“Bình đẳng giới cũng đem lại hạnh phúc cho nam giới”
Thái Thị Ngọc Dư đỗ tiến sĩ cách nay hơn bốn mươi năm tại Pháp. Từng giảng dạy tại các trường đại học ở Huế, Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh. Là một trong số ít người xây dựng ngành Phụ nữ học và dành cả cuộc đời cho việc dạy học, chị hiện đang tiếp tục công việc nghiên cứu nhiều đề tài về giới tại Trường Đại học Hoa Sen TP. Hồ Chí Minh.
Năm 1973 chị từ Pháp về giảng dạy tại Đại học
Huế, cho đến nay vẫn đang làm việc ở một trường đại học. Làm giáo dục suốt cuộc
đời, nhìn lại chị thấy có giai đoạn nào đáng nhớ?
Có hai giai đoạn. Đầu tiên là thời kỳ cần phải
thích nghi sau 1975 chuyển sang hệ thống giáo dục mới. Tôi háo hức đón nhận
những tư tưởng mới lạ, nhất là được nghe người lãnh đạo ngành giáo dục - giáo
sư Tạ Quang Bửu nói về đường lối giáo dục của xã hội mới lo cho con em người
nghèo, tầng lớp bị thiệt thòi. Lo không có nghĩa là ưu tiên cho thêm điểm hay
bỏ qua sự yếu kém, mà là phải tổ chức nâng trình độ con em giới lao động nghèo
khổ. Giúp bằng cách làm cho họ giỏi thực sự. Tôi rất thích cách nhìn đó.
Sau giải phóng có một thời kỳ khó khăn, khủng
hoảng, nhiều trí thức ra đi. Chị có cảm thấy hụt hẫng?
Đúng là khi ấy đời sống giáo viên, trí thức
sụt giảm nhiều. Cả thầy và trò đều rất cực. Trí thức ra đi, do khó khăn vật
chất chỉ một phần, còn là do không có điều kiện làm việc, cảm thấy sự có mặt
của mình không lợi ích gì cho đất nước. Những năm khó khăn đó tôi rất lo lắng,
nếu tình hình kéo dài thì không biết tương lai sẽ như thế nào. Nhưng tôi vượt qua
được giai đoạn đó. Tôi thuộc gia đình trung lưu với tinh thần dân Huế xứ nghèo
tiết kiệm không bao giờ xa hoa. Việc thích nghi với đời sống vất vả với tôi có
vẻ dễ dàng. Thời trẻ tôi gắn bó với phong trào, thiên về xu hướng phản đối cuộc
chiến tranh của Mỹ nên khi giải phóng tôi đón nhận chế độ mới vì bảo vệ được
hòa bình. Gia đình tôi ở đây, đất nước giành được độc lập, bao thế hệ đã hy
sinh, nên mình phải cố gắng.
Còn giai đoạn thứ hai là thời kỳ nào, thưa
chị?
Đó là thập niên 1990, trong bối cảnh đất nước
mở cửa, có giao lưu quốc tế về mặt khoa học, ở trong nước thì phát triển học
thuật, có nhiều thí điểm mới. Tôi ở khoa Địa lý, một thời làm trưởng khoa, luôn
tìm cách nâng cao trình độ đồng nghiệp và suy nghĩ để áp dụng phương pháp giảng
dạy sáng tạo, giúp sinh viên suy nghĩ năng động hơn. Khi đã có cả điều kiện học
thuật lẫn kinh tế, khoa Địa lý phát triển tin học - một công cụ cần thiết. Được
tự do cải tiến chương trình giảng dạy, tôi đưa vào chương trình từ rất sớm môn
Đại cương quản trị, mời TS Trần Anh Tuấn giảng các môn kinh tế, quản trị. Tôi
cũng thấy sinh viên yếu về viết lách nên đưa môn Tiếng Việt thực hành vào và
môn học này còn lại trong chương trình đại cương đến tận hôm nay. Tóm lại, thời
kỳ đó là mốc quan trọng trong việc mở rộng học thuật, có điều kiện làm một số
việc có ích phù hợp với những mong muốn của mình.
Chị đã góp phần xây dựng nên ngành Phụ nữ học
ở Việt Nam như thế nào?
Một cơ duyên tốt đến vào năm 1992, khi chúng
tôi mở rộng hoạt động học thuật địa lý nhân văn, nghiên cứu đô thị, dân số, phụ
nữ. Có sự trùng hợp lúc đó thầy Cao Văn Phường ở Đại học Mở có hướng đi mới
trong khoa học xã hội, hợp tác với một số trường nước ngoài như Canada mở ra
ngành Đông Nam Á học đầu tiên, rồi các ngành như Quản trị, Phụ nữ học. Đây là
một bước ngoặt quan trọng.
