Tết Nguyên Đán và những nét văn hóa đặc trưng của châu Á
Nguyễn Thuận - PNO
PNO - Với hơn một tỷ người dân châu Á đón Tết Nguyên Đán thì đây là một trong các lễ hội nhất được mong chờ cùng những giá trị văn hóa đặc trưng nhiều ý nghĩa.
Trong khi người dân tại các nước phương Tây háo hức cùng nhau đếm ngược để chào đón năm mới Dương lịch vào thời khắc cuối cùng của đêm 31/12/2021 thì cộng đồng các sắc dân ở châu Á lại dồn tất cả sự quan tâm vào Tết Nguyên Đán, bắt đầu vào ngày 1/2/2022.
Thế giới chuẩn bị chào đón Tết Nguyên Đán đang đến rất gần - Ảnh: Chris Southwood/City of Sydney |
Mặc dù được gọi bằng những cái tên khác nhau như Chūnjié trong tiếng Trung Quốc, Seollal trong tiếng Hàn Quốc và Tết trong tiếng Việt thì 15 ngày đầu tiên của tháng đầu tiên tính theo lịch âm chính là khoản thời gian đặc biệt được hơn 1 tỷ người mong đợi với những giá trị văn hóa truyền thống được làm sống lại một cách sinh động nhất.
Dọn dẹp nhà cửa
Người dân châu Á có chung quan niệm rằng, cần phải dọn dẹp nhà cửa thật tinh tươm để đón năm mới với mong muốn sẽ rước được nhiều lộc vào nhà mình. “Người ta tin rằng, đây là cách để tống tiễn những gì xấu xí, xui xẻo trong năm cũ ra khỏi nhà và chào đón những điều may mắn, tốt đẹp sẽ đến trong năm mới”, giáo sư Jianguo Chen tại Đại học Delaware (Mỹ) giải thích.
Người ta cũng trang trí nhà cửa với những vật dụng có màu đỏ như đèn lồng, câu đối… bởi đây là màu của sự may mắn, tiền tài, danh vọng, trường thọ.
Dọn dẹp nhà cửa đón Tết - Ảnh: Green Queen |
Trao nhau những câu chúc tụng tốt lành
Câu chúc “Happy new year” (Chúc mừng năm mới) được sử dụng một cách phổ biến trong những ngày Tết Dương lịch. Với Tết Âm lịch thì có một số câu chúc khác nhau tùy theo ngôn ngữ của từng nước. Chẳng hạn như ở Hàn Quốc, nơi dành sự tôn trọng đặc biệt cho những người cao tuổi, thì người ta thường chúc nhau bằng câu: “Saehae bok mani badeuseyo”, nghĩa là: “Mong bạn nhận được nhiều may mắn”.
Ở Trung Quốc, mọi người thường chào nhau bằng những câu như: “Gōng xǐ fā cái” trong tiếng Quan thoại” và “Gung hei faat coi” trong tiếng Quảng Đông, có nghĩa là: “Cầu chúc cho bạn một năm mới phát tài phát lộc và hạnh phúc viên mãn”.
Với người Việt Nam thì câu “Chúc mừng năm mới” cùng nụ cười thật tươi chính là món quà tốt đẹp mọi người trao cho nhau trong những ngày Tết đến xuân về.
Tết là dịp trao cho nhau những lời chúc tốt lành - Ảnh: CGTN |
Đoàn tụ với gia đình
Trong tâm thức của người dân châu Á, Tết là dịp của đoàn viên, của sự trở về quê hương bản quán, nơi có gia đình và những người thân yêu đang mong ngóng.
“Theo phong tục thì ngày đầu tiên của năm mới, mọi người thường đến thăm viếng ông bà, cha mẹ và những bậc cao niên để bày tỏ sự tôn kính, cũng như được nhận những lời chúc tốt lành từ họ”, giáo sư Chen nói. Đây cũng là dịp các gia đình tụ tập lại với nhau để cùng ăn bữa cơm đoàn viên, thăm hỏi động viên nhau và chúc nhau những điều tốt đẹp.
Với người Việt Nam, hầu như ai cũng thuộc nằm lòng câu tục ngữ: “Mồng Một Tết cha, mồng Hai Tết mẹ, mồng Ba Tết thầy” như là một truyền thống tốt đẹp.
