GENDER TALK #4: Nhiều Mặt của Bình Đẳng Giới
Ngày 23 tháng 5 năm 2019, tại Trường Đại Học Hoa Sen đã tổ chức Gender Talk #4-Hội thảo chuyên đề về Giới & Bình Đẳng Giới. Như thường lệ, Gender Talk #4 đã thu hút sự tham gia đông đảo của sinh viên các trường đại học ở phía nam, báo chí, nhà giáo dục, chuyên viên tâm lý, chuyên viên công tác xã hội, các tổ chức NGOs, và những cá nhân quan tâm tới giới và bình đẳng giới.
GENDER TALK #4: Nhiều Mặt của Bình Đẳng Giới tập trung chia sẻ hai chủ đề dưới đây:
- Chủ đề 1: HIV/AIDS & An Toàn Tình Dục (HIV/AIDS & Safe Sex) do anh Nguyễn Anh Phong – Trưởng đại diện của VNP trình bày,
- Chủ đề 2: Nhiều Mặt của Bình Đẳng Giới (Many Faces of Gender Equality) do GV Doãn Thị Ngọc, Khoa KHXH, Trường Đại Học Hoa Sen trình bày.
Về chủ đề “Nhiều mặt của bình đẳng giới, diễn giả Doãn Thị Ngọc nhấn mạnh một số
quan điểm về bình đẳng giới, khái niệm bình đẳng giới và công bằng giới, một số
thành tựu và thách thức của bình đẳng giới, và các mặt hay ba cách tiếp cận
bình đẳng giới trong thực tế.
Trước tiên, diễn giả đưa ra một quan niệm khá phổ biến về bình đẳng giới để khán giả cùng chia sẻ: “Việt Nam bình đẳng giới rồi, tại sao các chị cứ đòi bình đẳng giới, cứ vùng lên đòi quyền cho phụ nữ là sao?” Quý vị có đồng ý hay không đồng ý với quan niệm này? Tại sao? Có một số khán giả lớn tuổi đồng ý và nhiều bạn sinh viên thì vừa đồng ý, vừa không đồng ý với suy nghĩ này và chia sẻ những ví dụ thực tế để chứng minh cho lập luận của mình.
Kế đến, bà Doãn Thị Ngọc nhấn mạnh một số về quan điểm về bình đẳng giới (BĐG) gồm:
- Quan điểm bình đẳng giới là dành cho mọi người (bao gồm nam, nữ, LGBTIQ+, nhưng trong bài này tôi dùng nam và nữ để nói tất cả mọi người).
- Quan điểm bình đẳng giới là không đạp nam giới xuống và không nâng phụ nữ lên, hay ngược lại;
- Quan điểm bình đẳng giới là không dạy cho nam giới phải giống nữ giới và ngược lại, mà BĐG dạy cho từng cá nhân hãy là chính mình, đối xử bình đẳng và công bằng với mọi người, thực hiện nhân quyền, có trách nhiệm, và có nhân phẩm;
- Quan điểm bình đẳng giới là KHÔNG phải cái gì cũng 50/50;
- Quan điểm bình đẳng giới KHÔNG nhằm triệt tiêu những nét đẹp của cả nam và nữ, nhưng cũng KHÔNG mặc định một số nét chỉ là của riêng nữ giới hay nam giới.
Tiếp theo, khán giả được cung cấp những khái niệm
công bằng giới là gì? Công bằng, bình đắng, và công bằng giới là “sự đối xử hợp lý với nam và nữ dựa trên việc thừa nhận các khác biệt
giới tính nhằm đảm bảo cho nam và nữ có cơ hội và điều kiện tham gia và hưởng lợi
một cách bình đẳng.” Ví dụ, Luật lao động qui định nữ giới được nghỉ 30 phút mỗi ngày
trong kỳ kinh nguyệt,
trong khi đó nam giới không được hưởng qui định này vì nam giới không có kinh
nguyệt. Các nhà làm luật đưa ra qui định này vì họ dựa trên sự khác biệt về mặt sinh học giữa nữ và nam giới.