Tôi phối hợp với nhà hoạt động xã hội Nguyễn
Thị Oanh (vốn là bạn từ năm 1976) để đưa Phụ nữ học và Công tác xã hội vào
trường đại học. Chúng tôi đào tạo và xây dựng chương trình nghiên cứu phụ nữ
học nặng về thực hành, đào tạo kỹ năng công tác xã hội phục vụ nhiều đối tượng,
trong đó có nhiều phụ nữ thiệt thòi, phục vụ cả đối tượng trẻ em. Từ đó hình
thành chương trình đào tạo cử nhân ngành Phụ nữ học. Khoa Phụ nữ học mở rộng
quan hệ hợp tác, được hỗ trợ thực hiện các công trình nghiên cứu, xây dựng tủ
sách giáo khoa. Đã thực hiện một số công trình nghiên cứu về phụ nữ và trẻ em.
Điều tốt nữa là sinh viên có những kỹ năng công tác xã hội, biết sử dụng những
điều đã học.
Lúc đó chúng tôi còn tìm được cả học bổng cho
cán bộ của Hội Liên hiệp Phụ nữ đi học, hợp tác với Trường Cán bộ Phụ nữ Trung
ương 2 đào tạo cử nhân ngành Phụ nữ học cho cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ từ Đà
Nẵng đến Cà Mau. Sau này do đặc điểm tuyển sinh lứa tuổi ngày càng trẻ, người
lớn tuổi đi học ngày càng giảm, dần dần phải đổi thành khoa Xã hội học.
Như vậy có phải là một bước lùi, mất đi trận
địa tốt cho những vấn đề phụ nữ?
Bề mặt hình thức có vẻ thụt lùi. Phụ nữ học đã
được chính thức hóa nhưng chưa đủ nền tảng, phải thu hẹp lại. Nhưng có cơ may,
là mở ra cho các chương trình đào tạo thâm nhập vào cái mới. Kết quả bền vững
của chuyện này là: đưa được môn Giới vào chương trình đào tạo bậc đại học.
Chương trình khung của Xã hội học đã đưa nội dung xã hội học về giới vào. Tôi
nghĩ có phần đóng góp của sự xuất hiện khoa Phụ nữ học. Các hoạt động học thuật
bậc đại học đã chú ý về giới và nữ quyền. Thí dụ ở khoa Văn, có những đề tài
nghiên cứu lý thuyết văn học về nữ quyền. Khoa Sử cũng vậy, có những kết quả
lan tỏa. Một số chương trình cao học cũng đề cập các lĩnh vực giới, môi trường
và phát triển. Các nhà quản lý đã thấy vấn đề. Đây là bước ngoặt của việc xâm
nhập môn Giới vào bậc đại học.
Và từ đó, chị không rời xa vấn đề giới và phụ
nữ, chúng trở thành chủ đề trung tâm mà chị bỏ ra tất cả công sức?
Tôi chính thức nghỉ hưu ở Trường Đại học Khoa
học Xã hội và Nhân văn năm 2002, còn tiếp tục làm trưởng khoa Phụ nữ học của
Đại học Mở vài năm nữa. Khi đó tổ chức Đại học Pháp ngữ (Agence Universitaire
Francophonie - AUF) đề nghị tôi làm cố vấn khoa học. Từ gọi cho oai vậy, thực chất
là làm công tác chuyên môn. Tôi làm việc liền bảy năm sau đó, làm cầu nối cho
tổ chức này giữa các trường đại học Pháp và các giảng viên Việt Nam. Công việc
chính vẫn là giáo dục. Có các mạng lưới nghiên cứu, trong đó có nghiên cứu về
giới, tôi tham gia. Nhờ thế, tôi có dịp tiếp xúc với chuyên gia các nước, học
thêm diễn tiến lý thuyết nghiên cứu những khía cạnh đặc thù của phụ nữ.
Chị về Đại học Hoa Sen, có phải vì trường này
ưu tiên phát triển nghiên cứu?
