Những Cô Dâu Ngoại Quốc Thành Danh ở Xứ Sở Kim Chi

 PNO - Trong số hàng chục ngàn phụ nữ ngoại quốc sang làm dâu ở xứ sở kim chi, ngày càng có nhiều tấm gương điển hình với khả năng hòa nhập và ý chí vươn lên làm chủ số phận của mình.

Kể từ những năm 1990, chính phủ Hàn Quốc đã có đề ra một số chính sách nhằm khuyến khích nam giới kết hôn với phụ nữ ngoại quốc. Những người đàn ông này hầu hết có gốc gác ở nông thôn và những miền quê nghèo không đủ khả năng để lấy vợ người bản địa.
Các cô dâu ngoại quốc đang thực hành mặc trang phục Hanbok truyền thống của Hàn Quốc - Ảnh: Yonhap
Các cô dâu ngoại quốc đang thực hành mặc trang phục Hanbok truyền thống của Hàn Quốc - Ảnh: Yonhap

Thế nhưng, cuộc sống của những người phụ nữ “di cư theo diện kết hôn” ở Hàn Quốc thường không mấy dễ dàng bởi những định kiến và rào cản văn hóa, ngôn ngữ ở xứ người. Bên cạnh đó, nạn xâm hại và bạo hành gia đình xảy ra thường xuyên cũng là vấn đề nhức nhối mà những người phụ nữ này phải đối mặt.

Thế nhưng, bên cạnh những bức tranh đậm sắc màu u ám thì vẫn có không ít những tấm gương tích cực với thành quả đáng nể phục thể hiện sự kiên trì không lùi bước để có thể hòa nhập và vươn lên trong đời sống xã hội nhiều thách thức ở xứ sở kim chi.

Cô Kim Hana chạm mặt chồng của mình lần đầu tiên ở buổi hẹn gặp do người cô tổ chức tại một làng quê ở Nepal. Chú rể tương lai này đã phải bay từ Hàn Quốc sang và chỉ 3 ngày sau, họ đã đồng ý tổ chức đám cưới cùng nhau. Và cũng chỉ ít lâu sau đó, cô dâu đã gạt nước mắt tạm biệt gia đình để lên máy bay về nhà chồng ở Hàn Quốc.

Theo cô Kim thì việc những người trẻ ở đất nước cô chấp nhận ly hương để ra nước ngoài học tập, làm việc, hay thậm chí lập gia đình không phải là một điều bất bình thường, nhất là khi mà cơ hội việc làm và phát triển bản thân ở Nepal hầu như rất hạn hẹp.

Cô Kim Hana là một trong số ít người phụ nữ nước ngoài được làm cảnh sát ở Hàn Quốc - Ảnh:
Cô Kim Hana là một trong số ít người phụ nữ nước ngoài được làm cảnh sát ở Hàn Quốc - Ảnh: NVCC

Cuộc sống của Kim cứ thế trôi đi với không ít buồn vui và cả những trở ngại khó khăn mà một cô gái ngoại quốc làm dâu xứ người như cô phải đối mặt. Và rồi, sau 11 năm nỗ lực không biết mệt mỏi, giờ đây cô cảm thấy thật vinh dự khi là một trong số rất ít người không phải là gốc Hàn nhưng lại được khoác lên mình bộ cảnh phục của cảnh sát Hàn Quốc và làm việc tại bộ phận hỗ trợ cộng đồng người Nepal sinh sống tại xứ Hàn.

“Vẫn có không ít lời dèm pha rằng tôi làm sao mà giỏi giang được như những đồng nghiệp người Hàn… Tuy nhiên, tôi cũng không bận tâm lắm bởi công việc bận rộn cứ cuốn tôi đi”, người phụ nữ  Nepal 31 tuổi tâm sự.

“Bất cứ khi nào tôi khoác lên mình bộ cảnh phục thì người dân nào cũng có thể được tôi bảo vệ mà không gặp vấn đề gì chỉ vì vẻ ngoài của tôi trông không giống người Hàn Quốc”.

Nhập cư vào Hàn Quốc bằng “hộ chiếu hôn nhân” bùng nổ

Theo dữ liệu được cung cấp bởi một tổ chức do nhà nước quản lý có tên gọi “Trung tâm Hỗ trợ Gia đình Đa văn hóa” thì con số phụ nữ ngoại quốc đến Hàn Quốc và lấy chồng người bản địa đã tăng gấp nhiều lần trong những năm gần đây, từ gần 121.000 người năm 2007 lên đến khoảng 288.000 người năm 2019.

Đây là minh chứng cho việc kết hôn giữa phụ nữ bên ngoài Hàn Quốc với đàn ông bản địa là một hiện tượng phổ biến.

Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là những định kiến nặng nề dành cho các cô dâu ngoại giảm đi. Họ vẫn bị xã hội Hàn Quốc soi xét với ánh mắt kì thị và phân biệt đối xử.

“Tôi vẫn còn nhớ như in cái hôm tôi bế đứa con trai nhỏ của mình bước lên chiếc xe bus để đi đến nhà trẻ”, một người phụ nữ Việt Nam giấu tên kể lại. “Một người đàn ông Hàn Quốc đã hét lên đầy giận dữ với tôi chỉ vì tôi là người nước ngoài”.