Về khái niệm về bình đẳng
giới, bình đẳng giới là việc nam, nữ
có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của
mình cho sự phát triển của gia đình, cộng đồng và thụ hưởng như nhau về thành
quả của sự phát triển đó” (Luật Bình
đẳng giới,
2006, Khoản 3, Điều 5). Nghĩa là khi nói tới bình đẳng giới thì chúng ta đặt
câu hỏi vai trò, vị trí, trách nhiệm và quyền lợi của nam và nữ trong gia đình,
trong tổ chức, và ngoài xã hội có bình đẳng không? Nếu có, mức độ bình đẳng giới
đạt tới đâu?
Trên thực tế là chưa hoàn toàn bình đẳng. Đơn cử,
trong những gia đình gia trưởng, người ta thường ưu tiên cho con trai đi học vì
họ quan niệm rằng con trai là trụ cột, con trai giỏi hơn con gái, con trai chủ
động, xông pha, quyết đoán hơn con gái, và “đầu tư cho con trai lời hơn con
gái.” Đây là quan niệm sai lầm và định kiến giới tích cực cho nam giới và bất lợi
cho nữ giới. Một quan niệm xã hội vẫn còn khá phổ biến khác đó là khi nói tới
vai trò và trách nhiệm về việc nhà thì chúng ta thường nghĩ ngay tới phụ nữ hay
bé gái. Nếu chúng ta nghĩ rằng việc nhà là việc của đàn bà con gái thì đó là bất
bình đẳng và tạo ra một khuôn mẫu cho nữ giới chỉ phù hợp với việc nhà hoặc có
người cho rằng bây giờ bình đẳng giới rồi nữ giới không cần làm việc nhà. Việc
nhà là việc quan trọng và là việc của mọi thành viên trong gia đình thì đó mới
là bình đẳng giới. Một ví dụ nữa về quyền bỏ phiếu của
nam và nữ là như nhau. Bình đẳng cần thể hiện một
cách thực tế là họ có quyền ứng cử và tự ứng cử và các tiêu chí ứng cử và tự ứng
cử là dành cho mọi người thì mới gọi là công bằng và bình đẳng giới. Ngày nay tỷ
lệ nữ giới học đại học cao, nhưng khi đi xin việc, nữ giới thường ít có cơ hội
tuyển dụng hơn nam giới do định kiến giới.
Vậy khi xây dựng các hoạt động, các chương trình,
các chính sách, các dự án, các dịch vụ thì cần có lăng kính giới và cần lưu ý tới
ba yếu tố
cấu thành bình đẳng giới:
- Quan tâm đến sự khác biệt về giới tính & những bất hợp lý về giới có thể tồn tại trên thực tế.
- Chú trọng đến ảnh hưởng của phong tục, tập quán là những nguyên nhân
gốc rễ của tình trạng phân biệt đối xử.
- Các chính sách, pháp luật không chỉ quan tâm đến những quy định chung, mà còn quan tâm đặc biệt đến các quy định thể hiện được hai khía cạnh: bình đẳng và phân biệt hợp lý yếu tố ưu tiên cho một nhóm cụ thể hoặc cho nam hoặc cho nữ để đạt được BĐG trên thực tế.
Về thành tựu bình đẳng giới ở Việt Nam, trong
những năm qua Việt Nam đã đạt được nhiều điểm sáng về bình đẳng giới. Ví dụ,
Theo Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (BLĐTB&XH) năm 2017, Việt Nam đã
hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, Chủ tịch Quốc hội
khóa XII là Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV là 26,
8%, tỷ lệ nữ tham gia Bộ Chính trị Khóa XII là gần 16%, tỷ lệ lao động nữ chiếm
48,3%, tỷ lệ nữ tham gia điều hành quản lý doanh nghiệp chiếm khoảng 25%.
Về thách thức, bất bình đẳng giới vẫn tồn tại dai dẳng.
