Phân Tích “Dữ Liệu Lớn-Big Data” Cho Thấy Mức Độ Đáng Kinh Ngạc về Bất Bình Đẳng Giới trong các Ngành Sáng Tạo

 



Tác giả: Cath SleemanQuantitative Research Fellow, Nesta 

Người dịch: Phan Thị Đông Hoài-GV Trường Đại Học Hoa Sen (HSU)

 

Thuật ngữ “dữ liệu lớn” có thể gợi nhớ hàng loạt thông tin cá nhân được bảo mật bởi những công ty công nghệ. Nhưng thực tế, mọi người đều nhìn thấy rất nhiều “dữ liệu lớn” khác nhau, chẳng qua, chúng ta không nghĩ đó là “dữ liệu”.

Gần đây, nếu bạn đi xem phim, bạn sẽ thấy dữ liệu về danh sách liệt kê các diễn viên và thành viên cùng với những vai trò đảm nhiệm của họ trong đoàn phim. Trong khi một danh sách của bất kỳ một bộ phim nào đó có thể không mang lại những thông tin cần thiết, nhưng danh sách của các bộ phim lại tạo nên một “dữ liệu lớn”. Tại Nesta và PEC (một trung tâm bằng chứng và chính sách mới cho các ngành sáng tạo), chúng tôi đã và đang tìm hiểu làm thế nào mà những loai “dữ liệu lớn” không bảo mật này lại có thể đưa ra những thông tin đại diện về giới tính trong ngành sáng tạo.

Theo truyền thống, đại diện về giới tính được đánh giá bằng cách sử dụng các cuộc khảo sát về người lao động.  Nhưng hầu hết các cuộc khảo sát đã không diễn ra trong thời gian dài và có thể mất vài năm (mới thực hiện tiếp một cuộc khảo sát mới) trước khi chúng tôi có thể biết được các nhóm giới tính được thay đổi ra sao.  Ngoài ra, các cuộc khảo sát thường không vượt ra ngoài việc đếm số lượng phụ nữ và nam giới - do đó, không thể giúp làm rõ về mức độ nổi bật của từng nhóm trong quá trình sáng tạo. hoặc cách họ được miêu tả trong một loại hình nghệ thuật cụ thể.

Đào sâu vấn đề

Gần đây, chúng tôi đã xem báo cáo của các phương tiện truyền thông về phụ nữ trong ngành sáng tạo, bằng việc sử dụng hơn nửa triệu bài viết từ các mục (Sách, Phim, Thời trang và Trò chơi) liên quan đến các ngành sáng tạo của báo The Guardian từ năm 2000 đến 2018.

Trong năm năm qua, đã có một sự gia tăng đáng kể về những tài liệu tham khảo lên quan đến phụ nữ. Từ năm 2000 đến năm 2013, những đại từ nói về giới tính liên quan đến phụ nữ trong các bài báo (ví dụ: “anh ấy” và “cô ấy”) chỉ còn là con số dưới một phần ba. Nhưng điều này đã thay đổi trong giai đoan 2014 đến 2018 tỷ lệ này đạt được 40%. Ngược lại, các loại giới tính ở những người lao động trong các ngành sáng tạo ở nước Anh vẫn không thay đổi và vẫn ở mức khoảng 37% trong những năm gần đây

Chúng tôi cũng đã nghiên cứu những từ theo sau đại từ “anh ấy” và “cô ấy”, để hiểu rõ hơn về chân dung của những người làm công việc sáng tạo trên các phương tiện truyền thông.  Điều này cho chúng tôi thấy rằng, so với nam giới, người ta tập trung nhiều hơn vào những âm thanh cụ thể do phụ nữ tạo ra, chẳng hạn như “cười”, “khóc”, “cười khúc khích” và “những lời thì thầm” và những phản ứng không lời, chẳng hạn như “nụ cười ”, “cười toe toét ” và “gật đầu”.  Những từ này không bao giờ được sử dụng thường xuyên, nhưng khi được sử dụng, chúng có nhiều khả năng ám chỉ phụ nữ nhiều hơn nam giới (so với các từ khác).

Ngược lại, những từ liên quan đến những thành tựu sáng tạo trong quá khứ và các hoạt động lãnh đạo thường đề cập đến nam giới. Ví dụ: bạn có thể thấy được từ “anh ấy chỉ đạo” nhiều hơn là “cô ấy chỉ đạo”, hoặc tương tự các từ khác “anh ấy thực hiện”, “anh ấy thiết kế”, “anh ấy quản lý” và “anh ấy thành lập”. Phát hiện này cho thấy sự mất cân bằng về giới tính kéo dài trong các ngành sáng tạo.

