Tọa đàm “Định kiến vô hình đối với phụ nữ”

 


Vào sáng ngày 15/6/2012, trường Đại học Hoa Sen đã tổ chức buổi tọa đàm mang chủ đề “Định kiến vô hình đối với phụ nữ” với sự tham gia của gần 60 cán bộ giảng viên- nhân viên cùng một số thân hữu của nhà trường.


Mở đầu buổi tọa đàm, TS Thái Thị Ngọc Dư gửi lời cảm ơn chân thành tới những quý vị thân hữu và tất cả cán bô nhân viên giảng viên nhà trường đã tới tham dự đông đủ. Đây là buổi tọa đàm đầu tiên về định kiến giới đối với phụ nữ do Trung tâm Nghiên cứu Giới và Xã hội phối hợp với Chương trình giáo dục tông quát khởi xướng. Mục đích của buổi thảo luận là nhận diện những định kiến đã có từ lâu đời đối với vai trò của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội và những ràng buộc đạo đức đối với người phụ nữ. Ngoài ra, những phân tích và thảo luận tại buổi tọa đàm không chỉ nhằm góp phần gợi mở cho những hoạt động nâng cao nhận thức, nhận diện những định kiến vô hình để  từng bước giải phóng nam và nữ giới ra khỏi những định kiến sâu xa, mà còn góp phần thúc đẩy quá trình bình đẳng giới trong nhà trường và xã hội.


Chương trình buổi thảo luận gồm ba báo cáo đề dẫn và trao đổi, thảo luận :

• Hình ảnh và vai trò rập khuôn của nữ và nam giới do TS. Thái Thị Ngọc Dư dẫn đề.

•  Phụ nữ, lửa và những thứ nguy hiểm (cảm hứng từ tựa đề một quyển sách của George Lakoff) … do TS Phạm Quốc Lộc trình bày.

•  Truyền thống phụ nữ, phụ nữ truyền thống: Thiệt giả, giả thiệt do TS Bùi Trân Phượng báo cáo.

•  Trao đổi và thảo luận.


Theo TS Thái Thị Ngọc Dư, lý do tại sao buổi tọa đàm hôm nay lại nêu định kiến vô hình với phụ nữ vì, trên thực tế, định kiến được nhắc nhiều nhưng định kiến vô hình thì rất khó nhận diện, khó nắm bắt qua những hành vi, thái độ, và nhận thức thông thường. Từ xưa đến nay, định kiến đối với nam và nữ giới đã tốn rất nhiều giấy mực và công sức của những nhà văn nhà thơ, nhà chính trị-xã hội, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu v.v. nhưng trong xã hội hiện đại ngày nay thật khó có thể chấp nhận được sự bất bình đẳng; chính vì vậy, chẳng ai dám nói trẳng ra “nữ giới kém thông minh hơn nam giới, hay nữ giới chỉ nên làm những việc nhỏ không quan trọng, hay nữ giới chỉ có nhiệm vụ sinh con và duy trì nòi giống.” Tuy nhiên, trên con đường phát triển, nữ giới thường gặp những rào cản xuất phát từ những định kiến vô hình. Khi bàn về phụ nữ hiện đại ngày nay, ít nhiều họ đều bận rộn với nghề nghiệp và đạt được những tiến bộ nhất định trong bình đẳng giới. Câu hỏi mà giới truyền thông và giới nghiên cứu thường đặt ra cho phụ nữ, “nếu phải chọn giữa gia đình và sự nghiệp, chị chọn bên nào?” Tại sao phụ nữ bị hỏi câu này chứ không phải nam giới?


Kế đến, TS. Phạm Quốc Lộc trình bày về một giả định của nam giới: “Tôi không phải là phụ nữ, vậy chuyện của phụ nữ để phụ nữ nói, để Hội phụ nữ nói và bàn. Giả định này đã trở thành nhận định của những kẻ có quyền hành và họ có những hành xử thiếu tôn trọng  đối với phụ nữ, đặc biệt nữ trí thức.” Theo TS Lộc, tiếng nói của phụ nữ, người trong cuộc, luôn có lực và độ tin cậy nhất định, song đàn ông không hề đứng ngoài cuộc, trong lịch sử cái gọi là phụ nữ, cái gọi nữ tính hay tính nữ đều do đàn ông kiến tạo. Hệ tư tưởng phụ quyền được nâng đỡ, dưỡng nuôi, tái tạo bằng văn hoá, bằng ý thức hệ, bằng cả giáo dục, để ngày hôm nay chúng ta phải ngồi lại với nhau ở đây, để cùng nhau nói về cái định kiến vô hình. Cái sâu thẳm nhất của văn hoá, của ý thức hệ thường là vô hình. Khi chúng ta biểu hành cái nhận diện giới tính tức là biểu hành cái căn cước phụ nữ, là phụ nữ, chúng ta đang góp phần tái tạo tính nữ một cách vô thức. Từ vô thức sẽ sản sinh lắm thứ vô hình.


