Đừng một mình gánh "vai trò kép"

 


PNTĐ-Chỉ cần thành công ngoài xã hội, đàn ông Việt đã được tôn vinh là thành đạt, nhưng để có được điều đó người phụ nữ phải làm tốt cả "việc nước, việc nhà"...


Chỉ cần thành công ngoài xã hội, đàn ông Việt đã được tôn vinh là thành đạt, nhưng để có được điều đó người phụ nữ phải làm tốt cả "việc nước, việc nhà". Đây là một trong những biểu hiện bất bình đẳng giới giữa nam và nữ cần được xóa bỏ.


"Chồng soái ca"
 
Anh Ondra (32 tuổi) quốc tịch Cộng hòa Séc hiện đang là một phiên dịch viên và giáo viên dạy Ngoại ngữ tại Việt Nam. Anh kể, anh có ấn tượng khá tốt với người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, đảm đang. Vì thế, anh quyết định sang Việt Nam vừa du học vừa để tìm vợ. Và anh đã "bén duyên" Hoàng Mai – một cô gái miền Nam dễ thương. Họ kết hôn năm 2014, hiện đang sống hạnh phúc trong tổ ấm nhỏ ở TP Hồ Chí Minh với đứa con hơn 1 tuổi.
 
Đầu năm 2017, vợ chồng anh nhận lời tham gia chương trình "Vợ chồng son" do đài truyền hình TP HCM thực hiện. Sau khi chương trình phát sóng, anh Ondra khiến phụ nữ Việt "phát sốt" vì sự chăm sóc anh dành cho gia đình. Anh kể hai vợ chồng cùng đi làm nhưng chưa bao giờ anh để vợ phải xoay xở việc nhà, chăm sóc con nhỏ một mình. Anh tự sắp xếp thời gian để đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con nhỏ, mặc định đó là một trong những nhiệm vụ mình phải làm trong gia đình. Có những ngày nghỉ, vợ anh có thể ngủ thoải mái trong khi anh trở dậy đi chợ, dọn dẹp nhà cửa. Vào các bữa sáng, chỉ cần chị Mai bảo muốn ăn gì là anh thức dậy sớm đi chợ về nấu cho vợ.
 
Anh Ondra chia sẻ, anh được dạy về "bình đẳng giới" từ lúc còn bé. Trong gia đình, công việc nhà không mặc định cho riêng phụ nữ mà nam giới cũng phải làm. Nếu không nam giới sẽ bị phê bình. Một chàng trai không có ý thức và không biết làm việc nhà sẽ khiến bạn gái khó chịu và sẽ bị họ bỏ. Sau một thời gian sống ở Việt Nam, anh nhận thấy đàn ông Việt nếu không chia sẻ, không làm việc nhà với phụ nữ là bình thường, nhưng nếu họ làm việc đó thì lập tức được khen ngợi, và sẽ trở thành "chồng soái ca".
 
Tại sao những chia sẻ rất bình thường của một anh chồng tây nhưng lại khiến phụ nữ Việt ca ngợi cho đó là hình mẫu lý tưởng?
 
Chị Lê Thùy Minh (một chủ doanh nghiệp tư nhân kinh doanh hàng mây tre đan thủ công xuất khẩu tại Hà Nội) kể, nhiều năm làm việc với các đối tác là nam giới người nước ngoài, rất nhiều người đã nói với chị rằng, nam giới Việt trở thành người đàn ông lý tưởng thật... dễ. Vì họ chỉ cần thành đạt ngoài xã hội là đã được ghi nhận. Trong gia đình, họ được kính nể, được vợ con phục tùng, có toàn quyền quyết định mọi việc. Họ có quyền không phải làm việc nhà, chăm sóc con cái. Trong khi đó, đàn ông phương tây để có được vị trí đó, phải phấn đấu, làm tốt công việc cả ngoài xã hội lẫn trong gia đình (chia sẻ việc nhà, chăm sóc con cái cùng vợ) cũng là một nhiệm vụ mà mỗi người đàn ông phải làm hàng ngày trong gia đình.


Phụ nữ Hãy tự giải phóng mình

 
Trước đây đa phần người phụ nữ chỉ ở nhà quán xuyến công việc nội trợ, chăm sóc con cái, gia đình, đàn ông ra ngoài lao động kiếm tiền, giữ vai trò trụ cột kinh tế. Tuy nhiên, trong thời hiện đại, người phụ nữ đã bước ra ngoài xã hội làm việc, học tập, phấn đấu bình đẳng như nam giới. Dù vậy, họ vẫn phải làm tròn việc nhà vốn được cho là trách nhiệm của họ. Điều này đã tạo nên gánh nặng kép cho phụ nữ khi tham gia công việc ngoài xã hội.

Thực tiễn cho thấy, tình trạng bất bình đẳng giới diễn ra đối với phụ nữ thời hiện đại nặng nề do phải thực hiện vai trò kép đôi khi lại xuất phát từ chính bản thân phụ nữ. Do định kiến quá ăn sâu, họ không thể xóa bỏ những mặc định về vai trò nội trợ, chăm sóc con, quán xuyến công việc gia đình... chỉ dành riêng cho phụ nữ. Vì thế, họ đã vô tình làm giảm nhẹ đi sự chia sẻ, tham gia vào công việc nhà của nam giới. Một người phụ nữ được xem là thành đạt thì phải là người hoàn thành tốt nghĩa vụ trong gia đình và giỏi giang ngoài xã hội. Để làm được điều đó, họ bắt buộc phải phân thân, làm việc gấp đôi, gấp ba lần so với nam giới.
 
