Vai Trò “Kép” Của Người Phụ Nữ

Hiện nay phụ nữ chiếm quá nửa dân số và lực lượng lao động ở nước ta. Họ có mặt ở khắp nơi, từ đồng ruộng, phòng thí nghiệm, các công ty cho tới Quốc hội với rất nhiều thành công. Nhưng phía sau ánh hào quang, nhiều người phụ nữ đã rơi nước mắt khi họ chia sẻ với nam giới công việc mà không được chia sẻ lại việc nhà. Giới chuyên môn gọi đó là “xung đột vai trò”...

Đây là một vấn đề khá nhạy cảm, nó động đến cả một quan niệm to tát mà thế giới quan tâm-bình đẳng giới, nó cũng chạm đến từng tế bào nhỏ của  xã hội. Trong một cuộc trao đổi của nhiều nhà chuyên môn về gia đình, một nữ tiến sĩ trong ngành Giáo dục đã rất tâm đắc với ý kiến sẽ có một đề tài nghiên cứu về sự xung đột trong vai trò của phụ nữ Hà Nội.

Cũng dễ hiểu thôi, ở Hà Nội, địa vị kinh tế của người phụ nữ hiện nay khá cao so với các khu vực khác. Chỉ nhìn “những người sống quanh ta” cũng phần nào thấy rõ. Đã biết là giờ làm việc ở công ty kinh doanh, đặc biệt là công ty nước ngoài rất khắt khe, nên 12h kém 10 tôi mới tung tăng đến văn phòng của chị - một kế toán trưởng còn khá trẻ. Thế mà tôi vẫn phải đọc báo chờ, một tiếng sau mới được đi ăn như đã hẹn. 13h30 chị lại hăm hở vào làm, thường thì 18h30 về đến nhà, chưa kể có việc, phải tiếp khách thì 8, 9, 10h. Mà nào có phải mình chị. Những người phụ nữ trẻ trung, áo trễ cổ, váy ngắn, giày cao gót, nói tiếng Anh, Hoa, Pháp, Nhật... rào rào, chạm cốc leng keng, làm những công việc với hàm lượng tri thức cao... có thể gặp rất nhiều.

Nhưng dẫu có tài thế nào thì phía sau các chị vẫn luôn là một mái nhà với những công việc thường ngày mà người ta quen gọi là “thiên chức”. Có nhà báo đã thẳng thắn phát biểu tại một hội thảo về “Giới-truyền thông và phát triển” rằng: “Những thiên chức đó nhiều khi bị gán ghép vô tội vạ ngay từ các vị mũ cao áo dài”. Cho nên ngay trong rất nhiều gia đình vợ và chồng cùng là trí thức, cùng có địa vị kinh tế cao vẫn tồn tại một mâu thuẫn khó hòa giải khi chồng nhất quyết không chia sẻ việc nhà với vợ. Theo một điều tra gần đây thì ở nội thành có từ 50 đến trên 80% chị em vẫn là người đảm nhiệm duy nhất việc nấu ăn, mua thực phẩm, giặt quần áo, lau dọn nhà cửa.

Đi ra xa một chút về ngoại thành, một anh bạn rất tinh ý đã nhận xét: Phụ nữ ở đây tài thật, một tuần thì có dăm ngày hăm hở đạp xe gần 100 cây số đi buôn bán, về nhà lại nhận hàng làm thêm, xây được cả nhà ngói 3 gian. Trong khi “trụ cột” thì rất tung tăng, lúc làng có việc thì thường xuyên đại diện cho gia đình đi... ăn cỗ. Mà lạ là các cặp vợ chồng khá giống nhau ở điểm: chồng nom hồng hào, ăn mặc, đi lại phong độ còn vợ thì cứ hom hem. Có lẽ không hom hem không được vì cái gánh trên vai họ quá nặng nề. Phụ nữ nông thôn đòi được chồng chia sẻ việc nhà chắc không dễ. Và cũng như chị em nội thành, tỉ lệ phụ nữ ngoại thành đảm nhiệm chính các công việc nhà nói trên cũng “ngất ngưởng” từ 60 đến trên 80%.

Các nhà chuyên môn nói thế này: Trong gia đình, mỗi thành viên đóng một vai trò nhất định và những vai trò đó có mối quan hệ qua lại với nhau. Khi một người không thực hiện tốt vai trò của mình hoặc có quá nhiều vai trò chồng chéo, sẽ dẫn đến sự “xung đột vai trò”.

Nguồn: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/6127/vai-tro-kep-c7911%3Ba-ng432%3B7901%3Bi-ph7909%3B-n7919%3B