Ai nhốt phụ nữ trong địa ngục gia đình?
Có những người phụ nữ không muốn ly dị dù bị đánh đập, bạo dâm, và hạ nhục, thậm chí phải tự tử để giải thoát mình. Tại sao họ lại cam tâm chịu đựng? Tại sao họ không dám từ bỏ người chồng vũ phu, không yêu thương mình, để thoát khỏi địa ngục trần gian, tìm một tương lại tốt đẹp hơn? Tại sao họ bị nhốt trong nhà tù có tên là bạo lực gia đình?
Có nhiều lý do, nhưng đầu tiên đó là quan niệm về gia đình, và vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Tam tòng, tứ đức vẫn là những giá trị còn tồn tại dai dẳng trong xã hội Việt Nam. Tam tòng (tại gia tòng phụ, xuất gia tòng phu, phu tử tòng tử) nói nên vai trò phụ thuộc, phục dịch của người phụ nữ cho dòng họ nhà chồng. Chuẩn mực của một người vợ tốt là tứ đức gồm công (khéo léo may vá, bếp núc, chăm sóc chồng con), dung (biết chăm sóc thân thể của mình để đẹp cho chồng), ngôn (ăn nói dịu dàng, mềm mỏng đề vừa lòng chồng), hạnh (nết na, hiền thảo, kính trên nhường dưới, chiều chồng thương con).
Chính quan niệm Nho giáo này đã đẩy người phụ nữ vào thế bị động, như hạt mưa sa vào trong giếng nước, gặp giếng trong thì hạnh phúc, gặp giếng đục thì tủi hờn. Vị thế “yếu và phụ thuộc”, do quan niệm xã hội tạo ra, làm người phụ nữ không dám phản kháng lại những bất công, bạo lực đối với mình. Có người cũng muốn thoát ra, nhưng ngay lập tức bị bủa vây bởi định kiến xã hội, cho rằng gia đình tan vỡ là do người phụ nữ không biết nhường nhịn, “chín bỏ làm mười”. Họ bị đổ lỗi là nguyên nhân thất bại trong việc giữ lửa cho gia đình. Điều này một lần nữa đẩy người phụ nữ quay lại với cuộc sống địa ngục có tên là bạo lực gia đình.
Có những người phụ nữ vượt qua được lễ giáo, và sẵn sàng bỏ qua dư luận để giải thoát mình. Tuy nhiên, họ lại bị ràng buộc bởi suy nghĩ “hy sinh đời mẹ vì hạnh phúc của đời con”. Họ bị thuyết phục rằng ly dị có nghĩa là tạo ra một gia đình tan vỡ, con sẽ phải sống với mẹ, hoặc với cha. Một gia đình không “tròn trịa”, thiếu cha hoặc thiếu mẹ, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của con cái. Chính vì vậy, việc chạy trốn khỏi bạo lực gia đình bị xem như là hành vi ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân, không quan tâm đến con cái. Người mẹ nào cũng thương con, và vì con, họ lại chịu đựng với cuộc sống tủi nhục của mình.
Nhiều nghiên cứu khác nhau, ví dụ của Judith S. Wallerstein, cho thấy ly hôn có tác động đến sự phát triển của trẻ. Sự chia tay của cha mẹ, có thể để lại một vết sẹo tiêu cực, làm cho trẻ khó khăn hơn trong quá trình trưởng thành. Nhiều người sau này lo lắng về khả năng thiết lập quan hệ yêu thương, hoặc cam kết lâu dài với người khác. Đặc biệt, một số trẻ lớn lên tiếp nhận những hành vi rủi ro cao, như ma túy, rượu và quan hệ tình dục không an toàn.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu của Hội nhi khoa Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng, việc phát triển của trẻ phụ thuộc rất lớn vào chất lượng quan hệ trong gia đình, giữa người lớn và trẻ. Nếu quan hệ đó là yêu thương, chia sẻ, thì trẻ sẽ phát triển tốt. Nếu là quan hệ bạo lực, lừa dối, hoặc bất bình đẳng, thì sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của chúng. Nói cách khác, những ảnh hưởng tiêu cực của việc ly dị lên trẻ, có thể ít hơn rất nhiều so với những ảnh hưởng của một môi trường gia đình đầy bạo lực. Đây cũng chính là kết luận của nhiều nghiên cứu, trong đó có E. Mavis Hetherington và John Kelly, cho rằng về ngắn hạn ly dị có thể ảnh hưởng đến trẻ, nhưng về lâu dài hầu như không có nhiều ảnh hưởng. Trong quá trình trưởng thành, trẻ sẽ vượt qua những tác động của ly dị, và trở thành những người vợ hoặc chồng có trách nhiệm với gia đình của mình.
Nếu coi hôn nhân là một hợp đồng dân sự, thì rõ rằng những người phụ nữ này đã bị thiệt thòi khi phải mang theo rất nhiều trách nhiệm. Họ phải phụng dưỡng chồng, bố mẹ chồng, gia đình nhà chồng. Họ phải sinh con đẻ cái, nối dõi tông đường cho nhà chồng. Họ phải tuân thủ “thuần phong mỹ tục” và những lễ giáo của nhà chồng. Sự bất công, dường như đã được định sẵn khi họ ký vào tờ giấy kết hôn. Khi họ muốn từ bỏ sự bất công, thì xã hội lại thuyết phục họ hy sinh mình vì cái gọi là “gia đình” hay “tương lai con cái” để sống chung với bạo lực. Đây là lý do làm nhiều người phụ nữ bị đánh đến tàn phế, hoặc bức tử vì không còn lối thoát nào.
Đọc toàn bài ở link: http://dienngon.vn/Blog/Article/ai-nhot-phu-nu-trong-dia-nguc-gia-dinh