Tọa đàm: Sự hiện diện của khoa học xã hội Việt Nam trên trường quốc tế
Ngày 9/8/2012, Viện Nghiên cứu Phát
triển Giáo dục (IRED) tổ chức buổi tọa đàm “Sự hiện diện của khoa học xã hội
Việt Nam trên trường quốc tế” do GS. TS Nguyễn Văn Tuấn đến từ trường Đại học
New South Wales của Úc trình bày. GS. Tuấn là giáo sư y khoa nổi tiếng trong và
ngoài nước chuyên về loãng xương, nhưng ông cũng rất đam mê và đặc biệt quan
tâm đến thống kê học và giáo dục học; vì vậy, ông đã dành thời gian và công sức
để nghiên cứu về sự hiện diện của các bài báo khoa học xã hội Việt Nam trên
Scopus (cơ sở dữ liệu về ấn phẩm khoa học toàn cầu) từ năm 1996-2010 và tìm
hiểu lý do tại sao Việt Nam có rất ít công trình nghiên cứu đăng tải trên các
tạp chí khoa học tầm cỡ quốc tế. Buổi tọa đàm đã thu hút đông đảo người tham dự
đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học và cao đẳng trên địa bàn thành
phố Hồ Chí Minh.
Sự hiện diện khiêm nhường của các
bài báo khoa học xã hội Việt Nam
Theo GS. Nguyễn Văn Tuấn, khoa học
xã hội là ngành rất gần gũi với đời sống hàng ngày của mỗi người nhưng không
phải ai cũng nắm bắt hết ý nghĩa cũng như nhận thức các vấn đề xã hội một cách
đầy đủ. Vì vậy, nghiên cứu khoa học xã hội là rất cấp bách đối với Việt Nam.
Tuy nhiên, qua kết quả nghiên cứu thống kê từ Scopus cho thấy số lượng những
công trình nghiên cứu của Việt Nam từ 1996-2010 được công nhận trên trường quốc
tế chỉ có 354 bài, trong khi đó Mã Lai công bố 1836 bài, Thái Lan có 1437 công
trình và Phillipine có 789 bài. Đa phần những công trình nghiên cứu của
Việt Nam tập trung ở lãnh vực địa lí học (chiếm 21% trên tổng số), phát triển học
(16%), y tế (12%), xã hội học (11%), bên cạnh những bài nghiên cứu về nhân
chủng học (5%), chính trị học (5%), dân số học (4%), và thấp nhất là ngành khảo
cổ học chỉ có 7 bài (1.4%) được công bố trên các tập san khoa học quốc tế trong
vòng 15 năm. So sánh với các nước Đông Nam Á, Việt Nam có hơn 80% những
công trình nghiên cứu về khoa học do hợp tác quốc tế hoặc do bạn bè quốc tế hỗ
trợ và tỉ lệ này chiếm khoảng 40%. Việt Nam đứng thứ 69/200 quốc gia có công bố
khoa học xã hội và đứng sau các nước như Mã Lai (41/200), Thái Lan (43/200), và
Philippine (50/200).
Mặc dù Việt Nam có rất nhiều công
trình nghiên cứu và báo cáo hội thảo trong nước nhưng không được bình duyệt hay
thẩm định (peer-review) hay không được các tạp chí khoa học quốc tế biết đến
hay không được công nhận. Điều này cho thấy “chúng ta viết chúng ta tự đọc.”
Dựa vào những kết quả nghiên cứu trên của GS Tuấn, chúng ta thấy rõ bức tranh
nghiên cứu khoa học xã hội của Việt Nam xuất hiện rất ảm đạm, mờ nhạt, và mong
manh. Theo các nhà khoa học, các công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc tế chính là
thước đo nội lực và mang tầm ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển khoa học
của mỗi quốc gia, của mỗi trường, của mỗi viện, và của từng nhà khoa học và qua
đó cũng cho thấy các lĩnh vực khoa học nói chung, và ngành khoa học xã hội Việt
Nam nói riêng rất khiêm nhường và sẽ định vị mình ở đâu trong khu vực cũng như
trên trường quốc tế.
