Gender Talk #7: Trang Phục Theo Quan Diểm Nữ Quyền
Hội thảo chuyên đề về giới và bình đẳng giới -
Gender Talk #7 với hai chủ đề: “ăn mặc chuyên nghiệp” do ThS Doãn Thị Ngọc – Giảng viên và Nhà sáng lập Gender Talk trình bày và “xây dựng hình ảnh cá nhân” do
ThS Hồ Trung Chánh - Quyền chủ nhiệm bộ môn Du Lịch, trường Đại học FPT trình
bày đã diễn ra ngày 27/01/2021 tại trường Đại học Hoa Sen (HSU).
Mở đầu chủ đề 1, “ăn mặc chuyên nghiệp”, ThS Doãn Thị Ngọc đã
tập trung ba điểm quan trọng gồm: 100 năm lịch sử nữ quyền qua 10 trang phục
của nữ giới ở Mỹ; tại sao ăn mặc chuyên nghiệp tại nơi làm việc lại quan trọng;
phân biệt phong cách ăn mặc business professional và business casual của nam và
nữ giới.
Theo ThS Ngọc, thứ nhất, trang phục của nữ giới ở Mỹ cũng nằm trong xu thế của ba làn sóng nữ quyền trên thế giới. 10 hình ảnh minh họa của Molly Greenberg năm 2017 về trang phục công sở của nữ giới đã minh chứng cho sự phát triển của nữ quyền đã thay đổi ra sao trong 100 năm qua. Trang phục của nữ giới đã đóng vai trò quan trọng trong từng khoảnh khắc và liên quan trực tiếp vai trò của nữ giới trong xã hội, các sự kiện và biến cố của lịch sử xã hội trên toàn thế giới.
Trước làn sóng nữ quyền thứ 1, phụ nữ vẫn còn bị giam hãm, hạn
chế cả về quyền, nhu cầu và về phong cách ăn mặc nhưng từ làn sóng nữ quyền thứ
ba trở lại đây, nữ giới ngày càng được khẳng định vị thế xã hội, được độc lập
hơn về tài chính, càng có trí thức hơn, được thể hiện quyền con người và nhu
cầu hơn, được bình đẳng về pháp luật và xã hội hơn. Và vì lẽ đó, trang phục của
nữ giới cũng đã thể hiện được vị thế, sự tự do, thoải mái, và quyền của phụ nữ
theo phong cách riêng của họ.
Đặc biệt từ những năm 2000 trở lại đây, làn gió mới về trang
phục mang xu thế nữ quyền đã mang đến những thay đổi về pháp lý đối với trang
phục nơi công sở. Đơn cử, ở thành phố New York, ngày 21 tháng 12 năm 2015, Ủy
Ban Nhân Quyền đã công bố hướng dẫn mới là cấm “thực hiện quy tắc ăn mặc, đồng
phục, ăn mặc chải chuốt áp đặt dựa vào giới tính”. Điều này có nghĩa là không
bắt buộc nữ giới đi giày cao gót, trừ khi cả hai giới phải đi giày cao gót hay
không ép nam giới thắt cà vạt, trừ khi cả hai giới phải thắt cà vạt. Vậy có
nghĩa là cuộc chơi quyền lực mới sẽ bắt đầu “Ai cũng có quyền ăn mặc những gì
mình thích và không bị phán xét hay bị quấy rối tình dục. Cá nhân được thể
hiện, được là chính mình, miễn phù hợp với vai trò, với bối cảnh, với văn hóa,
đúng lúc, đúng chỗ, đúng người là được”.
Đông đảo sinh viên tham dự sự kiện Gender Talk
#7.
Chuyển sang điểm quan trọng thứ hai, cô Ngọc nhấn mạnh “Tại sao
ăn mặc chuyên nghiệp hay phù hợp lại quan trọng trong môi trường công sở?”. Ăn
mặc tưởng dễ nhưng thực ra rất khó vì ăn mặc đẹp chưa chắc đã phù hợp. Nếu sai
thì chúng ta sửa. Đơn giản là vậy. Ăn mặc quan trọng vì nó sẽ gây ấn tượng ban
đầu với người đối diện, mà ấn tượng ban đầu, theo các nghiên cứu về tâm lý xã
hội, thì rất khó quên, khó phai và khó xóa. Chúng ta thường chỉ có một lần tạo
ấn tượng ban đầu với nhà tuyển dụng hay với người đối diện. Trong 30 giây đầu
tiên, người ta sẽ nhận xét về năm đặc điểm như: tình trạng kinh tế, trình độ
giáo dục, vị thế xã hội, mức độ tinh tế, và mức độ thành công của một cá nhân.
Đồng thời, ăn mặc chuyên nghiệp khi đi tuyển dụng hay đi thực tập hay đi làm
còn là cách để chúng ta “quảng cáo hình ảnh bản thân hay xây dựng thương hiệu
cá nhân”. Và đôi khi, cái bên trong được thể hiện ra bên ngoài, trang phục
chính là điều đầu tiên mà những người xung quanh nhìn thấy khi họ chào chúng
ta. Vì vậy, không ai muốn bị mất điểm trong mắt của người khác.