Một trung tâm trợ giúp xã hội dành cho phụ nữ nước ngoài làm dâu tại Hàn Quốc - Ảnh:
Một trung tâm trợ giúp xã hội dành cho phụ nữ nước ngoài làm dâu tại Hàn Quốc - Ảnh: Modoo Library

Theo thống kê của các tổ chức phi chính phủ tại Hàn Quốc thì phụ nữ Việt Nam có tỷ lệ đông nhất, chiếm khoảng 1/3 số cô dâu ngoại quốc ở nước này.

Và để hỗ trợ cho sự hòa nhập và tiến bộ của các cô dâu người nước ngoài chọn Hàn Quốc làm quê hương, những năm gần đây, chính phủ Hàn Quốc đã có những cải thiện đáng ghi nhận, mà điển hình là việc thành lập các trung tâm hỗ trợ đa văn hóa bắt đầu từ năm 2008.

“Giờ đây, đã có một cộng đồng đông đảo người nước ngoài sinh sống tại Hàn Quốc. Và tôi được gặp nhiều người phụ nữ đến từ những quốc gia khác nhau khi đang thực thi nhiệm vụ của mình hàng ngày”, cô Kim kể.

Cô Won Ok Kum, một cô dâu Việt tại Hàn Quốc cũng chỉ gặp chồng mình lần đầu tiên khi anh ấy đến tìm cô tại một làng quê nhỏ ở Việt Nam.

Giờ đây, con gái của gia đình nông dân nghèo ngày nào đã chạm được tay vào tấm bằng thạc sĩ Luật hành chính tại một trường Đại học ở Hàn Quốc. Trước đó cô còn vinh dự được nắm giữ vị trí Thị trưởng danh dự của thành phố Seoul.

Cô Won Ok Kum, một cô dâu Hàn Quốc người Việt Nam đã vươn lên và thành công ở xứ người - Ảnh: BBC
Cô Won Ok Kum, một cô dâu Hàn Quốc người Việt Nam đã vươn lên và thành công ở xứ người - Ảnh: BBC

Hiện tại, cô đang tiếp tục công việc của một nhà hoạt động xã hội tích cực đấu tranh chống lại tình trạng phân biệt đối xử với những người lao động nhập cư đang làm việc tại Hàn Quốc, trong đó có cả những cô dâu người Việt Nam đang sinh sống tại đây.

Khi cô Kyla rời quê nhà ở Philippines để sang Seoul lập nghiệp vào năm 1999, người phụ nữ 24 tuổi này còn thậm chí không thể nói được một câu tiếng Hàn cho trọn vẹn với người chồng Hàn Quốc của mình.

Họ gặp và đến với nhau nhờ vào dịch vụ mai mối của một công ty chuyên tìm kiếm cô dâu cho đàn ông Hàn Quốc. Thế nhưng sau một thời gian chung sống, chồng của cô đã sa vào cờ bạc rượu chè để rồi bỏ đi khỏi nhà và cắt đứt mọi sự hỗ trợ tài chính cho cô cùng 3 đứa con nhỏ.

Tình thế khó khăn sau đó đã khiến Kyla phải tìm đủ thứ nghề để kiếm kế sinh nhai.

“Tôi làm việc quần quật bất kể ngày đêm mà vẫn không thể kham nổi chi phí cuộc sống đắt đỏ ở thành phố này”, Kyla kể.

Thế nhưng bằng sự kiên trì và nỗ lực không ngừng nghỉ, giờ đây cô đã tạm ổn với công việc của một nhân viên xã hội chuyên hỗ trợ cho các cô dâu ngoại quốc khi họ có việc phải tiếp xúc với cảnh sát và các dịch vụ an sinh xã hội.

Theo cô Kyla thì việc kết hôn với một người chồng Hàn Quốc không chỉ có nghĩa là trở thành một thành viên trong gia đình của họ, mà còn phải hòa nhập vào văn hóa và nếp sống của nhà chồng. Chính vì vậy mà vai trò của các trung tâm trợ giúp đa văn hóa là hết sức quan trọng và cần thiết.

Những trung tâm hỗ trợ cô dâu ngoại quốc đóng vai trò quan trọng trong việc giúp họ có thể hòa nhập vào cuộc sống ở xứ người - Ảnh: Jo Yong-Hak/Reuters
Những trung tâm hỗ trợ cô dâu ngoại quốc đóng vai trò quan trọng trong việc giúp họ có thể hòa nhập vào cuộc sống ở xứ người - Ảnh: Jo Yong-Hak/Reuters

Hiện cuộc sống của cô Kyla đã tạm ổn định trong khi các con cô hầu như đã hòa nhập trọn vẹn vào đời sống của Hàn Quốc. Cô con gái út thì đang theo đuổi nghề nghiệp của một ngôi sao K-Pop, cậu trai thứ vừa xin được việc trong một công ty phần mềm còn cậu con trai trưởng thì đang thực hiện nghĩa vụ quân sự trong lực lượng Hải quân.

“Tôi đã và đang làm mọi thứ để các con tôi có thể tỏa sáng”, cô Kyla nói với nụ cười hạnh phúc trên môi.

Nguyễn Thuận (theo BBC)

Những cô dâu ngoại quốc thành danh ở xứ sở kim chi - Báo Phụ Nữ (phunuonline.com.vn)