Đầu năm 2010 tôi về ĐH Hoa Sen vì chị Bùi Trân
Phượng hiệu trưởng là đồng nghiệp biết nhau từ lâu. Chị ấy cũng từng giảng dạy
về lịch sử phụ nữ Việt Nam. Hoa Sen thành đại học mới năm năm nhưng ưu tiên
phát triển nghiên cứu các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, có truyền thông,
có cách tiếp cận với xã hội tốt hơn. Nghiên cứu về giới, về phụ nữ cũng là một
trọng tâm, tôi tham gia thành lập Trung tâm Nghiên cứu giới và xã hội. Nhóm
nghiên cứu theo đuổi mục đích tương lai phát triển nghiên cứu về phụ nữ, phổ
biến thông tin khoa học về phụ nữ và về giới cho công chúng Việt Nam, vì mối
quan tâm đến vấn đề này ở Việt Nam chưa nhiều. Chúng tôi mong tiến tới xây dựng
mối liên kết với các nước khác để học hỏi, góp phần làm giàu nghiên cứu về giới
ở Việt Nam.
Chị đặt trọng tâm cho những công việc lớn này
vào vấn đề gì trước mắt?
Chúng tôi đặt trọng tâm trước tiên vào phổ
biến kiến thức, xây dựng trang web giới và xã hội. Làm bản tin điện tử ba tháng
một lần và xuất bản tuyển tập giới và xã hội.
Trong điều kiện thông tin phát triển rộng khắp
như hiện nay, chị nhắm vào vấn đề nào cho phụ nữ Việt Nam?
Các nước khác cũng ưu tiên cho việc cần nhất
là phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức không chỉ cho riêng phụ nữ mà cho
xã hội.
Ở nước ta có nhiều nơi nghiên cứu về giới và
phụ nữ không, thưa chị?
Một số trung tâm nghiên cứu có ở miền Bắc như
Viện Nghiên cứu gia đình và giới do giáo sư Lê Thi thành lập, Trung tâm Nghiên
cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển do giáo sư Nhâm Tuyết thành
lập. Ở miền Nam ít hơn, có Trung tâm Nghiên cứu gia đình và giới tại Viện Phát
triển bền vững vùng Nam bộ. Nói chung, ở Việt Nam, hiểu biết về quan hệ xã hội
nam - nữ với tư cách hai nhóm xã hội thường rất ít. Mà quan hệ nam - nữ thường
hay quy về quan hệ cá nhân, không quan tâm đó là hai nhóm xã hội rất lớn.
Chị giải thích sao khi có nhiều ý kiến cho
rằng, nói phong trào phụ nữ thì đúng hơn là một vấn đề khoa học?
Đó là định kiến sai về hoạt động nghiên cứu
vấn đề phụ nữ. Vai trò của các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu rất cần
thiết cho thấy vấn đề giới và phụ nữ là khoa học chứ không đơn thuần là phong
trào. Hội Phụ nữ cũng có bộ phận nghiên cứu các vấn đề lý thuyết. Các cơ quan
phát triển sẽ biện hộ và làm rõ hơn ngành khoa học này.
Ngành khoa học ấy cần cho xã hội như thế nào?
Nó liên quan đến nhiều ngành. Những hoạt động
phát triển mà toàn xã hội đang dốc sức lo như môi trường, nhân lực, xóa đói
giảm nghèo… sẽ được thực hiện tốt hơn.
Với niềm tin như thế, chị đang thực hiện những
chương trình cụ thể nào?
Hoa Sen là đại học tư, điều kiện có hạn, chúng tôi sẽ đi từ việc nhỏ đến việc lớn. Ngoài việc phổ biến kiến thức, nhận thức qua bản tin ba thứ tiếng cho hơn 1.000 địa chỉ, trung tâm chúng tôi xây dựng một số đề tài nghiên cứu cụ thể như: “Giới và giáo dục”, “Giới và lịch sử”, “Giới và các khía cạnh bạo lực” (không chỉ có bạo lực gia đình, mà cả những hình thức bạo lực khác). Chúng tôi cũng tiến hành các nghiên cứu nho nhỏ, như khảo sát, phỏng vấn thế hệ nữ sinh học Trường Pháp Việt trước 1945, lời chứng về sự có học đã giúp gì cho cuộc đời họ, góp phần hình thành lớp nữ trí thức đầu tiên của Việt Nam. Phỏng vấn những nữ sinh Đồng Khánh, Gia Long… - những trường trước đây đã truyền cho họ những giá trị giáo dục, họ tiếp nhận với suy nghĩ về tương lai, vận mệnh đất nước, dân tộc, xây dựng nhân sinh quan
…
Gặp lại được thế hệ trí thức đầu tiên ấy, chắc
có nhiều chuyện cảm động?
