"Quyền" không được biết!

 Trên khắp thế giới, phụ nữ và trẻ em gái đang không được kiểm soát chính cơ thể và cuộc đời của mình, mặc dù, họ có quyền tự quyết về thân thể của mình. Câu trả lời, là bởi bất bình đẳng giới đã làm họ không được biết về quyền của mình.


Chiều ngày 22/4, Quỹ Dân số Liên Hợp quốc UNFPA tại Việt Nam cùng Bộ Nội vụ và TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức công bố Báo cáo Tình trạng Dân số thế giới 2021. Với chủ đề “Cơ thể tôi là của tôi: Mưu cầu quyền tự chủ và tự quyết”, đây là lần đầu tiên, báo cáo của LHQ tập trung vào chủ đề tự chủ thân thể: quyền đưa ra quyết định về thân thể của chính mình mà không phải lo sợ bị bạo lực hay phải để người khác quyết định thay cho mình.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam trao Báo cáo tình trạng dân số thế giới năm 2021 cho ông Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam trao Báo cáo tình trạng dân số thế giới năm 2021 cho ông Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Báo cáo cho thấy, gần một nửa số phụ nữ trên thế giới không thể tự đưa ra quyết định của chính mình về việc sử dụng biện pháp tránh thai, việc đến bác sỹ thăm khám hay việc có được quan hệ tình dục hay không? “Thông thường, những quyết định này được đưa ra bởi những người khác, có thể là chồng/bạn tình, gia đình, xã hội hay thậm chí Chính phủ”, báo cáo chỉ ra tại các quốc gia có số liệu. Cụ thể, chỉ 55% quốc gia có các văn bản pháp luật và chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho chương trình giáo dục giới tính toàn diện; chỉ 75% quốc gia đảm bảo người dân được tiếp cận các biện pháp tránh thai một cách hợp pháp, đầy đủ và bình đẳng; nhưng lại có hơn 30 quốc gia hạn chế quyền đi lại của phụ nữ và 43 quốc gia không có quy định pháp luật giải quyết vấn nạn hiếp dâm trong hôn nhân (bị vợ hoặc chồng cưỡng hiếp”…

Sự bấp bênh ấy đẩy phụ nữ vào nguy hiểm, và càng tồi tệ hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành. “Chúng đang ngày càng làm giảm quyền tự chủ của phụ nữ bằng cách gia tăng các vụ bạo lực tình dục, thể chất, tinh thần và kinh tế, tạo ra những rào cản mới trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, gây ra những ca mang thai ngoài ý muốn, gây mất việc làm và cản trở việc tiếp cận giáo dục”, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết.

Bà tiếp tục khẳng định: Bị phủ nhận quyền tự chủ thân thể sẽ làm gia tăng bất bình đẳng và tiếp tay cho tình trạng bạo lực do phân biệt giới tính với phụ nữ và trẻ em gái. Đó là hành vi vi phạm quyền của con người. Tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam cần hành động quyết liệt hơn nữa, với nỗ lực bình đẳng giới – nền tảng để phụ nữ không chỉ có thêm quyền tự chủ, mà còn được tiếp cận những tiến bộ và phát triển chính mình.

Cũng tại buổi lễ, ông Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đề nghị các cấp của Trung ương Đoàn, Hội cần cụ thể hóa các chính sách về chăm sóc sức khỏe cho thanh niên đã được quy định tại Luật Thanh niên 2020. Chủ động, tăng cường phối hợp với các bộ ngành, cơ quan về công tác thanh niên, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng đội ngũ cán bộ làm công tác thanh niên, cộng tác viên tuyên truyền, tư vấn, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho thanh, thiếu niên ở Việt Nam, với một mục tiêu chung, tạo nên thay đổi lớn lao góp phần vào tiến trình bình đẳng giới thật sự bền vững của đất nước.

QUỲNH ANH