên cứu nữ quyền đi sâu vào nghiên cứu những vấn đề đã nảy sinh từ lâu như: lãnh vực khoa học, chính trị, kinh tế, văn hóa v.v. vẫn thuộc về phái nam hay vấn đề như: xu hướng tình dục, HIV/AIDS, buôn bán tình dục. Nhiều trường phái nữ quyền đã dựa vào các học thuyết xã hội và tìm cách đưa vấn đề phụ nữ với tư cách là một nửa nhân loại, là một lực lượng xã hội quan trọng vào các học thuyết.

  • Phong trào nữ quyền  đã phát triển toàn diện và sâu sắc trên rất nhiều ngành khoa học. Bản thân thuyết Nữ quyền cũng được phân chia theo các chuyên ngành: có các nhà nữ quyền địa lý, lịch sử, khoa học tự nhiên, khoa học chính trị, tâm lý, xã hội học… với sự mong muốn rằng tiếng nói và kinh nghiệm của phụ nữ cũng được coi trọng như nam giới. Phong trào “Nữ quyền Tự do” đòi bình đẳng về quyền và cơ hội giữa nam và nữ trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là yêu cầu phụ nữ được tiếp cận bình đẳng về giáo dục và vị trí chính trị như nam giới. Phản đối quan niệm cho rằng phụ nữ chỉ là người giúp đàn ông trong việc sinh nở và sức mạnh về trí tuệ của phụ nữ ít hơn nam giới, các nhà nữ quyền Tự do đã cho rằng phụ nữ cũng có khả năng trí tuệ như nam giới. Theo họ, sự bị trị của phụ nữ nằm trong những ràng buộc về tập quán và pháp lý. Điều này đã được chứng minh qua các đạo luật của nhiều nước như luật Sharia của các nước Hồi giáo, luật Hudur của Hồi giáo Malaysia, đạo Shinto của Nhật Bản, luật Hồng Đức, thế kỷ 15 và luật Gia Long, thế kỷ 17 của Việt Nam [2][3]. 

Bàn luận những vấn đề thực tiễn giới


Làn sóng nữ quyền xuất hiện từ sau thế kỷ thứ 19 khi mà khoa học công nghệ phát triển. Phải chăng quá trình công nghiệp hóa đã tạo ra nhiều bất công hơn cho phụ nữ?


Không chắc. Theo TS Dư, trong xã hội hiện đại có lẽ hình thức bất bình đẳng bộc lộ ra rõ hơn do người ta có một số quyền và do tính chất xã hội nữa. Ngược dòng lịch sử, chúng ta thấy thời phong kiến, thời chủ nô vẫn là mô hình xã hội nam quyền thống trị và phân chia giai cấp. Phụ nữ vẫn bị cực khổ hơn và chịu thiệt thòi nhiều hơn so với nam giới. Người chồng trong gia đình nghèo vẫn có tư tưởng bảo thù, gia trưởng. Như Bác Hồ nói, “phụ nữ nghèo thời thuộc địa bị hai ba tầng áp bức.” Ở tầng lớp khá giả hơn, phụ nữ cũng bị lệ thuộc vào nam giới. Vào thời xưa trong xã hội nông nghiệp, tư tưởng bình đẳng, bình quyền chưa phát triển. Sau đó, thời kỳ ánh sáng nảy sinh cuộc cách mạng tư sản, các nhà nghiên cứu đã nêu ra những suy nghĩ nhân bản lấy “con người làm gốc” thì hình thành và phát triển tư tưởng bình đẳng, quyền độc lập tự do. Khi con người ý thức được những bất bình đẳng thì họ mới đấu tranh. Nó khác với thời kỳ “mông muội”, thời trung cổ.


Về tâm thế hành vi, nói phụ nữ khi yêu phải e dè, xấu hổ. Họ phải mặc nhiên hành động như những gì mà xã hội gán cho. Vậy, bất bình đẳng giới không những thể hiện ở những gì lớn mà còn từ những gì nhỏ. TS Dư có suy nghĩ gì về khái niệm “gán nhãn” này?


