Tiểu sử Đạm Phương nữ sử (1881–1947) - nữ kí giả Việt Nam tiên phong đấu tranh vì sự tiến bộ của phụ nữ
Đạm Phương nữ sử tên thật là Công nữ
Đồng Canh, tự Quý Lương, sinh năm Tân Tỵ (1881) tại phủ Tôn Nhơn, kinh đô Huế.
Bà là cháu nội vua Minh Mạng, con gái Hoàng tử thứ 66 - Hoằng Hóa Quận công
Miên Triện (1833 - 1905). Với nhiều tác phẩm có giá trị, Đạm Phương nữ sử không
chỉ là gương mặt nổi bật trong lĩnh vực văn chương mà còn được biết đến trong
lịch sử là người đầu tiên ở Đông Nam Á đặt ra vấn đề giải phóng phụ nữ với
những hoạt động tích cực vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam trong những năm đầu
thế kỷ 20.
Cha bà, Hoằng Hóa Quận công Miên
Triện, giỏi văn thơ chữ Hán và lại biết chữ Pháp. Ông là vị hoàng tử đầu tiên
của triều Nguyễn được cử dẫn phái đoàn Việt Nam sang Pháp năm 1889 để tìm hiểu
nền văn minh phương Tây. Miên Triện là người sớm có đầu óc duy tân.
Được hưởng một nền giáo dục truyền
thống nghiêm túc của hoàng tộc và của người cha có kiến thức duy tân, nhờ vậy
bà giỏi cả Hán văn, biết Pháp văn, thông thạo cả quốc ngữ lẫn cầm, kỳ, thi,
họa, nữ công gia chánh và qua đó có kiến thức về tự do, dân chủ, bình đẳng giới
sớm.
Năm 1897, 16 tuổi, Công Tôn Nữ Đồng
Canh xuất giá lấy ông Hàn Lâm viện Cung phụng Nguyễn Khoa Tùng (1873 - 1932),
hậu duệ thứ 6 của Nguyễn Khoa Chiêm, quê gốc Hải Dương, nay thuộc xã Lê Lợi -
huyện An Hải - Hải Phòng, tác giả cuốn Nam triều công nghiệp diễn chí, tiểu
thuyết lịch sử đầu tiên ở nước ta. Ông bà có ba người con gái và ba người con
trai. Ba người con trai của bà lần lượt hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh chống
thực dân Pháp giải phóng dân tộc, trong đó có nhà lý luận mác xít nổi tiếng Hải
Triều Nguyễn Khoa Văn (1908-1954). Cháu nội của bà là nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
nguyên ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bà lấy biệt hiệu Đạm Phương. Năm 20
tuổi, bà được mời vào cung dạy cho các công chúa, nữ quan, cung nữ. Bà dạy giỏi
và được Triều đình phong chức nữ sử nên thường ký tên là Đạm Phương nữ sử.
Đạm Phương nữ sử nổi tiếng trong
nhiều lĩnh vực. Bà là nhà thơ, tác giả Thơ Đạm Phương nữ sử. Bà là một trong
những phụ nữ Việt Nam đầu tiên viết tiểu thuyết (tiểu thuyết Kim Tú Cầu). Bà là
nhà báo, tham gia viết báo Nam Phong, Hữu Thanh, Tràng An, Tiếng Dân, giữ
chuyên mục Lời Đàn Bà cho báo Trung Bắc Tân văn, thành viên ban biên tập Nữ lưu
thư quán Gò Công; tháng 5/1929, Đạm Phương còn nhiệt tình vận động cho ra đời
thêm một tờ báo nữa ở Huế tờ Phụ nữ Tùng san. Đạm Phương cũng là nhà biên
khảo về tuồng Hát Bội Việt Nam (Lược khảo về tuồng hát An Nam (tạp chí Nam
Phong số 76 tháng 10/1923)).
Năm 1926, Đạm Phương nữ sử sáng lập
Nữ công học hội Huế, trực tiếp làm hội trưởng, tự dự thảo tôn chỉ, mục đích,
nội quy, chương trình hoạt động của Hội. Đây là tổ chức phụ nữ phi chính phủ
đầu tiên ở Việt Nam buộc chính quyền thực dân phong kiến thừa nhận. Các bậc chí
sĩ yêu nước Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng và các trí thức trẻ Đào Duy Anh,
Đoàn Nồng, Nguyễn Lân rất hoan nghênh và nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động của
Hội, đã góp phần vào thành công và nâng cao uy tín của Hội. Xu hướng tiến bộ
của Nữ công học hội Huế dưới sự lãnh đạo của Đạm Phương nữ sử được dư luận, báo
chí đánh giá cao và nhiệt tình cổ vũ. Ảnh hưởng của Hội lan truyền khắp cả
nước, đã dấy lên phong trào hoạt động xã hội tích cực của phụ nữ ở các vùng
Vinh, Thanh Hoá, Hà Nội, Hải Phòng, Hội An, Nha Trang, Sài Gòn, Gia Định, Cần
Thơ...