Những lý do tại sao Việt Nam có
những công trình nghiên cứu xã hội còn quá thấp
GS. Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh chúng
ta cần nhận diện và thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế của mình để có những
đường hướng hoạch định phát triển cho tương lai. Ông cho biết lý do yếu kém
trước nhất đó là mức độ hay hoạt động nghiên cứu khoa học quá thấp, chỉ có 354
bài được đăng trên tạp san khoa học quốc tế trong 10 năm. Những hạn chế khác mà
Việt Nam gặp phải là thiếu nhân lực, thiếu am hiểu về nguồn cấp kinh phí tài
trợ nghiên cứu, về cơ chế tài trợ, về kiến thức nghiên cứu v.v… Thứ hai, các
nghiên cứu ở Việt Nam chủ yếu do người nước ngoài thực hiện hay do hợp tác quốc
tế. Hay nói cách khác, “tri thức nội địa nhưng phụ thuộc vào ngoại.”
Điều này chứng tỏ rằng nội lực nghiên cứu của đội ngũ khoa học nói chung còn
rất “yếu” và quá ít ỏi. Thứ ba, các công trình nghiên cứu của Việt Nam
nói chung có chất lượng thấp, đặc biệt là phương pháp nghiên cứu rất kém như:
lấy mẫu, chọn mẫu, phân tích dữ liệu, kết quả nghiên cứu không có ý nghĩa thống
kê, không biết cách trình bày một bài báo cáo khoa học theo chuẩn quốc tế, hay
do chưa quen với những thước đo hiện đại hay chưa được thẩm định khách quan.
Thực tiễn cho thấy mặc dù trong nước có tới 50% công trình khoa học xã hội
nhưng chỉ có 5% được bình duyệt (peer-review) và công nhận theo chuẩn quốc tế,
Kế đến, trong văn hóa Việt Nam hình
như phần lớn người ta coi viết sách quan trọng hơn viết bài nghiên cứu được
bình duyệt . Tuy nhiên, trong những lãnh vực sâu và nhỏ, quốc tế coi trọng việc
viết bài nghiên cứu khoa học hơn là viết sách. Thực ra, ở Việt Nam có rất nhiều
đề tài có thể nghiên cứu mà người nước ngoài nhìn ra vấn đề và tập trung nghiên
cứu. Ví dụ điển hình của một đề tài nghiên cứu nhỏ rất hay và có tầm ảnh hưởng
mang tính quốc tế là “New economies of sex and intimacy in Vietnam (tạm dịch
Các yếu tố kinh tế mới của tình dục và chuyện chăn gối ở Việt Nam) mà Kimberly
Kay Hoàng bảo vệ tại Đại học Berkeley (bang California) vào năm ngoái vừa
được Hiệp hội Xã hội học Hoa Kỳ chọn là luận án xuất sắc nhất” [1]. Cuối cùng,
các công trình nghiên cứu khoa học thì cần phải viết bằng tiếng Anh, nhưng mặt
bằng chung về tiếng Anh trong nghiên cứu của Việt Nam còn thấp, hay có nhà
nghiên cứu thạo tiếng Anh nhưng chưa đủ trình độ để viết một báo cáo nghiên cứu
khoa học theo chuẩn quốc tế. Để viết hay mô tả bài nghiên cứu khoa học một cách
logic là điều không dễ, tốn kém thời gian, nhân lực, tài lực… và chúng ta
thường nhầm lẫn rằng cứ học xong tiến sĩ hay có bằng tiến sĩ ở nước ngoài
là có khả năng viết bài nghiên cứu khoa học bằng tiếng Anh. “Điều này nhầm to”,
GS.TS Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh.
Buổi tọa đàm tuy ngắn nhưng kết thúc
của nó là những câu hỏi còn quẩn quanh trong đầu của những người tham dự. Họ đã
biết sự hiện diện của ngành khoa học xã hội của Việt Nam đang ở đâu. Họ phải
làm gì, học gì, bắt đầu từ đâu để cùng đóng góp những tri thức nhỏ bé của
mình cho nghiên cứu và sự phát triển khoa học xã hội. Họ phải làm như thế nào
để cùng các nhà khoa học dày dặn kiến thức và kinh nghiệm, các đàn anh đàn chị
đi trước cùng những bạn trẻ mới ra trường có học hàm học vị cùng hợp tác tham
gia nghiên cứu khoa học để Việt Nam không bị tụt hậu, ít nhất trong khu vực,
rồi rộng hơn trên toàn thế giới. Liệu những câu hỏi này có lời đáp chăng nếu
như chúng ta chưa biết mình sẽ chọn thước đo nào, hướng tiếp cận nào, triết lý
nào cho quản trị giáo dục .
Doãn
Thi Ngọc
Tài liệu tham khảo