Bất bình đẳng giới là sâu sắc nhất trong các loại bất
bình đẳng vì nó tồn tại ở trong xã hội và gia đình. Bất bình đẳng giới xuất
hiện sớm nhất trong
lịch sử, nhưng nó được phát hiện muộn nhất.
Nhìn chung trong gia đình, bất bình đẳng giới không dễ nhận biết, không dễ nói
ra vì hòa khí hay bị tình cảm che khuất. Mặc dù sự hi sinh vì gia đình là lẽ tự
nhiên, nhưng quan niệm đề cao sự hi sinh, cam chịu chỉ dành riêng cho phụ nữ đối
với gia đình là rào cản vô hình cho những sự phát triển về vị thế, quyền lợi,
giá trị của nữ giới. Không những thế, đấu tranh chống bất bình đẳng giới trong
gia đình không dễ dàng vì khó có thể giải quyết bằng luật pháp hoặc hòa đàm (Lê
Thị Quí, 2009; Hoàng Bá Thịnh, 2012).
Bất
bình đẳng về vai trò kép hay còn gọi là hai đảm (đảm việc nước và đảm việc
nhà) thường dành cho nữ giới vẫn còn hiện hữu ở mọi thiết chế xã hội. Theo
một khảo sát của BLĐTB&XH & ActionAid (2016),
phụ nữ làm việc nhà & chăm sóc con cái nhiều hơn đàn ông khoảng 5-8 tiếng/tuần.
Như chúng ta đều biết, thời gian là tiền bạc. Thời lượng 6-8 tiếng có thể tạo
ra rất nhiều của cải vật chất, nhưng do là phụ nữ nên họ phải đảm nhận trách
nhiệm việc nhà nhiều hơn. Vai trò kép là một trong những cản trở lớn đối với sự
lựa chọn và phát triển bền vững của nữ giới. Họ có vẻ lui về phía sau, nhường
cho chồng cơ hội thăng tiến, để chồng làm trụ cột, thậm chí có những trường hợp
sẵn sàng chọn những công việc nhỏ, lương thấp, giá trị thấp để có thể có thời
gian dành cho gia đình. Nếu nữ giới nào mà không chu toàn được cả hai, họ thường
không yên tâm, áy náy, tội lỗi, giằng xé, tự trách bản thân.
Theo
các nghiên cứu, khi rơi vào tình huống vai trò kép nhiều nữ giới chỉ có hai lựa
chọn: 1. Giảm thời gian nghỉ ngơi và giải trí để chu toàn cho gia đình, và 2.
Giảm việc tham gia vào đào tạo, không đón lấy những cơ hội thăng tiến hay phát
triển cao trên con đường sự nghiệp. Việc hi sinh và duy trì hạnh phúc cho gia
đình là lẽ đương nhiên, nhưng tại sao chỉ có nữ giới? Bình đẳng giới là dành
cho mọi người, cả nam và cả nữ trong gia đình. Gia đình là một hệ thống và để hệ
thống được bình yên, yên ổn, hạnh phúc thì cần sự cộng hưởng của tất cả các
thành viên trong gia đình, trong đó vai trò cha mẹ là quan trọng trong việc duy
trì hạnh phúc gia đình.
Ngoài vai trò kép, chủ đề này
cũng nêu bật những bất bình đẳng về lương bổng ở Việt Nam, bất bình đẳng về tuổi
hưu, bất bình đẳng về bạo lực giới, bất bình đẳng về quyền chính trị, bất bình
đẳng về quấy rối tình dục, bất bình đẳng về xâm hại tình dục trẻ em và các lỗ hổng
của pháp luật làm kẻ phạm tội nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Ví dụ như vụ việc
một nữ giới bị tấn công tình dục trong thang máy nhưng chỉ bị phạt 200.000đ,
hay trường hợp bé gái bị dâm ô trong thang máy ở quận 4 cũng xử lý chậm và có
những điểm làm dư luận thấy chưa thuyết phục.