Phần cuối cùng của chủ đề 1, “làm thế nào để phân biệt phong
cách ăn mặc business professional và business casual?”, cô Ngọc đưa ra ba điểm
đơn giản. Ai cũng có quyền ăn mặc những gì mà họ thích. Nhưng quan trọng cần ăn
mặc phù hợp, đúng vai trò, đúng văn hóa, đúng bối cảnh, đúng nơi, đúng chỗ,
đúng lúc, đúng người thì người đó là người “đỉnh”. Nếu lỡ sai thì sửa và tìm
cách sửa sai. Nếu những ai không biết cách ăn mặc hay bối rối trong cách ăn mặc
khi đi làm thì hãy ăn mặc theo phong cách “bảo thủ” hay còn gọi là
conservative, hoặc có thể gọi phòng tổ chức - nhân sự để hỏi về quy định ăn
mặc, hoặc tới công ty hay tổ chức đó quan sát để biết cách ăn mặc. Mỗi chúng ta
nên cẩn trọng vì chúng ta thường không có cơ hội thứ hai để gây ấn tượng với
người đối diện.
ThS Hồ Trung Chánh trình bày chủ
đề “xây dựng hình ảnh cá nhân”.
Chuyển sang chủ đề thứ 2, “xây dựng hình ảnh cá nhân”, thầy
Chánh đã nhấn mạnh năm điểm quan trọng gồm: 1. Ngoại hình, 2. Kiến thức, 3.
Thái độ và đạo đức, 4. Giá trị cốt lõi, và 5. Đặc điểm riêng biệt. Theo thầy
Chánh, xây dựng hình ảnh cá nhân một cách tốt thì cần rất nhiều thời gian và là
một quá trình. Sinh viên HSU nên bắt đầu ngay từ đây và ngay bây giờ-right
here, right now.
Sinh viên thường ít chú trọng tới vẻ bề ngoài, có em đi dép lào
đi học. Các em nên xây dựng hình ảnh, thương hiệu cá nhân nên cần phải chú ý
hơn trong mọi hành động, cách ăn mặc vì mọi thứ các em thể hiện ra đều được
nhìn vào, mà nếu các em không lo được cho chính mình thì ai dám giao công việc
của họ cho các em. Hành vi, cử chỉ, thái độ, lời nói của em chính là một
“thương hiệu” của bản thân các em trong mắt người khác.
Bên cạnh vẻ bề ngoài thì kiến thức cần tích lũy trong một quá
trình dài. Học lý thuyết không thì chưa đủ, các em cần thực hành, cần hành động
để rèn luyện kỹ năng. Khi thực hành thì cần tạo ra sự khác biệt. Đôi khi nhà
tuyển dụng chưa quan tâm tới bằng cấp mà quan tâm tới kỹ năng trước, ví dụ, em
học làm bánh mì, rồi mời em làm bánh mì cho chúng tôi xem. Nếu em không
làm được bánh mì, tôi không thể tuyển dụng em. Em không thể nói rằng em không
biết làm bánh mì, nhưng bằng cấp của em đạt loại giỏi. Bằng cấp đạt loại giỏi
do chỉ lo làm bài tập trong lớp đôi khi không có ý nghĩa với nhà tuyển dụng.
Vậy học lý thuyết thì phải đi đôi với hành để có kỹ năng thực sự và ra làm được
ngay. Để làm điều này, sinh viên cũng cần tham gia nhiều hoạt động đoàn đội,
tham gia những hoạt động ngoại khóa, hoạt động tình nguyện, đi tham gia
workshop, talkshow, hội thảo chuyên đề để học hỏi thêm. Điểm cuối, mỗi sinh
viên cần có điểm khác biệt với người khác, cần có tài lẻ, có sở thích riêng và
ghi vào CV và đôi khi được tuyển dụng do nhờ các tài lẻ này.
Phiên thảo luận Gender Talk #7 diễn ra
sôi nổi.
Cuối cùng, phiên thảo luận thật sôi nổi và hào hứng về bình đẳng
giới và bất bình đẳng giới qua việc quấy rối tình dục, qua đổ lỗi cho nạn nhân,
qua quyền phụ nữ, qua việc phán xét, qua định kiến giới về trang phục của nam
và nữ giới. Các khán giả đã nêu ra khoảng 10 câu hỏi và cũng bàn thảo qua lại
với các diễn giả và khán giả với nhau. Cả hội trường tạo ra một bầu không khí
tương tác qua lại, quan điểm nhiều chiều, vui vẻ và rất nhiều tiếng cười sảng
khoái. Mọi người chia tay ra về với sự mong chờ Gender Talk kế tiếp.
