Cuộc đời kỳ lạ của "kình ngư không chân" từ đất Quảng đến Paralympic Tokyo 2021
PNO - Thoát chết một cách lạ kỳ trong vụ tự tử bằng mìn của bố mẹ mình, cô bé bị cụt cả 2 chân đã được đưa sang Mỹ để làm con nuôi cho một cặp vợ chồng người Mỹ lúc mới hơn 13 tháng tuổi. Giờ đây cô đang tự tin "bơi" đến Paralympic Tokyo 2020 sẽ được tổ chức tại Nhật Bản vào cuối tháng 8 này.
Đến bây giờ, nhiều người dân ở thôn 2, xã Tiên Ngọc (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) vẫn còn nhớ sự việc xảy ra vào khuya ngày 20/7/2004 khi một tiếng nổ kinh hoàng xé toạc màn đêm tĩnh mịch.
Với bà Cao Thị Ba, thời khắc “kinh hoàng” đó mãi mãi là một ký ức không thể nào quên được. Đến nay, mọi chi tiết của sự việc cách đây hơn 17 năm vẫn hiển hiện rõ mồn một trong đầu bà, không khác những thước phim quay chậm được chiếu lại một cách chập chờn trong giấc ngủ của bà mỗi đêm.
Bà Cao Thị Ba đang sống tại một xã miền núi thuộc huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam - Ảnh: NVCC |
Ba Cao Thị Ba nay 65 tuổi. Vợ chồng bà làm nghề nông ở xã miền núi Tiên Ngọc, tỉnh Quảng Nam. Họ có với nhau 7 người con, trong đó cô con gái lớn Trần Thị Bé Th. được bà con xóm giềng khen là “có hương có sắc”.
Chị Trần Thị Bé Th. là người mẹ trẻ đơn thân có một cô con gái khoảng 5 tuổi. Ông bà ngoại cất cho hai mẹ con căn nhà tranh nhỏ cạnh nhà của ông bà để ngày ngày qua lại thăm nom chăm sóc nhau.
Thế rồi sự yên ả của gia đình nhỏ này bắt đầu xáo trộn khi xuất hiện một người đàn ông đã có gia đình sống cùng huyện khác xã làm nghề buôn bán trâu bò. Những lần đi khắp làng trên xóm dưới cho công việc của mình, chị Th. và người đàn ông này đã gặp nhau và kết quả của mối tình vụng trộm này là cái thai trong bụng chị Th. ngày càng lớn. Ba mẹ chị Th. kiên quyết phản đối mối quan hệ này nhưng đã muộn.
Tờ giấy khai sinh của Đỗ Thị Thúy Phượng với phần tên cha bị bỏ trống |
Đứa bé được sinh ra và đặt tên là Đỗ Thị Thúy Phượng. Lúc đó, ba mẹ con vẫn được ông bà ngoại nuôi nấng chăm nom. Bà Cao Thị Ba vẫn nhớ như in câu nói của cha Phượng: “Con thương em Th. hơn bản thân mình. Nếu chết tụi con sẽ chết chung với nhau”. Những tưởng đó chỉ là câu nói vu vơ cho qua, nhưng ai ngờ...
Tiếng nổ kinh hoàng giữa đêm khuya và sự sống sót kỳ lạ của cô bé 14 tháng tuổi
Khoảng 3 giờ sáng ngày 20/7/2004, khi mọi người con đang ngủ thì bất ngờ một tiếng nổ lớn vang lên xé toạc màn đêm. Hàng xóm chạy đến, thì chỉ còn một hình ảnh thương tâm cùng mùi thuốc nổ bốc lên. Còn duy nhất Phượng sống sót, văng xa hơn 10m, 2 chân không còn và đang khóc thét vì đau đớn. “Chỉ có ông bà tổ tiên đỡ cho thì con bé mới có thể sống sót một cách khó tin đến như vậy”, bà Cao Thị Ba nhớ lại.
