Ai rửa bát sau khi ăn cơm?
Phong trào nữ quyền là một trong những phong trào dân sự lâu đời nhất. Tuy nhiên, nó cũng là một phong trào khó khăn nhất vì đụng chạm đến lợi ích thiết thân của nhiều người, mà đặc biệt là nam giới. Thật đơn giản, nếu bình đẳng giới xảy ra thực sự, ai sẽ là người vào bếp nấu cơm, rửa bát và giặt rũ quần áo cho gia đình? Câu hỏi cụ thể, nhưng thách thức một trong những bất công lâu đời và phổ biến nhất của loài người. Và có lẽ, nó chính là rào cản lớn nhất vì nó hiện hữu hàng ngày.
Quay lại khái niệm cơ bản về vai trò giới, đó là quan niệm xã hội quy định các công việc, trách nhiệm hoặc tính cách (nam tính, nữ tính) là chuẩn mực cho nam giới và nữ giới. Ví dụ đơn giản, phụ nữ làm các công việc nhẹ, thuần thục việc nội trợ gia đình, và nên ăn nói nhẹ nhàng, e thẹn. Nam giới làm các việc nặng, là trụ cột kinh tế gia đình, và nên giao lưu xã hội rộng rãi. Đây là các “quan niệm xã hội” do con người quy định, được xã hội chấp nhận và trở thành chuẩn mực. Tuy nhiên, vì là sản phẩm của con người và xã hội nên nó thay đổi theo thời gian. Ví dụ trước đây phụ nữ không có quyền bầu cử, nay phụ nữ đã được tham gia vào hoạt động chính trị bình đẳng.
Nhưng trên thực tế, phụ nữ vẫn chưa được bình đằng như nam giới. Các số liệu thống kê ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới vẫn chỉ ra khoảng cách lớn giữa nam và nữ trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ ở Việt Nam chỉ có 10% bộ trưởng, 8% thứ trưởng và 24% đại biểu quốc hội là phụ nữ. Tương tự như vậy, ở Mỹ chỉ có 14% dân biểu và 16% thống đốc bang là phụ nữ. Bất bình đẳng trong gia đình còn nặng nề hơn, đặc biệt về thời gian và khối lượng việc nhà, hoặc bạo lực gia đình phụ nữ phải gánh chịu.
Như vậy, rào cản để xóa bỏ những bất công mà phụ nữ đang phải gánh chịu là gì? Có phải đàn ông muốn duy trì lợi thế của mình? Có phải phụ nữ cam chịu hoặc hạnh phúc hy sinh vì chồng con? Vì sao nỗ lực của chính phủ, hàng chục phong trào nữ quyền và hàng trăm tổ chức xã hội dân sự hoạt động vì quyền của phụ nữ mà vẫn bất lực trước thực trạng này?
Nhiều nghiên cứu về giới gần đây đã soi chiếu nguyên nhân cốt lõi ngăn cản tiến bộ trong bình đẳng giới. Đa số giới trẻ vẫn tin rằng các đặc tính như làm việc chăm chỉ, chịu thương chịu khó, khéo léo và khiêm nhường là các đặc trưng của phụ nữ. Tương tự như vậy, các tố chất như mạnh mẽ, quyết đoán, nóng tính và hào phóng là của nam giới. Điều này tưởng như hiển nhiên, nhưng nó tạo ra rào cản cho phụ nữ làm lãnh đạo vì đa số người dân coi nam tính (mạnh mẽ, quyết đoán) là tố chất cần thiết của lãnh đạo. Nói cách khác, “nam tính” và “lãnh đạo tính” trùng nhau nên tạo lợi thế cho nam giới trong việc thăng tiến.
Trong công việc cũng có sự phân định về nam tính và nữ tính. Phụ nữ bị gắn với các nghề có thu nhập thấp hơn, ví dụ như nhân viên văn phòng, thợ may, giáo viên tiểu học hay phụ giúp việc. Nam giới được gắn với những việc có thu nhập cao như quan chức chính phủ, cảnh sát và lập trình viên. Phụ nữ thích các công việc ổn định, dành nhiều thời gian cho gia đình, còn nam giới thích việc có thu nhập cao và có thể chu du thiên hạ.
Đây là lát cắt để cho thấy những định kiến giới vẫn đeo bám trong giới trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, điều gây bất ngờ lớn nhất đó là phụ nữ lại là người đang níu kéo những giá trị bất lợi cho vị thế của chính mình. Không có nghĩa nam giới không còn định kiến giới, nhưng dường như họ lại “thoáng” hơn trong việc chấp nhận những giá trị có tính “giải phóng phụ nữ”.
Theo một nghiên cứu của viện iSEE, trung tâm CGFED và Quỹ châu Á, đa số phụ nữ mong đợi bạn đời của họ kiếm được thu nhập cao trong khi chỉ chưa đến 20% nam giới mong đợi phụ nữ làm điều này. Đa số phụ nữ muốn mình ở thế “bị động” và mong đợi nam giới phải là người chủ động trong mối quan hệ yêu đương. Hơn nữa, chính phụ nữ lại ít bất bình hơn khi thấy đa số lãnh đạo là nam, và nhiều phụ nữ hơn nam giới muốn sếp mình là đàn ông. Rõ ràng, chính phụ nữ đang tiếp tay cho sự bất bình đẳng giới trong công việc, gia đình và cả trong quan hệ tình cảm.
Có nhiều giải thích khác nhau cho hiện tượng này, một trong số đó là trẻ em gái được giáo dục khắt khe hơn trẻ em nam về việc tuân thủ các chuẩn mực xã hội. Chính những người mẹ đã giáo dục con gái mình phải đảm đang, biết nấu ăn, chăm sóc chồng và chịu nhịn khi “cơm chẳng dẻo, canh chẳng ngọt”. Những người mẹ chồng cũng khắt khe hơn với con dâu và mong họ phải tuân thủ chuẩn mực hy sinh, tuân thủ lễ giáo nhà chồng. Điều này đã ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ của phụ nữ về giá trị của tự do và bình đẳng.
Bên cạnh đó, các diễn ngôn phổ biến trong xã hội cũng như của các cơ quan đại diện cho phụ nữ đang cổ xúy cho người phụ nữ chịu trách nhiệm chính trong việc duy trì sự êm ấm của gia đình. Những phẩm chất đạo đức của người phụ nữ gắn liền với sự hy sinh, tính chịu thương chịu khó và nhẫn nhịn vì hạnh phúc gia đình. Điều này mạnh đến mức, ngay những người phụ nữ hoạt động trong phong trào nữ quyền, ngoài xã hội có thể đấu tranh rất hăng nhưng về nhà lại trở lại nhiệm vụ “gìn giữ gia phong.” Những người phụ nữ muốn thể hiện mình bị coi là phá cách, là nguyên nhân của đổ vỡ gia đình, và họ chịu sức ép to lớn từ chính những người phụ nữ khác phải chui vào vỏ bọc chuẩn mực xã hội.
Đọc toàn bài ở link: http://dienngon.vn/Blog/Article/ai-rua-bat-sau-khi-an-com