Cảm nhận của sinh viên & khán giả về
Gender Talk #7
Nguyễn Quỳnh Anh - SV Khoa KT&QT, HSU: "Sau khi tham dự Gender Talk #7 của
cô Doãn Thị Ngọc và thầy Hồ Trung Chánh, một hoạt động học thuật về Giới và
Bình đẳng giới của Bộ môn Giáo Dục Khai Phóng, em cảm thấy rất thú vị với buổi
buổi hội thảo này. Với lòng nhiệt huyết, truyền cảm hứng của cô Doãn Thị Ngọc
và thầy Hồ Trung Chánh đã để lại cho em ấn tượng về cách ăn mặc chuyên nghiệp
và xây dựng hình ảnh cá nhân. Em được biết thêm việc ăn mặc chuyên nghiệp tạo
ấn tượng đầu tiên đối với người đối diện và sẽ là hình ảnh đầu tiên mà người
khác hay nhà tuyển dụng sẽ nhìn thấy ta và vì ăn mặc cũng là cách mình đang tự
quảng cáo, tạo dựng thương hiệu cho chính mình. Đồng thời, em còn được biết
thêm sự khác nhau giữa phong cách ăn mặc chuyên nghiệp business professional và
phong cách ăn mặc business casual, cách ăn mặc sao cho phù hợp ở nơi công sở
hay đời thường. Và để xây dựng hình ảnh cá nhân một cách tốt thì cần thời gian
dài cùng với nhiều yếu tố khác như: bề ngoài, ngôn ngữ, kỹ năng, năng lực, thái
độ. Những chia sẻ của thầy và cô đã giúp em hiểu hơn về phong cách ăn mặc, xây
dựng hình ảnh cá nhân quan trọng như thế nào. Bên cạnh đó, cuối buổi hội thảo
còn có những câu hỏi Q&A đã giúp em hiểu hơn, nâng cao nhận thức hơn và có
cái nhìn đa chiều về Giới và Bình đẳng giới cùng với cách ăn mặc chuyên nghiệp
và xây dựng hình ảnh cá nhân tốt hơn".
Nguyễn Trâm Anh - SV HSU lớp CTXHNM: "Em cảm thấy Gender Talk #7 HSU rất
thú vị và em đã có được cái nhìn đa chiều hơn về vấn đề bình đẳng giới. Với chủ
đề đầu tiên do cô Ngọc trình bày, cô đã thuyết trình rất nhiệt huyết về chủ đề
Ăn mặc chuyên nghiệp qua 3 nội dung: Nội dung thứ nhất cô trình bày là 100 năm
lịch sử nữ quyền qua 10 bộ trang phục của nữ giới. Em nghĩ đây là một nội dung
rất hay vì trước đây, em đã không nghĩ đến việc thời trang và lịch sử phát triển
của thời trang lại có thể ẩn chứa cả lịch sử của nữ quyền trên thế giới cũng
như tiến trình của sự đòi bình đẳng của phái yếu. Với nội dung thứ hai, tại sao
ăn mặc chuyên nghiệp lại quan trọng, em đã được tăng thêm nhiều hiểu biết mà
trước đó em còn rất mông lung. Em biết được ăn mặc chuyên nghiệp trong công
việc là rất quan trọng vì nó tạo ấn tượng đầu tiên, và ấn tượng đầu tiên là rất
khó quên, khó phai và khó xóa. Mỗi người trong chúng ta thường chỉ có một cơ
hội để tạo ấn tượng ban đầu với người đối diện. Trong vòng 30 giây, người ta sẽ
đưa ra được 5 nhận xét về chúng ta, đó là về tình trạng kinh tế, trình độ giáo
dục, vị thế xã hội, mức độ tinh tế và mức độ thành công. Trong vòng 4 phút,
người ta sẽ “nhìn mặt mà bắt hình dong” và đưa ra các đánh giá về: sự trung
thực, lòng trắc ẩn, sự tin cậy, thông minh, năng lực, sự khiêm tốn, sự thân
thiện, sự tự tin. Và do đó, cách ăn mặc chính là cách mà chúng ta đang “Quảng
cáo hay tạo dựng thương hiệu” cho chính mình. Nội dung thứ ba là nội dung cho
em rất nhiều kiến thức mới, vì trước đây em đã không biết khi đi làm trong công
sở thì lại có nhiều dress code như vậy, kể cả cho những việc nhỏ nhặt nhất như
độ cao của giày, độ dài của cà vạt hay cách thắt nút của áo vest.
Phần thuyết trình của thầy Chánh cũng đã giúp em nhận thấy tầm
quan trọng của việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu cá nhân và việc bản thân em
phải chú ý hơn trong mọi hành động, cách ăn mặc của mình vì hiện tại, mọi hành
vi, cử chỉ của em chính là một “thương hiệu” của bản thân em trong mắt người khác.
Ngoài ra, em cảm thấy phần Q&A thảo luận của buổi Gender
Talk cũng rất hay và cực kỳ thực tế, nó chạm đến những điều gần gũi, thường
ngày mà em và tất cả mọi người đều gặp phải. Em đặc biệt cảm thấy hứng thú với
những thảo luận về việc tại sao phụ nữ lại bị đánh giá một cách khắt khe hơn
nam giới trong vấn đề ăn mặc, cũng như lý do sâu xa hơn của việc cha mẹ chúng
em luôn nhắc nhở, kiểm soát việc ăn mặc của con cái, qua đó em cũng nhận ra
được phần nào sự bất bình đẳng về giới từ trong những việc nhỏ nhoi nhất như
cách ăn mặc, hành xử vì dường như phụ nữ lúc nào cũng phải kín đáo, khép kín,
cẩn thận và bị soi mới hơn đàn ông rất nhiều.