Bà Cao Thị Ba đang chăm cháu ngoại của mình trong Bệnh viện Tam Kỳ, Quảng Nam - Ảnh: Shelly Shepherd |
Bà Ba ôm chặt đứa cháu đang chảy máu đầm đìa ngồi sau chiếc xe máy cũ của người hàng xóm, chạy xuyên đêm gần 2 tiếng đồng hồ về phía Bệnh viện đa khoa Tam Kỳ. May mắn là khi ra đến đường quốc lộ thì họ gặp được xe cứu thương đang chạy ngược về hướng nơi xảy ra vụ nổ theo tin báo của chính quyền địa phương. Bé Thúy Phượng được các y bác sĩ sơ cứu và đưa ngay sang xe cứu thương để quay đầu trở lại Bệnh viện thị xã Tam Kỳ. Các bác sĩ quyết định cắt bỏ hẳn phần còn sót lại từ đầu gối trở xuống để giữ tính mạng cho bé.
Bà Cao Thị Ba sử dụng chiếc xe lăn của những nhà hảo tâm tặng để chăm Thúy Phượng trong bệnh viện - Ảnh: AP |
“Đã có lúc tôi thấy tuyệt vọng vì con gái đã mất, cháu lại tật nguyền và mồ côi”, bà Cao Thị Ba kể.
Trong thời gian ở bệnh viện, có lần một nhóm người nước ngoài ghé thăm và cho bà một chiếc xe lăn để hai bà cháu tiện di chuyển. Đây chính là những người Mỹ thuộc tổ chức phi chính phủ chuyên giúp đỡ trẻ mồ côi ở Mỹ có tên Touch a Life đang hỗ trợ tài chính cho một trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật tại thành phố Đà Nẵng. Họ hứa với bà Cao Thị Ba là sẽ giúp đỡ để đưa Thúy Phượng đến đó nuôi nấng và giúp bé có một đôi chân giả.
Cuộc đời đổi thay
Sau hơn một tháng nằm viện điều trị, Phượng đã được về nhà. “Lúc đó Phượng khoảng 1 tuổi rưỡi, bò trườn khắp nơi rất nhanh nhẹn dù không có chân. Ông bà ngoại thương cháu nên mua xi măng về tráng một khoảng nền để bé bò chơi”, chị Đỗ Thị Mỹ Duyên, chị gái cùng mẹ khác cha của Thúy Phượng kể lại với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM.
Chị Đỗ Thị Mỹ Duyên là người chị cùng mẹ khác cha với Thúy Phượng. Hiện chị Mỹ Duyên đã có gia đình riêng và đang sinh sống ở TPHCM - Ảnh: NVCC |
Ngày 2/11/2004, vào buổi trưa khi bà Cao Thị Ba đang đổ lúa ra phơi trên khoảng sân trước nhà thì đột nhiên xuất hiện một đám đông, cả người nước ngoài lẫn người Việt Nam, chạy xe máy ùa vào khiến người đàn bà quê mùa chất phác này hốt hoảng đến nỗi vứt bỏ mọi thứ chạy trốn vào trong nhà.
Một lúc sau bà mới biết, đây là nhóm người Mỹ trước đây đã ghé thăm hai bà cháu khi Thúy Phượng đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Tam Kỳ. Lần này, họ đến cùng với hai ông bà người Mỹ khác có tên là Rob và Shelly Shepherd.
“Chúng tôi nhìn thấy tấm ảnh cô bé ngồi trên đùi của một người phụ nữ trung niên, tay cầm mấy quả nhãn, đôi chân băng bó bằng những lớp băng y tế trắng toát”, ông Rob Shepherd kể lại với hãng tin AP khoảnh khắc hai vợ chồng ông nhận được những tấm ảnh do người bạn Mỹ ghé bệnh viện Tam Kỳ thăm Thúy Phượng và chụp lại gửi sang Mỹ cho vợ chồng ông.
Tấm ảnh bé Thúy Phượng cùng bà ngoại trong bệnh viện mà ông bà Rob và Shelly Shepherd đã nhìn thấy khi đang ở Mỹ và khiến họ quyết định sang Việt Nam để đưa bé về Mỹ - Ảnh: AP |
Lúc đó, tự nhiên cặp vợ chồng người Mỹ này dâng lên một cảm xúc đặc biệt không thể diễn tả thành lời. Và từ sâu thẳm bên trong, một tình cảm thôi thúc khiến họ muốn được tự tay nuôi nấng đứa bé xa lạ trong ảnh đang sống ở một đất nước cách xa mình nửa vòng trái đất.
