Cơ hội nào cho người chuyển giới trong Bộ luật dân sự (sửa đổi)?


Việt Nam đang tham vấn người dân và các cơ quan chuyên môn về Bộ luật dân sự sửa đổi. Đây là một hoạt động chính trị quan trọng, tăng cường sự tham gia của người dân vào công tác lập pháp. Trong nhiều nội dung mới, cộng đồng LGBT đặc biệt quan tâm đến điều 40 về quyền xác định lại giới tính. Theo bản thảo hiện tại có hai phương án để lựa chọn. Theo phương án 1 thì “nhà nước không thừa nhận việc chuyển giới”, còn phương án 2 thì mở hơn, quy định “trong trường hợp đặc biệt, việc chuyển giới phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của luật”.

Hiện tại văn bản pháp luật duy nhất có liên quan đến chuyển giới là nghị định 88/2008/NĐ-CP, trong đó nói rõ “việc xác định lại giới tính được thực hiện đối với người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác”. Nghị định cũng cấm xác định lại giới tính cho những người đã có “giới tính hoàn thiện”, có nghĩa cấm những người chuyển giới được chuyển đổi giới tính.

Như vậy, nếu phương án 1 của dự thảo hiện tại được lựa chọn, thì nhà nước sẽ không cấm người chuyển giới phẫu thuật thay đổi giới tính, nhưng lại không thừa nhận. Điều này cũng giống như Luật hôn nhân và gia đình bỏ điều cấm kết hôn cùng giới nhưng vẫn chưa thừa nhận, dẫn đến việc cặp đôi đồng tính không thể đăng ký kết hôn với chính quyền. Nếu vậy, những khó khăn của người chuyển giới vẫn không được giải quyết. Họ vẫn không thể thực hiện việc chuyển giới ở Việt Nam, không có dịch vụ chăm sóc y tế liên quan đến việc chuyển giới, và vẫn chưa được thay đổi họ tên, giới tính trên giấy tờ.

Nếu phương án 2 được lựa chọn, một vấn đề đặt ra là định nghĩa của “trong trường hợp đặc biệt” là gì. Nếu không được định nghĩa rõ ràng thì người chuyển giới cũng khó thực hiện được việc chuyển đổi giới tính ở Việt Nam. Một người chuyển giới có cơ thể bình thường, dù có khát khao được chuyển đổi giới tính, thì cơ quan chức năng vẫn có thể coi họ không thuộc “trường hợp đặc biệt”. Bên cạnh đó, “cơ quan có thẩm quyền” cũng cần phải được xác định rõ ràng, có thể là các chuyên gia tâm lý, hoặc các cơ sở y tế có chuyên môn.

Như vậy, dường như dự thảo hiện tại vẫn chưa đủ đột phá để bảo vệ quyền của người chuyển giới. Có nhiều lý do được viện dẫn cho việc này, chủ yếu là coi chuyển giới là trái tự nhiên, hoặc sợ chuyển giới thành phong trào gây hậu quả về sức khỏe và quản lý xã hội.

Trên thế giới, chuyển giới đã được loại ra khỏi danh sách bệnh tâm thần (DSM-5) và chỉ còn coi là tình trạng không hài lòng với giới tính sinh học của mình. “Trái tự nhiên” hay không tùy thuộc vào cách hiểu thế nào là “tự nhiên” của mỗi người, nhưng hạnh phúc là chính mình thì là quyền của người chuyển giới. Chính vì vậy, để đảm bảo quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc của người chuyển giới, nhiều quốc gia đã cho phép chuyển đổi giới tính để người chuyển giới được sống thật là mình.

Để đảm bảo “phong trào chuyển giới” không diễn ra như e ngại của nhiều người (dù trên thực tế không ai lại bỏ ra hàng trăm triệu và chịu đau đớn do phẫu thuật chỉ vì theo phong trào), pháp luật có thể học kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới xây dựng một quy trình tư vấn tâm lý và pháp lý giúp người chuyển giới hiểu bản thân và chuẩn bị cho cuộc sống với giới tính mới của họ. Ví dụ, người chuyển giới cần được tư vấn về tâm lý để họ thực sự xác định đúng nhu cầu chuyển giới của mình, có thời gian sống thử với giới tính mong muốn trước khi được kê đơn sử dụng hóc môn. Sau đó, dịch vụ phẫu thuật và chăm sóc hậu phẫu mới được cung cấp và thực hiện nếu các điều kiện được thỏa mãn.