Em thật sự rất ấn tượng với câu hỏi về việc liệu có phải việc
phụ nữ ăn mặc hở hang, khiêu gợi là lý do, nguồn cơn của việc họ bị nam giới
xâm hại, quấy rối tình dục? Em cũng đã có rất nhiều suy nghĩ riêng của bản thân
về vấn đề này. Theo em thì cách ăn mặc của một con người nói chung và một người
phụ nữ nói riêng là quyền tự do của họ, vì đó là thân thể và cuộc sống của họ,
và miễn sao họ không gây ảnh hưởng xấu đến những người xung quanh thì không ai
có quyền xâm phạm vào quyền tự lựa chọn phong cách của họ, cũng như không ai có
quyền được đụng chạm đến cơ thể của người khác khi chưa có sự cho phép. Việc
người phụ nữ có ăn mặc gợi cảm chỉ là cách họ làm đẹp hoặc tự thể hiện cái tôi
của mình. Nó không đồng nghĩa với việc họ mời gọi những người khác đánh giá
hoặc xâm phạm đến cơ thể mình. Việc mà rất nhiều phụ nữ bị đàn ông xâm phạm
không phải vì họ ăn mặc quá khiêu gợi, khiến người đàn ông không điều khiển
được ham muốn, mà lỗi là do người đàn ông đã không biết tự kiểm soát bản thân,
và em nghĩ cũng một phần là do sự bất bình đẳng giữa nam và nữ đã khiến đàn ông
nghĩ rằng phụ nữ đàng hoàng phải ăn mặc kín đáo, còn hở hang tức là họ đang mời
gọi, quyến rũ đàn ông, do đó họ tự cho mình cái quyền được xâm phạm cơ thể của
một người khác. Vì nếu nói việc ăn mặc hở hang là lý do của nạn xâm hại tình
dục thì có lẽ chúng ta đã phải nghe đến rất nhiều vụ án xâm hại tình dục của người
đồng giới (lesbian) vì họ cũng là những người bị hấp dẫn bởi phụ nữ. Nhưng
không, hầu hết các vụ xâm hại tình dục đều có thủ phạm là nam giới. Vậy chúng
ta phải đặt câu hỏi là liệu có phải lý do là những bộ quần áo hở hang? Hay lý
do là nam giới tự cho mình cái quyền được xâm phạm phụ nữ?
Bên cạnh đó, em có biết đến cuộc triển lãm “What were you
wearing” của Viện bảo tàng Bundy. Cuộc triển lãm này rất đặc biệt vì thứ nó cho
khán giả thấy không phải là những tác phẩm nghệ thuật mà là sự thật trần trụi
về nạn xâm hại tình dục. Những “tác phẩm” ở đây là những bộ quần áo của những
người từng bị xâm hại tình dục, cả nam lẫn nữ ở mọi lứa tuổi, và theo những gì
em quan sát thì rất nhiều và đa số những bộ quần áo ở đây đều là những bộ đồ
rất kín đáo, rất đời thường, có những bộ còn kín tới mức không hề để lộ một bộ
phận nào trên cơ thể ngoài phần cổ, thậm chí còn có những bộ pijama của trẻ
nhỏ, những chiếc váy rất ngây thơ và hồn nhiên. Và khi đó, em tự đặt câu hỏi
cho mình: Liệu có điều gì khiêu gợi trong những bộ đồ này? Liệu những bộ đồ này
có thể làm cho một con người mất tự chủ? Và liệu nó có thể giải thích cho việc
làm thủ phạm của nạn xâm hại tình dục chỉ là “nhất thời không kiềm chế được bản
năng”? Khi nhìn thấy những hình ảnh và thông tin về cuộc triển lãm này, em đã
cảm thấy khá sốc và bất ngờ, nhưng đồng thời em cũng đã nhận ra rằng việc bị
xâm hại tình dục không phải là lỗi của nạn nhân, không phải là do cách họ ăn
mặc hay hành xử, mà là do sự mất nhân tính của thủ phạm, và chúng ta không thể
đổ lỗi cho nạn nhân khi việc họ ăn mặc như thế nào không phải là lý do để người
khác có thể xâm phạm đến nhân quyền của họ.
Sau khi được nghe mọi người thảo luận về bình đẳng giới, em cũng
chợt nhớ tới việc gần đây, đã có một kiến nghị rằng nam sinh cấp ba khi đi học
cũng phải mặc áo dài. Và sau đó đã nổ ra rất nhiều tranh cãi trong việc liệu đó
có phải là điều tốt. Em đã thấy rất nhiều ý kiến rằng con trai mặc áo dài thì
khó chịu, vướng víu, bất tiện vì con trai phải chạy nhảy, chơi đùa trong khi
thời tiết thì rất nóng. Chưa kể, nhiều người lo lắng về vấn đề kinh phí khi may
một bộ áo dài chỉ để mặc vào ngày thứ hai. Tuy nhiên, nếu nhìn theo khía
cạnh ngược lại, các nữ sinh đã gìn giữ truyền thống mặc áo dài khá lâu và trở
thành một nét văn hóa học đường. Các bạn nữ cũng có người thích vui đùa, thích
chạy nhảy, nhiều nữ sinh sẵn sàng buộc gọn tà áo dài thể tham gia các hoạt động
thể thao thì tại sao nam sinh lại không thể? Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng
việc vệ sinh cá nhân của phái nữ còn "khó nhằn" hơn bởi yếu tố giới
tính thế nhưng các nữ sinh vẫn có thể mặc áo dài. Em đã không suy nghĩ nhiều về
vấn đề này, tuy vậy, sau khi tham gia buổi Gender Talk, em lại chợt nhớ đến vấn
đề này và nhận ra rằng ẩn sâu trong sự tranh cãi này có lẽ còn có sự bất bình
đẳng về giới. Vì mặc dù việc mặc áo dài có lẽ bất tiện hơn rất nhiều cho các
bạn nữ vì lý do sinh lý mỗi tháng, và các bạn cũng phải chịu nhiều kinh phí may
mặc nhưng các bạn đã giữ truyền thống này từ rất lâu và ai cũng khen việc nữ
sinh cấp 3 mặc áo dài là nét đẹp truyền thống cần được gìn giữ. Nhưng khi có
người đề xuất cho nam sinh mặc áo dài, việc mà em cảm thấy rất hay, rất đẹp và
là cách gìn giữ truyền thống của nước ta, thì mọi người lại nổ ra tranh cãi lớn
như vậy, và rất nhiều người, đa số là nam sinh, đã đưa ra rất nhiều lý do biện
minh cho việc nam sinh không cần mặc áo dài. Và em tự hỏi mình rằng tại sao khi
nữ sinh bắt buộc phải mặc áo dài truyền thống hàng ngày thì lại không ai phản
đối hay đưa ra những lý do như thế? Mà chỉ khi việc này bị áp đặt lên nam sinh
thì mọi người mới nổ ra tranh cãi như vậy. Liệu có phải phái mạnh luôn có đặc
quyền hơn so với phái yếu, kể cả trong cách ăn mặc?.