 Chị Nguyễn Thu Nga (30 tuổi, y tá) kể, công việc của chị phải thường xuyên trực đêm, làm việc theo ca rất vất vả. Vậy nhưng kết thúc công việc trở về nhà thay vì được nghỉ ngơi thì chị lại phải lao vào chăm sóc con nhỏ, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị sẵn bữa ăn cho chồng con trước khi vào ca trực khác. Chị ép buộc bản thân phải làm tốt những công việc đó vì lo sợ nếu không hoàn thành vai trò nội trợ, chăm sóc con cái tốt sẽ bị chồng chê, chồng bỏ. Nguyên nhân khiến chị Nga lúc nào cũng phải gồng mình với gánh nặng kép ấy là do chứng kiến cảnh nhiều đồng nghiệp bị đổ vỡ hôn nhân vì bận bịu với công việc cơ quan không có thời gian cho gia đình nên bị chồng chỉ trích, gắn mác "vợ vụng, vợ lười". Cuộc sống nảy sinh mâu thuẫn dẫn tới hạnh phúc đổ vỡ.  
 
Cuộc sống hiện đại, bình đẳng nam nữ đang tạo ra những dịch vụ hỗ trợ để giúp phụ nữ giảm tải áp lực vai trò kép. Tuy nhiên, một số phụ nữ lại không chịu chấp nhận những dịch vụ hỗ trợ đó vì cho rằng không ai có thể làm tốt bằng mình. Có người vợ dù làm việc bận bịu ở cơ quan nhưng không tin tưởng giao việc nhà, chăm sóc con cái cho người giúp việc vì họ không làm đúng như ý mình. Khi chồng lười biếng, không chia sẻ việc nhà với vợ, họ không lên tiếng đòi quyền bình đẳng mà cho rằng đàn ông có quyền làm điều đó, còn phụ nữ phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình. Điều này vô tình khiến cho nam giới càng coi nhẹ sự chia sẻ việc nhà với vợ, tình trạng bạo lực giới cứ thế gia tăng.
 
Theo báo cáo của nghiên cứu thì phụ nữ thực hiện phần lớn các công việc chăm sóc gia đình, bất kể trình độ học vấn cao hay thấp. Vì công việc gia đình, 20% phụ nữ cho biết họ không thể tiếp tục học tập, 25% phụ nữ không tham gia thị trường lao động. Thu nhập của họ vì thế ít hơn nam giới 20%. Công việc nhà cũng gây ra những vấn đề sức khỏe, tác động đến việc phụ nữ tham gia vào đời sống chính trị.
 
Một thực tế khác đang diễn ra là dù phụ nữ vẫn còn giữ mặc định nam giới là trụ cột kinh tế còn phụ nữ đảm nhiệm việc nhà. Nhưng trong cuộc sống, việc lao động kiếm tiền đóng góp tài chính trong gia đình của người vợ và người chồng gần như ngang nhau. Thậm chí có nhiều gia đình người vợ trở thành "trụ cột" kinh tế nhưng vẫn không được người chồng san sẻ công việc nhà. Điển hình, có không ít người vợ thành đạt, làm ra kinh tế hơn chồng nhưng vẫn phải tận tụy quán xuyến tốt việc nhà hơn nếu không sẽ bị mang tiếng "làm ra tiền coi thường chồng", khiến chồng tự ti, hạnh phúc theo đó bị ảnh hưởng.
 
Chúng ta kêu gọi nam giới thay đổi, chung tay xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng trong gia đình, nhưng nếu người phụ nữ không tự thay đổi trước quan niệm, tư duy về khuôn mẫu, định kiến giới lâu nay thì cũng không có kết quả. Khi một người mẹ nhận thức được sự bình đẳng giới, họ sẽ dạy cho những đứa con tư tưởng bình đẳng ngay từ khi còn nhỏ: việc nhà không phải chỉ dành riêng cho phụ nữ mà nam giới cũng có trách nhiệm tham gia, chia sẻ. Lớn lên, đứa trẻ sẽ xem đó là nhiệm vụ, trách nhiệm của mình và tự nguyện thực hiện nó. Có như vậy, tình trạng bất bình đẳng, bạo lực giới mới được xóa bỏ.
 
 Theo kết quả nghiên cứu "Công việc chăm sóc không lương: san sẻ là yêu thương?" của Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTB&XH) phối hợp với tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV) tiến hành trong năm 2016 tại 9 tỉnh và thành phố Việt Nam cho thấy: phụ nữ Việt trung bình dành 5 giờ mỗi ngày cho những công việc nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái ngoài thời gian họ phải hoàn thành các công việc xã hội khác, nhiều hơn gấp đôi so với nam giới. Những công việc này đôi khi được xem là lao động nặng nhọc khiến phụ nữ phải hi sinh nhiều quyền lợi khác của mình.
 
 
Hạ Thi