Có cả một hoa khôi Đồng Khánh, chị Phan Thanh
Ty Ty nay đã 93 tuổi ở Hà Nội, ngày xưa học giỏi và đẹp nổi tiếng. Có nhiều số
phận trôi nổi khác nhau. Người đi theo kháng chiến, người ra nước ngoài trở về.
Suy nghĩ chính trị của họ khác nhau, nhưng không ai quên và vẫn nâng niu kỷ
niệm thời đi học với tình thân lâu dài. Đó là một khía cạnh tình cảm rất đặc
biệt. Trên thế giới, người ta có những nghiên cứu về phụ nữ và bạo lực trong
các xã hội đương đại, như các mối xung đột giữa Israel và Palestine.
Chúng tôi tổ chức phỏng vấn sâu khoảng 20 bà
mẹ Việt Nam anh hùng. Chúng tôi học được nhiều điều đáng ghi nhận: Bao nhiêu hy
sinh, mất mát, nhưng không ai mang lòng hận thù với đối phương đã giết hại
chồng con mình. Các mẹ đều nói do hoàn cảnh chiến tranh. Sự khoan dung rất tự
nhiên, trong bản chất tâm hồn, rất xúc động. Xã hội phải mang ơn và chăm sóc
các mẹ nhiều hơn, có sự liên lạc lâu bền chứ không phải chỉ quan tâm vào các
ngày kỷ niệm, lễ tết…
Nghiên cứu sâu phụ nữ học, chị đánh giá thế
nào về phụ nữ Việt Nam?
Câu hỏi quá rộng. Nhưng có thể nhận xét, dường
như những suy nghĩ hành động của phụ nữ luôn phải chăm lo cho sự sống còn của
gia đình, có nghị lực bươn chải, do đó việc dấn thân vào các hoạt động kinh tế
trong thời kỳ đổi mới của phụ nữ thật mạnh mẽ. Ở Việt Nam, nam giới ủng hộ bình
đẳng giới không mạnh. Họ sợ mất quyền. Do ảnh hưởng suy nghĩ của xã hội đã tác
động vào cả nam lẫn nữ, gây bất lợi cho sự công bằng tốt đẹp. Ngay suy nghĩ của
phụ nữ cũng đầy mâu thuẫn, ngộ nhận, cho rằng bình đẳng giới thì phụ nữ phải từ
bỏ vai trò, không chăm lo gia đình nữa, cho là du nhập quan niệm của phương
Tây. Ngộ nhận phương Tây bỏ bê con cái, phóng khoáng kiểu buông thả.
Như vậy bình đẳng giới có phải chỉ có lợi cho
phụ nữ, còn đàn ông thiệt thòi như nhiều người vẫn nghĩ thế?
Phải cả nam lẫn nữ hiểu bình đẳng giới giúp
xây dựng quan hệ tốt đẹp hài hòa. Trước đây địa bàn của nữ là ở gia đình, nam ở
ngoài xã hội, nay nữ tham gia hoạt động xã hội và nam cũng tham gia công việc
trong gia đình, giáo dục con cái. Nam giới sẽ tìm thấy nhiều hạnh phúc hơn khi
lo cho gia đình, các bà mẹ không nên độc quyền, không nên yên trí việc đó là
của riêng mình, cắt bớt hạnh phúc của nam giới.
Nhưng chị chắc có nghe nhiều lời kêu ca suy
thoái đạo đức xã hội, trong đó có nguyên nhân là gia đình đang hỏng, suy giảm
vai trò giáo dục?
Tiếng nói của đồng tiền mạnh khắp nơi. Nếu cha
mẹ nuôi một giá trị như vậy thì sẽ hỏng. Tôi hay bàn bạc, thảo luận với nữ sinh
viên, trong lòng có nhiều hy vọng vì các em đã có những suy nghĩ tiến bộ. Nữ
phải học hành giỏi giang, chăm lo gia đình, được tôn trọng, bình đẳng. Với các
em nam cùng tuổi, khi nói quan điểm thì tiến bộ, nhưng bàn sâu lại thấy vết
tích gia trưởng. Họ ủng hộ phụ nữ công tác nhưng nếu hỏi muốn lấy một người vợ
như thế nào thì đều chọn người chăm lo gia đình là chính. Có người nói không
cần vợ học cao. Sự tiến bộ “dành cho người khác, nhưng đừng động đến gia đình
của tôi”.
Nghe những lời như thế, chị nghĩ gì?