Buổi Gender Talk #7 đã để lại cho em không chỉ nhiều kiến thức
mà còn để lại cho em nhiều suy ngẫm về cuộc sống và sự bất bình đẳng về giới mà
trước đây em không để ý đến. Em rất cảm ơn cô và thầy cùng với mọi người trong
ban tổ chức vì đã tạo dựng nên một buổi thảo luận nhiệt huyết, sôi nổi và hữu
ích như vậy, giúp sinh viên chúng em có cái nhìn đa chiều hơn về cuộc sống. Em
rất mong sẽ có thể tham dự buổi Gender Talk tiếp theo về chủ đề cô dâu Việt Nam
ở Hàn Quốc để có thể tiếp thu nhiều điều mới hơn, khách quan hơn".
Phạm Thị Kim Uyên - SV HSU: "Hôm nay em muốn gửi đến ban tổ chức
vài điều em tâm đắc nhất tại buổi Gender Talk #7. Sau khi đi Gender Talk# 7 về
thì bản thân em đã cảm thận rất vui và cảm thấy mình rất tự hào là một học trò
của cô Ngọc. Cô là một giảng viên có suy nghĩ hiện đại nhất từ trước đến giờ mà
em từng gặp. Em thực sự rất tâm đắc về vấn đề nhức nhối nhất ở xã hội hiện nay
đó là bất bình đẳng giới. Trước giờ nữ giới đều là những người ở phe yếu hơn và
mọi người luôn suy nghĩ rằng nữ vừa yếu về thể lực và yếu về vị trí xã hội
(XH). Như ngày xưa thì người phụ nữ cứ phải gánh trên mình "tam tòng, tứ
đức", "công dung ngôn hạnh", ăn mặc lúc nào cũng phải kín đáo và
phải quan tâm quá nhiều đến ánh mắt của người khác nhìn vào mình. Xuất phát từ
sự bất bình đẳng giữa nam giới và nữ giới đang tồn tại trong XH nam quyền, em
nhận thấy người phụ nữ phải chịu quá nhiều bất công khi chỉ tính đến vai trò
của người phụ nữ mà không quan tâm đến vị trí của họ trong XH. Từ trước đến
nay, họ luôn chỉ nhìn thấy vai trò của người phụ nữ là sinh con, chăm con, làm
việc nhà,... mà dường như đã quên mất rằng sâu bên trong những người phụ nữ
luôn tồn tại sức mạnh tiềm ẩn như: năng lực, ý chí và tự tin có thể giúp ích
cho XH. Hoặc là việc nhìn vẻ bề ngoài mà đánh giá một con người, họ luôn nhìn
bộ tóc, hay cách ăn mặc hay thậm chí nhan sắc để đánh giá luôn con người và
tính cách của họ. Ngày nay, người ta gần như. không dùng từ "phái
yếu" để nói về phụ nữ nữa, thay vào đó là những từ "phái đẹp"
hay thậm chí là "đàn bà thép", vì phụ nữ hiện đại là đấu tranh, là
đứng lên để dành lại công bằng cho họ. Tuy nhiên, suy nghĩ nam quyền đã có từ
ngàn năm trước nên việc xóa bỏ hẳn tư tưởng đó là rất khó, vì thế nên em rất
biết ơn những diễn giả như cô Ngọc, cô đã mang đến rất nhiều bài học và kiến
thức cho tất cả mọi người ở buổi Talk show đó, và đặc biệt là những nam giới có
tại khán phòng cũng sẽ biết trân trọng hơn những người phụ nữ xung quanh họ.
Tiếp theo em xin nói về chủ đề mà cũng là cô đã đưa đến cho em
đó là cách ăn mặc hợp lý, đây cũng là một vấn đề em cũng cần học rất nhiều, và
sau khi đi Talk show của cô em đã hiểu và biết thêm được rất nhiều. Ví dụ như
phong cách ăn mặc khi đến trường, đến văn phòng ra sao. Đi xem phim, đi siêu
thị, đi chơi ra sao để cho hợp lý. Và em thích nhất là khi cô nói đến việc đến
văn phòng không được đi guốc quá ba phân và phải đi bít mũi, em chưa bao giờ biết
đến vấn đề này, hay là cách thắt cà vạt của đàn ông. Em thực sự cảm thấy mình
dành thời gian đến buổi talk show hôm đó là rất đúng đắn vì em đã học được rất
nhiều điều từ cô và thầy Chánh.
