Cướp vợ
Phùng Nguyên-Góc Nhìn- VNExpress
Tôi ám ảnh mãi với chuyến đi đến trường THCS Kim Bon ở huyện vùng cao Phù Yên tỉnh Sơn La. Ở đó khi lớp học bỗng có nữ sinh lâu ngày không đến trường, nhiều người mặc định em đã bị cướp về làm vợ.
Cướp vợ là phong tục lâu đời, theo hình thức lược hôn của đồng bào dân tộc Mông, thường diễn ra vào mùa xuân. Khi đã "ưng nhau" từ trước, chàng trai thường rủ thêm các thanh niên khác đi "bắt" cô gái của mình. Cô gái chống cự lấy lệ rồi theo nhau về nhà sống chung. Sau đó một thời gian, cô được đưa về nhà bố mẹ đẻ, thực hiện các nghi lễ cưới hỏi truyền thống.
Nhưng phong tục theo thời gian bị biến tướng. Để có thêm người làm trong nhà, bất chấp con mình còn nhỏ tuổi, nhiều gia đình người Mông vẫn tổ chức "cướp" con gái người khác bất chấp đôi trẻ chưa hẹn hò, qua lại với nhau.
Tôi đến Phù Yên khi trước đó ít ngày một nữ sinh lớp năm THCS Kim Bon, trên đường đi học về, bị những người đàn ông mật phục kéo đi, đưa về nhà trai và nhốt vào buồng kín. Tôi cũng đã thấy ở trường Kim Bon có cậu học trò mới 12 tuổi phải miễn cưỡng làm chồng người lớn hơn mình năm tuổi do cha mẹ tổ chức cướp về.
Những buổi ngoại khóa về hủ tục cướp vợ và nạn tảo hôn đang dần thay đổi nhận thức người dân. Nhưng có trường hợp sau khi bị cướp, do lo sợ điều tiếng, cuối cùng cô gái đành chấp thuận.
Hiệu trưởng Hoàng Thị Thư chia sẻ rằng nạn tảo hôn và tục cướp vợ đã lấy đi những nữ sinh đang tuổi đến trường. Nhà trường luôn tổ chức vận động phụ huynh cho con em học tiếp nhưng câu trả lời thường là 'học tốn ngô, tốn công rồi cũng chỉ đi lấy chồng thôi".
Giàng Thị Mẩy là cô bé từng chứng kiến cảnh tượng chị gái mình, khi đó mới học lớp bốn ở trường này, bị ba thanh niên to khỏe kéo đi vào một ngày cuối đông. Chỉ biết bám víu vào những bụi cây ven đường, chị của Mẩy không chống cự nổi. Cha mẹ Mẩy đón nhận một cách bình thản, chỉ nghĩ đơn giản con gái mình sắp làm vợ người ta. Nhiều ông bố bà mẹ cũng như cha mẹ Mẩy, khi chính các gia đình họ được xây dựng nên từ hình thức cướp vợ.
Còn Mẩy sợ. Vì Mẩy đã học được nhiều điều hay từ trường, đủ để biết ước mơ và để sợ mình bị "cướp".
Ở trường THPT Quỳ Hợp 3 (Nghệ An), năm học 2015-2016 có bốn học sinh phải xin nghỉ vì bị "cướp". Năm 2016-2017 có ba em. Số lượng các vụ cướp vợ đang giảm dần nhưng chưa mất hẳn, thậm chí nghiêm trọng hơn, trở thành bắt cóc, buôn bán người. Cả trường Kim Bon có 280 học sinh nhưng chỉ 53 em nữ. Và không ai biết trước, số nữ sinh ấy sẽ vơi đi bao nhiêu khi mỗi mùa cướp vợ bắt đầu.
Mới đây, một bé gái ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang) bị một nam thanh niên cướp vợ. Video ghi lại cho thấy, cô gái chống trả trong khi đám đông chỉ đứng xem. Trước đó, những hình ảnh cướp vợ ở Sapa, Hòa Bình... cũng xuất hiện trên mạng xã hội. Tất cả đều có điểm chung: hành vi bắt vợ thô bạo, nạn nhân chống cự quyết liệt nhưng bất lực, diễn ra vào ban ngày, ở nơi đông người.
Nếu quá trình "cướp" được triển khai dựa trên sự đồng thuận ngầm của đôi trẻ, đây là một phong tục đẹp, tuân theo nguyên tắc tự do yêu đương, hôn nhân. Nhưng phong tục biến dần thành hủ tục đang đặt nhiều người trước rủi ro ảnh hưởng tới cả cuộc đời.
Hành vi cướp vợ thậm chí vi phạm quy định pháp luật, xâm phạm quyền tự do thân thể, tự do đi lại, cư trú, tự do hôn nhân của công dân, tảo hôn. Những người tham gia lôi kéo, bắt người cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.
...
Đọc tiếp bài từ LINK gốc tại đây: Cướp vợ (vnexpress.net)