Theo TS. Dư, tâm thế hình vi có tác động đến nhiều cá nhân trong xã hội, nhưng mỗi cá thể có thể chọn cho mình những nét phù hợp nhất, giống như MOSAIC-một bức khảm nhiều màu sắc đa dạng, nhiều mảnh ghép lại, nhiều chất liệu, nhiều bản sắc hợp thành…, người phụ nữ ngày nay có nhiều vị trí vai trò quan trọng, có cơ hội học tập làm cho phụ nữ hạnh phúc hơn, có nhiều lựa chọn hơn, và chọn cho mình những “mảnh ghép”  trong cuộc đời càng được mở rộng ra. Phụ nữ không chỉ lớn lên, lập gia đình, có con là “chấm hết” – điều này phù hợp với ngày xưa, ngày nay thì có nhiều lựa chọn do nhờ sự biến chuyển của xã hội rất đa dạng và phong phú, tiến bộ thì từng cá nhân tùy theo mức độ nhận thức để mình có thể lựa chọn cách sống có lợi cho bản thân và xã hội. Về phương diện tiến hóa của xã hội, nếu có tác động về mặt nhận thức thì con người thường lựa chọn tâm thế hành vi tiến bộ. Bản thân tôi có ít nhiều kiến thức về môi trường, tôi so sánh giữa sự đa dạng sinh học trong môi trường sống với sự tiến hóa nhất định của môi trường nhân văn. Trong xã hội có sự đa dạng của những cá nhân và họ tự lựa chọn hướng đi phù hợp để làm thay đổi và thúc đẩy tiến bộ xã hội. Ngoài ra, rộng hơn là những tác động của chính sách, luật pháp, ý chí chính trị, hệ tư tưởng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển xã hội. 


Một nam tham dự viên cho biết nếu trong xã hội “gán nhãn” cho phụ nữ” thì chúng ta cũng có thể “gỡ nhẵn”. Trong xã hội chúng ta đòi hỏi phụ nữ phải “giỏi việc nước – đảm việc nhà” Cái này cũng là “gán nhãn” cho phụ nữ. Trong điều kiện hiện nay, phụ nữ sẽ phải rất vất vả, nặng nhọc để hoàn thành được “hai giỏi”. Xã hội thay đổi, con người cũng thay đổi theo.


Về vị trí lãnh đạo nữ, theo quan điểm của một anh nam, hình như quan hệ giữa nữ và nữ với nhau có vấn đề, nữ không bầu cho nữ. Những người lãnh đạo muốn tạo điều kiện cho nữ lãnh đạo nhưng tìm hoài không ra vì ít người bầu cho nữ. Đây là hạn chế của tự thân người phụ nữ chăng? Dường như giữa chị em phụ nữ cũng chưa thông. Phải chăng bản thân đi kêu gọi nam giới thì người trong giới nữ cần phải trao đổi với nhau hay không?


TS. Dư lập luận rằng nam ít bầu nữ và nữ ít bầu cho nữ vì nhiều lý do: 1) quan niệm phụ nữ không có năng lực, 2) phụ nữ không nên tham gia vào lãnh vực lãnh đạo vì đây là lãnh vực quyền lực cao nhất mà từ xưa nay chỉ có nam giới đảm nhận, 3) không tin tưởng phụ nữ có thể làm chính trị, 4) do tội nghiệp cho phụ nữ vì họ bận rộn công việc gia đình và việc tham gia vào công tác chính trị sẽ mất nhiều thời gian của phụ nữ và đây là công việc bất kể giờ giấc, và 5) chia sẻ thẳng từ ý kiến của người tham dự là do nữ hay ghen tị với nhau, không giúp nhau tiến bộ mà đôi lúc người kia tiến bộ người này kéo xuống. Điều đáng lưu ý là trong nhóm nam cũng có hiện tượng ganh tị, âm mưu ám hại lẫn nhau để thăng tiến, lên chức  nhưng người ta lại ít nhắc đến, phải chăng đây cũng là một biểu hiện phân biệt đối xử đối với phụ nữ ? Bà nhấn mạnh rằng dù do yếu tố nào đi nữa thì nếu chúng ta ý thức được thì vẫn khắc phục và thay đổi được thông qua giáo dục. Nhiều nơi trên thế giới đã thay đổi được rồi, tại sao chúng ta lại không thể thay đổi.