Em xin nói tiếp là cảm nhận của bản thân về phần của thầy Hồ Trung
Chánh, hôm đó thầy đã nói về chủ đề "bạn là ai?", cách khám phá bản
thân. Mỗi chúng ta hãy cố gắng làm cho bản thân mình thật khác biệt, cứ làm
điều mình thích, cố gắng học tập và làm việc một cách nghiêm túc để có thể xây
dựng hình ảnh của bản thân mình. Bản thân em thấy rất thích khi có thể biết
được rằng mỗi ngày em cố gắng, em tự tin hơn, em táo bạo hơn là một trong những
cách có thể tự xây dựng hình ảnh của bản thân. Tất nhiên mỗi chúng ta ai cũng
cần học lý thuyết để có để thêm kiến thức, có thêm kỹ năng, nhưng song song với
việc học còn phải có hành, là việc chúng ta tham gia những hoạt động ngoại
khóa, hoạt động tình nguyện, đi Talk show... Và một câu nói của thầy Chánh mà
em rất thích đó là "Chắc gì một bạn học giỏi lại giỏi hơn những bạn tham
gia nhiều những hoạt động ngoại khoá, talk show" từ đó em rút ra được bài
học cho bản thân là cố gắng hãy thật năng động, đừng lấy mỗi kiến thức từ lý
thuyết và còn phải lấy kiến thức từ hành động. Mình học được ngôn ngữ nào hãy
phát triển ngôn ngữ đó, có tài lẻ gì thì phát triển tài lẻ đó, có kỹ năng gì
thì phát triển kỹ năng đó. Bản thân em đến giờ vẫn chưa có ai biết vì vẫn chưa
xây dựng được hình ảnh của bản thân, những em dặn lòng là hãy thật cố gắng, cố
gắng hết sức để khi nhắc đến tên Kim Uyên mọi người sẽ biết em là ai. Lời cuối
cùng, em xin chân thành cảm ơn cô Ngọc và thầy Chánh đã cho em những kiến thức,
những bài học bổ ích cho em. Cảm ơn cô Ngọc đã truyền lửa, truyền năng lượng
cho em rất nhiều, em xin chúc cô thật nhiều sức khoẻ và niềm vui, và thành công
trong sự nghiệp trồng người".
Nguyễn Thị Mỹ Hiền - SV HSU: "Sau khi tham dự buổi Gender Talk #7 –
một sinh hoạt học thuật rất thiết thực và hữu ích với một sinh viên như em, vì
tại đây em được cập nhật những kiến thức về Giới và Bình đẳng giới của Bộ môn
giáo dục Khai Phóng và nhiều khía cạnh khác nữa. Em cảm thấy rất thú vị với chủ
đề Gender Talk này. Qua đó, em có được cái nhìn đa chiều hơn về bình đẳng giới.
Nội dung thứ nhất cô trình bày là 100 năm lịch sử nữ quyền qua 10 bộ trang phục
của nữ giới. Em nghĩ đây là một nội dung khá mới lạ và độc đáo vì cô đã sử dụng
lịch sử thời trang để chia sẻ sự phát triển trong cách ăn mặc cũng cũng như
tiến trình của sự đòi bình đẳng từ phái yếu.
Với nội dung thứ hai của cô “Tại sao ăn mặc chuyên nghiệp lại
quan trọng” em đã được mở mang thêm sự hiểu biết mà trước đó em còn rất mơ hồ.
Em biết được ăn mặc chuyên nghiệp trong công việc là rất quan trọng vì nó tạo
nên ấn tượng đầu tiên với đối phương trong lần đầu tiên gặp mặt. Tuy nhiên, ấn
tượng ban đầu lại rất khó phai và nó tạo cho chúng ta sự thiện cảm với đối
phương nếu ta chỉn chu về hình thức, còn nếu ta lượm thượm hay không gọn gàng
thì rất tiếc đó là sự mất thiện cảm và tạo ấn tượng xấu về sau. Trong vòng 30
giây, người ta sẽ đưa ra 5 nhận xét về chúng ta, và những nhận xét đó bao gồm :
tình trạng kinh tế, trình độ giáo dục, vị thế xã hội, mức độ tinh tế và mức độ
thành công. Trong vòng 4 phút, người ta sẽ đưa ra các đánh giá về: trung thực,
lòng trắc ẩn, sự tin cậy, thông minh, năng lực, sự khiêm tốn, sự thân thiện, sự
tự tin. Và do đó, cách ăn mặc chính là cách mà chúng ta đang “quảng cáo hay tạo
dựng thương hiệu” cho chính mình. Cuối cùng, nội dung thứ ba là nội dung cho em
rất nhiều kiến thức mới, vì trước đây em không biết cách ăn mặc sao cho đúng là
phù hợp với những nơi như môi trường công sở. Nhờ cô, em đã được khai sáng rằng
phải chỉn chu từ những thứ nhỏ nhất như độ cao của giày, độ dài của cà vạt hay
cách thắt nút của áo vest.