Về khía cạnh giới thì sự sa sút của xã hội ảnh
hưởng nhiều nhất đến phụ nữ. Nhiều người vẫn tin ở mãnh lực đồng tiền. Có người
nghĩ con hy sinh lấy chồng Hàn Quốc không cần tình yêu là thực hiện chữ hiếu
với cha mẹ, chứ không hề nghĩ phải chuẩn bị cho con cái biết cách có cuộc sống
tốt đẹp. Vẫn theo mẫu hình phong kiến, cha mẹ nắm quyền nhưng không nghĩ tới
tương lai hạnh phúc của con cái. Chính cha mẹ cũng thiếu hiểu biết, không có cơ
sở đạo đức vững chắc. Nếu môi trường xã hội tốt sẽ định hướng đúng đắn hơn cho
cha mẹ, giúp giới trẻ nuôi dưỡng những giá trị tốt đẹp. Tình trạng chung đúng
là có băng hoại, nhưng vẫn có những gia đình nông dân cố làm lụng cho con học
hành, vẫn có những người trẻ quan tâm tới các giá trị xã hội tốt đẹp. Phải làm
sao nuôi dưỡng được những điều tốt đẹp.
Suốt đời dạy học và cũng nghe quá nhiều bàn
luận về giáo dục, chị có đánh giá nào không?
Tôi thấy vẫn luôn có một tầng lớp thanh niên
sinh viên nỗ lực đạt kết quả trong học tập. Nhưng tôi có một thắc mắc, đó là
người trẻ tuổi ra nước ngoài học cũng tốt, xuất sắc, nhưng nếu về nước làm giáo
dục trong cơ chế nặng nề lại không phát huy được.
Chị nghĩ thế nào khi nghe nhiều nhà tuyển dụng
chê sản phẩm của đại học, chê chất lượng sinh viên?
Người ta nói chung như vậy. Có quá nhiều
trường đại học, không phải trường nào cũng đầu tư được giảng viên. Giảng viên
giỏi khan hiếm. Rồi phương tiện, trường sở, thí nghiệm… đòi đầu tư nhiều. Chất
lượng không đồng đều. Còn kêu ca sản phẩm đào tạo ư? Một số nhà tuyển dụng nước
ngoài đòi tiêu chuẩn quốc tế, hoặc một số cơ quan Việt Nam hoạt động đúng chuẩn
chê sinh viên Việt Nam.
Nhưng tôi quan sát thị trường lao động, thấy
chất lượng hoạt động của một số doanh nghiệp cũng rất thấp. Một em đỗ tú tài có
kinh nghiệm và một em tốt nghiệp đại học cũng chỉ được sử dụng làm việc giống nhau.
Nếu làm du lịch thì cũng lo chạy vé, xin visa, nhiều khi lo hậu cần là chính.
Yêu cầu nguồn nhân lực cũng không phải cao. Ở thành phố lớn các em dễ tìm việc
làm, thu nhập cao hay thấp phụ thuộc vào ngành chứ không do trình độ chuyên
môn. Việc nhận xét chắc phải để người nghiên cứu thị trường lao động nói thì
hay hơn.
Người ta hay kêu sinh viên bây giờ không biết
suy nghĩ độc lập. Theo chị, đại học có sửa được thói xấu này không?
Khi làm việc với sinh viên, tôi lại nghĩ đến
bậc tiểu học, trung học. Suy nghĩ tìm tòi ham thích học hỏi phải được rèn luyện
căn bản từ các cấp học trước, để trường đại học phải bắt đầu từ đầu thì rất
khó. Thời tôi đi học xa xưa lắm, cổ lỗ thô sơ hơn nhiều, nhưng những điều cốt
lõi thầy đã dạy tạo điều kiện cho học sinh đọc sách, tìm tòi, suy nghĩ, cách
nhìn vấn đề, lập luận, một tinh thần phóng khoáng tôn trọng các ý kiến đa
chiều, hiểu thế giới này rất đa dạng. Đó là rèn cho biết tự học, không mù quáng
tuân theo những gì không suy nghĩ. Chứ hiện nay, tôi có hướng dẫn sinh viên làm
luận văn, lúc các em tìm hiểu, phỏng vấn, có phát hiện nhiều điều thú vị, nhưng
khi viết, các em bỏ hết, lại bê nguyên những tư liệu chính quy giống khuôn mẫu.
Xin cảm ơn chị đã dành cho một cuộc trò chuyện
nhiều ý nghĩa.
Nguyễn Thị Ngọc Hải thực hiện
Nguồn: Doanh nhân Sài
Gòn Cuối tuần, số 452