Hiệu trưởng – TS Bùi Trân Phượng chia sẻ trong khoảng 20 năm qua TS Phượng đã có những khảo sát đối với công chúng  trí thức trẻ và những khách thể ở những độ tuổi khác nhau về đặc tính của người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Kết quả cho thấy rằng những người trả lời dù là phụ nữ hay nam giới, dù ở độ tuổi nào,  trình độ nào, hay thời điểm nào thì họ đều cho ra những quan điểm tương tự  nhau đối với phụ nữ truyền thống như: an phận, chung thủy, chịu đựng, hi sinh tất cả, đảm đang, phục tùng, vun vén gia đình, yêu thương con, cảm tính, tình cảm, cần cù, dẻo dai, nhường nhịn, và khiêm tốn. Một số ít ý kiến đề cập về tính cách của phụ nữ: thông minh, mạnh mẽ, ý chí, giỏi về tài chính, tinh tế, và dám nhận trách nhiệm. Đối với quan điểm của nam giới, họ cũng có ý kiến giống đa số phụ nữ nhưng có một số đặc điểm khác như: anh hùng, bất khuất, nhân hậu, đoan trang, trầm tĩnh, và sâu sắc. Sức mạnh truyền thống vô cùng lớn và ăn sâu vào tiềm thức và tâm thức của mỗi chúng ta. Khuôn mẫu về giới nó rất cứng và rất sâu. Bà đặt ra câu hỏi: “Liệu truyền thống có đáng giữ một sức mạnh trong tâm khảm của chúng ta không? Những dân tộc khác có chịu đựng sức đè nặng của truyền thống một cách ghê gớm như chúng ta không? Tóm lại, mục đích thăm dò và nghiên cứu của TS. Phường nhằm “soi rọi lại mình” và đặt ra câu hỏi liệu ảnh hưởng truyền thống nó thiệt đến cỡ nào, liệu nó có thiệt hay không? Những ảnh hưởng này nó thuộc bao nhiêu hệ hay chỉ một hệ?


Trong buổi tọa đàm rất nhiều vị đại biểu đã thẳng thắn chia sẻ. Một vị khản giả cho rằng do văn hóa, giáo dục trong xã hội đã ấn định sẵn những vị trí vai trò cho phụ nữ, vì vậy những người ở thế hệ 40 tuổi trở lên sẽ có cái nhìn khác với thế hệ trẻ . Chị lấy ví dụ về cách giáo dục các con trẻ khi yêu đương và âu yếm nhau. Bản thân chị thì khắt khe nhưng con gái chị nhìn vấn đề thoáng hơn.


Một bạn trẻ hơn cũng đồng quan điểm với cách nhìn khác biệt về giới theo thế hệ. Hiện chị có một cô con gái nhưng chị vẫn bị những ảnh hưởng của truyền thống văn hóa tác động trong cách nuôi dạy con gái mình. Chị không muốn con mình quá khác với người khác trong xã hội.


Một vị đại biểu chia sẻ về cuộc trò chuyện giữa anh với một phỏng vấn viên tới phỏng vấn một phụ nữ nổi tiếng trong xã hội nhân ngày 8 tháng 3: “Giới truyền thông không nên chỉ giới hạn phỏng vấn nữ giới mà nên phỏng vấn cả nam giới.” Phụ nữ trong xã hội Việt Nam xây dựng “căn tính” của mình nhưng bị kìm hãm trong cái nhìn hay hình tượng mà đàn ông có về người phụ nữ, mà hình tượng này không chỉ đề cập đến nam giới mà toàn bộ văn hóa xã hội về vai trò, vị thế của người phụ nữ. Trong xã hội học người ta thường nghiên cứu những tình huống đặc biệt, tình huống ngoài lề, bên lề; vì vậy, chúng ta cần nghiên cứu những hành vì, cử chỉ, lời nói nhỏ và cụ thể… trong đời sống của từng người phụ nữ để thấy rằng áp lực xã hội ảnh hưởng sâu sắc hơn cái truyền thống. Ví dụ, người đàn bà ngoại tình bị người ta đánh giá như thế nào, được giới thiệu trong phim ảnh ra sao so với nam giới. Để hiểu định kiến vô hình với phụ nữ cần có những cuộc nghiên cứu vi mô hơn là vĩ mô.