Phân tích thêm, xét ở góc độ sâu xa mà Simone de Beauvoir đã giải thích “phụ nữ bị điều kiện hóa”. Nghĩa là phụ nữ đã luôn phải ở trong nhà, trong bếp, lo cho chồng cho con, làm những chuyện nhỏ nhỏ. Vì thế, khi nhìn thấy có người phụ nữ nổi bật, có tài năng lãnh đạo, thích làm lãnh đạo thì người xung quanh không ưa vì người ta cho rằng người phụ nữ này dám “thoát” ra khỏi cái nhãn, cái điều mà xã hội đã gán và từng được qui định cho phụ nữ. Đây chính là những đặc điểm về giới, nếu phụ nữ nhận diện được những nhược điểm không phải do mình tạo ra mà do những điều kiện xã hội, bối cảnh văn hóa, giáo dục, kinh tế, chính trị…tác động vào nhận thức của mỗi cá nhân thì mỗi chúng ta có thể tìm cách khắc phục và thay đổi nhận thức, hành vi và thái độ để dần đạt sự tiến bộ chung cho cả nam và nữ giới.


Bất bình đẳng giới được nhìn qua lăng kính của nam giới như thế nào, vai trò của nam giới đối với vấn đề này ra sao?


Một nam nghiên cứu viên chia sẻ những điều anh nắm bắt qua khái niệm về giới tính và về giới. Về khái niệm giới là do giáo dục mà có, ví dụ, ngay từ nhỏ bé trai chỉ chơi súng, dao, kiếm…ngược lại, trẻ gái chỉ được chơi búp bê, đồ hàng. Gần đây anh thấy báo chí nêu về một số hiện tượng như phụ nữ độc thân có trình độ cao hay phụ nữ học cao mà gia đình tan vỡ. Họ bị xã hội lên án khi chọn lựa của mình một cách sống riêng hay bị chê là thất bại? Xã hội nào cũng muốn bình đẳng giới, riêng xã hội Việt Nam phải kêu gọi bình đẳng giới cho nam vì nữ giới có nhiều chế độ hơn nam như : khám sức khỏe được nhiều tiền hơn nam, hay đi “tán bạn gái” người nam cũng phải bỏ tiền, phải bao hết cho bạn gái.


Một nữ tham dự trẻ trao đổi, về mặt luật pháp đã có sự bình đẳng cho nam và nữ, nhưng sự bất bình đẳng ở đây là do ý thức hệ vì thông qua giáo dục của gia đình, nhà trường và môi trường xã hội đã có tác động rất lớn. Để cải thiện được ý thức hệ này cần một thời gian rất dài. Trong xã hội phụ quyền, người ta coi trọng nam nên việc chọn giới tính khi sinh con rất phổ biến, hay trong giáo dục, gia đình khó khăn ở quê có nam và nữ cùng ở độ tuổi đi học thì cha mẹ sẽ đầu tư cho con trai đi học và để nữ thất học vì nữ không quan trọng nên chỉ cho nữ học may học vá và cho đi lấy chồng. Vậy để thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ thì cần có những giải pháp để thay đổi “tư duy-hệ tư tưởng” cũ còn tồn tại sâu sắc trong xã hội. Trên thực tế, vị trí vai trò của nam giới trong xã hội vẫn cao hơn nữ, thậm chí trong ngôn ngữ cũng có những phân biệt đối xử rất rõ ràng.  Qua diễn ngôn chúng ta hiểu được mình có bị kỳ thị hay không, tư duy của người đối diện như thế nào cùng với việc biểu hành không lời của họ.


TS Dư đồng tình với  nữ nghiên cứu trẻ vì chị đã đưa ra một khía cạnh nghiên cứu khác về “giới trong ngôn ngữ” mà lãnh vực này cũng đã được bàn luận ít nhiều ở Việt Nam. Trong tiếng Anh, trước đây người ta dùng từ “chairman” nay thay thế bằng “chairperson”, “policeman = police officer”, “Mrs or Miss = Ms”.