Điểm cuối cùng của chủ đề này đề cập tới ba cách tiếp
cận bình đẳng giới trong thực tế gồm: Bình
đẳng giới hình thức, bình đẳng giới mang tính bảo vệ, và bình đẳng giới thực chất.
Trên thế giới, chưa có một nước nào đạt được bình đẳng giới thực chất vì những
rào cản đã trình bày ở trên. Thực tế, nhiều người cũng chưa hiểu đúng hay đầy đủ
về ba cách tiếp cận này. Ví dụ: nếu một người nói rằng Việt Nam bình đẳng giới
rồi thì rơi vào bình đẳng hình thức bởi vì cá nhân này chưa hiểu rõ về bình đẳng
giới thực chất. Bình đẳng giới thực chất là cần hiểu rõ bản chất thực là Việt
Nam đang nỗ lực tiến tới bình đẳng giới và công nhận những thành tựu cũng như
công nhận trên thực tế phụ nữ vẫn còn ở vị trí thiệt thòi hơn do phân biệt đối
xử trong quá khứ và hiện tại. Bình đẳng giới thực chất không có nghĩa là nữ và
nam giới phải như nhau, mà là sự giống nhau và khác nhau giữa nữ và nam giới phải
được công nhận và đánh giá một cách bình đẳng. Bình đẳng giới thực chất là nam
và nữ không bị bạo lực giới, không cảm thấy bất an ở những nơi công cộng hay
nơi vắng vẻ, nam và nữ có quyền làm những điều mình thích, quyền đi làm ngoài
xã hội, quyền khao khát vươn cao hơn, quyền thể hiện mình mà không bị cấm đoán,
quyền tự quyết và kiểm soát cơ thể mình và các vấn đề liên quan tới mình, mà những
quyết định này không ảnh hưởng hay không gây hại hay không xâm phạm sự an toàn
của người khác. Bình đẳng giới thực chất là không chỉ bình đẳng trong phát luật,
mà phải bình đẳng cả trong thực tế về hành động và tư tưởng.
Chuyển sang chủ đề thứ
hai là HIV/AIDs & An Toàn Tình Dục. Chủ
đề này tập trung vào thảo luận về số liệu người bị nhiễm HIV, quyền tình dục,
một số cách an toàn tình dục, đường lây và không lây HIV/AIDs, cách phòng chống,
và khi phát hiện người bị nhiễm chúng ta cần làm gì.
Về
số liệu người nhiễm HIV, diễn giả Nguyễn Anh Phong đã cho biết, theo WHO, tới
nay HIV/AIDS vẫn chưa có thuốc chữa và là một vấn đề lớn về sức khỏe cộng đồng
và đã lấy đi sinh mạng của khoảng 35 triệu người trên toàn cầu. Vào năm 2017,
có khoảng 36,9 triệu người có HIV và khoảng 940.000 người bị chết vì những
nguyên nhân liên quan tới HIV trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, vào năm 2017 có
khoảng 250.000 người có HIV, có 10.453 ca nhiễm mới, và số tử vong năm 2017 là
2.150 ca.
Về
quyền tình dục, đây là chủ đề nhạy cảm vì khi nói tới nhiễm HIV thì người ta
thường nghĩ ngay tới quan hệ tình dục. Quyền tình dục là quyền con người. Quan
hệ tình dục không có gì là xấu, mà quan hệ tình dục không an toàn sẽ để lại nhiều
hệ lụy, đặc biệt các xáo trộn cuộc sống hiện tại và tương lai cho cá nhân đó và
cộng đồng. Vì vậy, hiểu 10 quyền tình dục để có những lựa chọn phù hợp là điều
cần thiết và không bao giờ là quá muộn. 10 quyền tình dục gồm: đạt được chuẩn mực cao nhất về sức khỏe tình dục; tìm
kiếm, nhận và trao đổi thông tin về giáo dục giới tính; giáo dục giới tính; tôn
trọng cơ thể toàn vẹn; lựa chọn bạn tình; mối quan hệ tình dục có sự đồng thuận;
quyết định có quan hệ tình duc hay không; hôn nhân đồng thuận; quyết định có
con hay không và khi nào có. Quyền tình dục cần xem xét có phù hợp với luật pháp
và đạo đức hay không.