Trong một nghiên cứu khác, chúng tôi đã sử dụng dữ liệu từ Viện Phim Ảnh Anh quốc (BFI) có chứa danh sách đoàn phim từ các bộ phim dài tập đã được công chiếu.

Sau khi BFI phỏng đoán giới tính từ tên gọi của họ, chúng tôi nhận thấy rằng các loại giới tính trên màn ảnh không thay đổi đáng kể, kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ II - và vào năm 2017, phụ nữ vẫn chỉ chiếm khoảng 30% trong danh sách diễn viên và 34% trong danh sách đoàn làm phim.

Dữ liệu này cũng cho thấy sự phân biệt giới tính trong việc phân vai các nhân vật trên màn ảnh. Ví dụ, kể từ năm 2005, chỉ có 16% nhân vật “bác sĩ” (trong những vai không tên)  trên màn ảnh là do phụ nữ đảm nhận, thực tế cho thấy tỷ lệ  bác sĩ nữ ở Anh là 46%.

Sự công bằng trong ngành sáng tạo

Chúng tôi hoàn toàn không phải là nhà nghiên cứu duy nhất cho thấy tiềm năng của các nguồn dữ liệu lớn không bảo mật để cung cấp thông tin về các chỉ số giới tính trong các ngành sáng tạo. Các nhà nghiên cứu tại Google, phối hợp với Viện Geena Davis, đã sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt và giọng nói để chỉ ra rằng trong 100 phim hành động-người thật có doanh thu cao nhất ở Mỹ, từ 2014 đến 2016, phụ nữ chỉ chiếm 36% thời gian xuất hiện trên màn hình và 35% thời lượng phát biểu.

Trong khi các nghiên cứu “dữ liệu lớn” có thể làm phong phú thêm các biện pháp đa dạng, có hai nguồn quan trọng về những định kiến tiềm ẩn. Đầu tiên, chúng ta hầu như luôn luôn suy luận về giới tính - từ khuôn mặt, tên riêng hoặc một đại từ - và do đó, chúng ta có thể hiểu sai giới tính của một người. Thứ hai, các phương pháp suy luận này thường chỉ phát hiện giới tính “nam” hay “nữ”, nhưng loại trừ hoặc phân loại sai bất kỳ ai rơi vào phi nhị giới. Vì những lý do này, các phương pháp “dữ liệu lớn” không thể thay thế cho các cuộc khảo sát - vì các cuộc khảo sát cho phép mọi người tự xác định bản dạng giới và quyết định không tham gia

Dù có những định kiến ​​tiềm ẩn, vẫn còn có nhiều nguồn “dữ liệu lớn” có thể giúp làm rõ về tình trạng mất cân bằng giới tính, nếu như những dữ liệu này được cung cấp cho các nhà nghiên cứu.  Ví dụ: họ có quyền truy cập vào ảnh tĩnh và phụ đề của các bộ phim và các chương trình truyền hình để có thể đánh giá các hình ảnh, thông tin đa dạng, cũng như khi được quyền truy cập vào nội dung của nhiều tờ báo hơn sẽ cho phép các nghiên cứu rộng hơn về các báo cáo liên quan đên những người làm công việc sáng tạo trên phương tiện truyền thông.

Để nhận ra tiềm năng của những phương pháp mới này, chúng tôi khuyến khích và ủng hộ các tổ chức sáng tạo chia sẻ dữ liệu không bảo mật của họ một cách an toàn.  Điều đó hy vọng sẽ cho phép các nhà nghiên cứu sáng tạo hơn về việc đo lường bình đẳng giới trong các ngành sáng tạo của nước Anh.

Báo The Conversation và tác giả Cath Sleeman cho phép Gendertalkviet dịch sang tiếng Việt và đăng toàn văn. Thay mặt cho, Ban Biên Tập Gender Talk, chúng tôi xin gửi lời cám ơn chân thành tới Tác giả và Báo The Conversation cho phép chúng tôi đăng lại bài toàn văn. Sự đóng góp của Quý Báo The Conversation và tác giả rất quý giá và ý nghĩa. 

Source: Big data analysis reveals staggering extent of gender inequality in creative industries https://theconversation.com/big-data-analysis-reveals-staggering-extent-of-gender-inequality-in-creative-industries-121482

This article is republished from The Conversation under a Creative Commons license.