Xóm vắng… đàn ông


PNO - Bà Ánh nói: “Thôi con, không có đàn ông, con trai ở nhà, phụ nữ mình… có gì xài nấy”. Và bà tin, một ngày không xa, cả xóm sẽ lại rộn ràng, xôn xao như trước.


“Mưa rồi, giông to lắm anh ơi!”, “Rồi rồi, cái mái che sập phải hông?”, “Trời, nó đè lên chiếc xe anh rồi! Dạ, em không ra ngoài đâu. Yên tâm, em ở yên trong nhà…” - tiếng chị Trần Thị Trang gọi điện thoại cho chồng gấp gáp trong cơn mưa giông chiều…


Những ông chồng “ba tại chỗ”


Suốt một tháng qua, cả khu trọ ở số 163 đường số 1, ấp Tân Định, xã Tân Thông Hội, H.Củ Chi, TP.HCM trở nên vắng lặng. Các chị Trang, Thuận, Linh, Thu Hiền, Ngọc Hiển… đều tạm mất việc, do công ty may của họ phải nghỉ làm, thực hiện giãn cách xã hội từ sau ngày 9/7. 


Ngẫu nhiên làm sao, các anh chồng của các chị đều phải tăng ca, đi làm trong các công ty sản xuất bánh tráng, hạt điều, thực phẩm… những nơi đủ điều kiện làm việc “ba tại chỗ”. 


Hầu như cả xóm đều cùng cảnh như nhau. Hầu hết các phòng trọ chỉ có hai vợ chồng và một đứa con. Trong đó, người “khỏe” nhất là chị Trang.


Con gái chị đã lớn, cũng là công nhân may nên cô bé xin ba mẹ cho thuê riêng một phòng trọ liền kề để vừa sinh hoạt tự do vừa dành không gian riêng cho ba mẹ. Các chị công nhân cho biết, họ đa phần quen nhau, đều là bà con xa và đều làm việc ở những công ty may, xưởng cơ khí, nhà máy chế biến bánh tráng, thực phẩm… gần quanh khu trọ.


Đại gia đình bà Nguyễn Thị Hai, người thuê căn nhà lớn của khu trọ và gia đình bà Ánh - chủ nhà trọ - thì hơi khác một chút.


Bà Hai quê ở Kiên Giang, góa chồng từ lâu, hai năm qua, bà lên nơi này sống chung với hai con trai, hai dâu và ba cháu nội. Công ty của cả bốn người con của bà đều đạt yêu cầu sản xuất “ba tại chỗ”, nên cả tháng trời, không ai được về nhà. 


Còn bà Ánh ở vườn phía sau dãy nhà, cuối tuần nào cũng đón con cháu từ Q.12 về vườn chơi. Nay thực hiện giãn cách, các con bà công tác ở UBND các phường trong nội thành đã được xung quân vào lực lượng tuyến đầu chống dịch.


Chồng bà Ánh, một lần xuống giữ cháu ngoại cho con gái đi công tác, rồi kẹt luôn ở nhà con gái. Vợ chồng đều 71 tuổi, lần đầu xa nhau cả tháng trời, ông bà gặp nhau qua Zalo để hỏi nhau có gì ăn không và dặn dò nhau đủ thứ chuyện. 


Chẳng còn ai để… càm ràm 


Ngày trước, các con đi làm, bà Hai giữ các cháu, chiều về, con ai trả cho nhà nấy. Bà Hai nấu cơm, tụi nhỏ chơi đồ hàng, bà ra sân nhổ cỏ, tưới cây cho khoảnh vườn rau thơm, hành, sả, mấy đứa bé 3-5 tuổi cũng lẫm chẫm theo bước chân bà, líu ríu vui…


Thế nhưng, từ giữa tháng Bảy, cả hai cặp con trai, con dâu phải vào công ty làm việc “ba tại chỗ” thì căn nhà lớn ấy không yên ả nữa. Cứ chiều chiều, cả xóm lại nghe giọng bà Hai: “Thằng Bi, xoay qua cho nội rửa ráy nè”, “Bông, ăn đi con, ăn cho mẹ yên tâm, lát mẹ gọi Zalo về còn khoe với mẹ!”.