Đại gia đình cùng quây quần bên mâm cơm ngày Tết - Ảnh: George Clerk/Getty Images |
Phong tục mừng tuổi
Một nét đặc trưng trong dịp Tết Nguyên Đán chính là phong tục mừng tuổi với những chiếc phong bao màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, phát tài.
Ở Trung Quốc, khi đến chúc Tết các cụ cao niên, người ta thường được tặng tiền đựng trong bao thư nhỏ màu đỏ gọi là “hónɡ bāo”. Với người Philippines thì những phong bao màu đỏ được gọi là “ang pao”. Còn người Việt Nam thì gọi là “lì xì” với phong bao được người lớn mừng tuổi cho các em nhỏ.
Ở Hàn Quốc thì ngược lại, tiền được người cao tuổi tặng nhân dịp năm mới được gọi là “sae bae don”, thường được đựng trong những chiếc phong bao màu trắng hoặc có hoa văn trang trí.
Trẻ em Việt Nam được người lớn trao tiền lì xì trong dịp Tết - Ảnh: itourvn |
Trang phục truyền thống dịp Tết
Để làm mới tủ áo quần của mình cũng như tạo ấn tượng tốt đẹp với ông bà cha mẹ, dịp Tết đến xuân về là thời điểm phù hợp để mọi người đi sắm sửa quần áo mới cho mình với những bộ đồ truyền thống.
Ở Hàn Quốc, trang phục truyền thống Hanbok được mặc trong những dịp trang trọng và những ngày lễ lớn như Tết Nguyên Đán. Phụ nữ Trung Quốc diện sườn xám. Còn phụ nữ Việt Nam tất nhiên không thể thiếu bộ áo dài thật đẹp để du xuân.
Phụ nữ Việt Nam diện áo dài du xuân - Ảnh: vietnam-culture |
Những món ăn đặc trưng
Bánh bao (hay còn gọi là Jiǎozi trong tiếng Quan thoại) được đặc biệt ưa chuộng bởi người dân Trung Quốc.
Do loại bánh này được tạo hình như những thỏi vàng - một loại tiền tệ thời nhà Minh (1368 - 1644) - nên người ta tin sẽ nhận được nhiều tài lộc khi ăn bánh bao trong những ngày Tết Âm lịch. Các bậc cha mẹ còn giấu một đồng xu bên trong bánh bao để đứa trẻ nào tìm thấy khi ăn trong đêm giao thừa thì sẽ được may mắn suốt năm.
Món bánh bao của người Trung Quốc - Ảnh: Twomeowws/Getty Images |
Người Hàn Quốc lại chọn món Tteokguk, hay còn gọi là canh bánh gạo, một món ăn truyền thống ngày Tết ở xứ sở kim chi.
Theo quan niệm của người Hàn Quốc, món canh này tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý bởi miếng bánh gạo trông rất giống những đồng xu cổ của người Hàn Quốc thời xa xưa.
Người Hàn Quốc ăn món canh bánh gạo trong những ngày Tết - Ảnh: habkorea |
Còn với người Việt Nam thì cặp bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm cúng gia tiên của mỗi gia đình. Trong tâm thức người Việt, chiếc bánh chưng vuông vức không chỉ là món ăn đơn thuần hằng ngày mà là nét đặc trưng của con người Việt Nam gắn liền với truyền thuyết “Bánh chưng, bánh dày” xuất hiện từ đời Hùng Vương thứ sáu.
Bên cạnh đó, chiếc bánh chưng còn gói ghém trong đó là cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, là sản phẩm của trồng trọt và chăn nuôi của những người dân Việt Nam chân chất, chăm chỉ một nắng hai sương.
Hình ảnh mọi người từ già đến trẻ quây quần bên nồi bánh chưng nghi ngút khói trong những ngày cuối năm tượng trưng cho một gia đình đầm ấm, hòa thuận và hạnh phúc.
Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết của người Việt Nam - Ảnh: vietnam-culture LINK gốc: Tết Nguyên Đán và những nét văn hóa đặc trưng của châu Á - Báo Phụ Nữ (phunuonline.com.vn) Thay mặt cho Ban Biên Tập Gender Talk, chúng tôi xin gửi lời cám ơn chân thành tới Tác giả Nguyễn Thuận và Báo PNO-Phụ Nữ Online vì cho phép chúng tôi đăng lại bài toàn văn. Sự đóng góp của Tác giả và Quý Báo rất quý giá và ý nghĩa. Xin trân trọng cảm ơn! |