Ông bà quyết định bay sang Việt Nam, ngồi xe máy hàng tiếng đồng hồ rong ruổi trên những con đường gập ghềnh từ Đà Nẵng về tận làng quê nghèo xa xôi thuộc tỉnh Quảng Nam để đón cô bé khuyết tật mà họ chỉ mới được nhìn thấy qua những tấm ảnh.
Còn với bà Cao Thị Ba thì cái ngày hôm đó là những khoảnh khắc mãi in đậm trong tâm trí bà.
“Những người Mỹ vào nhà tôi, cùng với một cô phiên dịch người Việt. "Họ nói, muốn đưa Thúy Phượng sang Mỹ để có điều kiện chăm sóc y tế và lắp chân giả cho cháu. Sau khi cháu ổn định thì sẽ cho cháu về lại Việt Nam”, bà Cao Thị Ba nhớ lại.
Bà Cao Thị Ba đang bế Thúy Phượng trước khi trao cho vợ chồng người Mỹ. Đứng bên cạnh là chị gái Mỹ Duyên lúc đó mới 6 tuổi - Ảnh: Caters News |
Bà Cao Thị Ba cho biết thêm, lúc đó những người Mỹ muốn xin cả người chị 6 tuổi cùng mẹ khác cha của Thúy Phượng là Mỹ Duyên để mang cùng sang Mỹ, nhưng vợ chồng ông bà lo lắng vì đã mất con gái rồi, giờ có thể mất luôn hai đứa cháu nên đã không đồng ý.
Sau khi đón Thúy Phượng lúc ấy được khoảng 20 tháng tuổi từ tay bà Cao Thị Ba, ông bà Rob và Shelly Shepherd đưa cô bé sang Mỹ và “bàn giao” cho một cặp gia đình người Mỹ khác đã nhận nuôi bé trước đó thông qua tổ chức Touch a Life.
Thế nhưng chỉ sáu ngày sau, do “không phù hợp với gia đình nhận nuôi” nên ngày 19/11/2004, Thúy Phượng được tổ chức Touch a Life mang về Carthage, một thị trấn nhỏ thuộc tiểu bang Missouri (Mỹ) nơi gia đình ông bà Rob và Shelly đang sinh sống để giao cho ông bà nuôi nấng chăm sóc theo nguyện vọng của họ.
Thúy Phượng cùng mẹ nuôi khi mới sang Mỹ - Ảnh: Caters News |
Đến lúc này, Thúy Phượng chính thức trở thành một thành viên trong đại gia đình của ông bà Rob và Shelly có 6 anh chị em với cái tên mới là “Haven” cùng một cuộc đời mới sang trang.
Bơi lội trở thành cái "nghiệp"
Sống trong một gia đình người Mỹ với những thành viên yêu thích thể thao, cô bé Haven cũng từng mơ ước được chơi các môn như bóng chuyền, bóng rổ, điền kinh... nhưng đôi chân giả của Haven không cho phép.
Đã có lúc bà Shelly nghĩ tình trạng khuyết tật là một trở ngại lớn cho Haven để theo đuổi một môn thể thao nào đó. Vì vậy, bà từng có ý định cho cô bé học piano, hay thậm chí là thêu thùa. Thế nhưng cuối cùng, họ đã chọn môn bơi lội khi nhớ lại lần đầu tiên đặt Haven vào bể bơi và nhìn thấy vẻ mặt đầy rạng rỡ của cô bé.
Haven cùng bố mẹ nuôi của mình ở Mỹ - Ảnh: Carters News |
Haven bắt đầu luyện tập môn bơi lội lúc lên 10 tuổi và chỉ 2 năm sau đó, cô bé tài năng này đã được tuyển chọn tham gia hàng loạt buổi huấn luyện ở cấp độ cao tại các trung tâm trên khắp nước Mỹ.
“Mỗi khi tháo đôi chân giả ra và nhảy ùm xuống làn nước mát lạnh, em cảm nhận được sự tự do vô hạn mà mình có được. Ở đó, em hoàn toàn thoải mái mà không gặp bất cứ cản trở nào đến cho mình”, Haven nói.