Thi thoảng bé Bông lăn ra khóc nhè: “Nhớ mẹ, nhớ mẹ!”, Rồi thì bé Bi, bé Tâm cũng òa khóc theo… Thấy các cháu cứ gây ồn ào xóm trọ, bà Hai rầu lắm, gặp ai bà cũng phân trần: “Mấy em thông cảm, tụi nhỏ nhớ ba mẹ quá mà!”.


Ừ thì nhớ. Cả xóm đang chìm trong nỗi nhớ. Những ngày bình thường trước khi dịch tới, sáng sáng hầu như nhà nào cũng khóa trái cửa, mang con nhỏ gửi trẻ gần đó, con lớn thì tự đạp xe đi học, ba mẹ các bé đều đến công ty, nhà xưởng làm việc.


Chiều, tầm 17, 18 giờ, các gia đình cùng về, cả xóm ồn ào, náo nhiệt, đủ loại âm thanh, con ngõ nhỏ ban ngày xôn xao. Hơn 21 giờ, người nhà nào vô nhà nấy, khóa cửa phòng… 


Nay, vắng chồng, Trang lại mở nhạc, lấy nhịp song lang ra gõ, hát tài tử và… tự nghe. Trang có giọng ngọt lịm, chồng Trang chơi đàn kìm, kéo nhị rất hay. Thường khi anh ở nhà, cuối tuần, hay kéo vợ chồng Thuận sang đàn hát.


Có khi hát ca ồn quá, họ bị bà Ánh mở cổng rào nhắc nhở. Cũng có khi trong trận đàn hát đó, cánh đàn ông có uống chút rượu bia, lời qua, tiếng lại, cãi nhau, phòng trọ bên này dọa bên kia nếu không im sẽ mời ông tổ trưởng, báo công an khu vực… 

Nhưng từ khi dịch giã, xóm vắng đàn ông, tiếng hát của Trang sao nghe não ruột. Chịu không nổi, có khi 21 giờ, chị Linh gõ cửa phòng năn nỉ: “Trang ơi! Đừng hát nữa!”. 


Bà Ánh thở dài: “Tội nghiệp, tụi nhỏ vắng chồng nên buồn”. Thuận nói: “Buồn thiệt nghen cô! Nhiều khi ảnh ở nhà thôi chứ có làm gì đâu. Mà có khi ngó cái mặt hay nhìn ảnh nằm dài, tan ca trước con mà về ngủ, quần áo phơi khô không lấy vô dùm để mưa ướt nhẹp là con cự nự…”.


Linh nghe xong cũng chép miệng: “Ừa, mấy ổng ở nhà không làm gì cả, nhưng còn thấy nhau. Giờ thì không có ai để cự nự, càm ràm…”.


Cả xóm cứ vậy mà đi qua những ngày giãn cách hiu hắt. Sân vườn nhà bà Ánh, con vàng không còn sủa inh ỏi mỗi sáng, mỗi chiều báo hiệu mấy anh chị công nhân đi làm hoặc tan ca nữa. Nhìn con vàng buồn hiu, con mèo tam thể cũng chạy quẩn quanh cạnh nó như an ủi. 


Bà Ánh vẫn ra vườn ngày ngày kiếm mấy trái chanh, cắt đọt bạc hà, hái khế, đu đủ mang treo ở cổng rào, nhắn Zalo gọi các cô công nhân ra lấy. Nhận quà, họ nhắn lại: “Con cảm ơn cô nè. Cô có cần gì không? Nay con đi chợ mua giúp. Cô lớn tuổi, đừng ra ngoài, tiếp xúc nhiều không có tốt!”.


Bà Ánh nghĩ, thôi tạm lúc mình không chồng, không con, còn mấy đứa nhỏ nhà trọ thương nhau cũng được. 


Đọc toàn bài ở link https://www.phunuonline.com.vn/xom-vang-dan-ong-a1443153.html