Một anh nam không đồng ý với ý kiến phản biện trên. Anh cho rằng các chị em phụ nữ khi đi lấy chồng thường mong “chồng mình hơn mình một cái đầu”. Anh cũng giải thích thêm về việc nam nữ có số lượng dân số ngang nhau nhưng tại sao vẫn có sự phân biệt đối xử? Sự phân biệt đối xử xảy ra giữa người có quyền lực kinh tế cao hơn, lớn hơn với người có quyền lực kinh tế thấp hơn. Từ xa xưa nam giới là người săn bắn và săn bắt để đem thức ăn về cho gia đình. Điều này cho thấy nam giới có quyền lực kinh tế hơn. Quan điểm về phụ nữ chỉ chăm lo cho con cái và gia đình, không ra làm việc ngoài xã hội cũng là chuyện bình thường vì rõ ràng, về tâm sinh lý, nam giới luôn lo cho gia đình (ví dụ nam giới mà ngoại tình thì vẫn trở về với gia đình, ngược lại, nữ giới ngoại tình là đi luôn). Đây không phải là sự áp đặt. Giá trị cũ chỉ mất đi khi có giá trị mới tốt hơn thay thế. Ví dụ: nếu công dung ngôn hạnh là giá trị cũ thì giá trị mới là gì?


Một chị từ phòng bình đẳng giới của Sở Lao Động Thương Binh và Xã Hội chia sẻ chuyên đề về bình đẳng giới này hay, rất có ý nghĩa và thu hút mọi người cùng tham gia. Về luật bình đẳng giới cũng có những điều khoản chưa bình đẳng như “độ tuổi về hưu của nam và nữ.” Nam nghỉ hưu lúc 60 tuổi, còn nữ 55 tuổi, đây là điều bất bình đẳng cho giới nữ. TS Dư bổ sung khi nữ giới nghỉ hưu sớm thì bậc lương của họ cũng thấp hơn vài lần, tuổi đề bạt của nữ phải trẻ hơn nam giới 5 năm, trong khi đó, nếu họ phải sinh con, nuôi con thì phải mất ít nhất 3-4 năm. Nếu xét ở góc độ này, con đường thăng tiến của phụ nữ thường chậm hơn so với nam giới, vậy tuổi hưu cần bằng với nam giới để có cơ hội cống hiến. Xét về mặt tổng thể, một mặt Nhà nước kêu gọi có sự tham gia nhiều của giới trí thức nữ vào các bộ máy chính quyền nhưng ít có phụ nữ đạt được yêu cầu, có nhiều nguyên nhân cho vấn đề này trong đó có tuổi hưu sớm. Ví dụ, một chị làm nữ hiệu trưởng của một trường đại học phải về hưu lúc 55 tuổi, trong khi đó một anh nam cũng 55 tuổi làm hiệu trưởng và có thể tham gia thêm một nhiệm kỳ nữa. Vậy sự đóng góp của những phụ nữ bị hạn chế, bị bất bình đẳng, đặc biệt đối với những người có năng lực lãnh đạo giỏi và muốn làm lãnh đạo.


Một nam nghiên cứu viên nêu ý kiến thảo luận về vấn đề ngoại tình. Xã hội thường gay gắt, phê phán, chỉ trích một cách nặng nề phụ nữ hơn. Đây là định kiến giới. Về giá trị “công dung ngôn hạnh”, ngày xưa phụ nữ phải biết thuê thùa, may vá, nấu nướng, nhưng ngày nay, phụ nữ đã có sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, công nghệ nên phụ nữ không cần biết nhiều về điều này nhưng vẫn đảm nhận vai trò chăm sóc gia đình tốt.