Phần thuyết trình của thầy Chánh cũng đã giúp em nhận thấy tầm
quan trọng của việc xây dựng thương hiệu và hình ảnh của cá nhân. Điều đó giúp
bản thân em nhận ra việc bản thân em phải chú ý đến cách ăn mặc nhiều hơn, vì
chính hiện tại, mọi hành vi và cử chỉ của em chính là thương hiệu trong mắt
người khác.
Ngoài ra, em cảm thấy phần thảo luận Q&A cuối buổi Gender
Talk rất hay và ý nghĩa, những câu hỏi rất sâu sắc và gần gũi với chúng ta. Thú
thật rằng em thấy nó rất cần thiết trong một buổi talk show, rất thực tế và tạo
điều kiện cho mỗi thính giả có dịp chia sẻ quan điểm cá nhân. Mọi người có thể
cùng nhau thảo luận những vấn đề thường ngày chúng ta gặp phải. Và buổi Gender
Talk đã trở thành không gian chia sẻ và thảo luận cởi mở. Em đặc biệt cảm thấy
rất hứng thú với những thảo luận về việc mà tại sao phụ nữ lại bị đánh giá một
cách khắt khe hơn nam giới trong vấn đề ăn mặc, cũng như lý do sâu xa hơn của
việc cha mẹ chúng em lại nhắc nhở, kiểm soát việc ăn mặc của con cái. Qua đó,
em cũng nhận ra được phần nào sự bất bình đẳng về giới, từ trong những việc nhỏ
nhỏ nhất như cách ăn mặc, hành vi, thái độ, cách cư xử, dường như người phụ nữ
bao giờ cũng phải kín đáo, e dè và phải luôn “giữ mình” trong mọi tình huống,
họ phải luôn cẩn thận và có thể bị soi mói từ những người xung quanh rất nhiều.
Cuối cùng, buổi Gender Talk #7 đã để lại cho em không chỉ nhiều
kiến thức mà còn để lại cho em nhiều suy ngẫm về cuộc sống và sự bất bình đẳng
giới mà trước đây em không nghĩ đến. Vì thời gian không cho phép nên em đành
ngậm ngùi ra về mà không được tham dự trọn vẹn, em rất tiếc! Gender Talk là
hoạt động học thuật có thể nói rất bổ ích, thiết thực và mở mang tri thức cho
sinh viên Hoa Sen và có thể nhiều bạn sinh viên của trường khác. Gender Talk
chia sẻ những câu chuyện em chưa bao giờ được nghe và được hỏi đến. Gender Talk
vừa bao gồm kiến thức học thuật vừa bao gồm những câu chuyện thực tế. Có thể
nói buổi talk show này chính là nơi truyền cảm hứng cho mọi người, đặc biệt là
sinh viên HSU nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và thúc đẩy một xã hội
văn minh, phát triển và bền vững. Em rất cảm ơn thầy, cô cùng tất cả mọi người
trong ban tổ chức đã tạo dựng một buổi thảo luận đầy “máu lửa” như chị MC đã
nói. Thú thật buổi talk show hôm đấy cũng là buổi talk show đầu tiên mà em đặt
chân tới tham dự tại trường Đại học Hoa Sen. Một buổi thảo luận rất nhiệt huyết
và sôi nổi, rất hữu ích, đã giúp cho chúng em có cái nhìn đa chiều và sâu sắc
hơn trong cuộc sống. Em rất mong có thể được tham dự những buổi talk show tương
tự do cô Ngọc trình bày. Em nghĩ rằng các bạn sinh viên khác cũng có những mong
đợi như em".
Hồ Ngọc Phương Ly - SV HSU Ngành KT-QT: "Cảm nhận của em về Gender Talk thật
vui vẻ, thoải mái, đầy ý nghĩa và bổ ích. Cô Ngọc đã đưa ra rất nhiều hình ảnh
và ví dụ vô cùng sinh động để em có thể hiểu rõ được vấn đề. Cô và thầy cũng đã
tạo điều kiện cho chúng em đặt câu hỏi và giải đáp kỹ càng. Sau buổi talk show
em đã học được như thế nào là ăn mặc chuyên nghiệp và tại sao nó lại quan
trọng, 100 lịch sử nữ quyền được giải thích qua 10 trang phục của nữ giới, phải
ăn mặc chuyên nghiệp trong công việc, phân biệt cách ăn mặc chuyên nghiệp trong
kinh doanh như business professional và casual,... cũng như làm thế nào để gây
ấn tượng với nhà tuyển dụng hay mọi người xung quanh bằng ấn tượng đầu tiên.
Tất cả những kiến thức trên và buổi thảo luận cuối giờ đã bổ sung rất nhiều
kiến thức thực tế để em áp dụng vào cuộc sống.
Huỳnh Mạch Nhã Kỳ học lớp CTXHNM: "Sau khi tham dự buổi Gender Talk
của cô và thầy Hồ Trung Chánh em cảm thấy rất thú vị bởi lẽ đây là buổi talk
show đầu tiên mà em tham dự. Nhờ những ấn tượng từ buổi talk show này để lại mà
em chắc chắn rằng mình sẽ tiếp tục tham gia những buổi talk show tiếp theo để
trang bị những kiến thức cũng như học hỏi những kinh nghiệm và tiếp thu những ý
kiến từ mọi người. Khi tham dự buổi Gender Talk em đã học hỏi được cách ăn mặc
chuyên nghiệp khi ở công sở, nơi làm việc ăn mặc ra sao khi đi chơi, đi mua sắm
ăn mặc ra sao và cách đi đứng như thế nào mới là một người chuyên nghiệp qua
cách truyền tải và miêu tả rất cụ thể của cô. Nhờ tham dự buổi Gender Talk mà
em đã học hỏi được kiến thức về thời trang chuyên nghiệp từ đó em sẽ xây dựng
hình ảnh cá nhân một cách chuyên nghiệp. Cảm ơn cô đã truyền lửa cũng như đã
chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức bổ ích cho em. Em chân thành cảm ơn
cô!".
