Bình quyền cho phụ nữ nào?


Người phụ nữ đứng trên bục giảng, vung tay chém gió khi nói về sự bất bình đẳng phụ nữ phải chịu: “Chúng ta phải làm việc nội trợ, chăm con bốn đến năm tiếng một ngày trước và sau khi đi làm tám tiếng về. Chúng ta bị coi là phận gái nên không được tham gia quyết định các công việc quan trọng trong gia đình và dòng họ. Chúng ta là nữ, và tỉ lệ nữ làm lãnh đạo doanh nghiệp hay tham chính vô cùng thấp. Các chị biết ở Việt Nam có bao nhiêu phần trăm đại biểu quốc hội là nữ không, bao nhiêu phần trăm ủy viên trung ương là nữ không?”. Cả lớp học ngơ ngác. Chị giảng viên nhìn thẳng, nét mặt đanh thép bày tỏ sự tức giận: “chỉ có một phần tư đại biểu quốc hội là nữ, và chín phần trăm ủy viên trung ương là nữ thôi các chị ạ. Thiệt thòi hơn nữa vì phụ nữ phải nghỉ hưu trước nam giới 5 năm, và như vậy vô hình chung tước đi của chúng ta quyền cống hiến, đặc biệt với những chị em làm công tác khoa học, quản lý, hoặc lãnh đạo”. “Bình quyền cho phụ nữ!” chị hô vang và đề nghị cả lớp hô theo. “Bình quyền cho phụ nữ!” cả lớp vung tay lên như cách mạng xã hội sắp nổ ra đến nơi. Tôi lí nhí hô theo nhưng sao thấy khẩu hiệu này thật xa xôi, dường như không phải hô cho tôi, một người phụ nữ.


Tôi sinh ra ở Lai Châu và làm việc ở một khu công nghiệp ngoại thành Hà Nội. Là người di cư, tôi đối mặt với vô vàn vấn đề từ hộ khẩu, nhà ở, cho đến y tế khi ốm đau. Một mình tôi nuôi đứa con học lớp một, và tốn bao tiền để xin cho nó vào học ở Hà Nội vì không có hộ khẩu. Công ty chưa có nhà tập thể cho công nhân nên chúng tôi phải thuê tạm xóm trọ nóng như lò than vào mùa hè và lạnh thấu xương vào mùa đông. May trong xóm trọ cũng có những người công nhân nam giới, họ giúp sửa mái nhà khi dột, xách nước khi đường ống khô. Tôi thấy mình đồng cảm với những người đàn ông trong xóm trọ hơn với những người phụ nữ có hộ khẩu Hà Nội, vì chúng tôi cùng chia sẻ những khó khăn của người ngoại tỉnh. Tôi không biết, khi bình đẳng giới được thực hiện thì tôi, và cả những người hàng xóm của tôi có thoát khỏi những vấn đề người di cư ở tỉnh đang phải đối mặt không.

Tôi nhớ mẹ tôi, người mẹ dân tộc Mông quanh năm chưa bao giờ bước chân ra khỏi huyện Phong Thổ. Mẹ vất vả nuôi tôi ăn học. Tôi nhớ cảnh mẹ phải năm lần bẩy lượt lên Ủy ban nhân dân xã xin một suất học ở trường nội trú tỉnh cho tôi. Tôi không hiểu mẹ tôi, một người chưa bao giờ đi học lại dứt khoát bắt tôi đến trường. Có lẽ bà muốn tôi biết cái chữ để thoát khỏi những mảnh ruộng bậc thang treo leo, những nương sắn nương ngô xa nhà mà bà mùa nắng cũng như mùa mưa phải cày cuốc mong đủ cho chúng tôi ăn. Tôi thấy thương mẹ tôi. Tôi không biết nếu bình đẳng giới được thực hiện liệu mẹ tôi có thoát khỏi cái nghèo, có nói được tiếng Kinh, và có thể tham gia tham chính? Tôi thấy người phụ nữ đứng trên bục giảng kia sao cao siêu thế, xa xôi thế, và khác với người phụ nữ mẹ tôi ở cái bản quanh năm gió sương đến thế.

Nhớ ngày đầu tiên về Hà Nội làm, tôi đã phải len lén gói ghém các bộ váy áo Mông của mình cho vào đáy cái vali được một người bà con ở trên tỉnh tặng. Tôi chưa bao giờ dám mặc chúng vì sợ các con mắt thọc mạch của người thủ đô. Nhìn người phụ nữ trên bục giảng, đi giầy cao gót, mặc bộ váy đen bó sát kiểu văn phòng, và mái tóc cắt ngắn mạnh mẽ tôi thấy chị thật duyên dáng, giống như những người phụ nữ thành đạt trên ti vi. Nghĩ cũng hay, cũng là người phụ nữ sao tôi thấy mình thô kệch không duyên dáng như chị ấy. Tôi cố hình dung về cuộc sống của chị và thầm nghĩ, không biết chị có phải lo những vấn đề tôi đang lo không?

Cuộc đời nghĩ cũng lạ, ai sinh ra cũng là một con người mà sao mỗi người lại có một số phận. Tại sao lại phân ra thành đàn ông và đàn bà để phụ nữ thiệt thòi phải đi đòi quyền của mình? Ừ thì có khác biệt về cơ quan sinh dục, nhưng cái cơ quan sinh dục đó có bắt đàn ông phải gia trưởng và phụ nữ phải cam chịu đâu? Mà cũng lạ, khi sinh ra con trai con gái đều đỏ hỏn, trần truồng, đều khóc oe oe và đòi bú mẹ cả, thế mà sao khi lớn lên lại khác nhau đến thế. Nghe nói định kiến giới không phải do tự nhiên đẻ ra. Mà không phải do tự nhiên đẻ ra thì sao lại phân thành nam và nữ làm gì cho mệt? Tôi là tôi, chị là chị, anh là anh, ai cũng có thể mộc mạc như mình, hay duyên dáng như chị giảng viên, hoặc mạnh mẽ tốt bụng như anh Trung hàng xóm. Người muốn lấy chồng có con gái con trai, người muốn làm mẹ đơn thân, hoặc ở vậy đều được cả. Rõ ràng đều là cuộc sống, đều là hoàn cảnh, đều là mong ước của người sao phải gán điều tiếng cho khổ lòng nhau?


Đọc toàn bài ở link: http://dienngon.vn/Blog/Article/binh-quyen-cho-phu-nu-nao