Về an toàn tình dục, diễn giả Anh Phong cho rằng có
ba đường lây HIV/AIDS gồm: Từ mẹ sang con, quan hệ tình dục không an toàn, và
dung chung kim tiêm hoặc các vi chấn thương. Diễn giả cho rằng nếu ai cũng hiểu
về các đường không lây nhiễm HIV/AIDS thì chúng ta không có thái độ kỳ thị,
tránh né người bị nhiễm HIV/AIDS. Khi chúng ta trò chuyện, ôm hôn, tắm chung hồ
bơi, bắt tay, ăn uống chung, bị muỗi chích hay ho và hắt hơi sẽ không lây nhiễm
HIV/AIDS.
Vậy
để tránh nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDs thì phòng quan trọng hơn chống như biết
cách sử dụng bao cao su, chung thủy 1-1 với bạn tình bạn đời; không để máu,
tinh dịch hoặc dịch âm đạo của bạn tình xâm nhập cơ thể, có kiến thức cơ bản để
phòng bệnh cho bản thân và bạn tình bạn đời; dùng riêng các vật dụng có thể bị
dính máu (bàn chải đánh răng, dao cạo râu...); Tiệt trùng các dụng cụ tái sử dụng
đúng quy cách.
Cuối
cùng của chủ đề một, diễn giả Nguyễn Anh Phong cũng đặt câu hỏi cho sinh viên:
Làm sao các bạn biết được ai đó bị nhiễm HIV/AIDs? Theo diễn giả, chúng ta rất
khó biết ai là người bị nhiễm HIV/AIDs nếu chỉ nhìn bên ngoài; cách duy nhất đó
là xét nghiệm. Khi biết một ai đó bị nhiễm HIV/AIDS, chúng ta nên an ủi họ,
không hoảng sợ, không xua đuổi, không kỳ thị, mà bình tĩnh hỗ trợ họ và liên hệ ngay với các Trung Tâm Y Tế, Bệnh viện
Nhiệt Đới hoặc Phòng khám Nhà Mình. Địa chỉ: 152 Ba Đình phường 10, quận 8, TPHCM. Hotline: 18000019.
CẢM NHẬN CỦA SINH VIÊN
HSU & KHÁN GIẢ GENDER TALK #4
1.
Thái Hồ Thiên
Thanh từ tổ chức Luong Van Can Fund đã chia sẻ cảm nhận về Gender Talk #4 như
sau:
“Một lần nữa xin cám ơn cô Ngọc và anh Nguyễn Anh
Phong đã có những chia sẻ quý báu trong chương trình Gender talk #4 được tổ
chức vào chiều 23/05. Gender Talk đã trở thành không gian chia sẻ-thảo luận cởi
mở thực sự và bản thân em rất trông đợi được tham dự hàng tháng, thậm chí em
cảm thấy rất tiếc vì đã bỏ qua chương trình tổ chức vào tháng 04/2019 do lịch
công tác.”
2.
Phạm Ngọc Ánh Hồng chia sẻ cảm
nhận:
“Em đến với buổi Gender talk chiều ngày 23/5 là
một trải nghiệm thật tuyệt vời vì diễn giả: Anh Nguyễn Thanh Phong và Cô Doãn
Thị Ngọc đã tạo rất nhiều động lực cho cá nhân em đang làm việc trong ngành xã
hội học. Bên cạnh đó, em mong được nhiều dịp đến với Gender talk để học hỏi
thêm những kinh nghiệm của nhiều Thầy Cô và những chuyên gia trong ngành."
3.