Một nữ đại biểu cho rằng nếu cứ với tư duy rằng phụ nữ học cao thì ly hôn, độc thân…thì tới khi nào mới đạt được sự bình đẳng, làm sao phụ nữ dám học cao. Trên thực tế chưa có một nghiên cứu nào cho thấy điều này, hay chưa có một điều tra xã hội học nào cho thấy phụ nữ học thấp thì ít ly hôn hơn. Đây chỉ là suy nghĩ võ đoán, chủ quan của vài cá nhân nào đó mà thôi. Ngược lại, thực tế ở viện nghiên cứu của chị đã chứng minh phụ nữ học cao sẽ biết duy trì hạnh phúc gia đình và mang lại lợi ích cho xã hội, ngay cả các tiền nhân đã truyền đạt ở câu ca dao sau: “Trăm năm ở với người đần, không bằng một phút đứng gần người khôn”. Theo chị, các đức ông chồng rất khôn, họ muốn trao đổi, chia sẻ với vợ trên mọi phương diện vì khả năng tiếp nhận thông tin của phụ nữ có học là nhanh, nhạy, và chính xác. Đàn ông thích người phụ nữ hiểu những gì họ nói, đối với phụ nữ tri thức, các đức ông chồng chỉ cần nói “vài câu, thậm chí nửa câu thì họ đã hiểu hết câu hoặc hiểu hết ý còn lại.” Các ông chồng rất hãnh diện về điều này, vì vậy phụ nữ học cao hiểu biết rộng sẽ mang lại nhiều điều tốt cho gia đình, nuôi dạy con cái, và sự phát triển xã hội. Chị khuyến khích phụ nữ trẻ nên tiếp tục học cao chứ đừng vì vài ý kiến kém khách quan mà phụ nữ từ bỏ cơ hội học tập, nâng cao kiến thức, nâng tầm hiểu biết của mình.


Đồng thuận với quan điểm của một vị nữ về việc khuyến khích nữ giới học tập và theo đuổi con đường tri thức, TS Dư cũng đề cập Nhà nước đang khuyến khích, mở cửa, tạo điều kiện cho phụ nữ học cao hơn, vấn đề còn lại là quyết tâm của người phụ nữ. Người phụ nữ càng học, càng thích, càng vui trong học tập. Ngày xưa, lý tưởng của người phụ nữ là gia đình ổn định, tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội ngày nay mục tiêu của phụ nữ cao hơn và rộng hơn, ngoài gia đình, phụ nữ còn có nhiều lựa chọn, nhiều viễn cảnh tốt đẹp như:kinh doanh, theo đuổi tri thức, cống hiến cho xã hội… Theo bà, chúng ta không nên “bỏ hết trứng vào một giỏ, mà cần phải biết chia ra nhiều giỏ, để vỡ giỏ này ta còn cái giỏ khác.”


Về vấn đề ly hôn, trong các xã hội phát triển tỉ lệ ly hôn thường cao, điều này không phải do phụ nữ học cao. Giữa vấn đề ly hôn và học cao không có mối tương quan theo kiểu đường thẳng. Khi nói đến bất bình đẳng hay sự phân biệt đối với phụ nữ là gây thiệt thòi và bất bình đẳng cho cả gia đình và cho toàn xã hội. TS Dư cũng đồng ý với một nam đại biểu giữa nam và nữ có sự khác biệt về sinh học và nó ảnh hưởng tới hành vi, tâm sinh lý của hai giới ở mức độ nhất định. Về ngoại tình, chẳng có xã hội nào ủng hộ. Không nên đem đặc điểm sinh học để luận giải cho vấn đề ngoại tình. Mỗi xã hội đều có thiết chế gia đình và hôn nhân. Hôn nhân dựa trên cơ sở tình yêu và tự nguyện của hai phía và được xã hội và luật pháp chấp thuận.


Một ý kiến cuối cùng của phần trao đổi, theo vị đại biểu nữ thì xã hội càng ngày càng đòi hỏi phụ nữ đa năng.  Chị mong đợi nam giới sẽ giảm dần những định kiến giới, không nên coi vợ, coi phụ nữ là “cơm nguội”, mà có thể coi họ là cơm nóng, cơm chiên hải sản, cháo gà… Với giọng hài hước chị cũng đúc kết “để thúc đẩy bình đẳng giới luôn cần có sự ủng hộ, hợp tác của nam giới .”


