Nam tính nho nhã, nam tính cơ bắp đều phải dậy vợ để giữ gìn gia phong
Đặc trưng phổ biến nhất về nam tính ở Việt Nam là quan niệm cho rằng nam giới (thường là chồng, cha) phải là trụ cột và người ra quyết định chính trong nhà. Nhiều nghiên cứu cho thấy người chồng có vị trí cao hơn người vợ và là người đứng đầu gia đình. Các thành viên tin “quyền quyết định lúc nào cũng phải là của người chồng, trước đây, hiện nay và sau này cũng vậy”. Con cái thể hiện sự ngưỡng mộ về cách cha mình thực thi uy quyền, kỷ luật trong gia đình.
Cách nam giới thể hiện uy quyền, cũng như quan niệm về mức độ uy quyền bất khả xâm phạm của mình cũng có sự khác biệt. Một số người cho rằng chồng phải biết “dạy” vợ để vợ phục tùng họ. Dạy ở đây bao gồm dạy để vợ không được cãi chồng và phải biết tuân phục chồng. Theo họ dạy vợ là “quyền của đàn ông”. Có người đề cập đến đòn roi như một biện pháp “dạy” hay “ngăn cấm” vợ cãi lại chồng. Người khác cho rằng tuy nam giới có quyền “dạy” vợ, nhưng cũng nên dùng lời, biện pháp chuyên chính thay vì bạo lực. Dù vậy, vẫn khẳng định vợ và con cái trong nhà phải “theo chồng, theo cha”. Rất ít người cho rằng nam giới không nên có uy quyền, lấn át vợ và quan hệ vợ chồng phải bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
Một đặc trưng nữa thường có liên hệ với quan niệm về nam tính, cũng như quan điểm về uy quyền của đàn ông, là người cha phải là người đóng vai trò chính trong dạy dỗ con cái, nhất là con trai. Đặc tính này được thể hiện theo hai cách: người cha phải quản lý việc học hành ở trường của con, đồng thời phải biết chỉ bảo con cái trong cuộc sống. Cha dạy con bao gồm giúp con làm bài tập ở nhà, dạy cho con cả những bài học về xã hội, như làm người đàn ông thì phải thế nào. Có mối quan hệ giữa uy quyền – đặc trưng chính trong quan niệm về nam tính ở Việt Nam – và cách nam giới thể hiện uy quyền thông qua việc dạy bảo cả vợ lẫn con cái. Chính vì vậy, việc bị thách thức uy quyền thường được coi là một lý do chính đáng để nam giới sử dụng vũ lực.
Như vậy, là người chỉ giáo, biết giữ nền nếp, kỷ cương và có uy quyền là những đặc trưng chính trong quan niệm thế nào là đàn ông. Đây là những quan điểm phổ biến, được đa số nhất trí ở tất cả các đối tượng, bất kể địa vị xã hội, vị trí địa lý. Điều này cho thấy mức độ phổ biến của những đặc trưng này, cũng như những nếp sống liên quan, trong quan niệm bá quyền ở xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, những đặc trưng về quan niệm nam tính có khác nhau, do ảnh hưởng của các yếu tố xã hội, kinh tế, địa lý. Hình mẫu đàn ông lý tưởng theo mô tả của các nam giới ở Huế, phần lớn là những người được học hành, lớn lên trong những gia đình trung-thượng lưu, khá khác biệt so với những nam giới được phỏng vấn ở Phú Xuyên, Hà Tây, đa số ít được đi học, lớn lên trong các gia đình nghèo.
Ở Huế, hình mẫu đàn ông lý tưởng là phải “lịch sự”, “có tri thức”, “có học”. Sức mạnh cơ bắp thường không được nhấn mạnh trong quan niệm thế nào là người đàn ông thực sự. So với nam giới ở các khu vực khác, đàn ông Huế thường điềm đạm, ít nói hơn. Việc đàn ông Huế làm thơ là điều bình thường, vì đối với phụ nữ Huế, đây là một nét hấp dẫn. Chính vì vậy, “con trai mà vai u thịt bắp thì hay bị xem là thô kệch”, cho nên phải “điềm đạm, ít nói, thư sinh”. Vì “Huế nổi tiếng là đất văn hiến” nên người dân ở đây cũng coi trọng học hành hơn (vì như vậy mới tìm được việc làm tốt) so với những hoạt động khác như thể thao. Những người gốc Huế cho rằng, trước đây phụ nữ thường thích nam giới giỏi học hành, thứ mới đến những người giỏi lao động chân tay, “Nhất là học hay, nhì là cày giỏi”. Con gái thường không thích con trai “to khỏe, thích đánh nhau”. Rất ít người cho rằng “đàn ông thực sự” phải khỏe mạnh, đồng thời phải là “chỗ dựa cho vợ con cả về vật chất, tinh thần, sức khỏe”.
Khác với Huế, ở Hà Tây, sức vóc lại được coi là tố chất lý tưởng của nam giới. Nhiều người mô tả nam giới có xu hướng thích bạo lực, nóng nảy, trong khi những đức tính như lịch sự, có học thường không được nhắc đến nhiều. Họ cho rằng con trai thì phải cao to, khỏe mạnh, vì như vậy mới đủ sức “chiến đấu”, được nể sợ, và con gái mới thích vì có khả năng bảo vệ cho họ. Các nam giới ở Hà Tây thường xuyên nhắc đến nam giới với đặc tính nóng tính, nóng nảy nên nếu vợ “hỗn” thì chồng đánh vợ là bình thường, trừ khi có người can ngăn. Như vậy, phụ nữ phải tránh lúc chồng “nóng tính” và phải biết “nhịn” khi chồng đang nóng. Những ý kiến về việc nam giới nóng tính này phù hợp với kết quả nghiên cứu hiện nay về quan niệm văn hóa trong khác biệt giữa phụ nữ (âm) và nam giới (dương) ở Việt Nam.
Đọc toàn bài ở link: http://dienngon.vn/Blog/Article/nam-tinh-nho-nha-nam-tinh-co-bap-deu-phai-day-vo-de-giu-gin-gia-phong