Nguyễn Thùy
Trang, sinh viên Trường Đại Học Hoa Sen chia sẻ cảm nhận là đã học được
những kiến thức về HIV/AIDS như:
“Số người bị nhiễm HIV chủ yếu trong
độ tuổi 16-29, nó chiếm 62% trong tổng số 100% những người nhiễm HIV, những
thanh niên 16-24 có nguy cơ cao. HIV càng có cơ hội cao hơn xâm nhập vào giới
trẻ. Khi nghe qua trình bày của anh Phong, em cảm thấy mọi người nên đứng từ xa,
nhìn vào cuộc sống của những người nhiễm HIV, chắc hẳn ai trong mỗi chúng ta cũng
phần nào hiểu được những cơ cực, khó khăn,… mà họ đang phải đối diện. Vậy mà
nhiều người lại tỏ ra xa lánh, hắt hủi, kì thị, cô lập… và dần đẩy họ ra khỏi
quỹ đạo của cuộc sống, nhẫn tâm và vô tình dập tắt ngọn lửa cuối cùng còn sót
lại le lói trong tim để họ tin vào cuộc đời – Đó là tình người. Vậy tại sao
chúng ta lại không thể mở lòng, không thể trao cho họ những tình cảm chân thật
nhất. Biết đâu những điều tưởng chừng nhỏ bé ấy lại trở thành món quà vô giá
đối với họ giúp họ đứng dậy và bước tiếp. Thông điệp mà anh Phong muốn chia sẻ
với những người không may nhiễm HIV bởi rằng: ta cần hiểu rõ về căn bệnh
HIV/AIDS để từ đó hiểu được tác hại của nó mang lại, biết cách phòng trừ đẩy xa
"con quái vật" ấy ra khỏi thế giới của loài người. Hãy đừng chia ra
hai thế giới "chúng ta và họ".
4.
Lê Thị Thiên Hương chia sẻ:
“Đề
tài của của Gender Talk rất hay và em rất thích có những buổi tham gia thế này.
Nhưng thời gian không cho phép nên ngậm ngùi tiếc lắm. Tuy nhiên nếu có bất kỳ
câu hỏi nào hay đề tài nào có liên quan tới quyền con người, em sẽ tham gia để
trả lời hay bình luận về vấn đề này.”
5. #5 Nguyễn Thuận Ánh, sinh viên ngành Tâm Lý-Trường Đại Học Hoa Sen chia sẻ:
“Em đã tham dự Gender Talks #2 và 3. Đây là sinh hoạt
học thuật rất thiết thực và hữu ích đối với một sinh viên như em, vì tại đây em
được cập nhật những kiến thức và xu hướng mới về giới, bình đẳng giới và nhiều
khía cạnh khác nữa. Thay đổi nhận thức sẽ thay đổi hành động, thay đổi hành
động sẽ thay đổi cuộc đời. Em mong hoạt động này được tổ chức thường xuyên hơn.
Diễn giả Nguyễn Anh Phong cũng là người em rất chờ đợi vì kiến thức lẫn phong
cách diễn thuyết của anh đã thuyết phục em sau lần nói chuyện ở lớp cô Ngọc.
Cám ơn cô Ngọc và các diễn giả."
6. #6 Nguyễn Ngọc Phương Quỳnh, ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại Học Hoa Sen
chia sẻ:
“Gender talk #4 vừa rồi, em thấy rất hữu ích rất
nhiều vì nó giúp em hiểu rõ và cách phòng tránh đúng cách để an toàn khi quan
hệ tình dục. Điều này rất hữu ích với các bạn trẻ hiện nay khi họ chưa hiểu hay
thờ ơ về bao cao su. Gender Talk #4 cũng giúp em hiểu về HIV, hành vi nguy cơ,
cách giảm bớt sự lo lắng và sợ hãi của cộng đồng đối với người nhiễm HIV vì đây
là một trong những nguyên nhân dẫn tới kỳ thị người bị nhiểm HIV."
7. #7. Nguyễn Thị Cẩm Tiên, sinh viên Đại
học Hoa Sen chia sẻ:
“Bản thân tôi là một sinh viên còn
ngồi trên ghế nhà trường, được trang bị rất nhiều kiến thức cũng như cách phòng
tránh về căn bệnh này, nhưng tôi vẫn còn rất hoang mang về sự lây nhiễm của nó.