Năm 1929, Đạm Phương bị chính quyền
thực dân Pháp bắt giam bởi hoạt động của bà đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới phong
trào yêu nước, bởi các con trai bà hoạt động trong các tổ chức cộng sản và yêu
nước bị lộ. Hai tháng sau bà được thả nhưng không được tự do hoạt động và ngày
càng bị giám sát chặt chẽ hơn. Các con trai bà, Nguyễn Khoa Tú, Nguyễn Khoa Vĩ
cũng lần lượt hy sinh trong cuộc đấu tranh.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến
(19/12/1946), bà tản cư ra vùng tự do Thanh Hoá với gia đình con trai là nhà
văn Hải Triều Nguyễn Khoa Văn.
Hai năm sau, Đạm Phương nữ sử tạ thế
ngày 10 tháng 12 năm 1947 tại Lạc Lâm, Thanh Hoá, hưởng thọ 66 tuổi.
Đạm Phương để lại nhiều trước tác
giá trị. Một vài trước tác đã được xuất bản như: Giáo dục nhi đồng (NXB
Thanh Hoá tái bản 1000 cuốn năm 1996), và cũng còn khá nhiều trước tác chưa
được xuất bản như Nữ công thường thức (3 tập), Gia đình giáo dục,
tiểu thuyết Kim Tú Cầu, tiểu thuyết Hồng phấn tương tri, Đạm Phương
thi văn tập, Lược khảo về Tuồng hát An Nam (đã in trên Tạp chí Nam Phong số 76,
ra tháng 10/1923)...
Đạm Phương nữ sử là bạn văn chương,
báo chí với các bà Sương Nguyệt Anh, Sầm Phố, Cao Thị Ngọc Anh, là bạn thân của
bà Đạm Thanh (tức bà Trương Thị, người vợ đầu của vua Khải Định lúc còn ở Tiềm
Để).
Bà được nhà yêu nước Phan Bội Châu
quý trọng. Học trò của bà nhiều người trở thành những phụ nữ trí thức, yêu nước
tiêu biểu thế kỷ 20 ở Huế như các bà Trần Thị Như Mân (bà Đào Duy Anh), Sư bà
Thích Nữ Diệu Không (nhũ danh Hồ Thị Hạnh), bà Đào Thị Xuân Yến (tức bà quả phụ
Nguyễn Đình Chi), cô Hoàng Thị Kim Cúc (cô giáo dạy nữ công gia chánh nổi
tiếng, tác giả nhiều bộ sách Món ăn nấu theo lối Huế)...
Những tư tưởng tiến bộ của bà đến
nay vẫn giữ nguyên giá trị và mang tính thời sự nóng hổi.
Nhà nghiên cứu Lê Thanh Hiền đã đọc
được hơn 200 bài báo bà viết trong khoảng thời gian 1919-1929, cho biết, tất cả
những bài báo đó đều có các chủ đề như: Hướng dẫn phụ nữ cách sinh con, nuôi
con, cách tổ chức gia đình theo đời sống mới. Cho đến nay, tất cả vẫn đều là
những chủ đề có tính thời sự cao và nội dung các bài báo của bà vẫn giữ những
giá trị nhất định trong xã hội hiện đại.
Qua di sản cho thấy Đạm Phương nữ sử
là nữ tác giả dẫn đầu về số lượng tác phẩm được viết bằng nhiều thể loại xuất
bản trước năm 1945. Đặc biệt hơn, bà còn là nữ trí thức Việt Nam đầu tiên quan
tâm đến việc dưỡng dục thế hệ trẻ thơ từ lúc lọt lòng mẹ đến khi đến trường.
Nghiên cứu vấn đề phụ nữ qua các bài
báo của Đạm Phương nữ sử, các nhà khoa học nhận định, bà Đạm Phương là người
phụ nữ đầu tiên ở Đông Nam Á đặt ra vấn đề giải phóng phụ nữ ngay từ đầu thế kỷ
20.
Đáng chú ý hơn cả trong hàng loạt
bài báo mang tính giáo dục phụ nữ của Đạm Phương, chính là việc bà luôn nhấn
mạnh đến bổn phận, nghĩa vụ, lương tâm và trách nhiệm của con người.
Với những hoạt động sôi nổi của
mình, Đạm Phương nữ sử là nhân vật trí thức tiến bộ và yêu nước nổi tiếng trong
lịch sử cận đại Việt Nam.
Nguyễn Ngọc Hân
Nguồn tư liệu:
- Gender and Society Research Center – Valofrase :
Người phụ nữ Huế trong văn hóa dân
tộc (Theo Nguyễn Đắc Xuân (Tạp chí Sông Hương))
http://gas.hoasen.edu.vn/vi/gas-page/nguoi-phu-nu-hue-trong-van-hoa-dan-toc
- Wikipedia:
http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%A1m_Ph%C6%B0%C6%A1ng