Thạc sĩ ở Anh: ‘Việt Nam không quá đi sau Tây về giáo dục giới tính’
Thiên Nhi- Zingnews
Không riêng ở Việt Nam mà cả các nước phát triển, giới tính và tình dục vẫn là chủ đề cấm kỵ giữa bố mẹ, con cái hoặc chưa có sự quan tâm, hướng dẫn đúng, đủ cho thanh thiếu niên.
Khoảng 10 năm trước, khi là sinh viên năm cuối đại học, chị Hà Phạm (hiện 31 tuổi), thạc sĩ về Entrepreneurship tại Vương quốc Anh, bắt đầu đặt ra những câu hỏi liên quan đến giới tính, tình dục và nhận ra mình không được học, không biết tìm thông tin tham khảo ở đâu.
Tại thư viện Hà Nội, chị Hà tìm được sách giáo dục giới tính (GDGT) cho thanh thiếu niên nhưng kiến thức trong đó rất giáo điều.
Ví dụ, khi nói về mang thai ngoài ý muốn, thay vì truyền đạt kiến thức làm thế nào để tránh thai, cuốn sách lại tập trung vào hậu quả của việc mang thai ngoài ý muốn là làm ảnh hưởng đến hình ảnh của gia đình và xã hội.
“Mình tự hỏi vì sao một cuốn sách trong thư viện thành phố, kiến thức thì không dạy mà lại nói điều sai lầm. Sau đó, mình tìm thông tin tiếng Anh để đọc nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc gõ keyword trên mạng để xem”, chị nhớ lại.
Năm 2019, sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ theo học bổng toàn phần Chevening của chính phủ Anh, có chứng chỉ về GDGT và các mối quan hệ, chị Hà thành lập kênh She Talks nhằm thực hành những gì mình học được. Đây là nơi chị chia sẻ kiến thức, trải nghiệm, góc nhìn đa chiều văn hóa về GDGT toàn diện tới các bạn trẻ ở Việt Nam.
“Mình muốn mang đến góc nhìn rất khác về sex và khuyến khích mọi người, đặc biệt là nữ giới, nói về chủ đề này một cách tự tin, thoải mái, văn minh nhất”, nữ thạc sĩ nói với Zing.
Lầm tưởng về sex
Theo chị Hà, khi nhắc tới sex, mọi người thường nghĩ đến cảm giác nóng bỏng, những điều mà chỉ nên tìm hiểu khi tối trời hay ở một mình.
Nhiều kiến thức mà các cá nhân tự nhận là sex educator (người dạy GDGT) ở Việt Nam chia sẻ như “Làm thế nào để nàng lên đỉnh?”, “Những tip để giữ lửa tình yêu”… cũng xuất phát từ nhu cầu của đám đông.
“Đây là điều lầm tưởng vì GDGT không phải chỉ về quan hệ tình dục, kỹ năng làm tình mà là kiến thức về cơ thể, yêu thương bản thân, nhận thức giá trị của bản thân, sự đồng thuận. Những thứ mọi người đang hỏi và chia sẻ với nhau trên mạng chỉ là bề nổi, không giải quyết được vấn đề gốc rễ”, chị nói.
Bên cạnh đó, mọi người vẫn ngại nói về chủ đề sex. Do đó, nhiều bạn trẻ hoang mang vì “nghe người ta nói” hoặc rơi vào bẫy thông tin không căn cứ.
Ví dụ, người lớn dạy con gái phải giữ lấy “cái ngàn vàng” nhưng chẳng ai nói màng trinh trông như thế nào. Hay như đám đông truyền nhau niềm tin rằng “tự sướng” (thủ dâm) là xấu xí và gây hại nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại mà không ai nói về sự thật đó.
Chị Hà cho hay mọi người đã quá quen với sự ngợi ca về tiêu chuẩn giáo dục của các quốc gia phương Tây, điển hình như Anh và Mỹ. Theo chị, điều này đúng trên nhiều phương diện và lĩnh vực nhưng với GDGT có lẽ là không.
Thực tế, GDGT ở đâu cũng là chủ đề gây tranh cãi. Nếu ở Việt Nam, mọi người tranh cãi có nên dạy GDGT sớm không thì tại Hà Lan, đất nước được coi là hình mẫu lý tưởng cho dạy GDGT, cũng có tranh cãi về việc nên đưa phim khiêu dâm vào dạy GDGT hay không.
Nhiều người Mỹ khá bảo thủ trong việc nói về GDGT cho thanh thiếu niên. Thậm chí ở đây từng có phong trào đấu tranh yêu cầu nhà trường không dạy về GDGT cho học sinh vì họ cho rằng điều đó sẽ khiến chúng quan hệ lung tung. Việc dạy GDGT tại các trường học ở xứ cờ hoa là tùy thuộc vào mỗi bang, thậm chí từng cơ sở giáo dục.
Còn ở Anh, quy định bắt buộc dạy về GDGT toàn diện cho học sinh mới được phổ cập khoảng từ năm 2017.
Chị Hà cho rằng hiện nay, Việt Nam cũng không quá tụt hậu so với Anh và Mỹ trong việc dạy về GDGT. Khoảng 2 năm gần đây, mọi người bắt đầu dấy lên việc tìm hiểu sâu và có nhiều thông tin hơn về GDGT. Tuy nhiên, sẽ vẫn cần nhiều nỗ lực và tiếng nói hơn để những kiến thức GDGT chính thống được lan tỏa.