Haven luyện tập miệt mài để chinh phục những mục tiêu lớn mà bản thân cô đang mong đợi - Ảnh: FB Haven Shepherd |
Thời khóa biểu luyện tập mỗi ngày của Haven là chinh phục hơn 5.500 mét trong bể bơi, một thách thức không hề “dễ nhằn” nhưng cô không ngừng nỗ lực cố gắng vì những mục tiêu cao hơn. Và tháng 6/2021, Haven đã được chính thức lựa chọn trở thành một trong những nữ vận động viên bơi lội xuất sắc nhất của đoàn thể thao người khuyết tật Mỹ sang Nhật Bản để tham dự Paralympic Tokyo 2020.
Trước đó, bộ sưu tập thành tích của Haven cũng không hề nhẹ ký khi tháng 8/2019, cô đã mang về cho nước Mỹ 3 tấm huy chương tại Thế vận hội Parapan American Games tổ chức tại Lima (Peru). Năm 2018, tại giải bơi lội thế giới World Para Swimming World Series, Haven “ẵm” luôn 2 giải nhất cho nội dung 50m và 100m bơi sải. Còn năm 2017 thì cô giành giải nhất cho một loạt các nội dung bơi khác nhau được tổ chức tại giải bơi mở rộng Can-Am Open.
Haven chuẩn bị lên đường sang Nhật Bản để tham dự Paralympic Tokyo 2020 sẽ được tổ chức vào cuối tháng 8/2021 - Ảnh: NVCC |
Và giờ đây, nữ “kình ngư” gốc Việt này đang hướng tới thủ đô Tokyo của đất nước Mặt trời mọc, nơi cô được kỳ vọng sẽ tiếp tục mang vinh quang về cho thể thao của nước Mỹ tại Paralympic Games sẽ diễn ra từ ngày 24/8 đến 5/9/2021.
Nỗi lòng người ở lại
Kể từ khi trao Thúy Phượng cho cặp vợ chồng người Mỹ 17 năm về trước cho đến tận bây giờ, vợ chồng bà Cao Thị Ba vẫn không nguôi thương nhớ về đứa cháu gái bé bỏng của mình.
Nói chuyện với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, bà Cao Thị Ba kể, khoảng vài tháng sau khi Thúy Phượng sang Mỹ, vợ chồng bà có nhận được qua đường bưu điện 2 bức ảnh chụp sinh nhật Phượng lúc 2 tuổi gửi từ bên Mỹ về. Nhưng rồi sau đó, gia đình bà hoàn toàn mất liên lạc với gia đình người Mỹ nhận nuôi cháu của mình.
Vợ chồng ông bà Cao Thị Ba thường xuyên xem lại những tấm ảnh chụp Thúy Phượng khi mới 2 tuổi được gửi từ Mỹ về Việt Nam. Ảnh chụp ngày 7/8/2021 - Ảnh: Nguyễn Thuận |
Có vài lần bà Ba cùng chồng ra Đà Nẵng nhờ người biết tiếng Anh thử gọi sang Mỹ đến số điện thoại được ông bà Rob và Shelly Shepherd đưa cho mình từ năm 2004 để hỏi thăm tin tức cháu gái nhưng không thể liên lạc được.
Mãi đến năm 2020, một người hàng xóm nhìn thấy Haven trên báo nước ngoài và đã mang điện thoại thông minh đến nhà mở cho vợ chồng bà xem. Đến lúc đó, ông bà mới dám tin là cháu mình vẫn mạnh khỏe và đang có một cuộc sống tốt đẹp ở xứ người.
“Giờ đây vợ chồng tôi cũng lớn tuổi rồi, không biết còn sống được bao lâu nữa. Mong ước lớn nhất của chúng tôi trước khi nhắm mắt là được đón bé ở quê nhà tại Việt Nam, được ôm nó vào lòng như tôi đã từng ôm nó cách đây 17 năm".
Bà Cao Thị Ba bên di ảnh đứa con gái xấu số của mình, là mẹ ruột của Thúy Phượng. Ảnh chụp ngày 7/8/2021 - Ảnh: Nguyễn Thuận |
"Tôi muốn cho con bé biết rằng, nó vẫn còn có quê cha đất tổ, có họ hàng, có ông bà, có ông ba ngoại và chị gái vẫn luôn thương nhớ hết mực”, bà Cao Thị Ba nói, nước mắt ướt nhòe khuôn mặt khắc khổ già nua.
Nguyễn Thuận