Để hiểu ví trì vai trò rập khuôn và quan niện truyền thống đối với phụ nữ, chúng ta cần phải có những liệu cứ khoa học. Về giáo dục trẻ em, điều quan trọng, chúng ta cần tôn trọng trẻ, giúp trẻ phát huy tiềm năng của mình chứ không nên giáo dục trẻ là nam hay nữ. Trong gia đình của một vị đại biểu, mẹ chị vẫn có những quan niệm rập khuôn về con gái không được leo trèo, không được chơi đá banh… Con gái chị đã nhắc nhở người lớn như vậy là không công bằng. Theo chị, nếu chúng ta ý thức được những quan niệm truyền thống và phân biệt được những điều mình làm là vì yêu thương, tôn trọng hay vì chịu đựng hay vì bị áp đặt thì chúng ta sẽ hiểu, định hướng và giáo dục con mình theo hướng bình đẳng. Trai hay gái đều tốt. Tính cách con trai vẫn có thể nữ tính, yếu đuối; ngược lại, con gái vẫn có thể có tính cách mạnh mẽ hay cương quyết.


Chia sẻ kế tiếp cho rằng tọa đàm này cần được lan tỏa tới nhiều đối tượng chứ không chỉ có giới trí thức. Tất cà chúng ta cần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và thúc đẩy bình đẳng giới trong xã hội. Kinh nghiệm nghiên cứu về bạo hành ở vùng ngoại ô cho thấy rằng  một số phụ nữ bị bạo hành không muốn thay đổi hoàn cảnh hiện tại vì họ cho rằng tình cảnh sẽ bi đát hơn. Hay trong tỉ lệ bầu cử ở một tỉnh, tỉ lệ nữ được bầu là rất thấp. Phụ nữ cũng không ủng hộ, không bầu cho phụ nữ vì họ không tin là phụ nữ sẽ làm tốt trong những vị trí sắp bầu cử. Đây là một thực trạng tồn tại trong xã hội. Theo anh, xã hội này là xã hội phụ quyền và nam giới làm đủ mọi cách để có lợi cho họ. Nam giới được tô vẽ, được uốn nặn là những người mạnh mẽ, chính trực, và năng động. Nhưng nếu nam giới không có những tính cách đã được định trong xã hội thì sẽ bị kỳ thị sẽ bị định kiến. Ví dụ, nếu nam giới có thu nhập thấp hơn vợ thì anh ta sẽ thấy thế nào. Đây cũng là định kiến vô hình. Nếu định kiến không được nhận diện, phân tích, và mổ xẻ thì xã hội sẽ bị trì trệ về phát triển và gây bất lợi cho cả nam và nữ giới.


Chia sẻ của một nam đại biểu cho rằng “chúng ta vô hình đang tự tạo ra những định kiến vô hình”. Anh lấy ví dụ trong truyền thông chẳng hạn, “quảng cáo thường dùng cơ thể của phụ nữ để bán hàng.” Theo thống kê của anh, 85% băng rôn dùng hình ảnh phụ nữ để quảng cáo, để thu hút việc bán sản phẩm. Ví dụ, đại gia  có chiếc xe đẹp thì phải có phụ nữ đẹp. Chính những hình ảnh quáng cáo đã tạo ra những định kiến vô hình.


Kết thúc buổi tọa đàm, nhiều người tham dự vẫn còn nhiều ý kiến để phân tích và trao đổi; vì vậy, ban tổ chức nhất trí về sự cần thiết tổ chức buổi tọa đàm tiếp theo và tập trung vào chủ đề cụ thể như các đại biểu đã đề nghị.


Doãn Thị Ngọc

http://gas.hoasen.edu.vn/vi/gas-page/toa-dam-dinh-kien-vo-hinh-doi-voi-phu-nu