Cho đến khi tôi đến dự Gender talk chủ đề về đại dịch HIV, do anh Phong trình
bày tôi mới được hiểu rõ hơn thế nào là “Quan hệ tình dục an toàn” và những
người bệnh HIV, chúng ta có cần thiết phải tránh xa họ không? Hơn nữa, Gender
talk giúp tôi có cách nhìn sự việc đúng đắn hơn qua lăng kính về giới. Và quan
trọng hơn, người phụ nữ cần phải làm gì để phòng tránh sự lây nhiễm của căn
bệnh này từ người chồng của họ?”
8.
Dương Nhật Quang,
sinh viên Đại Học Hoa sen chia sẻ cảm nhận:
“Gender Talk #4 ngày 23/5/2019 đã đề
cập đến căn bệnh HIV/AIDS và nhắc nhở rằng chúng ta nên thực hiện trách nhiệm
của mình đó là quan hệ tình dục an toàn. Dù trước đó tôi đã tự tìm tòi về quan
hệ tình dục một cách an toàn, nhưng buổi Gender Talk đã bổ sung thêm một vài
kiến thức mới cho tôi, cũng như phổ biến cho mọi người biết rằng tình dục không
có gì là sai, chỉ có tình dục không an toàn mới là sai. Những vấn đề bất bình
đẳng cũng được dấy lên vì bình đẳng giới không chỉ là quyền cơ bản của con
người, mà là nền tảng cần thiết cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và bền
vững. Như theo báo cáo vào thời điểm hiện tại, ở 18 quốc gia, người chồng có
thể ngăn cản vợ làm việc một cách hợp pháp; ở 39 quốc gia, con gái và con trai
không có quyền thừa kế như nhau; và 49 quốc gia thiếu luật bảo vệ phụ nữ khỏi
bạo lực gia đình (United Nations: Gender
equality and women’s empowerment,” 2019). Trên thực tế, khi đàn ông
và phụ nữ cùng ngành làm những công việc tương tự nhau, phụ nữ chỉ kiếm được
tương đương 0,98 đô la cho mỗi đô la so với 1 đô của đàn ông. Nói cách khác,
một người phụ nữ đang làm công việc tương tự, với trình độ chính xác như một
người đàn ông lại được trả ít hơn hai phần trăm. (“Gender
Pay Gap Ratios, Stats and Infographics 2019 | PayScale,”). Tiêu biểu
nhất là ở Việt Nam, Phụ nữ ở Việt Nam có thu nhập trung bình năm thấp hơn
3 triệu đồng so với nam giới, tương đương với thu nhập trong một tháng. Mức
chênh lệch này không thay đổi trong giai đoạn 2011 – 2014 và khoảng cách về thu
nhập vẫn tồn tại mặc dù khoảng cách về học vấn đã được thu hẹp.
Cuối cùng, có khoảng 20 phản hồi từ đường
link đăng ký ghi cảm nhận về Gender Talk
như sau: Gender Talk là hoạt động
học thuật về bình đẳng giới rất thiết thực, bổ ích, thú vị, rất hay, mở mang
tri thức cho sinh viên. Gender Talk
cũng chia sẻ những câu chuyện chưa bao giờ được nghe và tới Gender Talk được học hỏi ở mọi người. Gender Talk vừa bao gồm kiến thức học
thuật và vừa kết hợp những câu chuyện thực tế. Một số khán giả thì nói tôi tới
tham dự để nghe và kiểm chứng xem có hay và đúng như “lời đồn” hay không. Tôi mong
Gender Talk tổ chức vào thứ 7 hoặc
Chủ Nhật để không trùng lịch học với trường."
Tác giả:Doãn Thị Ngọc-Giảng viên và Nhà sáng lập Gender Talk-Khoa Khoa Học Xã Hội, Trường Đại Học Hoa Sen
Nguồn: https://news.hoasen.edu.vn/vi/tin-hoa-sen/gender-talk-4-nhieu-mat-cua-binh-dang-gioi-5384.html