Giang Nhã Linh: "Qua buổi Gender Talk về cách ăn mặc
chuyên nghiệp và cách xây dựng hình ảnh cá nhân, em đã cảm thấy vô cùng thú vị
và bổ ích. Qua buổi talkshow trên, em đã hiểu được cách ăn mặc như thế nào là
đúng với hoàn cảnh, biết cách phối đồ để được người khác đánh giá cao. Bên cạnh
đó, em càng biết thêm tầm quan trọng của việc xây dựng hình ảnh bản thân. Mỗi
người đều cần phải thay đổi hoàn thiện từ những điều nhỏ nhất và từ những tích
góp đó mới tạo nên một hình ảnh tốt. Với cách trình bày, diễn giải vô cùng chi
tiết, sâu sắc và hài hước của hai thầy cô, cũng đã một phần làm thay đổi quan
điểm của em về cách ăn mặc. Trước kia em nghĩ rằng ăn mặc như thế nào cũng
được, chủ yếu là năng lực và thái độ của bản thân, sau buổi talkshow em đã nghĩ
khác đi, thực ra cách ăn mặc và hình ảnh của mỗi chúng ta cũng quan trọng như
những yếu tố khác, bởi vì ấn tượng đầu tiên của người khác về mình rất khó phai
và người khác sẽ đánh giá về ngoại hình mình đầu tiên. Bởi vậy, qua buổi Gender
Talk em đã rút ra được nhiều kinh nghiệm hơn và em nghĩ đó là một phần rất cần
thiết để sau này em bước ra xã hội làm việc".
Anh Nguyễn Văn Thuận – một khán giả chia sẻ vài cảm nhận về
Gender Talk #7: “Thú vị và thực tế là cảm nhận đầu tiên mà tôi nhận thấy khi
lần đầu tiên tham dự buổi Gender Talk số 7. Các chủ để được mang ra để trình
bày đều hết sức thực tế và cần thiết không chỉ cho sinh viên mà với bất cứ ai
có mong muốn hoàn thiện bản thân mình. Như chuyện ăn mặc: Ai cũng tưởng đơn
giản nhưng lại không hề đơn giản nếu muốn trở thành một người chuyên nghiệp,
lịch thiệp và đẹp trong mắt những người xung quanh. Điều quan trọng hơn, các
nội dung về Giới, bình đẳng giới, hay thậm chí là quyền con người,… đã được
lồng ghép một cách khéo léo và tự nhiên vào trong những phần trình bày, những
câu chuyện chia sẻ, và cả những câu hỏi từ khán giả. Tôi nhận thấy những vấn đề
tưởng như rất khô khan đã được thể hiện thành công qua các buổi talks này”.
Lý Thị Kim Phụng: "Hôm qua ngày 27/1/2021 em đã tham
dự buổi Gender Talk của cô Ngọc và thầy Chánh. Và sau buổi trao đổi em có những
nhận xét và bài học như sau: Về chủ đề 'Ăn mặc chuyên nghiệp' của cô Ngọc: Em
cảm thấy cô dẫn dắt mọi người với lối nói nhẹ nhàng, hài hước nhưng đôi khi
cũng cứng nhắc trong những vấn đề mạnh mẽ. Em học được cách sử dụng trang phục
đúng cách ở môi trường làm việc chuyên nghiệp và điều này sẽ giúp em hoàn thiện
bản thân và giúp cho công việc trong tương lai của em. Về chủ đề 'Xây dựng
thương hiệu cá nhân' của thầy Chánh: Em cũng thấy thầy có lối nói chuyện hài
hước, vui nhộn, thầy đưa ra những ví dụ cụ thể về những người nổi tiếng để mọi
người có thể hiểu được việc xây dựng hình ảnh đến mọi người là như thế nào và
tầm quan trọng của nó là như thế nào. Cả 2 chủ đề đều hướng đến cải thiện và
phát triển hình ảnh của mỗi cá nhân đến với mọi người, và điều đó sẽ tạo một ấn
tượng tốt và một tác phong chuyên nghiệp cho chúng em trong tương lai. Cả 2 chủ
đề em cảm nhận đều rất bổ ích và thú vị. Em hy vọng cả hai thầy cô sẽ tiếp tục
thực hiện thêm nhiều buổi trao đổi như thế với nhiều chủ đề hấp dẫn và thiết
thực trong cuộc sống".
Doãn Thị Ngọc - Giảng viên và Nhà Sáng Lập Gender Talk, Khoa KHXH
- HSU
Ảnh: Vũ Ngọc Mạnh
Nguồn: https://news.hoasen.edu.vn/vi/tin-hoa-sen/gender-talk-7-trang-phuc-theo-quan-diem-nu-quyen-6000.html