TS Thái Thị Ngọc Dư cho rằng những gì chúng ta chia sẻ và bàn thảo trong chuyên đề này đều có liên quan đến định kiến giới, ví dụ như phụ nữ phải chăm lo cho gia đình con cái, không nên ra ngoài xã hội, phụ nữ khi ngoại tình bị soi, bị chiếu, bị chỉ trích, bị kết án mạnh mẽ và gay gắt hơn nam giới, phụ nữ không nên đảm nhận vị trí lãnh đạo cao trong xã hội, phụ nữ học cao thích độc thân hay ly dị, phụ nữ không ủng hộ phụ nữ… đều là định kiến giới và đằng sau đó là sự phân biệt đối xử với phụ nữ. Nếu chỉ xem xét ở tầng trên thì khó thấy nhưng nếu đào sâu vào trong tiềm thức thì định kiến vô hình sẽ hiện diện sâu sắc. Theo bà, các nước tiên tiến đã có nhận thức rất tiến bộ về bình đẳng giới. Vì dụ như thời bà ở Pháp, trong 10 gia đình mời bà tới dùng cơm thì có tới 9 gia đình người chồng đảm nhận việc nấu nướng. Những người chồng này lo việc nhà một cách thích thú, không cảm thấy gò bó, bắt buộc, hay mất mặt đàn ông. Hay thế hệ của những chú hay bác đi trước ở Việt Nam thời khó khăn, họ rất tự nguyện đi chợ, nấu ăn, lo việc nhà và cả việc nước mà không hề nghĩ rằng đây là việc của phụ nữ hay trách nhiệm của phụ nữ. Họ thoát khỏi định kiến và làm vì sự yêu thương, trân trọng.


Kết thúc buổi trình bày chuyên đề “Giới trong nhận thức của nghiên cứu viên trẻ”, cộng thêm những quan sát cũng như kinh nghiệm về giới trong nhiều năm, TS Dư bày tỏ tinh thần thái độ lạc quan và khả quan về tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam, mặc dù so các nước khác chúng ta cần phải nỗ lực rất nhiều, đặc biệt về mặt nhận thức và loại bỏ định kiến giới. Theo bà, suy nghĩ của các bạn trẻ ngày nay đang theo chiều hướng rất có lợi cho việc thúc đẩy bình đẳng giới, ví dụ, các bạn nữ thấy mình có cơ hội và điều kiện học hành, thăng tiến, tự do hơn, mà sự tự do này được vun bồi bởi bao thế hệ đi trước, những người cấp tiến, không ngừng đấu tranh cho sự tiến bộ của phụ nữ. TS Dư cũng cảm ơn tất cả các anh chị đã chia sẻ rất thẳng thắn và thật lòng những suy nghĩ của mình. Điều quan trọng là tất cả những gì chúng ta làm trong xã hội là nhằm xóa bỏ nghèo đói, không có người bị thiệt thòi, không có người phụ nữ bị chèn ép trong xã hội. Làm thế nào để xã hội phát triển và người giàu cũng như người nghèo, nam giới cũng như nữ giới đều có những quyền tự do và thụ hưởng được thành quả của phát triển.


Doãn Thị Ngọc

Tài liệu tham khảo

  1. Luật Bình Đẳng Giới (2006). Truy cập  ngày 15 tháng 7 năm 2012, từ trang web http://thuvienphapluat.vn/archive/Luat/Luat-Binh-dang-gioi-2006-73-2006-QH11-vb15866t10.aspx
  2. Lê Thị Quý (2009). Truy cập  ngày 10 tháng 7 năm 2012, từ trang web http://gas.hoasen.edu.vn/vi/gas-page/van-de-cong-bang-va-binh-dang-gioi-doi-voi-nu-tri-thuc
  3. Judith Lorber (2012). Bất bình đẳng: Lý thuyết và chính trị nữ quyền. NXB. Oxford University Press

http://gas.hoasen.edu.vn/vi/gas-page/chuyen-de-gioi-trong-nhan-thuc-cua-nghien-cuu-vien-tre#overlay-context=vi/gas-page/tap-huan-gioi-va-luat-phap-ve-binh-dang-gioi