Cô gái mắc hội chứng Down sở hữu công ty làm bánh triệu USD
Nguyễn Thuận-PNO (theo CNBC)
PNO - Tốt nghiệp đại học nhưng không thể xin được việc làm, cô gái mắc hội chứng Down 26 tuổi quyết định khởi nghiệp bằng nghề làm bánh và trở thành triệu phú chỉ 5 năm sau đó.
Làm chủ vì... thất nghiệp
Năm 2017, cô Collete DiVitto tốt nghiệp đại học ở tuổi 26 và sẵn sàng cho cuộc sống tự lập của mình. Thế nhưng, tất cả các giám đốc nhân sự nơi cô nộp hồ sơ ứng tuyển đều từ chối tuyển dụng cô chỉ với một lý do là cô “không phù hợp với vị trí công việc” mà họ đang cần.
“Tôi thật sự muốn đi làm để tự nuôi sống bản thân. Thế nhưng không dễ để tìm được một công việc cho mình”, cô DiVitto, giờ đây đã 31 tuổi, nói với chương trình “Bạn đã làm được” (tiếng Anh: Make it) của đài truyền hình CNBC (Mỹ).
Cô Collete DiVitto quyết định khởi nghiệp với nghề làm bánh sau nhiều lần không xin được việc làm chỉ vì cô là người khuyết tật - Ảnh: Colletteys |
Xuất thân từ một gia đình có truyền thống kinh doanh, cô DiVitto - vốn là một cô bé được sinh ra với hội chứng Down - cũng rất có hứng thú với công việc làm ăn buôn bán bằng cách biến sở thích làm bánh của mình thành một công việc kiếm ra tiền. Và tất nhiên là mẹ của cô hết sức ủng hộ con gái mình bằng cách dạy cho cô những bài học cơ bản trong việc thành lập, vận hành và quản lý một cơ sở kinh doanh nhỏ của riêng mình.
Giờ đây, cô DiVitto đang là CEO của Collettey’s Cookies, một start-up chuyên sản xuất và phân phối bánh quy “nhà làm” cho nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị và cả trên các nền tảng bán hàng trực tuyến. Và theo tiết lộ của cô gái sinh năm 1990 này thì công ty của cô đã đạt được 1,2 triệu USD doanh thu chỉ sau 5 năm hoạt động kể từ tháng 12/2016.
Điều đặc biệt của Collettey’s Cookies là, 15 nhân sự làm việc cho công ty này đều là người khuyết tật nhờ bản thân lãnh đạo công ty cũng là người mắc hội chứng Down.
Đây chính là vấn đề mà bản thân cô DiVitto đã từng gặp phải trước đó khi thị trường lao động ở Mỹ không thật sự tạo điều kiện cho những người khuyết tật như cô làm việc. Theo báo cáo của Ủy ban Phân tích Lao động Mỹ (U.S BLS) thì trong năm 2020, chỉ có 17,9% người khuyết tật được tuyển dụng mà thôi.
“Tạo ra thêm nhiều công việc cho người khuyết tật chính là sứ mệnh của cuộc đời tôi”, cô DiVitto chia sẻ.
Khởi nghiệp bằng công thức làm bánh học được từ lúc 4 tuổi
Cô DiVitto có gen kinh doanh được di truyền từ ông nội và bố mẹ mình khi những thế hệ trước cô bắt đầu từ những công việc kinh doanh nhỏ, và phát triển dần thành các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn.
Cô DiVitto thành công nhờ kỹ năng làm bánh học được từ lúc 4 tuổi - Ảnh: Colletteys |
Ngay khi mới 4 tuổi, DiVitto đã được dạy cách làm và nướng bánh, để 14 năm sau đó, cô gái trẻ này mang những mẻ bánh quế nhân chocolate đến “ký gửi” tại quầy bánh địa phương có tên là Golden Goose Market ở thành phố Boston.
Có thể là may mắn, hoặc cũng có thể món bánh này thực sự ngon miệng nên những ngày tiếp theo, chủ tiệm bánh đặt hàng DiVitto với số lượng bánh lớn hơn.
“Em rất lo lắng trong những ngày đầu tập tành kinh doanh. Nhưng sau khi thấy bánh mình làm ra bán rất chạy, em trở nên tự tin hơn”, DiVitto kể.
