Đàn ông Việt Nam: bạo lực và ngoại tình?


Scott và Trương Thị Kim Chuyên (2007) đã nêu lên rằng hình ảnh bạo lực của đàn ông người Kinh nổi lên rất rõ trong các nghiên cứu xuất bản trong nước. Đó là người đàn ông có gia đình, chịu ảnh hưởng của đạo đức Khổng giáo: là người trụ cột trong gia đình, coi trọng dòng họ cha và việc thờ cúng, coi trọng việc có con trai, và coi sử dụng bạo lực như một cách để thể hiện vai trò làm chủ trong gia đình. Người đàn ông đó sẽ bị xem là kém cỏi, mất mặt, hay mất danh dự nếu không phải hay không thể là trụ cột gia đình, không coi trọng việc thờ tự và quan hệ dòng họ, không có con trai, và không ‘biết’ dạy vợ.

Các tác giả nước ngoài viết về nam tính ở Việt Nam, như Helle Rydstrøm (2003b, 2006) cũng theo lối phân tích kể trên. Theo Helle thì việc đàn ông sử dụng bạo lực đối với vợ của họ có liên quan đến quan niệm dân gian về ‘tính nóng’ và ‘tính lạnh’, những xúc cảm mà các cựu binh mang về từ chiến trường, và các chuẩn mực đạo đức Khổng giáo. Helle mô tả rằng tính cách của nam giới được cho là có thuộc tính ‘nóng’ một cách tự nhiên, còn của phụ nữ thì có tính ‘lạnh’. Tính nóng ấy, nói cách khác, được cho là một phần tự nhiên của nam tính. Nam giới thể hiện ‘tính nóng’ thông qua việc sử dụng bạo lực trong việc dạy con (nhất là con trai) và trong quan hệ với vợ, qua đó, thể hiện nam tính của họ. Sự thể hiện ‘tính nóng’ có thể trở nên bạo lực hơn khi nam giới đã uống rượu, hoặc trải qua các cơn đau do chấn thương thời chiến tranh tái phát. Phụ nữ có tính ‘lạnh’ và bị canh giữ bởi những chuẩn mực đạo đức Khổng giáo, cho nên họ có xu hướng chấp nhận sự bạo lực của đàn ông.

Như vậy, Helle Rydstrøm và nhiều tác giả khác đã cung cấp một quan điểm khá cứng nhắc về nam tính ở Việt Nam. Có thể thấy rằng trong các nghiên cứu của họ thì nam giới thường được mô tả là những người tạo ra vấn đề cho phụ nữ và trẻ em chứ không phải là những người cũng đang phải chịu đựng những vấn đề của riêng họ. Các nhà nghiên cứu dường như phụ thuộc quá nhiều vào các quan niệm Khổng giáo truyền thống để mô tả về nam tính và nữ tính mà chưa tính đến tác động của những biến đổi kinh tế xã hội mạnh mẽ ở nông thôn Việt Nam trong những thập kỷ gần đây đối với những hình mẫu nam tính và nữ tính theo truyền thống Khổng giáo đó.

Khi trào lưu nghiên cứu về tính dục trở nên nở rộ vào giữa những năm 1980s, thời điểm mà người ta tìm thấy mối liên hệ giữa sự truyền nhiễm HIV và quan hệ tình dục, thì người đàn ông ngoại tình bỗng trở thành đối tượng giám sát của ngành y tế công cộng (Choi et al., 1994; Mitsunaga et al., 2005). Ở Việt Nam, từ đầu giữa những năm 1990s trở lại đây, do ảnh hưởng của trào lưu này, nhiều nghiên cứu đã tập trung vào chủ đề quan hệ tình dục ngoài hôn nhân của nam giới, và gần đây hơn, thì đã tập trung vào quan hệ tình dục trước hôn nhân của nam giới. Hầu hết các nghiên cứu này đều gắn hành vi quan hệ ngoài hôn nhân với các nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, và việc làm lây lan các bệnh đó cho những người ‘bình thường’ khác.

Một ví dụ tiêu biểu cho loại nghiên cứu này là công trình của Phinney (2008) . Khi nghiên cứu những biến đổi về kinh tế, xã hội thời kỳ sau Đổi Mới ở Hà Nội, Phinney nhận thấy rằng những biến đổi này, như là sự dư dả về tiền mặt, sự bùng nổ của các dịch vụ giải trí, quảng cáo hướng đến nam giới và nam tính, và sự sẵn có của các cơ hội ngoại tình khác, đã góp phần hình thành và thúc đẩy sự ngoại tình ở nam giới. Phinney đã rất giỏi trong việc vận dụng những câu ‘tục ngữ mới’ của người dân Hà Nội vào việc mô tả hiện tượng ngoại tình. Ví dụ, câu ‘chán cơm, thèm phở’ được tác giả dùng ngay làm tiêu đề cho bài báo, đã tạo được sự thú vị rất lớn cho người đọc. ‘Cơm’ là từ lóng để chỉ ‘người vợ’, còn ‘phở’, một thứ được cho là ngon hơn cơm, thỉnh thoảng mới được ăn trong thời kỳ bao cấp, là từ lóng để chỉ ‘người tình’ thời nay.

Khi mô tả đô thị như là một nơi nam giới có thể dễ dàng có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, Phinney cho rằng điều này có thể làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Cuối bài viết tác giả khuyến nghị rằng cần có biện pháp để nam giới Việt Nam sử dụng bao cao su nhiều hơn, và cần phải có cách để cải thiện sự giao tiếp giữa vợ chồng (hay là những người bạn tình) để có thể phòng tránh sự lây lan của HIV tốt hơn.

Có vấn đề gì trong lập luận rằng ngoại tình đang có xu hướng tăng lên và rằng ngoại tình có liên quan đến sự lây lan HIV/AIDS như ta thấy trong nghiên cứu của Phinney không? Hiện tại, không hề có bằng chứng chắc chắn nào nói rằng ngoại tình đã tăng lên, hoặc là tình dục của những người nam giới ngoại tình là không an toàn. Việc gắn ngoại tình với HIV/AIDS có thể gây ra những hệ quả không mong muốn khi mà sự kết hợp của diễn ngôn đạo đức (ví dụ, người ngoại tình là ‘bạc bẽo’, ‘không biết giữ mình’, ‘không chung thủy’) và diễn ngôn y tế công cộng (ví dụ người ngoại tình ‘có nguy cơ nhiễm HIV cao’) sẽ chỉ làm cho những người này che dấu hành vi của mình hơn để đối phó lại sự kỳ thị chống lại họ.  


Đọc toàn bài ở link: http://dienngon.vn/Blog/Article/dan-ong-viet-nam-bao-luc-va-ngoai-tinh