PNO - Ở một quốc gia nơi phụ nữ bị xếp ở "chiếu dưới" trong bậc thang xã hội thì những bóng hồng làm lãnh đạo này chính là niềm cảm hứng để nhiều cô gái trẻ noi theo và vươn lên.
Cứ mỗi sáng sớm khi bình minh chỉ mới vừa bắt đầu ló dạng, nữ kỹ sư dầu mỏ Safa al-Saeedi đã sẵn sàng cho một ngày mới của mình.
Cô Safa al-Saeedi là một trong số ít nữ kỹ sư làm việc trong lĩnh vực khai thác và chế biến dầu mỏ ở Iraq - Ảnh: Hussein Faleh |
Nai nịt gọn gàng trong bộ đồ bảo hộ, cài khóa chiếc mũ bảo hiểm trên đầu, Saeedi nhanh nhẹn bước lên ô tô hướng đến khu khai thác và chế biến khí đốt nơi cô bắt đầu ngày làm việc mới với các đồng nghiệp nam, trong đó có không ít người là nhân viên dưới quyền quản lý của mình.
“Xã hội Iraq không chấp nhận việc một phụ nữ bước ra khỏi phạm vi bốn bức tường của gia đình để hòa nhập môi trường công việc ngoài xã hội”, cô gái 29 tuổi đang làm việc tại một hệ thống các giếng dầu ở phía nam của Iraq nói.
Saeedi là một trong 180 nhân sự nữ hiếm hoi làm việc cho tập đoàn Khí đốt Basrah nơi có tổng cộng hơn 5.000 cán bộ nhân viên đang làm việc.
Những bóng hồng này chính là hình mẫu và niềm cảm hứng cho nhiều cô gái ở quốc gia thuộc khu vực Trung Đông quyết tâm tìm kiếm công việc ở lĩnh vực khai thác dầu mỏ vốn được mặc định là chỉ dành riêng cho nam giới.
Cô Saeedi (bên phải) đang trao đổi công việc với đồng nghiệp ngay tại hiện trường với những giếng dầu khổng lồ sau lưng - Ảnh: Hussein Faleh |
Theo quan niệm phổ biến của một quốc gia xem “đàn ông là trên hết” như ở Iraq thì một ngày điển hình của những người phụ nữ không có gì khác ngoài vòng quay bất tận của vô vàn công việc nội trợ trong nhà.
“Không khác gì một lời nguyền đè nặng lên người phụ nữ với vai trò truyền thống của người vợ, người mẹ được mặc định gán cho họ từ ngàn đời nay”, Saeedi nhận xét. Ngay chính bản thân cô cũng thường xuyên phải nghe lời thúc giục của bố mẹ về việc cần phải lấy chồng trước khi quá muộn ở độ tuổi 30 của mình.
Tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động ở Iraq thuộc nhóm “thấp nhất trên thế giới” với chỉ 13%, theo một báo cáo được Quỹ phát triển Phụ nữ của Liên Hiệp Quốc (UN Women) công bố năm 2021.
Theo đó, mặc dù xã hội Iraq vẫn chấp nhận khả năng tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng cho cả phụ nữ và nam giới, tuy nhiên, “tình trạng phân biệt đối xử trong công việc đối với phụ nữ vẫn tồn tại một cách nặng nề”.
Chỉ có một tỷ lệ nhỏ phụ nữ ở Iraq được tham gia vào thị trường lao động, nơi được cho là lãnh địa riêng của đàn ông - Ảnh: Hussein Faleh |
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp Iraq ở vị trí “đội sổ” ở chỉ số cơ hội và sự tham gia của phụ nữ vào nền kinh tế quốc gia. Ngoài ra, quốc gia Trung Đông này còn có thành tích đáng xấu hổ với vị trí 152/153 quốc gia trên thang đo Chỉ số Bất bình đẳng Giới trên phạm vi toàn cầu năm 2020.
Cô Saeedi tốt nghiệp đại học năm 2014 với tấm bằng cử nhân Kỹ sư hóa dầu tại một trường đại học hàng đầu của Iraq, và ngay sau đó được tập đoàn Shell - một “ông lớn” trong lĩnh vực khai thác và kinh doanh dầu mỏ ở quy mô toàn cầu - tuyển dụng vào làm việc với những yêu cầu khắt khe, trong đó có cả quy định “thường xuyên đi công tác và làm ca đêm”.
Nhưng đối với Saeedi thì thách thức lớn nhất chính là sự phản đối gay gắt của chính mẹ mình bởi bà lo sợ rằng, cô con gái gái duy nhất của bà sẽ gánh chịu những lời đàm tiếu nặng nề từ họ hàng, hay thậm chí không thể lấy được chồng.
Thế nhưng, bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, cô đã đảm nhận xuất sắc công việc được giao và từng bước vươn lên những vị trí quản lý cấp cao trong công ty chế biến dầu mỏ Basrah, một liên doanh đặc biệt của hai “ông lớn” Shell và Mitsubishi dưới sự quản lý trực tiếp của chính phủ Iraq.
Sau những giờ làm việc vất vả, cô Saeedi dành cho mình những khoảnh khắc riêng như tập gym, chạy bộ - Ảnh: Hussein Faleh |
Đặc thù công việc đòi hỏi Saeedi phải ăn ở và làm việc ngay tại khu vực khai thác dầu mỏ hàng tháng trời. Sau một ngày làm việc với cường độ cao, cô thường dành thời gian để chơi thể thao hoặc chạy bộ quanh khuôn viên rộng ngút ngàn nơi chứa hàng trăm thùng phuy dầu khổng lồ có thể nhìn thấy khắp nơi.
“Tôi phấn đấu không mệt mỏi để được bổ nhiệm lên vị trí quản lý chỉ để chứng minh cho mọi người thấy rằng, phụ nữ Iraq không hề thua kém cánh mày râu trong bất cứ lĩnh vực nào”, Saeedi nói.
Mặc dù vậy, đây là điều không hề dễ dàng ở một đất nước nơi đàn ông chiếm hữu mọi thứ, kể cả quyền lực trong môi trường làm việc.
“Thậm chí khi mới nhận việc, tôi còn không dám mở miệng đặt câu hỏi khi có điều gì đó không rõ bởi luôn tự cho rằng, phụ nữ là thành phần lệ thuộc bất kể ở môi trường nào”, cô Dalal Abdelamir, kỹ sư hóa học 24 tuổi thổ lộ.
Điều duy nhất giúp những người phụ nữ như cô Saeedi và Abdelamir không chỉ có thể tồn tại mà còn vươn lên ở những vị trí lãnh đạo chính là sự tự tin và khao khát khẳng định bản thân trong một xã hội nặng nề với tư duy “trọng nam khinh nữ” như ở Iraq.
Nữ kỹ sư trẻ Dalal Abdelamir cho rằng, chỉ có nỗ lực vượt bậc thì phụ nữ mới có thể tồn tại và vươn lên trong một xã hội vốn không xem trọng phụ nữ như Iraq - Ảnh: Hussein Faleh |
Nguyễn Thuận (theo AFP)
LINK gốc Bóng hồng trên những giếng dầu ở xứ “vàng đen” - Báo Phụ Nữ (phunuonline.com.vn)
Thay mặt cho Ban Biên Tập Gender Talk, chúng tôi xin gửi lời cám ơn chân thành tới Tác giả Nguyễn Thuận và Báo PNO-Phụ Nữ Online vì cho phép chúng tôi đăng lại bài toàn văn. Sự đóng góp của Tác giả và Quý Báo rất quý giá và ý nghĩa. Xin trân trọng cảm ơn!