Nhận thấy công việc này có tiềm năng phát triển, bố mẹ cô thôi không hối thúc con gái mình đi xin việc nữa mà quyết định đầu tư 20.000 USD (gần 500 triệu đồng) cho cô để mở rộng thêm không gian nhà bếp, mua sắm thêm dụng cụ làm bánh cũng như quảng bá dự án kinh doanh này lên mạng xã hội.
DiVitto nhận được sự tin tưởng và ủng hộ từ bố mẹ mình để thực hiện những kế hoạch cá nhân - Ảnh: Colletteys |
Chỉ 3 tháng đầu tiên từ khi chính thức bắt tay khởi nghiệp, DiVitto đã bán được 4.000 chiếc bánh quy, và con số tăng lên 550.000 chiếc bánh được bán ra không lâu sau đó.
Hiện nay, tiệm bánh mang tên Collettey’s Cookies do DiVitto làm chủ đang có hơn 40.000 người theo dõi trên Facebook và hơn 28.000 fan hâm mộ trên Instagram.
Kinh doanh để “trả nợ cuộc đời”
Mặc dù luôn ủng hộ con gái mình nhưng ban đầu, cả bố mẹ DiVitto vẫn không tin là cô có thể đảm đương được nhiệm vụ CEO của công ty Collettey’s Cookies do chính tay cô lập nên.
“Mặc dù con bé làm việc một cách chăm chỉ trong nhà bếp từ 4 giờ sáng mỗi ngày, và suốt cả tuần, nhưng nó vẫn là một người có khuyết tật về trí tuệ”, mẹ của DiVitto nói về nỗi băn khoăn của mình trước đây.
Cô DiVitte (giữa) đang hướng dẫn những bạn trẻ khuyết tật cách thức làm bánh và lập kế hoạch kinh doanh - Ảnh: Colletteys |
Thế nhưng cô Nadya Rousseau - người sáng lập và là CEO của công ty quảng cáo Alter New Media - lại đánh giá cao sự thành công của DiVitto khi cho rằng, đó là kết quả của sự tham vọng và tính cách quyết đoán của cô ấy.
“Tôi ấn tượng với cá tính của DiVitto, cực kỳ thẳng thắn và trung thực”, cô Nadya nhận xét.
Không chỉ tập trung vào việc kiếm tiền bằng việc bán bánh đang ngày càng ăn nên làm ra, DiVitto còn quan tâm đến sứ mệnh hỗ trợ người khuyết tật bằng cách lập nên Chương trình Lãnh đạo Collettey vào năm 2018 dành riêng cho nhóm người dễ bị tổn thương này.
Tháng 8/2021, DiVitto xuất hiện trong chương trình truyền hình thực tế để nói chuyện về cơ hội khởi nghiệp cho người khuyết tật mang tên “Sinh ra để làm kinh doanh” (tiếng Anh: Born for Business). Cô còn là tác giả của quyển sách dành cho trẻ em phát hành năm 2021 mang tên “Collette đi mẫu giáo” (tiếng Anh: Collette in Kindergarten) kể về chính cuộc đời của mình, một cô bé mắc hội chứng Down.
Quyển sách kể về cuộc đời mình do chính DiVitto chắp bút và xuất bản năm 2021 - Ảnh: linktr.ee |
Khi được hỏi về kế hoạch cho tương lai, DiVitto cho biết, cô mong muốn tạo ra thêm thật nhiều việc làm để giúp đỡ nhiều người khuyết tật hơn, mang lại cho họ “cảm giác tích cực về chính bản thân mình, đồng thời có thể làm việc kiếm tiền để sống một cuộc sống tự lập”.
Thay mặt cho, Ban Biên Tập Gender Talk, chúng tôi xin gửi lời cám ơn chân thành tới Tác giả Nguyễn Thuận và Báo PNO-Phụ Nữ Online vì cho phép chúng tôi đăng lại bài toàn văn. Sự đóng góp của Tác giả và Quý Báo rất quý giá và ý nghĩa. Xin trân trọng cảm ơn!
Link bài gốc: https://www.phunuonline.com.vn/co-gai-mac-hoi-chung-down-so-huu-cong-ty-lam-banh-trieu-usd-a1454800.html